Góp vốn thành lập, tăng vốn doanh nghiệp cần lưu ý gì?
Hiện nay, theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 việc góp vốn để thành lập Doanh nghiệp hoặc tăng vốn đăng ký của Doanh nghiệp đã thuận lợi rất nhiều.
1. Góp vốn là: việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.
2. Tài sản góp vốn là: Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản nêu trên mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật (theo Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020).
3. Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn:
- Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:
+ Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;
+ Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản.
- Biên bản giao nhận tài sản góp vốn phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
+ Họ, tên, địa chỉ liên lạc, số giấy tờ pháp lý của cá nhân, số giấy tờ pháp lý của tổ chức của người góp vốn;
+ Loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn; tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty;
+ Ngày giao nhận; chữ ký của người góp vốn hoặc người đại diện theo ủy quyền của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty.
- Việc góp vốn chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.
- Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.
- Việc thanh toán đối với mọi hoạt động mua, bán, chuyển nhượng cổ phần và phần vốn góp, nhận cổ tức và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của nhà đầu tư nước ngoài đều phải được thực hiện thông qua tài khoản theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, trừ trường hợp thanh toán bằng tài sản và hình thức khác không bằng tiền mặt (theo Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020).
Để góp vốn vào doanh nghiệp, người góp vốn phải chuyển quyền sở hữu, tài sản góp vốn cho doanh nghiệp và trở thành tài sản của doanh nghiệp (công ty). Đây là quy định mà các chủ sử dụng đất thường ngộ nhận rằng tài sản góp vốn cho công ty nhưng mình vẫn là chủ sở hữu, chủ sử dụng (đặc biệt là quyền sử dụng đất).
Theo như quy định trên, pháp luật hiện hành chỉ giới hạn việc góp vốn bằng tiền mặt trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện việc góp vốn vào doanh nghiệp khác chứ không hạn chế việc các cá nhân góp vốn bằng tiền mặt vào doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt (gồm tiền giấy hoặc tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi tiến hành giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp của mình vào doanh nghiệp khác như các quy định sau:
Căn cứ Điều 6 của Nghị định 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 của Chính phủ quy định về Giao dịch tài chính của doanh nghiệp:
“Các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng không sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau.”
Điều này được hướng dẫn cụ thể tại thông tư 09/2015/TT-BTC ngày 29/01/2015 của Bộ Tài chính. Cụ thể như sau:
“Điều 3. Hình thức thanh toán trong giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác
Các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.
Khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:
a) Thanh toán bằng Séc;
b) Thanh toán bằng ủy nhiệm chi - chuyển tiền;
c) Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.
Doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác bằng tài sản (không phải bằng tiền) thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Điều 4. Hình thức thanh toán trong giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau giữa các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng.
Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng (là các doanh nghiệp không thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng) khi thực hiện các giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau sử dụng các hình thức thanh toán được quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này.
Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng khi thực hiện giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau bằng tài sản (không phải bằng tiền), đối trừ công nợ, chuyển giao nghĩa vụ nợ thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.”
Phản ứng của bạn là gì?