Hợp đồng thuê khoán bị đối tác nuốt lời
Tình trạng giao kết hợp đồng miệng, thiếu tuân thủ giao kết hợp đồng là nguyên nhân khởi phát nhiều vụ kiện với vòng tố tụng phức tạp, kéo dài.
Vừa qua, HĐXX giám đốc thẩm chấp nhận nội dung kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP HCM, hủy toàn bộ bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm vụ "Tranh chấp hợp đồng thuê khoán tài sản" giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Đông, bị đơn là ông Võ Quốc Dũng.
Vì 39 cây cao su...
Năm 2015, ông Đông ký hợp đồng thuê khoán vườn với ông Dũng. Cụ thể, ông Đông thuê 1,5 ha cao su trên địa bàn huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, thời hạn khai thác mủ là 4 năm, ông Dũng nhận đủ 120 triệu đồng như thỏa thuận. Đến tháng 6-2017, ông Dũng thình lình thuê người đập phá, ngăn cản ông Đông khai thác mủ cao su.
Trước tình hình trên, ông Đông báo chính quyền địa phương xử lý nhưng mâu thuẫn vẫn kéo dài. Cho rằng hành vi ông Dũng gây ra làm gia đình mình thiệt hại nặng nề, ông Đông khởi kiện.
Tại tòa, ông Đông yêu cầu ông Dũng tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê khoán. Không đồng ý, ông Dũng đưa ra một số bằng chứng thể hiện ông Đông vi phạm hợp đồng. Đơn cử, ông Đông cam kết không cạo mủ những cây cao su có chu vi dưới 40 cm nhưng thực tế vẫn khai thác mủ ở 39 cây có chu vi dưới 40 cm...
Quá trình giải quyết vụ án "Tranh chấp hợp đồng thuê khoán tài sản", TAND huyện Hớn Quản không chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc hai bên chấm dứt hợp đồng. Ông Dũng có nghĩa vụ trả nguyên đơn số tiền thuê khoán đã trả tương ứng với thời gian thuê còn lại (60 triệu đồng).
Đến năm 2018, hai đương sự cùng làm đơn kháng cáo. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Phước quyết định sửa án sơ thẩm, buộc ông Dũng và bà Nguyễn Thị Mật (người đứng tên mảnh đất trồng cao su) liên đới bàn giao cho ông Đông đầy đủ vườn cao su để tiếp tục cạo mủ, thu hoạch hoa lợi như giao kết.
Sau khi xem xét hồ sơ vụ việc, VKSND Cấp cao tại TP HCM có kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị TAND Cấp cao tại TP hủy toàn bộ bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Theo HĐXX giám đốc thẩm, biên bản xác minh trong hồ sơ thể hiện vườn cao su có 39 cây không đúng quy cách như hợp đồng. Tại biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ, ông Đông cũng xác nhận nội dung này. Như vậy, ông Đông thiếu trách nhiệm đối với những cam kết trong hợp đồng. Bản án sơ thẩm nhận định ông Đông vi phạm hợp đồng thuê khoán, từ đó ra quyết định chấm dứt hợp đồng thuê khoán giữa hai đương sự, buộc ông Dũng hoàn trả 60 triệu đồng. HĐXX giám đốc thẩm kết luận đây là phán quyết phù hợp luật định.
Từ thỏa thuận miệng đến kiện đòi nợ
Vụ án "Tranh chấp hợp đồng hùn vốn" giữa nguyên đơn là ông Lâm Văn Chiến, bà Phạm Thị Xém với bị đơn là ông Lê Tứ Hải, bà Trương Thị Khiếm (cùng ngụ tỉnh Cà Mau) cũng xuất phát từ nguyên nhân các bên "nuốt lời" khi hợp tác.
Đầu năm 2010, vợ chồng ông Chiến với vợ chồng ông Hải và ông Lâm Văn Bình giao kết miệng hợp tác nuôi tôm công nghiệp. Ông Chiến có nhiệm vụ vay tiền lo chi phí sản xuất; gia đình ông Hải tìm đất thuê, quản lý chi tiêu và trực tiếp nuôi tôm với ông Bình. Trừ hết chi phí, lời lỗ sẽ chia đều theo phần (gia đình ông Hải 4 phần, vợ chồng ông Chiến 1 phần, ông Bình 1 phần). Sau đó, vụ làm ăn nuôi tôm này lỗ đến gần 3,5 tỉ đồng. Chia đều theo các phần, phía ông Hải phải trả ông Chiến hơn 2,3 tỉ đồng. Nhằm hợp thức hóa khoản nợ, hai bên lập hợp đồng vay tiền với nội dung: vợ chồng ông Hải vay vợ chồng ông Chiến số tiền trên, thời hạn vay 2 năm, lãi suất 3%/tháng.
Vì phía ông Hải vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên vợ chồng ông Chiến khởi kiện. Năm 2013, nguyên đơn thắng kiện ở 2 cấp xét xử. Tuy nhiên, quyết định giám đốc thẩm do Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM hủy 2 bản án trên.
Xử sơ thẩm lại vào năm 2018, TAND TP Cà Mau chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc ông Hải hoàn trả cả gốc lẫn lãi. Không chấp nhận, ông Hải kháng cáo. Căn cứ hồ sơ và diễn biến tại tòa phúc thẩm, TAND tỉnh Cà Mau tuyên bố sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện.
Tuy nhiên sau đó, VKSND Cấp cao tại TP HCM kháng nghị bản án phúc thẩm, đề nghị hủy án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Sau khi cân nhắc, HĐXX giám đốc thẩm cùng cấp chấp nhận toàn bộ nội dung kháng nghị.
Theo đó, hồ sơ vụ án chứng minh việc hùn vốn nuôi tôm giữa các đương sự có xảy ra. Do đó, cơ quan pháp luật có căn cứ xác định các bên thỏa thuận chuyển khoản nợ từ việc hùn vốn nuôi tôm thành khoản nợ vay theo hợp đồng vay tiền. HĐXX giám đốc thẩm khẳng định bản án sơ thẩm hoàn toàn có căn cứ khi chấp nhận yêu cầu khởi kiện.
Xuất phát từ việc đánh giá chứng cứ chưa thực sự đầy đủ, toàn diện và khách quan, tòa phúc thẩm đưa ra phán quyết ảnh hưởng đến quyền, lợi ích nguyên đơn.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)
Phản ứng của bạn là gì?