Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân không?
Tư cách pháp nhân là tư cách pháp lý được Nhà nước công nhận cho một tổ chức (nhóm người) có khả năng tồn tại, hoạt động độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
1. Công ty hợp danh được quy định như thế nào?
Hiện nay Luật Doanh nghiệp 2020 quy định có 5 loại hình Doanh nghiệp là: Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) 2 thành viên trở lên; Công ty TNHH 1 thành viên; Công ty cổ phần; Công ty hợp danh; Doanh nghiệp tư nhân trong đó công ty hợp danh là loại hình ít được ưa chuộng hơn so với những loại hình còn lại do đặc điểm riêng biệt của nó. Vậy khái niệm và đặc điểm của loại hình này được luật quy định như thế nào?
Về khái niệm: Luật Doanh nghiệp không quy định chi tiết khái niệm của công ty hợp danh nhưng dựa vào điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020 ta có thể nhận diện loại hình này thông qua chi tiết sau:
Công ty hợp danh là một trong 5 loại hình doanh nghiệp, được coi là công ty đối nhân, đây là loại hình phải có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung ( gọi tắt là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn và thành viên góp vốn không bắt buộc phải có trong công ty, là cá nhân và tổ chức chỉ chịu trách nhiệm trong phần vốn góp của mình vào công ty khác với thành viên góp vốn, thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình vào các nghĩa vụ của công ty (ví dụ tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn... hay việc kê khai, nộp thuế và các nghĩa vụ khác).
2. Điều kiện xác định tư cách pháp nhân của công ty hợp danh.
Trước khi hiểu về tư cách pháp nhân thì chúng ta phải hiểu bản chất pháp nhân là gì? Tại sao lại quan tâm rằng công ty có tư cách pháp nhân hay không? Theo đó pháp nhân được hiểu là một tổ chức hay được coi là chủ thể được pháp luật bảo vệ có một tư cách pháp lý xác định, độc lập, có năng lực tham gia vào các hoạt độnh kinh tế, chính trị, xã hội theo quy định của pháp luật để hiểu rõ về pháp nhân chúng ta có thể đưa ra ví dụ về pháp nhân: Các trường đại học; Tòa án, Mật trận tổ quốc VN....)
Đối với việc nhận biết tư cách pháp nhân thì Điều 84 Bộ Luật Dân sự năm 2015 đã giúp chúng ta nhận biết như sau:
Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây: Được thành lập hợp pháp; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập. Cụ thể:
- Được thành lập hợp pháp: Đến đây nhiều người thắc mắc hợp pháp là gì? Ở đây hợp pháp là việc tổ chức đó thành lập theo đúng quy định của pháp luật, theo trình tự có tên gọi có nơi ở và được pháp luật công nhân thông qua một loại giấy tờ chứng minh (ví dụ cá nhân sinh ra hợp pháp khi có giấy khai sinh và được công nhận là một công dân...còn đối với Doanh nghiệp thì chứng minh thông qua Giấy chứng nhận đăng kí Doanh nghiệp.
Ngay tại Khoản 2 Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định " Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp" tức là sau khi hoàn tất thủ tục đăng kí doanh nghiệp hợp lệ và được cấp giấy chứng nhận đăng kí Doanh nghiệp thì công ty hợp danh chính thức trở thành pháp nhân. Vậy như thế nào là hợp lệ? Hợp lệ ở đây có thể hiểu khi muốn thành lập loại hình doanh nghiệp này chủ sở hữu cần đáp ứng đủ các điều kiện về Công ty hợp danh nêu ở mục 1, chủ sở hữu nộp hồ sơ giấy tờ liên quan đến việc thành lập ví dụ như: Giấy đề nghị đăng kí doanh nghiệp; Danh sách các thành viên; Cung cấp đầy đủ họ tên của thành viên hợp danh; và một số loại giấy tờ khác theo quy định để nộp đến cơ quan có thẩm quyền và làm các bước tiếp theo thì lúc đó mới được cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp và chính thức trở thành pháp nhân.
Tóm lại Công ty hợp danh được thành lập có tên gọi, có trụ sở riêng và thực hiện theo đúng trình tự thủ tục quy định của Pháp luật Doanh nghiệp và tiến hành nộp hồ sơ tại cơ quan đăng kí kinh doanh và được cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp lúc này công ty chính thức được khai sinh được công nhận có tư cách pháp nhân.
