Chủ thể là tổ chức không có tư cách pháp nhân
Quy định và thực tiễn về chủ thể là tổ chức không có tư cách pháp nhân dưới góc độ năng lực chủ thể, thẩm quyền đại diện, trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch và tư cách tham gia tố tụng.
MỤC LỤC
1. Quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về hộ gia đình và tổ hợp tác
1.1. Văn phòng đại diện, chi nhánh, doanh nghiệp tư nhân và quỹ đầu tư
1.2. Pháp luật chuyên ngành và thực tiễn áp dụng
2.1. Thông tư số 32/2016/TT-NHNN
2.2. Hai cách hiểu Điều 101BLDS năm 2015
2.3. Cách hiểu phù hợp
3.1. Bên ủy quyền và bên được ủy quyền
3.2. Hậu quả pháp lý khi không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện
4. Trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch
6. Kết luận
1. Quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về hộ gia đình và tổ hợp tác
Hộ gia đình[1] và tổ hợp tác[2] là các ví dụ điển hình về tổ chức không có tư cách pháp nhân trong quan hệ dân sự. Theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về Dự thảo Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS năm 2015), Dự thảo BLDS năm 2015 “xác định rõ chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự bao gồm cá nhân và pháp nhân” và trong trường hợp “hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”.
Cơ sở của cách tiếp cận này là chủ thể cần được xem xét dưới góc độ năng lực chủ thể (kể cả quyền giao kết và thực hiện hợp đồng), quyền kiện và bị kiện, và trách nhiệm với bên thứ ba. Khi lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội, chuyên gia và nhà khoa học, đa số ý kiến cho rằng: “chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự theo quy định của luật phải có đầy đủ quyền, nghĩa vụ chủ thể, phải chịu trách nhiệm về việc tham gia quan hệ dân sự của mình, vì vậy, chỉ có cá nhân và pháp nhân là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự”. Ngoài ra, theo tổng kết thi hành BLDS 2005, “sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác trong quan hệ dân sự thường được thực hiện thông qua các thành viên cụ thể”[3]. Nếu xem xét Báo cáo của UBTVQH, điều tương đối rõ ràng về ý định của nhà làm luật là hộ gia đình và tổ hợp tác không phải là chủ thể của BLDS năm 2015.
1.1. Văn phòng đại diện, chi nhánh, doanh nghiệp tư nhân và quỹ đầu tư
Mặc dù chủ yếu hướng tới đối tượng là hộ gia đình và tổ hợp tác, các quy định mới tại Chương VI của BLDS năm 2015 không chỉ giới hạn ở hộ gia đình và tổ hợp tác mà còn áp dụng với các tổ chức không có tư cách pháp nhân nói chung. Việc áp dụng các quy định mới trong bối cảnh hộ gia đình và tổ hợp tác dường như không tạo ra vấn đề lớn. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định này trong các giao dịch thương mại của các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có những điểm bất hợp lý, gây ra xáo động trên thị trường.
Các loại hợp đồng thương mại thông dụng thường gặp trên thực tế bao gồm hợp đồng mở tài khoản, hợp đồng vay, hợp đồng bảo đảm hoặc hợp đồng mua bán cổ phần. Khi các hợp đồng này được giao kết bởi một tổ chức không có tư cách pháp nhân như văn phòng đại diện, chi nhánh, doanh nghiệp tư nhân hoặc quỹ đầu tư không có tư cách pháp nhân, các hợp đồng này sẽ được điều chỉnh bởi các quy định mới trên. Trên thực tế, văn phòng đại diện thường xuyên mở tài khoản ngân hàng; chi nhánh ngân hàng và doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các giao dịch cho vay và bảo đảm; và quỹ đầu tư không có tư cách pháp nhân là nhà đầu tư trong các giao dịch mua bán cổ phần.
Bốn loại tổ chức không có tư cách pháp nhân kể trên có thể được chia làm hai nhóm là:
- Văn phòng đại diện và chi nhánh;
- Doanh nghiệp tư nhân và quỹ đầu tư không có tư cách pháp nhân.
