Đề số 21 - Liên quan đến Di chúc & Nội dung Di chúc

Đề thi liên quan đến một số vấn đề của Di chúc và nội dung của Di chúc như: quyền hưởng dụng, nơi công chứng di chúc, hạn chế phân chia di sản ...

19/10/2023 - 15:11 GMT+7
 0  501
Theo dõi DocLuat trên Google News
Đề số 21 - Liên quan đến Di chúc & Nội dung Di chúc
Đề số 21 - Liên quan đến Di chúc & Nội dung Di chúc

Đề thi số: 21

Tình tiết chung

Bà Nguyễn Thu Hương quyết định lập di chúc để định đoạt tài sản cho các cháu.

Theo trình bày của bà Hương, bà có các tài sản sau: 01 căn nhà tại quận M, thành phố T, 01 căn hộ chung cư tại quận H, thành phố S và một số tiết kiệm với giá trị tiền gửi là 800 triệu đồng tại Ngân hàng thương mại cổ phần XYZ gửi từ tháng 10/2019. Được biết, bà Hương chưa kết hôn với ai.

Bà Hương đến tổ chức hành nghề công chứng đề nghị hướng dẫn thủ tục lập di chúc. Thư ký nghiệp vụ tiếp nhận yêu cầu của bà Hương đã hướng dẫn bà lập 02 bản di chúc tại hai thành phố T và thành phố S. Lý do thư ký nghiệp vụ đưa ra là do tài sản bà Hương muốn định đoạt trong di chúc là các bất động sản ở các địa phương khác nhau nên Tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương nào sẽ có thẩm quyền chứng nhận đối với tài sản là bất động sản tại địa phương đó.

Câu hỏi 1 (1,0 điểm): Theo anh (chị), nội dung tư vấn của thư ký nghiệp vụ đúng với quy định của pháp luật không?

Theo điểm b khoản 1 Điều 107 Bộ luật dân sự 2015 quy định về bất động sản và động sản thì căn nhà tại quận M, thành phố T và căn hộ chung cư tại quận H, thành phố S được xác định là bất động sản.

Điều 42 Luật Công chứng 2014 quy định về phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản thì chỉ có duy nhất 03 (ba) loại giao dịch về bất động sản là di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản, văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện quyền của bất động sản là không hạn chế phạm vi công chứng.

Do đó, dù là bất động sản hay động sản thì di chúc không bị hạn chế bởi phạm vi công chứng, theo đó, bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng nào đang hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam đều có thẩm quyền công chứng di chúc của bà Hương, thậm chí theo khoản 1 Điều 78 Luật Công chứng 2014 thì cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài cũng có thẩm quyền công chứng di chúc của bà Hương.

Nội dung tư vấn của thư ký nghiệp vụ là chưa phù hợp với các quy định của pháp luật nêu trên.

Tình tiết bổ sung

Bà Hương quyết định lập di chúc để định đoạt đối với tài sản là căn nhà tại quận M, thành phố T (theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà 10113875246 do Ủy ban nhân dân quận M, thành phố T cấp ngày 10/3/2018) và số tiền gửi tiết kiệm cho hai người cháu ruột (con của hai người em trai bà Hương) là Nguyễn Trung Hiếu và Nguyễn Bảo Thoa.

Câu hỏi 2 (1,5 điểm): Anh (chị) hãy xác định những giấy tờ, tài liệu bà F cần cung cấp khi yêu cầu công chứng di chúc trong tình huống trên?

Tình tiết bổ sung

Về nội dung định đoạt, bà Hương dự định để lại căn nhà cho cháu Hiếu và tiết kiệm cho cháu Thoa. Bà Hương đề nghị công chứng viên soạn thảo giúp văn bản công chứng.

Câu hỏi 3 (3,0 điểm): Với tư cách là công chứng viên, anh (chị) hãy soạn thảo văn bản công chứng theo yêu cầu của bà Hương.

Tình tiết bổ sung

Sau khi xem lại dự thảo di chúc do công chứng viên cung cấp, bà Hương đề nghị sung một số nội dung như sau:

- Sau khi bà Hương chết, em trai bà Hương là ông Nguyễn Đức Quang sẽ là người quản lý di sản.

Khoản 1 Điều 616 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người quản lý di sản thì người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra. Đồng thời, khoản 5 Điều 626  Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền của người lập di chúc thì người lập di chúc có quyền chỉ định người quản lý di sản.

Do đó, bên cạnh quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi chết  cho cháu ruột là Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn Bảo Thoa thì bà Hương cũng có quyền chỉ định người quản lý di sản là bất kỳ ai – ông Nguyễn Đức Quang. Khi được chỉ định làm người quản lý di sản thì ông Quang có quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản tại thời điểm mở thừa kế.

Vì thế, tôi chấp nhận đề nghị trên của bà Hương.

- Cháu Hiếu và cháu Thoa chỉ được nhận các tài sản được thừa kế khi đủ 25 tuổi.

Điều 661 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hạn chế phân chia di sản thì trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.

Do đó, theo ý chí của bà Hương khi cháu Hiếu và cháu Hoa đủ 25 tuổi mới được nhận tài sản thừa kế là hoàn toàn phù hợp với quy định trên.

Vì thế, tôi chấp nhận đề nghị trên của bà Hương.

- Ngoài ra, cháu Hiếu có trách nhiệm cho cháu Thoa sử dụng chung căn nhà này cho đến khi cháu Thoa kết hôn.

Điều 257 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền hưởng dụng thì quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định.

Điều 258 Bộ luật dân sự 2015 quy định về căn cứ xác lập quyền hưởng dụng thì quyền hưởng dụng được xác lập theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc.

Đồng thời, khoản 1 Điều 260 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thời hạn quyền hưởng dụng thì thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận hoặc do luật quy định nhưng tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên nếu người hưởng dụng là cá nhân và đến khi pháp nhân chấm dứt tồn tại nhưng tối đa 30 năm nếu người hưởng dụng đầu tiên là pháp nhân.

Do đó, ý chí này chính là quyền hưởng dụng, quyền khai thác công dụng của căn nhà tức là sử dụng căn nhà. Quyền sở hữu thuộc về cháu Hiếu nhưng quyền hưởng dụng (khai thác sử dụng) căn nhà của cháu Thoa được xác lập theo di chúc, theo ý chí của bà Hương, thời hạn đến khi cháu Thoa kết hôn là phù hợp với thời hạn “tối đa đến hết cuộc đời người hưởng dụng đầu tiên - cháu Thoa”.

Vì thế, tôi chấp nhận đề nghị trên của bà Hương, đây chính là quyền hưởng dụng, một quyền mới được bổ sung vào Bộ luật dân sự 2015 so với các Bộ luật dân sự trước.

Câu hỏi 4 (2,5 điểm): Anh (chị) có chấp nhận bổ sung các nội dung trên vào văn bản công chứng không?

Tình tiết bổ sung

Ngoài ra, bà Hương còn muốn đưa thêm nội dung cháu Thoa chỉ được sử dụng số tiền mình được thừa kế vào mục đích phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, học tập mà không được tặng cho hay cho người khác vay.

Câu hỏi 5 (1,0 điểm): Nội dung mà bà Hương đề xuất đưa thêm vào di chúc nêu trên có hợp pháp không?

Khoản 5 Điều 221 Bộ luật dân sự 2015 quy định về căn cứ xác lập quyền sở hữu thì “được thừa kế” là một trong những căn cứ để xác lập quyền sở hữu. Khi được nhận thừa kế số tiền của bà Hương thì cháu Thoa là chủ sở hữu đối với số tiền đó. Do đó, theo Điều 194 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền định đoạt của chủ sở hữu thì chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản. Đồng thời, khoản 1 Điều 196 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hạn chế quyền định đoạt thì quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do luật quy định.

Chính vì thế, bà Hương đã lập di chúc để định đoạt số tiền để lại cho cháu Thoa nhưng lại hạn chế quyền định đoạt số tiền đó của cháu Thoa là vi phạm quyền định đoạt của chủ sở hữu tài sản khi cháu Thoa đã nhận thừa kế thì cháu Thoa đã có đầy đủ quyền năng của chủ sở hữu là chiếm hữu, sử dụng và quan trọng hơn là định đoạt.

Tình tiết bổ sung

Trước khi hướng dẫn bà Hương ký vào văn bản công chứng, công chứng viên kiểm tra bản chính các giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng và phát hiện thiếu giấy tờ để xác định tình trạng hôn nhân của bà Hương. Khi đó, bà Hương đã xuất trình được Lý lịch Đảng viên của mình, trong đó có nội dung thể hiện bà Hương chưa kết hôn với ai.

Câu hỏi 6 (1,0 điểm): Anh (chị) hãy đề xuất hướng giải quyết cho tình huống trên?

Lý lịch Đảng viên không phải là căn cứ để xác định tình trạng hôn nhân của một người mà phải căn cứ vào Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được cấp đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Hơn nữa, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà 10113875246 do Ủy ban nhân dân quận M, thành phố T cấp ngày 10/3/2018 và Số tiết kiệm gửi tại Ngân hàng thương mại cổ phần XYZ gửi từ tháng 10/2019 nên nếu Lý lịch Đảng viên có trước thời điểm 2018 thì rõ ràng tình trạng hôn nhân trong Lý lịch Đảng viên sẽ có trước thời điểm tạo lập tài sản, không thể dùng để chứng minh tình trạng hôn nhân trong thời điểm tạo lập tài sản (2018).

Trường hợp này tôi hướng dẫn bà Hương xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch thì thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thuộc về nơi thường trú của bà Hương.

Đề thi gồm 02 trang, học viên được sử dụng văn bản quy phạm pháp luật, giáo trình in của Học viện Tư pháp; cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Hết./.

 

 Văn Bình (VPCC Bình Phước)

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow