Công chứng liên quan đến thừa kế thế vị

Công chứng viên thường lúng túng khi giải quyết yêu câu công chứng liên quan đến thừa kế thế vị trong một số trường hợp sau đây.

13/03/2024 - 08:30 GMT+7
 0  327
Theo dõi DocLuat trên Google News
Công chứng liên quan đến thừa kế thế vị
Công chứng liên quan đến thừa kế thế vị

Từ thực tế công tác, trong quá trình tác nghiệp, công chứng viên thường lúng túng khi giải quyết yêu câu công chứng liên quan đến thừa kế thế vị trong hai trường hợp sau:

- Trường hợp thứ nhất: Các công chứng viên thường đưa ra hai câu trả lời khác nhau, thậm chí trái ngược nhau khi quyết định áp dụng thừa kế thế vị trong từ chối, khai nhận hoặc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo di chúc. Để làm rõ vấn đề vừa nêu, chúng tôi xin đơn cử một ví dụ:

Ông Nguyễn Văn A có hai người con là Nguyễn Văn B và Nguyễn Văn C. Do không muốn chia đều di sản của mình cho cả hai người con sau khi chết, ông Nguyễn Văn A đã lập di chúc để phân định chi tiết phần di sản cho Nguyễn Văn B và Nguyễn Văn C vào năm 2010. Giả thiết đưa ra là Nguyễn Văn B chết trước ông Nguyễn Văn A vào năm 2012 mà ông Nguyễn Văn A không sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ đi chúc trước khi chết vào năm 2013. Vậy trong tình huống kể trên, cháu Nguyễn Văn D là con của Nguyễn Văn B có được hưởng thừa kể thế vị hay không khi người ta tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế của ông Nguyễn Văn A vào năm 2014?

Hiện có hai đáp án cho câu hỏi kể trên. Với đáp án thứ nhất, cháu Nguyễn Văn D sẽ không được hưởng thừa kế di sản từ ông Nguyễn Văn A theo quy định về thừa kế thế vị. Lý do đưa ra ở đây là bởi Nguyễn Văn B đã chết trước ông Nguyễn Văn A nên không thỏa mãn yêu cầu đối với “người thừa kế” được ấn định tại Điều 635 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương tự là Điều 613 Bộ luật Dân sự năm 2015). Do Nguyễn Văn B đã không đủ tiêu chuẩn để trở thành người thừa kế của ông Nguyễn Văn A nên cháu Nguyễn Văn D không thể trở thành người được hưởng di sản thừa kế thế vị. Ở đáp án thứ hai, căn cứ nội dung Điều 677 Bộ luật Dân sự năm 2005 (Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015) quy định về “thừa kế thế vị”, người ta cho rằng Nguyễn Văn D đáp ứng đầy đủ các điều kiện do luật định để trở thành người thừa kế thế vị của ông Nguyễn Văn A.

Hai cách thức xử lý có phần trái chiều nhau kể trên đối với cùng một tình huống yêu cầu công chứng có nguyên nhân từ cách hiểu và áp dụng quy định “thừa kế thế vị” không thống nhất. Những công chứng viên nghiêng về đáp án thứ nhất cho rằng “thừa kế thế vị” chỉ tồn tại trong hình thức thừa kế theo pháp luật trong khi những công chứng viên ủng hộ đáp án thứ hai lại khẳng định “thừa kế thế vị” hiện diện trong cả hình thức thừa kế theo di chúc. Rõ ràng, Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan không hề đưa ra câu trả lời cụ thể cho thắc mắc kể trên. Tình trạng tương tự cũng xảy ra khi chúng ta tìm hiểu nội dung Luật Công chứng năm 2014 cùng toàn bộ hệ thống văn bản hướng dẫn kèm theo. Ngay cả khi tìm hiểu rất kỹ nội dung Điều 677 Bộ luật Dân sự năm 2005 và Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015 đưa ra khái niệm “thừa kế thế vị”, tình hình cũng không có gì khả quan.

Tuy nhiên, sau khi tham khảo nội dung một số điều luật khác quy định về “quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ”, “quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế, “người thừa kế theo pháp luật”; “nội dung của di chúc bằng văn bản” và “người thừa kể” trong cả Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015, trong tương quan so sánh với khái niệm “thừa kế thế vị” nêu trên, chúng tôi khẳng định “thừa kế thế vị” chỉ đi đôi, gắn liền với hình thức thừa kế theo pháp luật mà thôi. Điều này có nghĩa trong tình huống kể trên, đáp án thứ nhất sẽ được áp dụng và cháu Nguyễn Văn D sẽ không được hưởng thừa kế di sản từ ông Nguyễn Văn A theo quy định về thừa kế thế vị, bởi lẽ bằng việc để lại di chúc cho con là Nguyễn Văn B, ông Nguyễn Văn A đã tước bỏ quyền hưởng thừa kế thế vị của cháu Nguyễn Văn D. 

- Trường hợp thứ hai: Như trên đã trình bày, theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành, dường như thừa kế thế vị là một hình thức đặc biệt của thừa kế theo pháp luật hay còn có thể gọi là thừa kế theo hàng. Vậy công chứng viên sẽ giải quyết ra sao khi "thừa kế thế vị và thừa kế theo hàng mẫu thuẫn với nhau". Để làm rõ vấn đề vừa nêu, chúng tôi xin đơn cử một ví dụ:

Ông Nguyễn Văn A có một người con duy nhất là Nguyễn Văn B và Nguyên Văn B cũng chỉ có một người con là cháu Nguyễn Văn C. Ngoài ra, ông Nguyễn Văn A có hai người em ruột là ông Nguyễn Văn X và ông Nguyễn Văn Y. Trong trường hợp Nguyễn Văn B chết năm 2012 trong khi ông Nguyễn Văn A chết năm 2013, tại thời điểm tiến hành thủ tục khai nhận thừa kế vào năm 2014, người ta có thể đưa ra hai phương án khai nhận di sản thừa kế do ông Nguyễn Văn A để lại hoàn toàn khác nhau.

Với phương án thứ nhất, cháu Nguyễn Văn C sẽ được hưởng toàn bộ khối di sản do ông Nguyễn Văn A đê lại theo quy định về “thừa kế thế vị” được ghi nhận tại Điều 677 Bộ luật Dân sự năm 2005 (Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Ở phương án thứ hai, toàn bộ khối di sản của ông Nguyễn Văn A sẽ được chia đều làm 3 phần cho ông Nguyễn Văn X, ông Nguyễn Văn Y và cháu Nguyễn Văn C theo như nội dung điểm b khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 hay điểm b khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Hiển nhiên, mỗi phương án khai nhận di sản thừa kế nêu trên đều được xây dựng dựa trên một cơ sở pháp lý nhất định. Cụ thể, những công chứng viên giải quyết theo phương án thứ nhất ưu tiên áp dụng quy định về “thừa kể thế vị” trong khi các công chứng viên ủng hộ phương án thứ hai lại cho rằng trong tình huống kể trên, các quy định về “thừa kế theo hàng” cần phải được áp dụng trước. Tham khảo toàn văn chế định thừa kế được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015, chúng ta thấy các nhà làm luật chỉ đề ra duy nhất nguyên tắc ưu tiên áp dụng hình thức thừa kế theo di chúc so với hình thức thừa kế theo pháp luật chứ không hề đả động đến nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật giữa thừa kế thế vị và thừa kế theo hàng. Để có thể đưa ra phương án xử lý chuẩn xác trong tình huống kể trên, theo quan điểm của tác giả, công chứng viên trực tiếp giải quyết yêu cầu công chứng khai nhận hay thỏa thuận phân chia di sản thừa kế cần phải tìm hiểu thật kỹ nội dung của quy định về thừa kế thế vị trên.

Căn cứ khái niệm “thừa kế thế vị” nêu tại điều luật kể trên, rõ ràng lúc này cháu Nguyễn Văn C được hưởng thừa kế không phải với tư cách là người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ hai mà được hưởng thừa kế nhân danh bố đẻ là Nguyễn Văn B. Nói theo cách khác, lúc này cháu Nguyễn Văn C đang hưởng thừa kế với danh nghĩa, tư cách của Nguyễn Văn B, người thừa kể thuộc hàng thừa kể thứ nhất của ông Nguyễn Văn A. Do vậy, chỉ khi nào Nguyễn Văn C không có con và chết trước ông Nguyễn Văn A, lúc đó ông Nguyễn Văn X và ông Nguyễn Văn Y mới có quyền hưởng di sản của ông Nguyễn Văn A với tư cách là người thừa kế thuộc hàng thứ hai. Từ sự trình bày, phân tích kể trên, chúng tôi nghiêng về phương án giải quyết thứ nhất. 

Nguyễn Ngọc (theo HVTP)

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow