Công nhận tài sản riêng vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Việc xác định tài sản riêng và tài sản chung của vợ chồng là một vấn đề mà mọi người rất ít quan tâm cho đến khi tình cảm của vợ chồng có vấn đề hoặc giữa vợ chồng có mục đích khác.
Theo quy định Luật Hôn nhân và gia đình 2014 (Luật HNGĐ 2014) về chế độ tài sản của vợ chồng thì:
Thứ nhất, trước khi kết hôn vợ chồng có thể lựa chọn chế độ tài tài sản theo thỏa thuận (thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực). Nếu các bên không thỏa thuận thì sẽ áp dụng chế độ tài sản theo luật định. (Căn cứ Điều 28, 47)
Thứ hai, căn cứ Khoản 1 Điều 33 tài sản chung của vợ chồng bao gồm:
“Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.”
Thứ ba, căn cứ Điều 43 tài sản riêng của vợ chồng bao gồm:
“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”
Thứ tư, khi vợ, chồng có tranh chấp nếu không đưa ra được căn cứ chứng minh tài sản đang tranh chấp là tài sản riêng thì tài sản đó được coi là tài sản chung (căn cứ Khoản 3 Điều 33).
Thứ năm, vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung (căn cứ Khoản 1 Điều 44).
Qua đó, trước khi nam, nữ kết hôn cần cẩn thận và khéo léo trong việc xác định sẽ áp dụng chế độ tài sản nào, xác định đâu là tài sản chung, đâu là tài sản riêng, có nhập hay không nhập tài sản riêng vào tài sản chung… Từ đó, đảm bảo quyền và lợi ích của mình khi quan hệ hôn nhân không còn, cũng như lợi ích của cả hai trong thời kì hôn nhân: thanh toán nợ riêng không ảnh hưởng tài sản riêng của bên còn lại góp phần đảm bảo kinh tế gia đình…
Điển hình, tại bản án 38/2018/DS-PT ngày 26/01/2018 do Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm vụ án về việc:
Ông T và bà Huỳnh Bích T kết hôn vào năm 1984. Năm 1987, ông T sang nhượng phần đất của bà 7 Giang, Đến năm 1996, ông được Uỷ ban nhân dân huyện Trần Văn Thời cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với toàn bộ diện tích đất trên. Ngày 21 tháng 10 năm 2016, khi cơ quan Thi hành án dân sự huyện Trần Văn Thời xác minh điều kiện thi hành án của bà T, bà T đã kê khai phần đất trên để đảm bảo cho việc thi hành án đối với khoản nợ riêng của bà T, ông không đồng ý vì đây là tài sản của riêng của ông. Do đó, Ông T khởi kiện yêu cầu Tòa án công nhận phần đất có diện tích 16.090m2 nêu trên là tài sản riêng của ông.
Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau đã quyết định: giữ nguyên bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T về việc yêu cầu công nhận diện tích đất nêu trên là tài sản riêng.
Xét tình tiết vụ án và quy định của pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng thì quyết định của Tòa án là hoàn toàn phù hợp. Bởi:
Thứ nhất, Ông T và bà T kết hôn với nhau năm 1984, đến năm 1987 Ông T mới nhận chuyển nhượng phần đất của bà 7 Giang. Như vậy, phần đất này được nhận chuyển nhượng trong thời kỳ hôn nhân của Ông T và bà T, mà theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật HNGĐ 2014 thì: “…Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.”
Thứ hai, ông T cũng không có chứng cứ chứng minh đây là tài sản riêng của mình, không có chứng cứ chứng minh đây là phần đất được mua từ số vàng ông được cha mẹ cho riêng như đã khai.
Như vậy, khi quyết định kết hôn các bên cần suy xét cẩn thận về vấn đề tài sản, dù là một vấn đề nhạy cảm, tuy nhiên là cần thiết để đảm bảo cho quyền và lợi ích của các bên trong cuộc sống hôn nhân cũng như khi chấm dứt quan hệ hôn nhân.
Phản ứng của bạn là gì?