Cần có quy định, chế tài cho nghệ sĩ khi làm từ thiện

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, cần có khung pháp lý nào cho nghệ sĩ làm từ thiện được, và không được làm gì, chế tài ra sao khi hoạt động thiện nguyện, mới tránh được rắc rối hay trục lợi.

18/10/2021 - 12:46 GMT+7
 0  23
Theo dõi DocLuat trên Google News

Cơ quan công an thời gian qua đã làm việc với một số nghệ sĩ cũng như yêu cầu các địa phương rà soát lại số tiền quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung, nhằm xác minh thông tin tố cáo dấu hiệu trục lợi, ăn chặn, thiếu minh bạch trong giải ngân tiền từ thiện.

Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP HCM), động thái của cơ quan công an là cần thiết. Bởi, việc huy động tiền từ thiện, giúp đỡ người nghèo cần được thực hiện đúng mục đích, hiệu quả, ngăn chặn dấu hiệu trục lợi qua hoạt động này.

Tuy nhiên, luật sư Công cũng lo ngại, những rắc rối về pháp lý có thể gặp phải gây mất thời gian công sức của các cá nhân làm từ thiện chân chính, khiến họ mất đi nhiệt huyết với công việc có nhiều ý nghĩa này. Thực tế, nhiều hoạt động thiện nguyện của các cá nhân đã ủng hộ rất nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả cho người dân vùng thiên tai dịch bệnh.

"Nhất là khi mưa lũ miền Trung và dịch bệnh ở khắp cả nước đang hoành hành. Người dân gặp khó khăn, hoạn nạn rất cần sự ủng hộ kịp thời này. Vì vậy, làm thế nào để hoạt động từ thiện của các cá nhân đạt hiệu quả, ngăn chặn hành vi trục lợi thì các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng một hành lang pháp lý hoàn chỉnh", ông Công nói.

Cũng theo luật sư, quy định của pháp luật hiện hành trong việc cá nhân kêu gọi từ thiện cho thấy còn một khoảng trống pháp lý rất lớn. Trong khi, nguồn tiền từ thiện huy động qua các kênh của cá nhân là rất lớn.

"Nhu cầu hoàn thiện hành lang pháp lý về công tác từ thiện của cá nhân là vô cùng cần thiết", luật sư Công nêu quan điểm. Cần có những quy định cụ thể, rõ ràng, ai được, không được làm gì, làm theo cách nào, chế tài xử lý ra sao khi vi phạm... để mọi người theo đó mà thực hiện. "Làm được điều này chắc chắn không có điều kiện cho những kẻ cơ hội, lợi dụng làm từ thiện để trục lợi. Những người làm từ thiện chân chính cũng yên tâm".

Cùng quan điểm, luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, những rắc rối có thể xảy ra khi các nghệ sĩ hay cá nhân khác làm từ thiện một phần xuất phát từ lỗ hổng về pháp lý. Do đó, các nhà lập pháp cần lấy ý kiến đóng góp, đề xuất, nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện các quy định của pháp luật về vấn đề này.

Cụ thể, cần quy định rõ về quy trình, kế hoạch làm từ thiện của cá nhân như: Cá nhân sẽ được vận động từ thiện thông qua phương thức nào? Có cần phải khai báo cơ quan chức năng? Lập một tài khoản riêng để tiếp nhận? Sự ràng buộc trách nhiệm giữa các bên (người làm từ thiện, người ủng hộ từ thiện, người nhận từ thiện và cơ quan nhà nước, tổ chức đại diện người dân ở từng địa phương). Việc phân bổ tiền từ thiện được thực hiện trong thời gian bao lâu? Vượt quá thời gian này thì bị xử lý như thế nào?

"Khi có một hành lang pháp lý điều chỉnh, mỗi người mới nhận thức rõ ràng rằng mình được phép làm gì, không làm gì. Chiếu theo đó, các cơ quan chức năng có căn cứ dễ xử lý sai phạm", ông Mạch nói.

Luật sư cũng cho rằng, trong điều kiện chưa có khung pháp lý rõ ràng, để tránh những rắc rối có thể gặp phải, các nghệ sĩ hoặc cá nhân làm từ thiện có thể phối hợp với những tổ chức làm công tác từ thiện chuyên nghiệp, chính quyền, các lực lượng chức năng, đặc biệt là Hội chữ thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc.

Về phía cá nhân người làm từ thiện, việc minh bạch tài chính ngay từ đầu là một trong những cách tránh gặp phải rắc rối về sau.

Xem thêm: Bộ Công an xác minh về tin tố cáo một số nghệ sĩ quyên góp từ thiện

Nguyễn Văn Ngọc (theo VnExpress)

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow