7 Lưu ý khi đăng ký khai sinh

Những quy định pháp luật Hộ tịch liên quan đến việc đăng ký khai sinh nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của cả gia đình.

22/09/2021 - 19:58 GMT+7
 0  35
Theo dõi DocLuat trên Google News

Mục lục

1. Bao lâu kể từ ngày sinh thì phải đi đăng ký khai sinh?

2. Đăng ký khai sinh cho con ở đâu?

3. Đăng ký khai sinh có phải đóng lệ phí?

4. Bắt buộc phải có Giấy chứng sinh mới được đăng ký khai sinh?

5. Có được đặt tên dài cho con không?

6. Cha, mẹ không thỏa thuận được về họ của con khi đăng ký khai sinh thì việc này được xác định thế nào?

7. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân?

1. Bao lâu kể từ ngày sinh thì phải đi đăng ký khai sinh?

Căn cứ khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch năm 2014, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.

2. Đăng ký khai sinh cho con ở đâu?

Căn cứ Điều 13 Luật Hộ tịch năm 2014, thẩm quyền đăng ký khai sinh là UBND cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh.

3. Đăng ký khai sinh có phải đóng lệ phí?

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 11 Luật Hộ tịch năm 2014, đăng ký khai sinh đúng hạn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước sẽ được miễn lệ phí.

4. Bắt buộc phải có Giấy chứng sinh mới được đăng ký khai sinh?

Căn cứ khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch năm 2014, người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

5. Có được đặt tên dài cho con không?

Căn cứ khoản 1 Điều 6 Thông tư 04/2020/TT-BTP ngày 28 tháng 5 năm 2020, việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.

6. Cha, mẹ không thỏa thuận được về họ của con khi đăng ký khai sinh thì việc này được xác định thế nào?

Căn cứ khoản 2 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 và khoản 2 Điều 6 Thông tư 04/2020/TT-BTP ngày 28 tháng 5 năm 2020, trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được về họ, dân tộc, quê quán của con khi đăng ký khai sinh thì họ, dân tộc, quê quán của con được xác định theo tập quán nhưng phải bảo đảm theo họ, dân tộc, quê quán của cha hoặc mẹ.

7. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân?

Căn cứ Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015, Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.

Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.

Nguyễn Văn Ngọc (theo vnExpress)

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow