Ký hợp đồng vay tiền có cần biên bản giao nhận tiền vay?

Khi hai bên ký kết Hợp đồng vay tiền, vậy có bắt buộc phải lập thêm biên bản giao nhận tiền vay theo hợp đồng hay không?

24/09/2022 - 08:02 GMT+7
 0  118
Theo dõi DocLuat trên Google News
Ký hợp đồng vay tiền có cần biên bản giao nhận tiền vay?
Ký hợp đồng vay tiền có cần biên bản giao nhận tiền vay?

Theo ông TRƯƠNG MINH TẤN (TAND huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) - Nguyên đơn kiện đòi nợ, chứng cứ là hợp đồng vay mượn tiền có chữ ký của nguyên đơn và bị đơn. Bị đơn thừa nhận có ký hợp đồng nhưng cho rằng không nhận tiền, vì có biên nhận về việc giao nhận tiền. Đây là tình huống thực tế còn nhiều quan điểm khác nhau.

Theo quy định tại Điều 463 BLDS năm 2015 thì: "Hợp đồng vay tài sản là sự  thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định". Trong hợp đồng vay tài sản thì pháp luật quy định hình thức của giao dịch có thể bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể (khoản 1 Điều 119 BLDS năm 2015) và pháp luật không quy định hình thức của hợp đồng vay tài sản là điều kiện có hiệu lực pháp luật (khoản 2 Điều 117 BLDS năm 2015). Từ những quy định trên có thể thấy rằng hình thức của hợp đồng vay tài sản khá là đa dạng bởi lẽ việc quy định trên xuất phát từ giao dịch vay tài sản là giao dịch thông dụng và sử dụng phổ biến trong cuộc sống.

Chính việc quy định hình thức của hợp đồng vay tài sản là đa dạng nên thực tế công tác giải quyết án tranh chấp hợp đồng vay tài sản của Tòa án đặc biệt là đánh giá chứng cứ hết sức là khó khăn. Ngay cả khi bên cho vay tài sản xuất trình được bản chính hợp đồng vay tài sản và bên vay tài sản cũng thừa nhận có ký vào hợp đồng vay nhưng lại không chấp nhận yêu cầu của bên cho vay tài sản với lý do là bên vay tài sản không có ký biên bản giao nhận tài sản.

Ví dụ một trường hợp như sau:

Vào ngày 21/7/2020 ông A có cho bà B vay số tiền là 40 triệu đồng, khi vay thì hai bên có làm hợp đồng vay tiền, có chữ ký tên và ghi họ tên của bà B, không có ai chứng kiến và không có xác nhận của chính quyền địa phương, thời hạn vay là 4 tháng, hai bên khi vay có thỏa thuận lãi suất là 10%/năm, lãi suất trả hàng tháng, mục đích vay là tiêu dùng. Hết thời hạn vay do bà B không trả tiền vay và lãi suất cho ông A nên ông A khởi kiện bà B ra Tòa án. Tại Tòa án thì bà B trình bày là có ký hợp đồng vay tiền của ông A như biên nhận ông A giao nộp cho Tòa án, tuy nhiên bà B không chấp nhận yêu cầu của ông A vì lý do bà B chưa nhận số tiền vay của ông A theo hợp đồng vay tiền ngày 21/7/2020.

Theo quan điểm của tác giả thì xét thấy bên cho vay và bên vay tiền thừa nhận có lập tờ hợp đồng vay tiền. Tuy nhiên, mặc dù hai bên có không có làm biên bản giao nhận tiền vay nhưng theo tập quán giao dịch vay tiền trong đời sống thì việc vay tiền không nhất thiết phải có biên nhận giao nhận tiền vay. Trong trường hợp bên vay không có nhu cầu vay tiền của bên cho vay nữa thì bên vay phải thu hồi tờ hợp đồng vay tiền hoặc có tài liệu, chứng cứ chứng minh rằng hai bên sẽ thực hiện nghĩa vụ giao nhận tiền sau khi ký kết tờ hợp đồng vay tiền. Do bên vay không có tài liệu, chứng cứ chứng minh rằng việc các bên thỏa thuận việc giao nhận tiền vay sau khi ký kết hợp đồng vay tiền và bên vay không thu hồi bản chính tờ hợp đồng vay tiền đã ký với bên cho vay. Vì vậy, tác giả cho rằng việc yêu cầu khởi kiện của ông A là có cơ sở chấp nhận mặc dù các bên không có lập biên bản giao nhận tiền vay.

Theo ông LƯU TRUNG HUY (Tòa án quân sự Quân khu 3) - Qua nghiên cứu bài viết “Hợp đồng vay tiền có bắt buộc phải có biên bản giao nhận tiền vay hay không? của tác giả Trương Minh Tấn, chúng tôi cho rằng hợp đồng vay tiền không bắt buộc phải có biên bản giao nhận tiền vay.

Thứ nhất, hợp đồng vay tài sản giữa ông A và bà B là hoàn toàn hợp pháp

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Tại khoản 1 Điều 105 BLDS 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Như vậy, vay tiền cũng được coi là hoạt động xác lập giao dịch dân sự vay tài sản.

Điều kiện về hình thức của giao dịch dân sự nói chung được BLDS 2015 quy định tại khoản 1 Điều 119: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”, đồng thời, đối với hợp đồng vay tài sản không có quy định bắt buộc về đăng ký, công chứng chứng thực hợp đồng hay bắt buộc phải tạo lập thành văn bản thì mới có hiệu lực. Hợp đồng vay tài sản được thỏa thuận là hoàn toàn hợp pháp nếu đáp ứng đủ yếu tố về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự quy định tại Điều 117 BLDS 2015 gồm: yếu tố chủ thể, tính tự nguyện của các bên tham gia giao dịch, mục đích và nội dung không vi phạm điều cấm của xã hội.

Theo tình huống, ngày 21/7/2020 ông A có cho bà B vay số tiền là 40 triệu đồng, khi vay thì hai bên có làm hợp đồng vay tiền, có chữ ký tên và ghi họ tên của bà B, không có ai chứng kiến và không có xác nhận của chính quyền địa phương, thời hạn vay là 4 tháng, hai bên khi vay có thỏa thuận lãi suất là 10%/năm, lãi suất trả hàng tháng, mục đích vay là tiêu dùng. Như vậy hợp đồng vay tài sản giữa ông A và bà B là hoàn toàn hợp pháp.

Thứ hai, việc kiện đòi tài sản của ông A là có căn cứ

Theo quy định của BLTTDS 2015, tại khoản 5 Điều 70, một trong những nghĩa vụ của nguyên đơn là cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nếu không có hợp đồng chứng minh việc vay tiền, số tiền vay thì nguyên đơn cũng có thể đưa ra các tài liệu khác để chứng minh ví dụ như: Các cuộc trao đổi, biên bản giao/nhận tiền, băng ghi âm, ghi hình liên quan đến việc vay tiền, giấy tờ/biên lại chuyển khoản, giải ngân…; đưa ra nhân chứng biết về mối quan hệ, giao dịch… từ đó có cơ sở chứng minh hợp đồng vay tiền là có thật.

Như vậy để có căn cứ chứng minh ông A đã giao tiền cho bà B thì ông A cần cung cấp cho Tòa án các chứng cứ khác như băng ghi âm, ghi hình liên quan đến việc vay tiền, giấy tờ/biên lai chuyển khoản, giải ngân…; đưa ra nhân chứng biết về mối quan hệ, giao dịch… để Tòa án có căn cứ giải quyết vụ án. Do đó hợp đồng vay tiền không bắt buộc phải có biên bản giao nhận tiền vay.

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow