Đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH

Nhiều người lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) dưới 20 năm nên lo lắng về chế độ, điều kiện hưởng lương hưu.

29/11/2021 - 14:08 GMT+7
 0  53
Theo dõi DocLuat trên Google News
Đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH
Ứng dụng theo dõi bảo hiểm xã hội. Ảnh: Ngọc Thành

1. Mọi trường hợp đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đủ 20 năm sẽ không được hưởng lương hưu?

Sai: Vì Căn cứ khoản 3 điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Bộ luật Lao động năm 2019), lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động năm 2019 thì được hưởng lương hưu.

2. Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm thì được quyền nhận bảo hiểm xã hội một lần?

Đúng: Căn cứ khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13, trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

3. Người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn thiếu tối đa 6 tháng sẽ được đóng một lần cho số tháng còn thiếu để hưởng lương hưu?

Đúng: vì Căn cứ khoản 4 điều 15 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn thiếu tối đa 6 tháng thì người lao động được lựa chọn đóng một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động theo mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất để hưởng lương hưu.

Người lao động được hưởng lương hưu tại tháng đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và đã đóng đủ bảo hiểm xã hội cho số tháng còn thiếu.

4. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu tối đa 10 năm được đóng một lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu?

Đúng: vì Căn cứ điểm e khoản 1 điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, người lao động được đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

5. Người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm thì không được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện?

Sai: vì Căn cứ khoản 2 điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (theo một trong trong các phương thức hằng tháng, 3 tháng một lần, 6 tháng một lần, 12 tháng một lần, đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần) cho đến khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định.

Nguyễn Văn Ngọc (theo VnExprss)

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow