Dừng chứng thực hợp đồng, giao dịch tại UBND cấp xã
Quá trình xây dựng Luật Công chứng sửa đổi, Bộ Tư pháp đề nghị sửa đổi theo hướng phòng tư pháp huyện, UBND cấp xã không chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) phục vụ cho phiên họp của hội đồng thẩm định ngày 26-7.
Dự kiến Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ sửa đổi, bổ sung 44 điều, bổ sung mới ba điều trên tổng số 84 điều. Trong đó, tập trung sửa đổi năm nhóm chính sách lớn, xuyên suốt toàn bộ nội dung của luật.
Đáng chú ý là việc xác định lại khái niệm, nội hàm hoạt động công chứng, hành nghề công chứng và phạm vi thẩm quyền của công chứng viên (CCV) đúng với vai trò, bản chất của hoạt động này.
Chuyển giao việc chứng nhận hợp đồng, giao dịch cho tổ chức hành nghề công chứng
Theo Bộ Tư pháp, hiện nay có sự chồng chéo, trùng lặp về nhiệm vụ giữa CCV và người làm nhiệm vụ chứng thực theo quy định của Luật Công chứng 2014 và Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, theo quy định hiện nay đối với hợp đồng, giao dịch thì cá nhân, tổ chức có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực theo quy định. Hợp đồng, giao dịch được công chứng hoặc được chứng thực có giá trị pháp lý như nhau.
Trong khi đó, Nghị định 23/2015/NĐ-CP chưa có quy định về việc chuyển giao thẩm quyền trong trường hợp mức độ xã hội hóa đã đạt mức cần thiết. Do vậy, ở nhiều địa phương, mặc dù hoạt động công chứng đã phát triển khá mạnh, song cơ quan tư pháp xã, phường vẫn thực hiện việc chứng thực hợp đồng, giao dịch dẫn đến tình trạng chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước vào nhiệm vụ có thể do xã hội đảm đương.
Mặt khác, việc tồn tại song song hai hệ thống công chứng và chứng thực đối với cùng một đối tượng là hợp đồng, giao dịch còn dẫn đến tình trạng không ít tài sản được giao dịch nhiều lần tại cùng thời điểm mà không phát hiện ra, vì cơ sở dữ liệu về công chứng - chứng thực chưa có sự liên thông, kết nối.
Để khắc phục điều này, Bộ Tư pháp lựa chọn giải pháp khi sửa đổi Luật Công chứng là xác định nguyên tắc chuyển giao thẩm quyền giữa chứng thực và công chứng tại những địa bàn mức độ xã hội hóa công chứng đã phát triển cao.
Theo đó, bổ sung quy định UBND cấp tỉnh xây dựng Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng, CCV phù hợp với nhu cầu công chứng tại địa phương mình; xem xét quyết định việc chuyển giao việc công chứng hợp đồng, giao dịch của UBND cấp huyện, cấp xã đối với các địa bàn đã phát triển được tổ chức hành nghề công chứng. Lộ trình cụ thể để hoàn thành quá trình chuyển giao này được giao cho Chính phủ quy định.
Đánh giá về tác động của việc chuyển giao, theo Bộ Tư pháp, đối với ngân sách nhà nước, việc chuyển giao có thể tăng thu ngân sách do doanh thu từ hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng tăng lên. Với ước tính ít nhất 1,4 triệu việc chứng thực hợp đồng, giao dịch/năm được chuyển giao cho các tổ chức hành nghề công chứng thì thù lao công chứng thu được ước tính tăng thêm là 63 tỉ đồng, số phí công chứng tăng thêm 490 tỉ đồng, số tiền nộp ngân sách/thuế ước tính tăng thêm 66 tỉ đồng.
Trong khi đó, nếu giữ nguyên quy định như hiện nay, với 1,4 triệu việc chứng thực hợp đồng, giao dịch/năm, ước tính thu về cho ngân sách nhà nước là 56 tỉ đồng/năm.
Ngoài ra, việc chuyển giao nhiệm vụ chứng nhận hợp đồng, giao dịch cho tổ chức hành nghề công chứng còn giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng 53 tỉ đồng/năm để trả lương cho đội ngũ cán bộ tư pháp.
Dù vậy, việc thực hiện chuyển đổi cũng sẽ đối mặt với một số tác động tiêu cực như: Trong một số trường hợp người dân không còn được lựa chọn tổ chức hành nghề công chứng hoặc UBND cấp xã, huyện để thực hiện một số hoạt động công chứng, chứng thực nữa. Thêm vào đó, về cơ bản chi phí công chứng hợp đồng, giao dịch sẽ cao hơn việc chứng thực tại cơ quan tư pháp cấp huyện, xã.
Bãi bỏ quy định về công chứng bản dịch
Hiện nay, cùng một việc dịch và chứng nhận giấy tờ, tài liệu từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (hoặc ngược lại) thì cá nhân, tổ chức có thể yêu cầu công chứng bản dịch tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc yêu cầu chứng thực chữ ký của người dịch.
Đối với công chứng bản dịch, CCV phải chứng nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản và trường hợp không bảo đảm một trong các yếu tố này thì CCV vi phạm pháp luật, đối diện với nguy cơ bồi thường thiệt hại hoặc bị xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự.
Trong khi đó, theo Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì người thực hiện chứng thực chỉ chịu trách nhiệm về tính xác thực về chữ ký của người dịch trong bản dịch. Sự chênh lệch về trách nhiệm như trên dẫn đến việc hầu hết CCV không dám hoặc không muốn công chứng bản dịch để tránh nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra.
Từ đó, tại lần sửa đổi này, Bộ Tư pháp lựa chọn giải pháp bãi bỏ quy định về công chứng bản dịch tại Điều 61 Luật Công chứng 2014, không quy định công chứng gồm việc chứng nhận bản dịch nữa mà chuyển về nhiệm vụ chứng thực chữ ký của người dịch và vẫn giao cho CCV, tương tự như chứng thực bản sao và chữ ký cá nhân.
Lý giải về việc lựa chọn trên, Bộ Tư pháp cho rằng thông qua việc CCV tham gia chứng thực chữ ký của người dịch sẽ giúp chia sẻ trách nhiệm với cơ quan nhà nước. Nhờ đó, cơ quan hành chính nhà nước có thêm thời gian, nhân lực tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đúng chức năng, vai trò của mình.
Tại bản báo cáo đánh giá tác động, Bộ Tư pháp cho biết với việc giao cho CCV chứng thực chữ ký của người dịch thay vì công chứng bản dịch, mỗi năm số việc chứng thực chữ ký của người dịch ước tăng lên khoảng 380.000 việc. Mặt khác, số phí người yêu cầu chứng thực cần bỏ ra sẽ giảm đi bảy lần, tiết kiệm được khoảng 2,3 tỉ đồng/năm...
Bổ sung chức danh thư ký nghiệp vụ công chứng
Thực trạng hiện nay cho thấy có rất nhiều công đoạn trong quy trình công chứng do đội ngũ nhân viên giúp việc cho CCV trực tiếp thực hiện và CCV chỉ là người rà soát lại, ký tên chính thức. Tuy nhiên, tên gọi cũng như địa vị pháp lý của đội ngũ này chưa được ghi nhận chính thức.
Vì vậy, Bộ Tư pháp bổ sung một điều mới về thư ký nghiệp vụ công chứng với các tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng vào đề cương dự kiến của Luật Công chứng (sửa đổi).
Nguyễn Văn Ngọc (theo Báo Mới)
Phản ứng của bạn là gì?