Chia di sản thừa kế trong trường hợp có hai vợ hợp pháp
Chia di sản thừa kế trong trường hợp có 2 vợ hợp pháp được xác lập trước thời điểm Luật hôn nhân gia đình năm 1959 có hiệu lực (13/01/1960 ở miền Bắc, 25/03/1977 ở miền Nam).
I - Tình huống:
A, B kết hôn năm 1950 có 4 con chung C, D, E, F. Vào năm 1957, A và T kết hôn có 3 con chung H, K, P.
Năm 2017, A, C qua đời cùng thời điểm do tai nạn giao thông. Vào thời điểm C qua đời anh đã có vợ và 02 con G, N.
Sau khi A qua đời để di chúc lại cho C ½ di sản, cho B, T mỗi người ¼ di sản.
Sau khi A qua đời B kiện đến tòa xin được hưởng di sản của A. Tòa xác định tài sản chung A, B là 720 triệu đồng, A, T là 960 triệu đồng.
Chia thừa kế trong trường hợp trên ?
II - Giải quyết tình huống:
Ông A mất năm 2017, di sản A để lại là 840 triệu đồng (trong đó: 360 triệu đồng trong khối tài sản chung với bà B + 480 triệu đồng trong khối tài sản chung với bà T).
Do cuộc hôn nhân của ông A với bà B, ông A với bà T được xác lập trước thời điểm Luật hôn nhân gia đình năm 1959 có hiệu lực (13/01/1960 ở miền Bắc, 25/03/1977 ở miền Nam) nên việc có nhiều vợ, nhiều chồng không trái pháp luật (được coi là hợp pháp).
Ông A mất để lại di chúc cho C ½ di sản (là 420 triệu đồng); B, T mỗi người ¼ di sản (B = T = 210 triệu đồng).
Do C chết cùng thời điểm với A nên phần di chúc A để lại cho C không có hiệu lực pháp luật (điều 643 BLDS 2015, 619 BLDS 2015) và được chia theo pháp luật (điều 650 BLDS 2015).
"Điều 619. Việc thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm
Trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước (sau đây gọi chung là chết cùng thời điểm) thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 của Bộ luật này.
........
Điều 643. Hiệu lực của di chúc
1. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.
2. Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:
a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
b) Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.
3. Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
4. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.
5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.
.......
Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế."
Theo đó, B, C, D, E, F, T, H, K, P là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông A, mỗi người một phần bằng nhau là 52,5 triệu đồng (C đã mất nên con của C là G, N là người được hưởng thừa kế thế vị của C (điều 652 BLDS 2015).
"Điều 652. Thừa kế thế vị
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống."
Ông A chết cùng thời điểm với C nên ông A không được hưởng thừa kế của C (điều 619 BLDS 2015). Nếu C chết không để lại di chúc thì di sản mà C để lại được chia theo pháp luật (điều 650, 651 BLDS 2015).
Phản ứng của bạn là gì?