Cơ cấu tổ chức công ty cổ phần theo luật doanh nghiệp mới nhất?

Công ty cổ phần mang bản chất là công ty đối vốn, thành viên công ty thường rất đông và việc quản lý rất phức tạp.

14/07/2022 - 21:08 GMT+7
 0  104
Theo dõi DocLuat trên Google News
Cơ cấu tổ chức công ty cổ phần theo luật doanh nghiệp mới nhất?
Ảnh minh họa nguồn Internet

1. Công ty cổ phần là gì?

Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 thì công ty cổ phần là doanh nghiệp được thành lập thỏa mãn các yếu tố đó là:

- Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;

- Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân trong đó giới hạn tối thiểu phải là 03 và không có hạn chế số lượng tối đa;

- Cổ đông với cơ chế chịu trách nhiệm hữu hạn, trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

- Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác (trừ cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập cần có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông và cổ phần theo quy định của Điều lệ công ty hạn chế về chuyển nhượng nhưng phải được ghi rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng)

Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty để huy động vốn.

Như vậy, có thể thấy, bản chất của công ty cổ phần là công ty đối vốn, chỉ quan tâm đến phần vốn góp không quan tâm đến nhân thân của người góp vốn. (Công ty đối nhân là những công ty mà việc thành lập dựa trên sự liên kết chặt chẽ bởi độ tin cậy về nhân thân của các thành viên tham gia, còn yếu tố góp vốn là thứ yếu). Do việc thành lập chỉ quan tâm đến phần vốn góp, không bị hạn chế về số lượng tối đa thành viên nên thông thường thành viên công ty khá lớn thậm chí những người không hiểu biết về kinh doanh cũng có thể tham gia vào công ty. Cũng chính bởi đặc điểm này dẫn tới một hạn chế của công ty cổ phần đó là có sự tồn tại phân hóa các nhóm quyền lợi trong công ty, do đó, việc quản lý công ty cũng rất phức tạp. Chính bởi vậy mà cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần cũng được pháp luật quy định chặt chẽ hơn.

2. Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần 

Luật doanh nghiệp 2020 quy định tại Điều 137 về cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần. Trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác thì, thì công ty cổ phần tùy vào đặc điểm của cổ đông mà phải thiết lập một trong các hình thức cơ cấu tổ chức quản lý công ty như sau:

- Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty có dưới 11 cổ đông, trong đó các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát.

- Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Điều kiện áp dụng cơ cấu tổ chức này đó là ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị.

Như vậy, theo quy định này cơ cấu tổ chức quản lý mà công ty cổ phần lựa chọn áp dụng gồm mô hình có Ban kiểm soát và mô hình không có Ban kiểm soát, nhưng phải có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị.

Có bốn vấn đề cần làm rõ trong quy định tại Điều 137 Luật doanh nghiệp năm 2020:

Thứ nhất, việc Luật doanh nghiệp 2020 quy định "công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức và hoạt động theo một trong hai mô hình" song thực chất đó không phải là quyền tự do lựa chọn mà việc lựa chọn áp dụng mô hình nào còn phải xem xét về số lượng cổ đông, tính chất của cổ đông.

Thứ hai, Luật quy định 2 mô hình riêng biệt một mô hình có Ban kiểm soát, một mô hình không có Ban kiểm soát. Trong đó, ở mô hình (i) lại quy định ngoại lệ rằng "trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát". Vậy trường hợp ngoại lệ này có phải sẽ rơi vào áp dụng mô hình (ii) không? Hiện tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật doanh nghiệp chưa có quy định nào hướng dẫn cụ thể quy định này, nhưng về mặt tư duy pháp lý, hầu hết quan điểm đều cho rằng, công ty cổ phần áp dụng cơ cấu tổ chức quản lý theo mô hình (ii) không bao gồm trường hợp ngoại lệ của mô hình (i). Điều đó có nghĩa rằng, nếu công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông, và các cổ đông là tổ chức dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì có thể xây dựng và hoạt động theo mô hình gồm Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc mà không bắt buộc phải có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị.

Thứ ba, thành viên Hội đồng quản trị là thành viên độc lập được xác định như thế nào? Về vấn đề này Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 155, theo đó trừ trường hợp pháp luật chứng khoán có quy định khác, thành viên Hội đồng quản trị là thành viên độc lập khi đáp ứng các điều kiện đó là:

- Không phải là người đang làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty; Không phải là người đã từng làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty ít nhất trong 03 năm liền trước đó;

- Không phải là người đang hưởng lương, thù lao từ công ty, trừ các khoản phụ cấp mà thành viên Hội đồng quản trị được hưởng theo quy định;

- Không phải là người có vợ hoặc chồng, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột là cổ đông lớn của công ty; là người quản lý của công ty hoặc công ty con của công ty;

- Không phải là người trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty;

- Không phải là người đã từng làm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của công ty ít nhất trong 05 năm liền trước đó, trừ trường hợp được bổ nhiệm liên tục 02 nhiệm kỳ.

Trường hợp không còn thỏa mãn điều kiện là thành viên độc lập Hội đồng quản trị thì thành viên này phải thông báo với Hội đồng quản trị và đương nhiên không còn là thành viên độc lập Hội đồng quản trị kể từ ngày không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và điều kiện nêu trên (khoản 3 Điều 155 Luật doanh nghiệp 2020)

Thứ tư, về Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị.

Theo quy định tại Điều 161 Luật doanh nghiệp năm 2020, Ủy ban kiểm toán là cơ quan chuyên môn thuộc Hội đồng quản trị, có từ 02 thành viên trở lên, Chủ tịch ủy ban kiểm toán phải là thành viên độc lập Hội đồng quản trị, các thành viên khác của Ủy ban kiểm toán phải là thành viên Hội đồng quản trị không điều hành.

Trên cơ sở quyền và nghĩa vụ của Ủy ban kiểm toán được quy định tại khoản 3 Điều 161 có thể thấy Ủy ban kiểm toán được ví như là cánh tay nối dài của Hội đồng quản trị, là cầu nối giữa kiểm toán với Hội đồng quản trị, có trách nhiệm đảm bảo tính độc lập cho cả kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ trong quá trình thực hiện kiểm toán.

Ủy ban kiểm toán với nhiệm vụ giám sát hoạt động của bộ phận kiểm toán nội bộ của công ty, Ủy ban kiểm toán có được những thông tin về hoạt động hàng ngày của đơn vị dưới góc độ kiểm soát nội bộ nhằm đánh giá được các rủi ro kiểm soát có thể gặp phải. Ủy ban kiểm toán cũng tham gia vào việc xây dựng quản lý toàn bộ hoạt động của kiểm toán nội bộ, từ khâu lập kế hoạch, xác định phạm vi và nội dung công việc kiểm toán, đảm bảo các nguồn lực cần thiết cho đến khâu tiếp nhận và xử lý các báo cáo kiểm toán nội bộ định kỳ để thông tin lại cho Hội đồng quản trị. Những phát hiện của kiểm toán nội bộ về điểm yếu của hệ thống kiểm soát nội bộ, đặc biệt đối với quá trình lập báo cáo tài chính sẽ được Ủy ban kiểm toán thông tin kịp thời và trực tiếp đến Hội đồng quản trị để có hướng xử lý phù hợp.

Có thể thấy với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban kiểm toán là bộ phận đặc biệt phục vụ cho việc minh bạch hóa thông tin cung cấp ra bên ngoài, đảm bảo chất lượng kiểm toán, hỗ trợ thực hiện vai trò minh bạch thông tin của Hội đồng quản trị. Do đó, khi lựa chọn mô hình không có Ban kiểm soát thì bắt buộc phải có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị.

Về người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần được xác định như sau:

- Trường hợp chỉ có 1 người đại diện theo pháp luật: Thì Chủ tịch Hội đồng quản trị/Giám đốc/Tổng giám đốc sẽ là người đại diện theo pháp luật; (trường hợp này nếu Điều lệ công ty chưa có quy định thì xác định người đại diện theo pháp luật của công ty là Chủ tịch hội đồng quản trị)

- Trường hợp có nhiều hơn 01 người đại diện theo pháp luật: Thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc/Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Các thành tố khác trong mô hình tổ chức quản lý công ty cổ phần gồm Đại hội đồng cổ đông (Điều 138), Hội đồng quản trị (Điều 153), Ban kiểm soát (Điều 168), Giám đốc (Tổng giám đốc) (Điều 162) được quy định cụ thể trong Luật doanh nghiệp năm 2020. Bạn đọc tra cứu Luật doanh nghiệp 2020 và tìm đọc tại các điều luật đã trích dẫn trên đây để nám chi tiết hơn.

Như vậy, có thể thấy, pháp luật doanh nghiệp hiện hành đã quy định chi tiết về mô hình cơ cấu tổ chức quản lý trong công ty cổ phần. Song dù với mô hình nào thì mục đích cũng là để đảm bảo quản lý hiệu quả nhất và phù hợp với tính chất của loại hình công ty này, đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, minh bạch tới thành viên (nhà đầu tư).

Nguyễn Văn Ngọc (tổng hợp)

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow