Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự
Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 quy định 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại Điều 292 bao gồm: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, kỹ quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, tín chấp và cầm giữ tài sản.
Các biện pháp bảo đảm có thể được sử dụng để bảo đảm cho một nghĩa vụ hiện tại hoặc một nghĩa vụ hình thành trong tương lai (khoản 2 Điều 293 BLDS 2015). Nghĩa vụ hiện tại là nghĩa vụ đã được hình thành cụ thể tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm. Ví dụ, A vay B một khoản tiền và thực hiện biện pháp bảo đảm là cầm cố xe máy của A cho B. Nghĩa vụ hình thành trong tương lai là nghĩa vụ chưa được hình thành tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm. Ví dụ, X có tài sản là nhà ở và quyền sử dụng đất thế chấp cho ngân hàng K vay 2 khoản vay mỗi khoản vay 1 tỷ, khoản vay thứ nhất có thời hạn 3 năm, khoản vay thứ 2 có thời hạn 02 năm, thời hạn giữa 2 khoản vay cách nhau 01 năm.
Về nguyên tắc, pháp luật Dân sự luôn tôn trọng sự thỏa thuận của các bên khi tham gia giao kết hợp đồng, chỉ cần thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm pháp luật, trái đạo đức xã hội. Vì vậy, phạm vi biện pháp bảo đảm được trước tiến được xác định theo thỏa thuận của các bên, các bên có quyền thỏa thuận biện pháp bảo đảm chỉ được sử dụng để bảo đảm cho một phần nghĩa vụ hoặc bảo đảm cho toàn bộ nghĩa vụ chính. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận thì phạm vi bảo đảm được coi là toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả tiền lãi, tiền bồi thường thiệt hại và tiền phạt vi phạm (Khoản 1 Điều 293 BLDS 2015).
Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai. Tài sản hiện có là tài sản đã hình thành tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm. Tài sản hình thành trong tương lai là tài sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết. Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm cả tài sản đã được hình thành tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm, nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm mới thuộc sở hữu của bên bảo đảm. Tại Điểm 2, Điều 1 Nghị định 11/2012/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định tài sản hình thành trong tương lai gồm: Tài sản được hình thành từ vốn vay; tài sản đang trong giai đoạn hình thành hoặc đang được tạo lập hợp pháp tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm; tài sản đã hình thành và thuộc đối tượng phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm thì tài sản đó mới được đăng ký theo quy định của pháp luật. Tài sản hình thành trong tương lai không bao gồm quyền sử dụng đất. Giá trị tài sản bảo đảm khi một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự. Một tài sản có thể được dùng để đảm bảo thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng các giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Chỉ công việc phải thực hiện được mới là đối tượng của các biện pháp bảo đảm (trong biện pháp bảo lãnh và biện pháp tín chấp). Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bản chất là một quan hệ trái quyền: Bên có quyền (bên nhận bảo đảm) chỉ có thể thỏa mãn được quyền của mình thông qua hành vi thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ (bên bảo đảm hoặc bên được bảo đảm). Khi bên được bảo đảm không thực hiện, thực hiện không đúng nghĩa vụ trước bên nhận bảo đảm sẽ xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của bên nhận bảo đảm. Lúc này, lợi ích của bên nhận bảo đảm chỉ được thỏa mãn thông qua hành vi tực hiện nghĩa vụ thay của bên bảo đảm. Chính vì vậy, khi đối tượng của các biện pháp bảo đảm là công việc thì nó phải là công việc phải thực hiện, ví dụ: việc người bảo lãnh thực hiện một công việc cho bên nhận bảo lãnh theo thỏa thuận.
