Có được ra nước ngoài công chứng ngoài trụ sở?
Thời gian qua đã có nhiều người nhờ công chứng viên ra nước ngoài công chứng. Có văn phòng công chứng từ chối nhưng cũng có văn phòng đồng ý.
Luật lại quy định chưa thật sự rõ ràng nên các công chứng viên đề nghị cần có văn bản hướng dẫn.
Tại hội nghị triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014 do Bộ Tư pháp tổ chức tại TP.HCM mới đây, ông Phan Văn Cheo (Chủ tịch Hội Công chứng tại TP.HCM) cho biết: Thời gian qua có khá nhiều người Việt Nam điều trị bệnh dài ngày hoặc sinh sống ở nước ngoài. Khi cha mẹ của họ ở trong nước mất, vì lý do nào đó, họ không về nước được nên muốn ủy quyền cho người thân ở trong nước thực hiện di chúc, làm thủ tục phân chia di sản thừa kế...
Công chứng tại nước ngoài
Khi đó, thay vì tìm đến cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, nhiều người lại chọn phương án mời công chứng viên (CCV) Việt Nam sang nước ngoài trực tiếp công chứng và cầm giấy tờ về. “Có văn phòng công chứng (VPCC) từ chối nhưng tôi biết cũng có nhiều VPCC đã cử CCV ra nước ngoài công chứng theo yêu cầu của người dân” - ông Cheo khẳng định.
Ông Hoàng Xuân Hoan (Trưởng phòng Công chứng số 2, TP.HCM) cũng cho biết phòng công chứng của ông từng được nhiều khách hàng đề nghị cử CCV theo họ sang nước ngoài công chứng hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản, công việc… tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông đều từ chối các yêu cầu này và hướng dẫn người dân đến cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước sở tại đề nghị chứng nhận hợp đồng ủy quyền.
Không được phép?
Theo ông Cheo, CCV Việt Nam không có quyền sang nước khác thực hiện việc công chứng. “Luật pháp của một quốc gia chỉ có thể thực thi trên toàn lãnh thổ của quốc gia đó, không thể áp dụng luật pháp của quốc gia này tại một quốc gia khác. Do vậy, khi một công dân Việt Nam muốn công chứng ở nước ngoài thì phải đến cơ quan ngoại giao đại diện Việt Nam ở nước đó để công chứng theo Điều 65 Luật Công chứng 2006” - ông Cheo nói.
Đồng tình, ông Hoàng Xuân Hoan bổ sung: CCV Việt Nam không được chứng nhận các hợp đồng, giao dịch ngoài lãnh thổ Việt Nam bởi địa điểm chứng nhận như vậy không phù hợp với bản chất của CCV. Pháp luật về công chứng đã có quy định để bảo vệ và tạo thuận lợi cho người Việt Nam đang cư trú, học tập, du lịch, chữa bệnh… tại nước ngoài trong việc định đoạt các tài sản cũng như công việc tại Việt Nam khi họ không thể về nước thực hiện. Cụ thể, khoản 1 Điều 65 Luật Công chứng 2006 và Điều 78 Luật Công chứng 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2015) đều quy định cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài sẽ giúp người dân làm việc này.
TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM) cũng phân tích: Luật của một quốc gia chỉ có phạm vi điều chỉnh trong lãnh thổ quốc gia đó. Việc CCV ra nước ngoài công chứng cho công dân Việt Nam là không hợp pháp. Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa ký hiệp định hỗ trợ tư pháp về việc CCV ở Việt Nam có thể sang nước ngoài công chứng và ngược lại.
Cần có văn bản hướng dẫn
Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một số CCV lại có quan điểm khác. Theo họ, Luật Công chứng 2006 và Luật Công chứng 2014 đều không có điều khoản nào cấm CCV ra nước ngoài công chứng.
Một CCV (xin không nêu tên) nói: “Việc CCV ra nước ngoài công chứng không trái luật. Người dân ký vào giao dịch ở đâu không quan trọng. Chẳng hạn như hợp đồng mua bán nhà, họ ốm đau đang ở nước ngoài không thể về Việt Nam nhưng năng lực hành vi giao dịch của họ đầy đủ thì vẫn có quyền yêu cầu CCV qua đó được chứ”.
Vị CCV này lập luận thêm: “Khoản 2 Điều 44 Luật Công chứng 2014 nói rõ việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Ngoài trụ sở ở đây đâu có quy định là trong nước hay nước ngoài. Người yêu cầu công chứng có lý do chính đáng là đang bị bệnh tật đó thôi. Mình chỉ qua bên đó làm hợp đồng cho họ ký tên rồi mang về văn phòng đóng dấu chứ đâu có mang con dấu ra nước ngoài mà lo. Một người đang điều trị bệnh ở nước ngoài mà muốn bán một căn nhà trong nước, theo quy định họ có thể đến lãnh sự quán Việt Nam để ủy quyền. Tuy nhiên, nếu họ không di chuyển được mà mời lãnh sự quán vào bệnh viện không được thì họ chỉ có cách nhờ CCV ở Việt Nam qua. Điều này hoàn toàn hợp lý. Theo tôi, luật nên cho phép họ mời CCV ở Việt Nam để họ không bị mất đi quyền lợi”.
Ngược lại, theo TS Nguyễn Văn Tiến, quy định những trường hợp được công chứng ở ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng theo luật phải được hiểu là ở trong nước chứ không phải rộng ra là cả ở lãnh thổ nước ngoài.
Trước những quan điểm khác nhau này, ông Phan Văn Cheo đã đề nghị Bộ Tư pháp có văn bản hướng dẫn chính thức để các phòng công chứng, VPCC áp dụng thống nhất.
Chỉ hoạt động trong nước
Tại hội nghị triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014 do Bộ Tư pháp tổ chức, trả lời câu hỏi của ông Phan Văn Cheo về việc CCV có được quyền ra nước ngoài công chứng hay không, bà Đỗ Hoàng Yến (Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp) nói: “Theo tôi, CCV chỉ hoạt động trong nước. Chúng ta làm sao mà ra nước ngoài hoạt động được”. Tuy nhiên, bà Yến cũng cho biết là sẽ xem xét kỹ thêm vấn đề này sau.
Nguyễn Văn Ngọc (theo PL)
Phản ứng của bạn là gì?