Hợp đồng về chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ
Quyền sở hữu trí tuệ là một quyền tài sản, do vậy quyền sở hữu trí tuệ có thể trở thành đối tượng của các giao dịch dân sự.
Quyền sở hữu trí tuệ xác lập độc quyền của chủ sở hữu đối với việc khai thác, sử dụng các đối tượng sở hữu trí tuệ được bảo hộ dưới những hình thức do pháp luật quy định. Chủ sở hữu đối tượng sở hữu trí tuệ có thể tự mình khai thác đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu đối tượng sở hữu trí tuệ của mình cho những tổ chức, cá nhân khác. Việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, dù là chuyển quyền sử dụng hay chuyển quyền sở hữu, đều phải được lập dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản. Ngoài ra theo quy định tại khoản 4 Điều 86 và khoản 6 Điều 87 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, quyền nộp đơn đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và nhãn hiệu có thể được chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản. Cũng theo các quy định này, quyền đối với đơn đăng ký đã được nộp đối với các đối tượng này cũng có thể được chuyển giao với hình thức tương tự.
Pháp luật không có quy định bắt buộc phải công chứng các hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, các bên tham gia giao dịch vẫn có thể tự nguyện yêu cầu công chứng hợp đồng để xác nhận tính xác thực và hợp pháp của chúng.
I - Hợp đồng về chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ có thể thuộc những dạng sau đây:
- Hợp đồng tặng cho quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có các loại hợp đồng cụ thể như sau:
+ Hợp đồng tặng cho quyền tác giả.
+ Hợp đồng tặng cho quyền liên quan.
+ Hợp đồng tặng cho quyền sở hữu công nghiệp (đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, bí mật kinh doanh).
+ Hợp đồng tặng cho quyền đối với giống cây trồng.
- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có các loại hợp đồng cụ thể như sau:
+ Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả.
+ Hợp đồng chuyển nhượng quyền liên quan.
+ Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp (đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, bí mật kinh doanh).
+ Hợp đồng chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng.
- Hợp đồng chuyển quyền nộp đơn đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp, trong đó có các loại hợp đồng cụ thể như sau:
+ Hợp đồng chuyển quyền nộp đơn đăng ký sáng chế.
+ Hợp đồng chuyển quyền nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
+ Hợp đồng chuyển quyền nộp đơn đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn.
+ Hợp đồng chuyển quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu.
- Hợp đồng chuyển quyền đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đã được nộp, trong đó có các loại hợp đồng cụ thể như sau:
+ Hợp đồng chuyển quyền đối với đơn đăng ký sáng chế đã được nộp.
+ Hợp đồng chuyển quyền đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã được nộp.
+ Hợp đồng chuyển quyền đối với đơn đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn đã được nộp.
+ Hợp đồng chuyển quyền đối với đơn đăng ký nhãn hiệu đã được nộp.
Ngoài ra, có một số dạng hợp đồng khác có liên quan đến chuyển giao các đối tượng sở hữu trí tuệ như: Hợp đồng chuyển giao công nghệ, Hợp đồng chuyển nhượng quyền thương mại,...
II - Những điểm cần lưu ý trong hoạt động công chứng các giao dịch liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ:
1. Tính hợp pháp của đối tượng sở hữu trí tuệ được chuyển giao:
+ Căn cứ xác lập quyền sở hữu trí tuệ.
+Thời hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
2. Tính hợp pháp của chủ thể chuyển giao và nhận chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ.
3. Tính hợp pháp của phạm vi và nội dung chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ.
4. Sự phù hợp giữa hình thức và nội dung chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ.
+ Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan phải được lập thành văn bản gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;
b) Căn cứ chuyển nhượng;
c) Giá, phương thức thanh toán;
d) Quyền và nghĩa vụ của các bên;
đ) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
+ Hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan phải được lập thành văn bản gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền;
b) Căn cứ chuyển quyền;
c) Phạm vi chuyển giao quyền;
d) Giá, phương thức thanh toán;
đ) Quyền và nghĩa vụ của các bên;
e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
+ Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;
b) Căn cứ chuyển nhượng;
c) Giá chuyển nhượng;
d) Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.
+ Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền;
b) Căn cứ chuyển giao quyền sử dụng;
c) Dạng hợp đồng;
d) Phạm vi chuyển giao, gồm giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ;
đ) Thời hạn hợp đồng;
e) Giá chuyển giao quyền sử dụng;
g) Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền.
5. Sự tuân thủ các điều kiện hạn chế chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ:
+ Điều kiện hạn chế chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp (quy định tại Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005).
+ Điều kiện hạn chế chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (quy định tại Điều 142 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005).
Phản ứng của bạn là gì?