Lời khai của đứa trẻ 10 tuổi khiến Kendrick đi tù oan 25 năm
Mỹ - khi Kendrick được huỷ án, tự do bước ra khỏi tòa án ở quận Queens, New York, thẩm phán đã xin lỗi ông vì gây oan sai nghiêm trọng.
Ngày 19/11, lần đầu tiên ông được tự do kể từ khi bị bắt vì tình nghi giết người vào năm 1994. "Hôm nay, tôi rất hạnh phúc vì chưa bao giờ nghĩ điều này sẽ xảy ra", Kendrick, 62 tuổi, nói. Đáp lại, thẩm phán xin lỗi Kendrick vì nỗi oan sai "nghiêm trọng" này.
"Phải mất quá nhiều thời gian để sự việc được phát hiện. Và thưa ông, ông xứng đáng được đối xử tốt hơn thế. Chúng tôi đã phụ lòng ông", thẩm nói trước khi hủy bản án và bãi bỏ cáo trạng với Kendrick.
Bản án 25 năm tù của Kendrick xuất phát từ cái chết của cụ bà 70 tuổi trong vụ cướp tài sản xảy ra sau khu nhà Kendrick sống tại quận Queens vào tháng 11/1994. Vụ cướp được một bé trai 10 tuổi chứng kiến từ cửa sổ tầng ba, cách hiện trường hơn 30 m. Theo cậu bé, kẻ cướp là "người da đen trong độ tuổi 30, mặc áo khoác đen".
Vài tiếng sau, Kendrick bị cảnh sát bắt trong lúc đang đi bộ trong khu phố do có ngoại hình phù hợp mô tả đại khái của nhân chứng. Kendrick phối hợp với cảnh sát và cho phép khám căn hộ nơi ông sống chung với một phụ nữ. Quá trình khám xét, cảnh sát thu giữ chiếc túi xách màu đen ở trên tivi vì nghi là tang vật.
Khi được đưa tới nhận diện, bé trai 10 tuổi đã hỏi liệu "kẻ giết người thực sự" có ở trong số những người xếp hàng trước mặt không và được trả lời là có. Cậu bé ban đầu nhận diện một người "giống kẻ đâm cụ bà" nhưng cuối cùng chọn Kendrick.
Sau đó, một nhân chứng khác cũng cho biết nhìn thấy Kendrick chạy khỏi hiện trường với chiếc túi xách đen dưới nách. Ngoài lời khai của hai nhân chứng, không có chứng cứ trực tiếp buộc tội nhưng ông vẫn bị kết án chung thân không được ân xá trong 25 năm.
Năm 2016, xét nghiệm ADN cho kết quả Kendrick không phải chủ nhân của mẫu ADN dưới móng tay của cụ bà. Bề mặt chiếc túi xách đen thu giữ từ nhà Kendrick cũng không có ADN của nạn nhân.
Khi đã trưởng thành, bé trai từng nhận diện Kendrick xin rút lại lời khai và thừa nhận "chưa bao giờ có thể nhận mặt thủ phạm". Việc cảnh sát xác nhận có "kẻ giết người thực sự" trong nhóm nghi phạm cũng là phương pháp có thể dẫn tới nhận diện sai.
Ngoài ra, nhân chứng thứ hai cũng được phát hiện là có động cơ nói dối rất lớn để giúp đỡ cảnh sát vì khi ấy, anh ta đang bị cáo buộc trong hai vụ án hình sự nghiêm trọng. Bốn người khác, trong đó có bạn gái của nhân chứng thứ hai, cũng cung cấp thông tin mâu thuẫn với lời khai của người này.
Sau khi Kendrick được minh oan, luật sư bào chữa nhận định "đây là vụ án oan điển hình phơi bày những khuyết điểm tồi tệ nhất" trong hệ thống tư pháp Mỹ. Công tố viên quận Queens cũng cho rằng bồi thẩm đoàn rất có thể sẽ không kết tội Kendrick nếu được thấy những chứng cứ mới.
Hiện, bang New York yêu cầu lực lượng chức năng khi cho nhân chứng nhận diện phải thông báo rằng nghi phạm chưa chắc ở trong nhóm những người trước mặt.
theo vnExpress
Phản ứng của bạn là gì?