Hiệu lực nghị quyết Đại hội đồng cổ đông
Quy định của pháp luật hiện hành về hiệu lực nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, quyết định Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị?
1. Nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 thì đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần, nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông chính là văn bản ghi nhận nội dung đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Và đây là văn bản quan trọng trong quá trình điều hành công ty nhằm ghi nhận các nội dung đã được biểu quyết và thông qua tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông. Các quyết định này được thông qua trình tự, thủ tục nhất định tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty. Nội dung và hình thức thông qua nghị quyết là các căn cứ để xem xét tính có hiệu lực của nghị quyết.
Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông do người triệu tập họp dự thảo và tiến hành thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông theo một trong hai hình thức gồm biểu quyết hoặc lấy ý kiến bằng văn bản.
Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông chỉ được thông qua bằng hình thức biểu quyết khi đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ biểu quyết (tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định), cụ thể:
- Phải có ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông tham dự và biểu quyết tại cuộc họp tán thành đối với các vấn đề về:
+ Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại;
+ Thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh;
+ Thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty;
+ Dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, hoặc tỷ lệ, giá trị khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định
Tổ chức lại, giải thể công ty;
+ Các vấn đề khác do Điều lệ công ty quy định.
- Yêu cầu có ít nhất trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông tham dự và biểu quyết tại cuộc họp tán thành đối với các vấn đề khác (trừ các vấn đề được nêu trên, vấn đề bầu thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và vấn đề làm thay đổi bất lợi quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi).
- Trong trường hợp biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát thì phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác. Như vậy theo đó mỗi cổ đông có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tổng số cổ phần sở hữu nhân với số thành viên được bầu của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát và cổ đông có quyền dồn hết hoặc một phần tổng số phiếu bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên.
Người trúng cử được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên có sô phiếu bầu cao nhất cho đến khi đủ số thành viên. Nếu trường hợp có từ 02 ứng cử viên trở lên đạt cùng số phiếu bầu như nhau cho thành viên cuối cùng của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát thì sẽ tiến hành bầu lại trong số các ứng cử viên có số phiếu bầu ngang nhau hoặc lựa chọn theo tiêu chí quy chế bầu cử hoặc Điều lệ công ty.
- Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông phải được thông báo đến cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nghị quyết được thông qua. Trường hợp công ty có trang thông tin điện tử, việc gửi nghị quyết có thể thay thế bằng việc đăng tải lên trang thông tin điện tử của công ty.
- Cổ đông có thể trực tiếp biểu quyết hoặc ủy quyền bằng văn bản cho một người khác biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông. Cổ đông được coi là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông trong những trường hợp sau:
+ Tham dự và biểu quyết trực tiếp tại cuộc họp;
+ Uỷ quyền cho một người khác tham dự và biểu quyết tại cuộc họp;
+ Tham dự và biểu quyết thông qua kênh hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc thông qua hình thức điện tử khác;
+ Gửi phiếu biểu quyết đến cuộc họp thông qua gửi thư, fax, thư điện tử.
- Đối với hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì Đại hội đồng cổ đông chỉ thông qua nghị quyết khi có ít nhất trên 50% tổng số phiếu biểu quyết tán thành đối với trường hợp thông qua. Và nghị quyết được thông qua theo hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản có giá trị như nghị quyết được thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông.
Ngoài ra, Biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến phải được gửi đến các cổ đông trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm phiếu. Với trường hợp công ty có trang thông tin điện tử, việc gửi biên bản kiểm phiếu có thể thay thế bằng cách thức đăng tải lên trang thông tin điện tử của công ty.
Hội đồng quản trị là cơ quan quan lý của công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ các quyền và nghĩa vụ thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Hội đồng quản trị thông qua nghị quyết, quyết định bằng biểu quyết tại cuộc họp, lấy ý kiến bằng văn bản hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty quy định và mỗi thành viên Hội đồng quản trị có một phiếu biểu quyết. Trong trường hợp nghị quyết, quyết định do Hội đồng quản trị thông qua trái với quy định của pháp luật, nghị quyết Đại hội cổ đông và Điều lệ công ty làm gây thiệt hại cho công ty thì các thành viên tán thành thông qua nghị quyết, quyết định đó phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân và phải đền bù tổn thất thiệt hại cho công ty, còn thành viên phản đối thông qua nghị quyết, quyết định nói trên được miễn trừ trách nhiệm.
2. Hiệu lực nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông
Như đã trình bày ở trên thì nghị quyết công ty cổ phần có giá trị rất quan trọng đối với công ty cổ phần, vì lẽ đó nên sau khi đã thống nhất và quyết định những hoạt động được đưa ra bàn bạc thì thời gian để tiến hành những nội dung đã ghi trong nghị quyết được thực hiện theo đúng thời gian có hiệu lực đã được thông qua trước đó và theo quy định tại Điều 152 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể:
- Thông thường thì nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông có hiệu lực kể từ ngày được thông qua hoặc từ thời điểm hiệu lực ghi tại nghị quyết đó.