Văn phòng đại diện và chi nhánh được coi là một bộ phận của pháp nhân và pháp nhân “có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện”[4]. Nói cách khác, văn phòng đại diện và chi nhánh giao kết và thực hiện giao dịch dân sự thay mặt cho pháp nhân. Ở một khía cạnh khác, bản thân doanh nghiệp tư nhân[5] và quỹ đầu tư[6] là các chủ thể được quy định riêng theo pháp luật chuyên ngành và có thể tham gia giao dịch theo pháp luật chuyên ngành. Doanh nghiệp tư nhân và quỹ đầu tư không phải là một bộ phận của pháp nhân và là một chủ thể độc lập.
1.2. Pháp luật chuyên ngành và thực tiễn áp dụng
Ngoài các quy định tại BLDS năm 2015, pháp luật chuyên ngành cũng có các quy định về chủ thể và các quy định này chấp nhận các cách tiếp cận khác nhau về chủ thể là tổ chức không có tư cách pháp nhân. Cách tiếp cận chủ thể chỉ bao gồm pháp nhân đã được áp dụng trong luật chuyên ngành trước khi BLDS năm 2015 ra đời. Ví dụ, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định tổ chức không có tư cách pháp nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp và chỉ có pháp nhân mới có quyền này[7]. Ở chiều ngược lại, ngay cả sau khi BLDS năm 2015 ra đời, cũng có luật chuyên ngành vẫn tiếp tục quy định chủ thể bao gồm pháp nhân và tổ chức không có tư cách pháp nhân. Ví dụ, theo Luật Đầu tư năm 2020, nhà đầu tư có thể là cá nhân và tổ chức và không loại trừ nhà đầu tư là tổ chức không có tư cách pháp nhân[8].
Thực tiễn áp dụng pháp luật cũng không rõ ràng. Đối với tranh chấp liên quan đến văn phòng đại diện, chi nhánh và doanh nghiệp tư nhân, các tòa án cũng có cách tiếp cận không đồng nhất cả trước và sau khi BLDS năm 2015 ra đời. Trong một số trường hợp, các tòa án chỉ chấp nhận doanh nghiệp có văn phòng đại diện hoặc chi nhánh và chủ doanh nghiệp tư nhân làm nguyên đơn và bị đơn. Trong một số trường hợp khác, các tòa án chấp nhận chính văn phòng đại diện hoặc chi nhánh và doanh nghiệp tư nhân làm nguyên đơn và bị đơn[9].
Như vậy, có thể thấy vẫn có sự giao thoa và không rõ ràng giữa các cách tiếp cận khác nhau về chủ thể là pháp nhân và tổ chức không có tư cách pháp nhân cả từ góc độ lý thuyết và thực tiễn trước và sau khi BLDS năm 2015 ra đời. Tại thời điểm hiện nay, các khía cạnh chủ yếu cần xem xét liên quan đến chủ thể là tổ chức không có tư cách pháp nhân bao gồm:
- Năng lực chủ thể,
- Thẩm quyền đại diện,
- Trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch,
- Tư cách tham gia tố tụng.
2. Năng lực chủ thể
Sự thay đổi về cách tiếp cận đối với tổ chức không có tư cách pháp nhân được quy định tại Điều 101 BLDS năm 2015 có tiêu đề “Chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân”. Liên quan đến năng lực chủ thể, Điều 101 quy định:
“1. Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Khi có sự thay đổi người đại diện thì phải thông báo cho bên tham gia quan hệ dân sự biết.
Trường hợp thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự không được các thành viên khác ủy quyền làm người đại diện thì thành viên đó là chủ thể của quan hệ dân sự do mình xác lập, thực hiện.
2. Việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai”.
Như trình bày ở trên, nếu xem xét Báo cáo của UBTVQH, điều tương đối rõ ràng về ý định của nhà làm luật là hộ gia đình và tổ hợp tác không phải là chủ thể của BLDS năm 2015. Tuy nhiên, nếu áp dụng cách tiếp cận này vào các tổ chức không có tư cách pháp nhân khác như văn phòng đại diện, chi nhánh, doanh nghiệp tư nhân và quỹ đầu tư không có tư cách pháp nhân thì có những điểm bất hợp lý.
2.1. Thông tư số 32/2016/TT-NHNN
Vấn đề phát sinh từ Điều 101 BLDS năm 2015 đã gây sự lúng túng giữa Bộ Tư pháp (BTP) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên quan đến Thông tư số 32/2016/TT-NHNN (Thông tư số 32) do NHNN ban hành quy định các đối tượng được mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại ngân hàng và các đối tượng này không bao gồm tổ chức không có tư cách pháp nhân[10]. Dựa trên cách hiểu tổ chức không có tư cách pháp nhân không có năng lực chủ thể, Thông tư số 32 coi việc mở và sử dụng tài khoản ngân hàng là một giao dịch dân sự và theo đó, tổ chức không có tư cách pháp nhân không được mở và sử dụng tài khoản ngân hàng. Việc mở và sử dụng tài khoản ngân hàng phải được thực hiện bởi thành viên của tổ chức không có tư cách pháp nhân. Ví dụ theo quy định trên, văn phòng đại diện và doanh nghiệp tư nhân không được phép mở tài khoản tại ngân hàng.
Khi xem xét tính pháp lý của Thông tư số 32, BTP cho rằng, quy định của NHNN đã hạn chế quyền của các tổ chức không có tư cách pháp nhân và trái với Hiến pháp năm 2013[11]. BTP cũng cho rằng, BLDS năm 2015 không nên được giải thích là hạn chế chủ thể của quan hệ dân sự ở cá nhân và pháp nhân và tổ chức không có tư cách pháp nhân vẫn có tư cách chủ thể[12]. BTP dường như có cách tiếp cận thực tế để xử lý tình huống phát sinh, tránh gây xáo động trong hoạt động tài khoản của tổ chức không có tư cách pháp nhân. Thông tư số 32 sau đó đã được bãi bỏ và thay thế bởi Thông tư số 02/2019/TT-NHNN của NHNN ngày 28 tháng 2 năm 2019 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, hiệu lực từ ngày 1 tháng 3 năm 2019. Theo Thông tư mới này, các tổ chức không có tư cách pháp nhân được mở tài khoản thanh toán và tham gia xác lập và thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản đó[13].
Mặc dù NHNN chấp nhận tổ chức không có tư cách pháp nhân có thể mở tài khoản, NHNN chỉ cho phép cá nhân và pháp nhân là bên vay trong quan hệ tín dụng với ngân hàng. Tổ chức không có tư cách pháp nhân không thể là bên vay[14], tức là tại thời điểm hiện nay, NHNN có cách tiếp cận khác nhau đối với chủ thể trong quan hệ mở tài khoản và quan hệ cho vay.
2.2. Hai cách hiểu Điều 101 BLDS năm 2015
Vấn đề phát sinh từ Thông tư số 32 liên quan đến việc mở tài khoản và cách hiểu của BTP đã đặt lại câu hỏi về năng lực chủ thể theo quy định tại Điều 101 BLDS năm 2015 và sự không rõ ràng trong các quy định của BLDS năm 2015. Khi vấn đề phát sinh, có hai luồng ý kiến về cách hiểu quy định Điều 101 BLDS năm 2015.
Theo luồng ý kiến thứ nhất, Điều 101 BLDS năm 2015 quy định tổ chức không có tư cách pháp nhân không được tự mình giao kết và thực hiện hợp đồng, mà chủ thể giao kết và thực hiện hợp đồng phải là các thành viên của tổ chức không có tư cách pháp nhân đó. Nói cách khác, tổ chức không có tư cách pháp nhân không có năng lực chủ thể. Nếu theo logic này thì các thành viên phải là cá nhân hoặc pháp nhân. Trong trường hợp thành viên của tổ chức không có tư cách pháp nhân, về logic, Điều 101 BLDS năm 2015 sẽ tiếp tục áp dụng và thành viên đó không thể là chủ thể giao kết và thực hiện hợp đồng, mà phải hành động thông qua các thành viên là cá nhân hoặc pháp nhân của thành viên đó. Trong trường hợp này, các thành viên của tổ chức không có tư cách pháp nhân giao kết và thực hiện hợp đồng với tư cách của bản thân mình mà không đại diện hoặc nhân danh cho tổ chức không có tư cách pháp nhân mà họ là thành viên. Ủng hộ quan điểm này, PGS,TS. Nguyễn Ngọc Điện cho rằng, tổ chức không có tư cách pháp nhân không có tư cách chủ thể và đây là quan điểm “tương đồng với luật của các nước và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế”[15].