- Cơ cấu tổ chức chặt chẽ: Cơ cấu chặt chẽ có thể hiểu muốn hoạt động tốt trên thương trường thì Doanh nghiệp cần phải có mục đích hoạt động, điều lệ hoạt động rõ ràng, có người đại diện nhân danh, thay mặt cho pháp nhân thực hiện mọi giao dịch hay nói cách khác pháp nhân hoạt động chặt chẽ cần có sự phân bổ, sắp xếp nguồn nhân lực vào các bộ phận phù hợp với năng lực của từng cá nhân quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm từng bộ phận để tạo nên một Doanh nghiệp mạnh mẽ hoàn hảo về mọi mặt.
Đối chiếu sang công ty hợp danh có thể thấy công ty đáp ứng về tất cả những điều kiện trên cụ thể công ty muốn thành lập phải có ít nhất 2 thành viên, có thêm thành viên góp vốn, có bộ máy quản trị công ty hoàn chỉnh trong đó có Hội đồng thành viên bao gồm tất cả các thành viên hợp danh và thành viên góp vốn của công ty. Hội đồng thành viên có quyền quyết định tất cả các hoạt động kinh doanh của công ty bên cạnh đó Hội đồng thành viên có thể bầu trong số các thành viên hợp danh làm chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời kiêm Giám đốc( Quy định tại điều 182 Luật Doanh nghiệp 2020). Các thành viên hợp danh là chủ sở hữu sẽ tham gia và quản lý hoạt động của công ty trong việc điều hành trực tiếp mọi hoạt động, giao dịch của công ty cụ thể tại Điều 184 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định các thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của công ty và tổ chức điều hành hoạt động hàng ngày của công ty thông qua việc phân công đảm nhiệm các chức danh quản lý và kiểm soát công ty, Luật Doanh nghiệp cũng quy định thêm đối với thành viên góp vốn chỉ được hưởng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của công ty mà không có bất kỳ quyền hạn nào trong việc quản lý công ty (Điều 187 Luật Doanh nghiệp 2020) ngoài ra công ty hợp danh cũng có con dấu riêng do người đại diện quản lý và sử dụng và hoạt động, giao dịch liên quan đến công ty
Như vậy công ty hợp danh có cơ cấu hoạt động chặt chẽ phân bổ các bộ phận, chức danh, quyền và nghĩa vụ của các thành viên theo đúng quy định của pháp luật về cơ cấu tổ chức.
- Có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm với tài sản đó: Điều 179 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định tài sản của công ty hợp danh bao gồm: Tài sản góp vốn của các thành viên đã được chuyển quyền sở hữu cho công ty; Tài sản tạo lập mang tên công ty; Tài sản thu được từ hoạt động kinh doanh...; Tài sản khác theo quy định. Theo quy định thành viên hợp danh sẽ phải góp vốn theo như đã cam kết và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình tuy nhiên tất cả các thành viên không hẳn là phải chịu trách nhiệm toàn bộ tài sản đối với các nghĩa vụ của công ty mà chỉ có các thành viên hợp danh là chủ sở hữu phải chịu chế độ vô hạn và thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong hạn mức mình đã góp vốn. Như vậy công ty hợp danh có tài sản độc lập, các tài sản mà thành viên góp vốn vào công ty mà thuộc tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì vẫn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu để thể hiện sự tách bạch về tài sản khi đang hoạt động bình thường, công ty hợp danh dùng chính tài sản của mình để tham gia các quan hệ pháp luật trong trường hợp xấu mà công ty không đủ khả năng chịu trách nhiệm, thì lúc này thành viên hợp danh dùng toàn bộ tài sản của mình để chịu trách nhiệm.
- Cuối cùng là nhân danh công ty tham gia các quan hệ pháp luật: Như đã phân tích ở trên công ty hợp danh sẽ có người đại diện theo pháp luật đứng ra thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động của công ty. Cá nhân đại diện này có quyền thực hiện mọi giao dịch phát sinh trong quá trình công ty còn đang hoạt động như: Tham gia sản xuất, kinh doanh sinh lời hay tham gia với tư cách bị đơn, nguyên đơn trước Tòa hay trước các Trọng tài viên hoặc một số quan hệ khác theo quy định của pháp luật.
Bằng tất cả những phân tích trên cho thấy Công ty hợp danh có đầy đủ các yếu tố là một tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của bộ Luật Dân sự năm 2015. Để tìm hiểu thêm về loại hình này bạn đọc có thể tham khảo thêm tại Chương VI Luật Doanh nghiệp 2020 để có thể biết thêm về cơ cấu tổ chức, hoạt động, quyền nghĩa vụ của các thành viên và việc chấm dứt hoạt động công ty.
Nguyễn Văn Ngọc (tổng hợp)
Phản ứng của bạn là gì?