Di chúc để lại có người được hưởng di sản chết trước
Di chúc để lại có một người được hưởng di sản chết trước người để lại di chúc, thì di chúc vẫn có hiệu lực một phần, phần còn lại chia theo pháp luật.
I - Tình huống:
Ông Quảng có một người con duy nhất là ông Đại, ông Đại có vợ là bà Tiểu. Hai người có với nhau được ba người con là anh Hảo (34 tuổi), bị bệnh down; anh Hiều (28 tuổi) và anh Hạo (9 tuổi). Anh Hiều có vợ là chị Xiếu và có được một người con gái (2 tuổi) là Hiền.
Ngày 24/01/2010 ông Đại lập di chúc chia cho anh Hảo 1 tỷ 200 triệu đồng và cho anh Hiều 800 triệu đồng.
Ngày 28.07.2010 anh Hiều chết vì bị tai nạn giao thông. Một năm sau ngày anh Hiều chết thì ông Đại cũng qua đời vì bệnh ung thư.
Anh chị hãy phân chi di sản của ông Đại. Biết rằng di sản ông Đại để lại là 4 tỷ đồng tiền mặt và di chúc mà ông Đại lập đủ điều kiện đối với người lập di chúc, đúng hình thức và hợp pháp.
II - Giải quyết tình huống:
Di sản ông Đại để lại là 4 tỷ đồng.
Ông Đại chết để lại di chúc cho anh Hảo: 1 tỷ 200 triệu đồng, anh Hiều: 800 triệu đồng. Tuy nhiên do anh Hiều chết trước ông Đại nên phần di chúc ông Đại để lại di sản cho anh Hiều không có hiệu lực theo điều 667 BLDS 2005, cụ thể:
"Điều 667. Hiệu lực pháp luật của di chúc
1. Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế.
2. Di chúc không có hiệu lực pháp luật toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:
a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
b) Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế.
Trong trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực pháp luật.
3. Di chúc không có hiệu lực pháp luật, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
4. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực pháp luật.
5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật."
Khi đó, phần di sản của ông Đại không được định đoạt, không có hiệu lực trong di chúc là 2 tỷ 800 triệu đồng; phần di sản này được chia theo pháp luật.
Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất (theo điều 676 BLDS 2005) của ông Đại gồm: cụ Quảng, bà Tiểu, anh Hảo, anh Hạo, anh Hiều (anh Hiều đã chết nên cháu Hiền – con anh Hiều sẽ được thừa kế thế vị (điều 677 BLDS 2005)). Theo đó, mỗi người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Đại sẽ được hưởng mỗi người 560 triệu đồng.
"Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Điều 677. Thừa kế thế vị
Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống."
Trong trường hợp này, khi phần di sản của ông Đại không được định đoạt trong di chúc và phần di chúc không có hiệu lực được chia theo pháp luật thì cụ Quảng (bố ông Đại), bà Tiểu (vợ ông Đại), anh Hạo (con ông Đại – chưa thành niên) vẫn đảm bảo được hưởng 2/3 suất thừa kế nếu toàn bộ di sản ông Đại để lại được chia theo pháp luật (4 tỷ : 5) và anh Hảo là con ông Đại đã thành niên nhưng bị bệnh down không có khả năng lao động được hưởng thừa kế theo di chúc và được hưởng lớn hơn 2/3 của một suất thừa kế nếu toàn bộ di sản ông Đại để lại được chia theo pháp luật nên không thuộc trường hợp quy định tại điều 669 BLDS 2005, cụ thể.
"Điều 669. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:
1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động."
Phản ứng của bạn là gì?