Theo luồng ý kiến thứ hai, bản thân Điều 101 BLDS năm 2015 vẫn quy định “trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự”, ngầm hiểu là tổ chức không có tư cách pháp nhân có tư cách chủ thể tham gia quan hệ dân sự. Như phân tích dưới đây, Điều 103 BLDS năm 2015 cũng quy định về tài sản chung của tổ chức không có tư cách pháp nhân khi xác định “nghĩa vụ dân sự phát sinh từ việc tham gia quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân”. Trong trường hợp tài sản chung không đủ thực hiện nghĩa vụ thì các thành viên tổ chức liên đới chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng của mình. Cách quy định trên cho thấy, tổ chức không có tư cách pháp nhân vẫn có năng lực chủ thể và các thành viên giao kết và thực hiện hợp đồng với tư cách đại diện hoặc nhân danh cho tổ chức không có tư cách pháp nhân mà họ là thành viên.
2.3. Cách hiểu phù hợp
Hiện nay, cách hiểu nào trong hai cách hiểu trên là cách hiểu đúng vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng. BTP ủng hộ cách hiểu thứ hai và đây được cho là cơ sở áp dụng cách hiểu thứ hai. NHNN cũng chấp nhận quan điểm này đối với vấn đề mở tài khoản, nhưng vẫn giữ nguyên quan điểm giới hạn chủ thể ở pháp nhân trong giao dịch cho vay.
Nếu chỉ đọc riêng câu chữ của Điều 1 và Điều 101 BLDS năm 2015, có lẽ cách hiểu thứ nhất phù hợp hơn với ý định trong Báo cáo của UBTVQH khi trình Dự thảo BLDS năm 2015. Tuy nhiên, cách quy định trong BLDS năm 2015 không rõ ràng và gây ra tranh cãi. Quan trọng hơn là đứng từ góc độ thực tiễn, cho đến khi vấn đề trên được UBTVQH hoặc TANDTC giải thích rõ ràng thì rủi ro áp dụng cách hiểu thứ nhất, đặc biệt là bởi các cơ quan xét xử, không thể bị loại trừ. BTP không có chức năng giải thích BLDS năm 2015 mặc dù BTP là cơ quan chủ trì soạn thảo BLDS năm 2015. Đây là một rủi ro lớn và có thể ảnh hưởng đến hiệu lực của giao dịch nếu bên tham gia giao dịch không có năng lực chủ thể[16]. Như trình bày tại phần 5 dưới đây, đứng từ góc độ tư cách tham gia tố tụng, các cơ quan xét xử có xu hướng đã chấp nhận cách tiếp cận thứ nhất. Điều đó cũng cho thấy, cách tiếp cận thứ nhất có lẽ sẽ dần dần thay thế cách tiếp cận thứ hai về lâu dài nếu việc áp dụng không gây xáo động trong hoạt động của tổ chức không có tư cách pháp nhân như đối với trường hợp mở tài khoản.
3. Thẩm quyền đại diện
Năng lực chủ thể và thẩm quyền đại diện là hai vấn đề khác nhau nhưng thường có liên quan đến nhau. Việc xác định năng lực chủ thể sẽ giúp xác định ai là bên tham gia quan hệ hợp đồng mà cụ thể hơn ai là bên giao kết và thực hiện hợp đồng. Trong quan hệ đại diện, bên tham gia quan hệ hợp đồng cũng là bên có thể ủy quyền cho cá nhân hoặc pháp nhân giao kết và thực hiện hợp đồng thay mặt cho bên đó.
3.1. Bên ủy quyền và bên được ủy quyền
Theo cách hiểu thứ nhất, tổ chức không có tư cách pháp nhân không phải là bên giao kết và thực hiện hợp đồng, cá nhân và pháp nhân là thành viên của tổ chức đó mới là bên giao kết và thực hiện hợp đồng. Quan hệ đại diện theo ủy quyền phải được phát sinh từ cá nhân và pháp nhân là thành viên của tổ chức đó chứ không phát sinh từ tổ chức đó. Ví dụ, khi xem xét quan hệ cho vay giữa một chi nhánh ngân hàng và một doanh nghiệp tư nhân, bên giao kết và thực hiện hợp đồng vay, hay nói một cách dễ hiểu là bên cho vay và bên vay là bản thân ngân hàng (chứ không phải chi nhánh ngân hàng) và chủ doanh nghiệp tư nhân (chứ không phải là doanh nghiệp tư nhân). Trong trường hợp này, quan hệ đại diện theo ủy quyền phát sinh trên cơ sở ngân hàng ủy quyền cho giám đốc chi nhánh là người đại diện được ủy quyền để ký kết hợp đồng và chi nhánh là bên thực hiện cấp vốn và thu hồi nợ.
Theo cách hiểu thứ hai, bản thân chi nhánh ngân hàng có thể là bên cho vay và giám đốc chi nhánh có thể không cần ủy quyền của ngân hàng để ký hợp đồng. Trong ví dụ trên, có lẽ vấn đề không quá phức tạp và trên thực tế, một số ngân hàng đã dần chuyển sang hướng đáp ứng yêu cầu theo cách hiểu thứ nhất vì không tốn quá nhiều thời gian, chi phí của các ngân hàng và cũng an toàn hơn cho các ngân hàng. Đơn giản là bên cho vay trong các hợp đồng được quy định là ngân hàng chứ không phải chi nhánh và có thêm các ủy quyền từ ngân hàng cho người đại diện của chi nhánh để người đại diện có thể ký kết hợp đồng thay mặt ngân hàng. Bên vay cũng là chủ doanh nghiệp tư nhân chứ không phải là doanh nghiệp tư nhân.
Trong nhiều trường hợp khác, việc tuân thủ cách tiếp cận thứ nhất không dễ dàng. Ví dụ về việc mở tài khoản theo Thông tư số 32 của NHNN như phân tích ở trên là một ví dụ điển hình. Một trường hợp khác rất phức tạp hiện đang phát sinh là hợp đồng mua bán cổ phần của một quỹ đầu tư không có tư cách pháp nhân để đầu tư vào một công ty Việt Nam. Quỹ đầu tư có thể là quỹ thành viên hoặc quỹ đại chúng. Công ty quản lý quỹ đóng vai trò quản lý quỹ đầu tư và được hưởng phí quản lý. Trên thực tiễn, quỹ đầu tư có thể là bên giao kết hợp đồng và công ty quản lý quỹ đại diện cho quỹ đầu tư trong quá trình thực hiện hợp đồng. Cổ phiếu được ghi dưới tên quỹ đầu tư với tư cách là cổ đông và công ty quản lý cử người để đại diện cho quỹ đầu tư thực hiện quyền cổ đông. Bản thân công ty quản lý không phải là cổ đông. Thực tiễn này thể hiện cách tiếp cận thứ hai. Nếu chuyển sang cách tiếp cận thứ nhất thì các nhà đầu tư phải ủy quyền cho công ty quản lý quỹ là bên giao kết và thực hiện hợp đồng, kể cả việc đứng tên cổ đông trong cổ phiếu. Một điều cần lưu ý là thông tin về quỹ thường hạn chế do công ty quản lý quỹ và các nhà đầu tư không muốn tiết lộ về cơ cấu quỹ. Cơ chế ủy quyền cho công ty quản lý quỹ cũng thường không được quy định tại một văn bản rõ ràng như yêu cầu tại Điều 101 BLDS năm 2015. Trong trường hợp quỹ đại chúng, việc buộc tất cả các thành viên quỹ (có thể thay đổi liên tục) ủy quyền còn phức tạp hơn. Do vậy, nếu chuyển sang cách tiếp cận thứ nhất thì có thể gây nhiều xáo động trên thị trường.
3.2. Hậu quả pháp lý khi không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện
Điều 104 BLDS năm 2015 quy định hậu quả pháp lý đối với giao dịch dân sự do thành viên không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện xác lập, thực hiện:
“1. Trường hợp thành viên không có quyền đại diện mà xác lập, thực hiện giao dịch dân sự nhân danh các thành viên khác của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì hậu quả pháp lý của giao dịch được áp dụng theo quy định tại các điều 130, 142 và 143 của Bộ luật Dân sự.
2. Giao dịch dân sự do bên không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện xác lập, thực hiện mà gây thiệt hại cho thành viên khác của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người thứ ba thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại”.
Điều 104 BLDS năm 2015 dẫn chiếu đến các quy định chung về đại diện và hậu quả của việc đại diện khi không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện theo các điều 130, 142 và 143 của BLDS năm 2015. Theo các quy định trên, khi giao dịch dân sự do thành viên không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện xác lập và thực hiện thì (i) việc xác lập và thực hiện như vậy không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các thành viên khác của tổ chức không có tư cách pháp nhân đối với toàn bộ giao dịch hoặc đối với phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện và (ii) thành viên đó phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ giao dịch hoặc đối với phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện. Ngoài ra, thành viên đó phải bồi thường thiệt hại cho các thành viên khác hoặc bên thứ ba (ví dụ, bên còn lại trong hợp đồng).
4. Trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch
Để làm rõ trách nhiệm phát sinh từ “việc tham gia quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân,” Điều 103 BLDS năm 2015 quy định:
“1. Nghĩa vụ dân sự phát sinh từ việc tham gia quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân được bảo đảm thực hiện bằng tài sản chung của các thành viên.
2. Trường hợp các thành viên không có hoặc không đủ tài sản chung để thực hiện nghĩa vụ chung thì người có quyền có thể yêu cầu các thành viên thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 288 của Bộ luật này.
3. Trường hợp các bên không có thỏa thuận, hợp đồng hợp tác hoặc luật không có quy định khác thì các thành viên chịu trách nhiệm dân sự quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này theo phần tương ứng với phần đóng góp tài sản của mình, nếu không xác định được theo phần tương ứng thì xác định theo phần bằng nhau”.
Như lưu ý ở trên, việc Điều 103 BLDS năm 2015 dẫn chiếu đến nghĩa vụ phát sinh từ “việc tham gia quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân” ngầm chỉ là các tổ chức không có tư cách pháp nhân mới là chủ thể của giao dịch. Tuy nhiên, nếu gạt điều này sang một bên, vấn đề quan trọng hơn cần lưu ý là trách nhiệm của các thành viên trong quan hệ với bên còn lại trong hợp đồng. Các thành viên có thể phải chịu trách nhiệm vô hạn. Theo quy định của Điều 103 BLDS năm 2015:
- Trước hết, các thành viên của tổ chức không có tư cách pháp nhân chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản chung của các thành viên. Hiểu một cách đơn giản, tài sản chung của các thành viên là tài sản do các thành viên đóng góp hoặc cùng nhau tạo lập hoặc bằng cách khác được xác định theo thỏa thuận của các thành viên (ví dụ theo điều lệ hoặc hợp đồng hợp tác của tổ chức không có tư cách pháp nhân) hoặc theo quy định của pháp luật[17].
- Nếu tài sản chung của các thành viên không có hoặc không đủ để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, bên còn lại trong hợp đồng có thể yêu cầu các thành viên thực hiện nghĩa vụ trên cơ sở trách nhiệm liên đới nếu hợp đồng quy định cụ thể về vấn đề này. Nói cách khác, bên còn lại trong hợp đồng có quyền yêu cầu một thành viên chịu toàn bộ nghĩa vụ theo hợp đồng[18].
- Nếu thành viên được yêu cầu không thực hiện toàn bộ nghĩa vụ theo hợp đồng, các thành viên sẽ chịu trách nhiệm riêng theo phần nếu hợp đồng không quy định về trách nhiệm của các thành viên. Trách nhiệm riêng theo phần được xác định theo thỏa thuận của các thành viên (ví dụ theo điều lệ hoặc hợp đồng hợp tác của tổ chức không có tư cách pháp nhân) hoặc theo quy định của pháp luật áp dụng cho loại hình tổ chức không có tư cách pháp nhân có liên quan. Trong trường hợp không có thỏa thuận hoặc quy định có liên quan, trách nhiệm của các thành viên là theo phần bằng nhau[19].
Trên thực tế, việc xác định tài sản chung của các thành viên của tổ chức không có tư cách pháp nhân rất phức tạp và thường không được quy định trong điều lệ hoặc hợp đồng hợp tác của tổ chức không có tư cách pháp nhân. Văn phòng đại diện và chi nhánh là một bộ phận của pháp nhân và không đặt ra vấn đề tài sản chung của văn phòng đại diện và chi nhánh. Sẽ rất khó xác định tài sản chung của doanh nghiệp tư nhân hay quỹ đầu tư. Doanh nghiệp tư nhân có điều lệ nhưng điều lệ thường không xác định tài sản chung của chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân[20]. Đối với quỹ đầu tư, tài sản chung của các thành viên có thể hiểu là các khoản đóng góp vào quỹ để công ty quản lý đầu tư. Do vậy, các thành viên có thể phải chịu trách nhiệm vô hạn trên cơ sở liên đới hoặc trách nhiệm riêng theo phần.
5. Tư cách tham gia tố tụng
Tư cách tham gia tố tụng liên quan đến tổ chức không có tư cách pháp nhân không được quy định trong BLDS năm 2015. Liên quan đến quyền khởi kiện, điều đáng lưu ý là Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không loại trừ tổ chức không có tư cách pháp nhân là bên khởi kiện. Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.
Trên thực tiễn, dường như tòa án chấp nhận cả cách tiếp cận thứ nhất và cách tiếp cận thứ hai. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã có quan điểm, phải áp dụng cách tiếp cận thứ nhất là thành viên của tổ chức không có tư cách pháp nhân mới có tư cách tham gia tố tụng, còn bản thân tổ chức không có tư cách pháp nhân không có tư cách tham gia tố tụng.
Cụ thể đã có một bản án của tòa án cấp tỉnh tuyên liên quan đến tranh chấp theo hợp đồng tín dụng xác nhận nguyên đơn là một chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và bị đơn là một doanh nghiệp tư nhân. Bản án này đã bị hủy bởi Quyết định giám đốc thẩm ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Ủy ban thẩm phán TANDTC. Một trong những nguyên nhân bị hủy là do tòa án cấp tỉnh xác định sai nguyên đơn và bị đơn. Theo Ủy ban thẩm phán TANDTC, nguyên đơn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và bị đơn chủ doanh nghiệp tư nhân. Đồng ý với Quyết định của Ủy ban thẩm phán TANDTC, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) hướng dẫn về nguyên đơn và bị đơn trong hợp đồng có liên quan đến văn phòng đại diện, chi nhánh và doanh nghiệp tư nhân thì nguyên đơn và bị đơn phải là pháp nhân có văn phòng đại diện hoặc chi nhánh và chủ doanh nghiệp tư nhân[21].
Cách tiếp cận của TANDTC và VKSNDTC áp dụng đối với văn phòng đại diện, chi nhánh và doanh nghiệp tư nhân. Nếu khái quát hóa nguyên tắc áp dụng cho các tổ chức không có tư cách pháp nhân nói chung thì có thể kết luận là các thành viên của tổ chức không có tư cách pháp nhân mới có tư cách tham gia tố tụng. Bản thân tổ chức không có tư cách pháp nhân không có tư cách tham gia tố tụng.
6. Kết luận
Từ sự phân tích ở trên, có thể thấy vẫn có sự không rõ ràng giữa các cách tiếp cận khác nhau về chủ thể là tổ chức không có tư cách pháp nhân. Tại thời điểm hiện nay, các cơ quan nhà nước có cách tiếp cận thực tế để xử lý tình huống phát sinh mà chưa có sự thống nhất về vấn đề này. Về lâu dài, cách tiếp cận chủ thể tham gia giao dịch dân sự không bao gồm tổ chức không có tư cách pháp nhân có lẽ sẽ dần thay thế cách tiếp cận chủ thể tham gia giao dịch dân sự bao gồm tổ chức không có tư cách pháp nhân. Đã đến lúc UBTVQH hoặc TANDTC cần tổng kết và có quan điểm chính thức về vấn đề này để tránh rủi ro cho các bên tham gia giao dịch. Cho đến khi có quan điểm chính thức này, các bên tham gia giao dịch nên áp dụng cách tiếp cận chủ thể tham gia giao dịch dân sự không bao gồm tổ chức không có tư cách pháp nhân./.
[1] Nếu khái quát hoá thì có thể hiểu hộ gia đình (i) là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng, (ii) đang sống chung trong gia đình và (iii) có tài sản chung. Hộ gia đình không được định nghĩa tại BLDS năm 2015 nhưng được quy định ở Điều 106 BLDS năm 2005 và khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013.
[2] Theo khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 của Chính phủ về tổ hợp tác, tổ hợp tác là “tổ chức không có tư cách pháp nhân, được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác, gồm từ 02 cá nhân, pháp nhân trở lên tự nguyện thành lập, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm”.
[3] Báo cáo số 1002/BC-UBTVQH13 của UBTVQH gửi đại biểu Quốc hội giải trình Dự thảo BLDS năm 2015 ngày 22 tháng 11 năm 2015, Mục 1.
[4] Khoản 6 Điều 84 BLDS năm 2015.
[5] Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân và theo khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2020, thì doanh nghiệp tư nhân là “doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”.
[6] Pháp luật Việt Nam nói chung không quy định cụ thể về quỹ đầu tư. Đã có quy định cho thấy có những loại quỹ đầu tư thành lập ở Việt Nam không có tư cách pháp nhân (ví dụ, Thông tư số 99/2020/TT-BTC ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, Phụ lục VI).
[7] Khoản 2(đ) Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Khoản 2(đ) Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 tiếp tục quy định như vậy.
[8] Khoản 18 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020.
[9] Hướng dẫn số 29/HD-VKSTC ngày 25 tháng 9 năm 2020 của VKSNDTC về một số nội dung trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại, Mục 5.
[10] Điều 11 Thông tư số 32/2016/TT-NHNN ngày 26 tháng 12 năm 2016 của NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19 tháng 8 năm 2014 của NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, hiệu lực từ ngày 1 tháng 3 năm 2017.
[11] Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013. Theo Hiến pháp năm 2013, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế bởi luật và không thể bị hạn chế bởi văn bản dưới luật như một thông tư của NHNN. Dường như BTP áp dụng nguyên tắc trên đối với tổ chức không phải pháp nhân trên cơ sở tương tự.
[12] Kết luận kiểm tra số 05/KL-KTrVB của Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật của BTP về Thông tư số 32/2016/TT-NHNN ngày 16 tháng 12 năm 2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19 tháng 8 năm 2014 của NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
[13] Xem Trương Nhật Quang (2020), Pháp luật về hợp đồng – Các vấn đề pháp lý cơ bản, Nxb. Dân Trí, từ tr. 41 đến tr. 44.
[14] Khoản 3(a) Điều 2 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, hiệu lực từ ngày 15 tháng 3 năm 2017.
[15] Nguyễn Ngọc Điện, “Chủ thể theo BLDS năm 2015 – giải pháp của sự hội nhập”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, truy cập ngày 20 tháng 6 năm 2020.
[16] Trong một số bản án mà chúng tôi thu thập được từ trang https://congbobanan.toaan.gov.vn/ thì khi gặp các hợp đồng mà chủ thể ký kết là hộ gia đình, tổ hợp tác hay doanh nghiệp tư nhân thì các tòa án không nhận định đó là vi phạm pháp luật hay tuyên vô hiệu các hợp đồng đó trên cơ sở chủ thể không có quyền tham gia giao dịch mặc dù các tòa án có thể xác định thành viên hộ gia đình, thành viên tổ hợp tác hay chủ doanh nghiệp tư nhân là đương sự trong vụ kiện.
[18] Khoản 2 Điều 103 và 288 BLDS năm 2015.
[19] Khoản 3 Điều 103 BLDS năm 2015.
[20] Tài sản chung của doanh nghiệp tư nhân có thể là vốn đầu tư được ghi nhận trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Khoản 4 Điều 28 Luật Doanh nghiệp 2020.
[21] Hướng dẫn số 29/HD-VKSTC ngày 25 tháng 9 năm 2020 của VKSNDTC về một số nội dung trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại, Mục 5.
Nguyễn Văn Ngọc
(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 18 (442), tháng 9/2021.)
Phản ứng của bạn là gì?