Chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng ủy quyền hai nơi cư trú

Hợp đồng ủy quyền thụ ủy hay ủy quyền ký hai nơi đã công chứng muốn sửa lỗi kỹ thuật, sửa đổi, hủy bỏ, chấm dứt thực hiện như thế nào?

15/12/2021 - 17:40 GMT+7
 0  636
Theo dõi DocLuat trên Google News
Chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng ủy quyền hai nơi cư trú
Ảnh minh họa nguồn Internet

MỤC LỤC

1. Khái niệm văn bản ủy quyền

2. Đặc điểm hợp đồng ủy quyền

3. Quy định về hợp đồng ủy quyền thụ ủy

4. Sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng ủy quyền thụ ủy

5. Sửa lỗi kỹ thuật hợp đồng ủy quyền thụ ủy ở tổ chức công chứng nào?

1. Khái niệm văn bản ủy quyền

Trong thực tế, không phải bất kỳ lúc nào cá nhân hoặc tổ chức cũng có thể và buộc phải trực tiếp thực hiện công việc cũng như các quyền và nghĩa vụ của chính mình. Việc không tham gia trực tiếp có thể do nhiều lý do khác nhau hoặc khi đã tham gia vào một quan hệ hợp đồng nhất định nhưng không có đủ điều kiện thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Vì vậy, để hoàn tất một công việc nào đó thay vì tự mình thực hiện, cá nhân hoặc tổ chức có thể nhờ hay giao lại cho người khác làm thay với danh nghĩa chính mình. Đây chính là việc ủy quyền. Nói cách khác, ủy quyền là việc một người giao cho người khác nhân danh mình để thực hiện công việc hoặc sử dụng quyền mà mình có được một cách hợp pháp, trong phạm vi được ủy quyền. Theo đó văn bản ủy quyền được hiểu là văn bản thể hiện việc một người giao cho người khác thay mặt và nhân danh mình thực hiện công việc hoặc sử dụng quyền mà mình có được một cách hợp pháp.

Việc ủy quyền sẽ làm phát sinh quan hệ đại diện. Người được ủy quyền (người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của người ủy quyền (người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện được giao (theo Điều 134  Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015), trừ trường hợp pháp luật có quy định công việc đó không được ủy quyền, phải do chính người có quyền đó thực hiện. Do đó về việc nguyên tắc, khi đã ủy quyền thì bên ủy quyền sẽ có quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do người được ủy quyền (người đại diện) xác lập trong phạm vi ủy quyền.

2. Đặc điểm hợp đồng ủy quyền

Theo Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015: “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Vì là một hợp đồng dân sự, hợp đồng ủy quyền mang đủ bản chất chung mà bất kỳ hợp đồng dân sự nào cũng có: là một sự thỏa thuận đạt được giữa các bên chủ thể (người ủy quyền và người được ủy quyền), thỏa thuận này làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự giữa người ủy quyền và người được ủy quyền.

3. Quy định về hợp đồng ủy quyền thụ ủy

Theo khoản 2 Điều 55 Luật Công chứng 2014 quy định như sau: "Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền".

Do đó khi ký kết hợp đồng ủy quyền hai nơi cư trú thì các bên phải chứng minh về nơi cư trú của mình thông qua các giấy tờ, tài liệu như: sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy xác nhận cư trú... Từ đó các bên sẽ đến tổ chức hành nghề công chứng nơi mình cư trú để ký hợp đồng ủy quyền thụ ủy này.

4. Sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng ủy quyền thụ ủy

Theo Điều 51 Luật Công chứng 2014 quy định như sau:

- Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.

- Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.

- Thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại Chương này.

Theo quy định trên, văn bản sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng ủy quyền phải được công chứng tại tổ chức đã công chứng hợp đồng ủy quyền trước đây. Trường hợp là ủy quyền hai nơi nên việc công chứng văn bản sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ cũng được thực hiện tại hai nơi đã công chứng hợp đồng ủy quyền ban đầu, ví dụ như: Đại sứ quán/Tổ chức hành nghề công chứng (bên ủy quyền) và Đại sứ quán/Tổ chức hành nghề công chứng (bên được ủy quyền) sẽ thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng ủy quyền đó. Trình tự, thủ tục thực hiện như khi công chứng hợp đồng ủy quyền và theo hướng dẫn của Luật Công chứng.

Câu hỏi đặt ra là hợp đồng ủy quyền mới ký công chứng một bên có phải hủy khi người yêu cầu công chứng thay đổi?

Theo chúng tôi, hợp đồng ủy quyền thụ ủy đã được công chứng một bên thì nó đã có hiệu lực Văn bản công chứng theo khoản 1 Điều 5 Luật Công chứng 2014 quy định: "Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng", còn việc để thực hiện được công việc theo ủy quyền thì Văn bản ủy quyền này phải hoàn tất việc công chứng của bên còn lại. Nên theo chúng tôi có thể sửa đổi, hủy bỏ tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện công chứng bên ủy quyền.

Mặt khác việc dùng từ hủy hay chấm dứt hợp đồng ủy quyền còn phụ thuộc vào từng trường hợp như sau:

- Văn bản hủy bỏ hợp đồng ủy quyền khi hợp đồng ủy quyền mới ký công chứng một bên hoặc hợp đồng ủy quyền đã ký công chứng hai bên nhưng chưa thực hiện bất kỳ công việc được ủy quyền nào.

- Văn bản chấm dứt hợp đồng ủy quyền khi hợp đồng ủy quyền đã ký công chứng hai bên và đã hoặc đang thực hiện công việc được ủy quyền.

Trình tự thủ tục công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng ủy quyền thụ ủy cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Công chứng 2014 (Mục 3 nêu trên)

5. Sửa lỗi kỹ thuật hợp đồng ủy quyền thụ ủy ở tổ chức công chứng nào?

Theo khoản 2 Điều 50 Luật Công chứng 2014 quy định như sau: "Việc sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa lỗi kỹ thuật".

Vì vậy nếu sai lỗi kỹ thuật do tổ chức hành nghề công chứng nào thực hiện thì liên hệ tổ chức hành nghề công chứng đó để sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng.

Ví dụ như: Sai lỗi kỹ thuật do tổ chức hành nghề công chứng A đã chứng nhận cho bên ủy quyền thì phải gửi về tổ chức hành nghề công chứng A để sửa lỗi kỹ thuật; nếu sai lỗi kỹ thuật của tổ chức hành nghề công chứng B đã chứng nhận cho bên được ủy quyền thì phải gửi về tổ chức hành nghề công chứng B để sửa lỗi kỹ thuật.

Nguyễn Văn Ngọc

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow