Có quy định về chứng thực tờ tường trình quan hệ nhân thân?
Một số trao đổi từ yêu cầu xác nhận, chứng thực chữ ký của các tổ chức hành nghề công chứng trong tờ tường trình quan hệ nhân thân khi hướng dẫn thừa kế.
Hiện nay, khi thực hiện công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, văn bản từ chối nhận di sản...liên quan đến thừa kế, các tổ chức hành nghề công chứng thường yêu cầu người dân đến UBND cấp xã, phường, thị trấn để xác nhận hoặc chứng thực chữ ký trong "Tờ tường trình quan hệ nhân thân" (cụ thể là xác nhận quan hệ cha, mẹ, con; quan hệ vợ chồng...nhằm chứng minh mối quan hệ thừa kế).
Đây là yêu cầu không đúng quy định của pháp luật, gây áp lực, đẩy trách nhiệm kiểm tra, xác minh cho UBND cấp xã, phường, thị trấn, đồng thời gây khó khăn, phiền hà cho người dân khi phải thực hiện theo yêu cầu này. Bởi vì những lý do sau:
Tại khoản 2, 3 Điều 57 Luật Công chứng năm 2014 có quy định về công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản: Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.....
Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định. (Điều 58 quy định công chứng văn bản khai nhận di sản, Điều 59 quy định công chứng văn bản từ chối nhận di sản được thực hiện tương tự khoản 2, 3 của Điều 57).
Căn cứ quy định trên thì hồ sơ công chứng chỉ yêu cầu giấy chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản, theo đó giấy tờ này có thể là giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn... miễn là trong đó có nội dung chứng minh được quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản mà không bắt buộc phải là giấy xác nhận quan hệ nhân thân.
Công chứng viên phải có trách nhiệm kiểm tra, xác minh về quan hệ nhân thân để đảm bảo những người yêu cầu công chứng đúng là những người được hưởng di sản. Do đó việc các tổ chức hành nghề công chứng yêu cầu người dân thực hiện xác nhận hoặc chứng thực chữ ký trong giấy xác nhận quan hệ nhân thân gây khó khăn, phiền hà cho người dân đồng thời đẩy trách nhiệm kiểm tra, xác minh cho UBND cấp xã; phường, thị trấn, cụ thể như sau:
- Thứ nhất: Đối với yêu cầu xác nhận quan hệ nhân thân: Đây là xác nhận mang tính chất quản lý hành chính của chính quyền địa phương, theo đó địa phương căn cứ vào thông tin quản lý để xác nhận và chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, quan hệ nhân thân của một người là thông tin cá nhân, lãnh đạo địa phương phải theo dõi, quản lý, kiểm tra, xác minh được hết các mối quan hệ của họ mới đảm bảo việc xác nhận được chính xác, do đó các trường hợp không đủ cơ sở thì UBND cấp xã, phường, thị trấn đã từ chối thực hiện.
- Thứ hai: Đối với yêu cầu chứng thực chữ ký trong tờ tường trình quan hệ nhân thân: Sở Tư pháp nên quán triệt đến các cơ quan thực hiện chứng thực trên địa bàn tỉnh không tiếp nhận và thực hiện chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản có nội dung xác nhận quan hệ nhân thân (thể hiện mối quan hệ cha - mẹ - con, thể hiện quan hệ vợ - chồng, xác nhận việc chết, xác nhận chưa kết hôn với ai...), mặc dù những giấy tờ này không thuộc trường hợp không được chứng thực chữ ký theo quy định tại Điều 25 Nghị định 23/2015/NĐ-CP nhưng nội dung của nó là giấy tờ hộ tịch mà pháp luật quy định phải cấp theo mẫu như "Giấy khai sinh", "Giấy chứng nhận kết hôn", "Trích lục khai tử", "Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân"... nên phải thực hiện theo quy định của pháp luật hộ tịch (nội dung này đã được Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp quán triệt, hướng dẫn thực hiện tại Công văn số 842/HTQTCT-CT ngày 26/5/2016).
Mặc khác, theo quy định tại khoản 3, Điều 2 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP "Chứng thực chữ ký là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực" , Điều 23 Nghị định này cũng đã quy định "Người yêu cầu chứng thực chữ ký phải chịu trách nhiệm về mặt nội dung của giấy tờ, văn bản mà mình ký để yêu cầu chứng thực chữ ký"..... "Người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về tính xác thực về chữ ký của người yêu cầu...".
Như vậy, với việc chứng thực chữ ký thì UBND cấp xã, phường, thị trấn cũng chỉ xác thực chữ ký của người yêu cầu còn nội dung của giấy tờ, văn bản do người yêu cầu tự chịu trách nhiệm, tuy nhiên các Tổ chức hành nghề công chứng lại yêu cầu người dân thực hiện chứng thực chữ ký như một hình thức "mượn" việc chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo trách nhiệm xác minh, kiểm tra của mình.
Từ vấn đề trao đổi nói trên, trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền cần quán triệt đến các tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người yêu cầu nộp hồ sơ theo đúng quy định của Luật Công chứng (đó là giấy tờ chứng minh mối quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản như đã phân tích ở trên), không bắt buộc phải nộp giấy xác nhận quan hệ nhân thân như hiện nay. Đồng thời, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của công chứng viên trong việc kiểm tra, xác minh quan hệ nhân thân đảm bảo những người yêu cầu công chứng đúng là những người được hưởng di sản theo quy định./.
Xem thêm:
- Mẫu tờ tường trình quan hệ nhân thân
- Chứng minh quan hệ nhân thân khi phân chia di sản thừa kế
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân
Nguyễn Văn Ngọc (theo sotuphapqnam)
Phản ứng của bạn là gì?