Di sản dùng vào việc thờ cúng là đất bị nhà nước thu hồi
Di sản dùng vào việc thờ cúng là quyền sử dụng đất bị nhà nước thu hồi, tiền bồi thường có được chia cho những người thừa kế?
Phong tục thờ cúng tổ tiên từ lâu đời nay đã trở thành nét đẹp, nét văn hóa và là một chuẩn mực đạo đức của người Việt Nam. Để phong tục này được duy trì, phát triển Nhà nước ta đã cho phép một người trước khi chết có quyền định đoạt một phần tài sản mà mình để lại sau khi chết được dùng vào việc thờ cúng, quyền này được ghi nhận tại Điều 645 BLDS năm 2015 như sau:
“1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.
Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng”.
Theo đó pháp luật cho phép người để lại di sản có thể định đoạt bất kỳ tài sản nào của mình sau khi chết kể cả quyền sử dụng đất để dùng vào việc thờ cúng. Quyền sử dụng đất là một trong những tài sản có giá trị lớn và theo quy định của pháp luật về đất đai thì nó có thể bị thu hồi nếu cần thiết nhưng các quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng quá ít, chưa cụ thể, chưa dự liệu hết các tình huống có thể xảy ra trong thực tiễn. Do vậy, trong quá trình thực hiện quy định này còn nhiều vướng mắc dẫn đến hàng loạt các tranh chấp về di sản dùng vào việc thờ cúng nhưng chưa tìm được cách giải quyết hợp lý cụ thể như trường hợp tranh chấp sau:
Bà A (chết năm 2017) khi còn sống bà A tạo lập được diện tích đất 11.000m2 đất trồng cây lâu năm và đất ở cụ thể như sau: 2.000m2 tại thửa 534, 3.000 đất ở tại thửa 535, 4.000m2 đất ở tại thửa 536 và 2.000m2 (trong đó có 700m2 đất ở và 1.300m2 đất trồng cây lâu năm tại thửa 537 cùng tờ bản đồ số 10.
Bà A có 03 người con gồm ông Nguyễn Văn B, ông Nguyễn Văn C và bà Nguyễn Thị D.
Ngày 12/11/2017 bà A viết di chúc và công chứng tại Phòng công chứng trong đó thể hiện:
“Sau khi bà A chết để lại cho các con của bà toàn quyền sở hữu và sử dụng diện tích đất cụ thể như sau:
Con Nguyễn Văn B được thừa hưởng diện tích đất 4.000m2 đất ở tại thửa 536, tờ bản đồ số 10.
Con Nguyễn Văn C được thừa hưởng diện tích đất 3.000m2 đất ở tại thửa 535, tờ bản đồ số 10.
Con Nguyễn Thị D được thừa hưởng diện tích đất 2.000m2 đất ở tại thửa 534, tờ bản đồ số 10.
Đối với diện tích đất 2.000m2 tại thửa 537 tờ bản đồ số 10, phần này không bán, cũng không chia cho người nào, phần đất này là phần hương hỏa giao cho con trai trưởng là Nguyễn Văn B quản lý để dùng vào việc thờ cúng”.
Sau khi bà A chết năm 2018 các ông B, ông C và bà D được cấp giấy CNQSDĐ đối với diện tích được thừa hưởng theo di chúc, riêng ông B ngoài được cấp giấy CNQSDĐ đối với phần đất cá nhân được thừa hưởng còn được cấp đối với diện tích 2.000m2 tại thửa 537, tờ bản đồ số 10.
Năm 2012 thực hiện dự án mở rộng trường Đại học X thì Ủy ban nhân dân thành phố Y tiến hành thu hồi diện tích 1.600m2 tại thửa 537, tờ bản đồ số 10, bồi thường số tiền 200.000.000đồng cho ông B.
Sau đó ông C và bà D khởi kiện yêu cầu chia di sản là số tiền được bồi thường từ việc thu hồi đất dùng vào việc thờ cúng, với lý do đất đã được thu hồi nên yêu cầu chia.
Đối chiếu với quy định tại Điều 645 BLDS 2015:
Đối với nội dung khởi kiện này hiện pháp luật chưa quy định cụ thể trường hợp đất dùng vào việc thờ cúng bị thu hồi, bồi thường thì số tiền bồi thường có chia cho những người thừa kế khi họ có yêu cầu hay không còn nhiều quan điểm khác nhau cụ thể:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trong trường hợp này phải chia vì di sản dùng vào việc thờ cúng đã bị thu hồi cho nên người được chỉ định thờ cúng không còn nghĩa vụ thờ cúng vì vậy chia số tiền bồi thường.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Trong trường hợp này không chia vì di sản dùng vào việc thờ cúng bị thu hồi thì người được chỉ định trong di chúc vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thờ cúng và dùng số tiền được bồi thường để thờ cúng nên không chia.
Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai vì trong quá trình quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng nếu người được chỉ định trong di chúc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong nom, giữ gìn và bồi đắp di sản nên khi bị thu hồi thì là người được nhận tiền để tiếp tục tu bổ, trong nom phần di sản dùng vào việc thờ cúng còn lại./.
Nguyễn Văn Ngọc (sưu tầm)
Phản ứng của bạn là gì?