Không giống như quy định trong BLDS 2005, BLDS 2015 không quy định về hình thức của từng biện pháp bảo đảm riêng biệt ở từng biện pháp, điều này nhằm tránh trùng lặp của các điều luật. Hơn nữa, bản chất các biện pháp bảo đảm cũng là những hợp đồng dân sự mà hình thức của hợp đồng dân sự cũng được quy định theo hình thức của giao dịch dân sự (Điều 119 BLDS 2015). Theo quy định này, hình thức của các biện pháp bảo đảm có thể được thể hiện dưới dạng lời nói, văn bản hoặc bằng hành vi. Trong trường hợp luật có quy định hình thức của biện pháp bảo đảm phải được thể hiện dưới dạng văn bản hoặc văn bản phải đăng ký thì các bên bắt buộc phải tuân theo. Ví dụ, biện pháp tín chấp bắt buộc phải thể hiện bằng văn bản. Thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất bắt buộc phải lập thành văn bản được công chứng hoặc chứng thực và đăng ký theo quy định của Luật Đất đai.
Biện pháp bảo đảm (BPĐB) được đăng ký theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 298 BLDS 2015). Luật Dân sự tôn trọng ý chí tự nguyện, tự thỏa thuận của các bên. Vì vậy khi xác lập mọi giao dịch bảo đảm các bên đều có thể thỏa thuận phải đi đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ, C cầm cố điện thoại cho D để vay 2 triệu đồng. C và D hoàn toàn có thể thỏa thuận ký kết hợp đồng dưới hình thức văn bản rồi đêm đi đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, để đảm bảo sự ổn định của các quan hệ dân sự cũng như đảm bảo được yếu tố quản lý của nhà nước, đối với một số BPBĐ luật yêu cầu các bên phải đăng ký thì bắt buộc các bên phải tuân theo các giao dịch này thông thường liên quan đến quyền sử dụng đất. Ví dụ, thế chấp quyền sử dụng đất; thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Bản chất của các BPĐB là những hợp đồng dân sự, do đó hiệu lực của các BPĐB phải tuân theo quy định về hiệu lực của các hợp đồng dân sự theo Điều 401 BLDS 2015: “Hợp đồng được giao kết hơp pháp có hiệu lực tại thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác”.
Khi xem xét mối quan hệ về hiệu lực giữa hợp đồng chính và hợp đồng phụ, BLDS đã quy định: hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực của nó không phụ thuộc vào hợp đồng phụ. Còn hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực của nó phụ thuộc vào hiệu lực của hợp đồng chính (khoản 3, 4 Điều 402 BLDS 2015). Nếu hợp đồng chính vô hiệu sẽ kéo theo sự vô hiệu của hợp đồng phụ. Tuy nhiên tại khoản 2 Điều 407 BLDS 2015 quy định, "Sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối vói các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự". Cho nên với quy định này chúng ta thấy rằng, trường hợp một nghĩa vụ dân sự có kèm theo biện pháp bảo đảm mà nghĩa vụ dân sự đó vô hiệu thì các biện pháp bảo đảm chưa chắc đã vô hiệu theo.
Xử lý tài sản bảo đảm:
Theo quy định tại Điều 299 BLDS 2015, các trường hợp được xử lý tài sản bảo đảm bao gồm: Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định pháp luật; trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.
Nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm:BLDS 2015 không đưa ra nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm mà chỉ quy định về nghĩa vụ thông báo việc xử lý tài sản bảo đảm của bên xử lý tài sản bảo đảm trước khi xử lý tài sản bảo đảm tại Điều 300. Việc thông báo này bắt buộc phải thể hiện bằng văn bản và phải báo trước một khoảng thời hạn hợp lý cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo bảm biết. Trong trường hợp bên xử lý tài sản bảo đảm không thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm dẫn đến thiệt hại cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm thì phải bồi thường thiệt hại.
Các phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo thoả thuận:
BLDS 2015 chỉ đưa ra phương thức xử lý tài sản bảo đảm đối với tài sản cầm cố và thế chấp tại Điều 303:“Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây: Bán đấu giá tài sản; bên nhận bảo đảm tự bán tài sản bảo đảm; bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm và phương thức khác”.
Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định trên thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Phản ứng của bạn là gì?