Kinh doanh đa cấp tại Việt Nam có bị cấm không?
Kinh doanh đa cấp khá phổ biến song nhiều người vẫn hiểu sai. Vậy kinh doanh đa cấp là gì? kinh doanh đa cấp chân chính hay lừa đảo?
Mục lục
- Kinh doanh theo phương thức đa cấp là vi phạm pháp luật
- Cán bộ, công chức có được bán hàng đa cấp?
- Để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp thì phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền cho công ty
- Phải mua một số lượng hàng hóa nhất định mới được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp
- Chỉ cần giới thiệu người khác tham gia bán hàng đa cấp là nhận được tiền hoa hồng từ công ty
- Không được kinh doanh theo phương thức đa cấp với hàng hóa là trang thiết bị y tế
- Kinh doanh theo phương thức đa cấp là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
- Người tham gia bán hàng đa cấp phải xuất trình Thẻ thành viên trước khi giới thiệu hoặc tiếp thị, bán hàng
1. Kinh doanh theo phương thức đa cấp là vi phạm pháp luật
Khoản 11 Điều 3 Luật thương mại quy định, bán hàng đa cấp là phương thức tiếp thị để bán lẻ hàng hóa đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Việc tiếp thị để bán lẻ hàng hóa được thực hiện thông qua mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau;
b) Hàng hóa được người tham gia bán hàng đa cấp tiếp thị trực tiếp cho người tiêu dùng tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng hoặc địa điểm khác không phải là địa điểm bán lẻ thường xuyên của doanh nghiệp hoặc của người tham gia;
c) Người tham gia bán hàng đa cấp được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả tiếp thị bán hàng của mình và của người tham gia bán hàng đa cấp cấp dưới trong mạng lưới do mình tổ chức và mạng lưới đó được doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấp thuận".
Như vậy, nếu đáp ứng điều kiện luật định thì hành vi bán hành đa cấp là hợp pháp. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp có các hành vi sau đây nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp thì được xem là bán hàng đa cấp bất chính
“1. Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
2. Không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại;
3. Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
4. Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia”.
2. Cán bộ, công chức có được bán hàng đa cấp?
Cán bộ, công chức không được bán hàng đa cấp vì căn cứ điểm đ khoản 2 điều 28 Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018, cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức không được tham gia bán hàng đa cấp.
3. Để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp thì phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền cho công ty?
Việc này là sai vì theo điểm a khoản 1 điều 5 Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.
4. Phải mua một số lượng hàng hóa nhất định mới được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp?
Việc này là sai vì theo điểm b khoản 1 điều 5 Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018, cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.
5. Chỉ cần giới thiệu người khác tham gia bán hàng đa cấp là nhận được tiền hoa hồng từ công ty?
Việc này là sai vì căn cứ theo khoản 1 điều 3 Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018, kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới.
Điểm c khoản 1 điều 5 Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó.
6. Không được kinh doanh theo phương thức đa cấp với hàng hóa là trang thiết bị y tế?
Việc này là đúng vì căn cứ khoản 2 điều 4 Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018, không được kinh doanh theo phương thức đa cấp với hàng hóa là thuốc; trang thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản); thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và các loại hóa chất nguy hiểm; sản phẩm nội dung thông tin số.
7. Kinh doanh theo phương thức đa cấp là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện?
Việc này là đúng vì:
Căn cứ Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2020, kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Theo điều 7 Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018, tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
- Có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên.
- Thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên, cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không bao gồm tổ chức hoặc cá nhân từng giữ một trong các chức vụ nêu trên tại doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP và Nghị định 40/2018/NĐ-CP.
- Ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 điều 50 Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018.
- Có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch và phù hợp với quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP.
- Có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp.
- Có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.
Doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại điều 9 Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hồ sơ đó.
8. Người tham gia bán hàng đa cấp phải xuất trình Thẻ thành viên trước khi giới thiệu hoặc tiếp thị, bán hàng?
Việc này là đúng vì căn cứ điều 41 Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018, trách nhiệm của người tham gia bán hàng đa cấp như sau:
- Người tham gia bán hàng đa cấp chỉ thực hiện các hoạt động tiếp thị, bán hàng và phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp sau khi được cấp Thẻ thành viên.
- Xuất trình Thẻ thành viên trước khi giới thiệu hoặc tiếp thị, bán hàng.
- Tuân thủ hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp và quy tắc hoạt động của doanh nghiệp.
- Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực khi giới thiệu về doanh nghiệp bán hàng đa cấp, hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp, kế hoạch trả thưởng và quy tắc hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
Nguyễn Văn Ngọc (theo VnExpress, tổng hợp)
Phản ứng của bạn là gì?