- Có hiệu lực ngay khi có 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thông qua ngay cả khi trình tự và thủ tục thông qua nghị quyết đó không được thực hiện đúng như quy định. Điều này có nghĩa là kể cả khi trình tự, thủ tục triệu tập cuộc họp và thông qua nghị quyết vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty như quy phạm về thủ tục tiến hành cuộc họp, thông báo triệu tập hoặc có số lượng biểu quyết tại thời điểm đó không đáp ứng số lượng yêu cầu, hoặc kể cả nghị quyết thông qua có thể không được thực hiện bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản thì Nghị quyết đã được thông qua bằng 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thì vẫn được xem là hợp pháp.
- Nghị quyết vẫn có hiệu lực thi hành cho đến khi Tòa án, Trọng tài có quyết định khác đối với trường hợp Nghị quyết bị yêu cầu hủy bỏ bởi cổ đông hoặc nhóm cổ đông lớn, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Có thể hiểu rằng để đưa tới quyết định có hay không hủy bỏ nghị quyết đó thì Tòa án, Trọng tài cần có thời gian nhất định để tiến hành xem xét ra quyết định. Do việc chấm dứt ngay hiệu lực của Nghị quyết có thể sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến bộ máy quản lý vận hành và kế hoạch kinh doanh của công ty. Ví dụ như trường hợp số lượng thành viên Hội đồng quản trị không đủ theo quy định pháp luật, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thông qua bầu thành viên mới trong Hội đồng quản trị. Theo như đó thì việc yêu cầu hủy bỏ nghị quyết sẽ làm cho nghị quyết đó không còn hiệu lực dẫn đến việc vị trí trong Hội đồng quản trị sẽ bị bỏ trống. Quy định trên sẽ không được áp dụng trong trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Biện pháp khẩn cấp tạm thời là biện pháp mà Tòa án quyết định áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách, bảo toàn tình trạng tài sản, bảo vệ bằng chứng hoặc bảo đảm thi hành án. Và khi xem xét tính cấp thiết để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì tòa án phải đánh giá về khả năng tác động của nghị quyết Đại hội đồng cổ đông. Nếu không dừng thực hiện nghị quyết đó thì có thể mang đến hậu quả không khắc phục được. Cụ thể như, nghị quyết thông qua việc bầu Hội đồng quản trị công ty và Hội đồng quản trị này sau đó đã ban hành nhiều quyết định quản trị công ty và những quyết định đó có thể thay đổi tổ chức, bộ máy hoặc gây rủi ro cho công ty, do vậy cần phải dừng thực hiện nghị quyết đó để ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn, tránh tình trạng gây tổn thất nghiêm trọng.
3. Nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên
Hội đồng thành viên là cơ quan quyết định của công ty trách nhiệm hữu hạn, bao gồm tất cả thành viên công ty là cá nhân và người đại diện theo ủy quyền của thành viên công ty là tổ chức. Điều lệ công ty quy định kỳ họp Hội đồng thành viên nhưng ít nhất mỗi năm phải họp một lần.
Nghị quyết của Hội đồng thành viên được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp, lấy ý kiến bằng văn bản hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty quy định. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì nghị quyết, quyết định về các vấn đề sau đây phải được thông qua bằng biểu quyết tại cuộc họp Hội đồng thành viên:
+ Sửa đổi, bổ sung nội dung Điều lệ công ty;
+ Quyết định phương hướng phát triển công ty;
+ Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
+ Thông qua báo cáo tài chính hàng năm;
+ Tổ chức lại, giải thể công ty.
Đối với trường hợp Điều lệ công ty không có quy định một tỷ lệ khác, nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua tại cuộc họp trong trường hợp sau:
- Được các thành viên dự họp sở hữu từ 65% tổng số vốn góp của tất cả thành viên dự họp trở lên tán thành, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 59 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Phải được các thành viên dự họp sở hữu từ 75% tổng số vốn góp của tất cả thành viên dự họp trở lên tán thành đối với nghị quyết, quyết định bán tài sản có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty; hoặc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty. Ngoài ra, thành viên hay nhóm thành viên sở hữu từ 10% số vốn điều lệ trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 49 Luật Doanh nghiệp 2020 có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc họp Hội đồng thành viên, nếu trình tự thủ tục, điều kiện cuộc họp hoặc nội dung nghị quyết, quyết định đó không thực hiện đúng hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
- Trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản thì Chủ tịch Hội đồng thành viên gửi văn bản lấy ý kiến thành viên cho Hội đồng thành viên để thông qua quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên. Và điều kiện thông qua nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản là khi được số thành viên sở hữu ít nhất 65% vốn điều lệ tán thành, tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
4. Hiệu lực nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên
- Cũng giống như nghị quyết Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần thì nghị quyết của Hội đồng thành viên có hiệu lực kể từ ngày được thông qua hoặc từ ngày có hiệu lực được ghi tại nghị quyết, trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác.
- Nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua bằng 100% tổng số vốn điều lệ là hợp pháp và có hiệu lực ngay cả trong trường hợp trình tự và thủ tục thông qua nghị quyết, quyết định đó không được thực hiện đúng theo quy định.
- Và trường hợp thành viên, nhóm thành viên yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy bỏ nghị quyết đã được thông qua thì nghị quyết đó vẫn còn hiệu lực thi hành cho đến thời điểm có quyết định của Tòa án hoặc Trọng tài có hiệu lực thi hành.
Phản ứng của bạn là gì?