Áp dụng quy định pháp luật nào về tài sản của vợ chồng?
Hai người có sự thỏa thuận về tài sản là tài sản riêng của ai thuộc về người đó, chỉ đóng góp mỗi tháng 2 triệu đồng/người để chi tiêu sinh hoạt chung.
Anh Hòa và chị Kim là vợ chồng trẻ mới cưới. Hai người có sự thỏa thuận về tài sản là tài sản riêng của ai thuộc về người đó, chỉ đóng góp mỗi tháng 2 triệu đồng/người để chi tiêu sinh hoạt chung. Trong quá trình chung sống, phát sinh thêm một số việc cần chi tiêu chung, hai người có đóng góp nhưng vượt quá thu nhập của chị Kim, trong khi đó, anh Hòa không chịu đóng góp thêm. Từ sự việc này, hai người phát sinh mâu thuẫn, ồn ào và hòa giải viên đã phải vào cuộc giúp đỡ. Ông Mạnh là hòa giải việc trực tiếp hòa giải vụ việc này, ông đề nghị cho biết, ông phải áp dụng quy định pháp luật nào về tài sản của vợ chồng để khuyên giải hai bên?
Trả lời:
Điều 29 và Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
Nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng
1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
2. Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
3. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường.
Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình
1. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
2. Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên.
Theo quy định trên, vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên. Như vậy, anh Hòa là người có thu nhập cao hơn chị Kim, trước việc chi tiêu chung của vợ chồng, anh Hòa có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của anh. Ông Mạnh vận dụng quy định pháp luật trên, đồng thời nói rõ về đạo đức, truyền thống gia đình của người Việt Nam, của người đàn ông trong gia đình để khuyên giải anh Hòa, giúp hai vợ chồng trẻ vun đắp gia đình.
Nguyễn Văn Ngọc
Phản ứng của bạn là gì?