Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện Luật Doanh nghiệp 2020

Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 về cổ đông, hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc công ty cổ phần.

26/04/2022 - 08:34 GMT+7
 0  368
Theo dõi DocLuat trên Google News
Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện Luật Doanh nghiệp 2020
Ảnh minh họa nguồn Internet

1. Các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 về cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc/Tổng giám đốc

Cổ đông là những người trực tiếp góp vốn vào công ty cổ phần. Do đó, họ chính là những người chủ thật sự của công ty. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp (Luật doanh nghiệp) năm 2020, cổ đông là "cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của Công ty Cổ phần" [Khoản 3 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020], cổ đông có các quyền sau: (i) nhóm các quyền liên quan đến quản lý, điều hành trong Công ty Cổ phần; (ii) nhóm các quyền về kinh tế; (iii) nhóm quyền về kiểm tra, giám sát hoạt động của Công ty Cổ phần; (iv) nhóm quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh trong nội bộ Công ty Cổ phần [Điều 166 Luật doanh nghiệp năm 2020]. Bên cạnh đó, cổ đông cũng phải thực hiện các nghĩa vụ được quy định tại Điều 119 Luật doanh nghiệp năm 2020.

Theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020, Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý Công ty, có toàn quyền nhân danh Công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Công ty, trừ các quyền và nghĩa vụ thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Khoản 2 Điều 153 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định, Hội đồng quản trị có những quyền và nghĩa vụ sau: (i) quyền kiến nghị với Đại hội đồng cổ đông; (ii) quyền quyết định các hoạt động đầu tư, kinh doanh của công ty; (iii) quyền chi phối công tác nhân sự của công ty; (iv) quyền chi phối bộ máy quản trị của Công ty và (v) các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định tại Luật doanh nghiệp năm 2020 và Điều lệ Công ty. Nhìn chung, quyền và nghĩa vụ của Hội đồng quản trị được quy định tại Luật doanh nghiệp năm 2020 về cơ bản đã bao quát hết mọi lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp từ vấn đề vốn, cổ phần, kế hoạch, chiến lược đầu tư, kinh doanh đến hệ thống quản trị, bộ máy quản lý của Công ty.

Theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020, Giám đốc/Tổng giám đốc là người điều hành Công ty, do Hội đồng quản trị bổ nhiệm một người trong số họ hoặc thuê người khác với nhiệm kỳ không qua 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Giám đốc/Tổng giám đốc chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao. Luật doanh nghiệp năm 2020 không quy định tiêu chuẩn và điều kiện của Giám đốc/Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần, mà chỉ quy định tiêu chuẩn và điều kiện của Giám đốc/Tổng giám đốc của Công ty đại chúng, Công ty Cổ phần do Nhà nước nắm giữa trên 50% tổng số cổ phần biểu quyết và Công ty con của doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, Giám đốc/Tổng giám đốc phải đáp ứng một số tiêu chuẩn, điều kiện như không thuộc đối tượng quy định bị cấm quản lý doanh nghiệp hay không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên của Công ty và Công ty mẹ, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại Công ty và Công ty mẹ; có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của Công ty" [Khoản 5 Điều 162 Luật doanh nghiệp năm 2020].

Như vậy, các quy định của pháp luật về quản trị Công ty Cổ phần đã được quy định khá đầy đủ trong Luật doanh nghiệp năm 2020.

2. Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện

2.1. Các quy định về cổ đông trong công ty cổ phần

Một là, về thời điểm xác lập tư cách cổ đông: Khoản 4 Điều 124 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định "cổ phần được coi là đã bán khi được thanh toán đủ và những thông tin về người mua theo quy định tại khoản 2 Điều 122 Luật doanh nghiệp năm 2020 được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông; kể từ thời điểm đó, người mua cổ phần trở thành cổ đông của công ty". Như vậy, trường hợp nhà đầu tư đã thanh toán đủ tiền góp vốn mua cổ phần nhưng vì một lý do khách quan hay chủ quan nào đó mà chưa được đăng ký thông tin vào sổ đăng ký cổ đông của Công ty thì nhà đầu tư vẫn chưa có tư cách cổ đông của Công ty đó.
Về vấn đề này, các tác giả cho rằng, việc đăng ký thông tin người mua vào sổ đăng ký cổ đông hoàn toàn chỉ là hình thức xác nhận việc mua cổ phần giúp Công ty có thể quản lý và liên hệ với các cổ đông, chứ không làm thay đổi bản chất của việc nhà đầu tư đã góp đủ vốn mua cổ phần. Do đó, quy định trên của Luật doanh nghiệp năm 2020 là chưa hợp lý, không bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, dẫn đến những tranh chấp không đáng có giữa nhà đầu tư và công ty. Để khắc phục bất cập này, cần sửa đổi khoản 4 Điều 124 Luật doanh nghiệp năm 2020 theo hướng quy định thời điểm xác lập tư cách cổ đông được tính từ khi nhà đầu tư hoàn thành việc thanh toán góp vốn và ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần hợp pháp. Theo đó, khoản 4 Điều 124 Luật doanh nghiệp năm 2020 được sửa lại như sau: "Cổ phần được coi là đã bán khi được thanh toán đủ và lập thành hợp đồng chuyển nhượng cổ phần hợp pháp; kể từ thời điểm đó, người mua cổ phần trở thành cổ đông của công ty".

Hai là, về mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông:Khoản 1 Điều 132 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định: "Cổ đông đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình". Trong trường hợp này, Công ty Cổ phần "phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá. Công ty giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng" [Khoản 2 Điều 132 Luật doanh nghiệp năm 2020].

Về vấn đề này, các tác giả cho rằng có hai điểm bất cập sau:

+ Quy định này được áp dụng khi mối quan hệ giữa cổ đông và Công ty Cổ phần đã không thể cứu vãn, cổ đông đã không muốn gắn bó với công ty nữa. Tuy nhiên, điều luật lại xác định thời hạn của việc "ly hôn" này lên đến 90 ngày là chưa hợp lý vì đây là một quãng thời gian khá dài để thực hiện thủ tục chấm dứt mối quan hệ này.

+ Trong trường hợp giữa cổ đông và Công ty Cổ phần không thỏa thuận được về giá mua, bán lại cổ phần, điều luật cho phép các bên có thể sử dụng tổ chức thẩm định giá và quy định Công ty giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá để cổ đông lựa chọn, nhưng không đề cập đến việc công ty hay cổ đông sẽ phải chịu khoản chi phí cho tổ chức thẩm định giá. Điều này sẽ dẫn đến tranh chấp giữa cổ đông và Công ty Cổ phần.

Để khắc phục bất cập nêu trên, cần sửa đổi quy định của khoản 2 Điều 132 Luật doanh nghiệp năm 2020 theo hướng rút ngắn thời hạn Công ty Cổ phần phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông và đồng thời, quy định rõ vấn đề chịu chi phí thanh toán cho tổ chức thẩm định giá trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được giá bán cổ phần mà phải sử dụng đến dịch vụ thẩm định giá. Theo đó, khoản 2 Điều 132 Luật doanh nghiệp năm 2020 cần được sửa lại như sau:

"2. Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông quy định tại khoản 1 Điều này với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá. Công ty giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng. Chi phí thanh toán cho tổ chức thẩm định giá do cổ đông và công ty thỏa thuận; trường hợp không thỏa thuận được thì mỗi bên chịu một nửa".

2.2. Các quy định về Hội đồng quản trị

Một là, về việc miễn nhiệm, bãi nhiệm, thay thế và bổ sung thành viên Hội đồng quản trị:

Theo quy định của điểm b khoản 1 Điều 160 Luật doanh nghiệp năm 2020, Đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị trong trường hợp thành viên Hội đồng quản trị có đơn từ chức và được chấp thuận. Tuy nhiên, Luật Luật doanh nghiệp năm 2020 không quy định ai là người có thẩm quyền chấp thuận và trong trường hợp thành viên Hội đồng quản trị có đơn xin từ chức mà không được chấp thuận thì sẽ xử lý như thế nào khi bản thân họ đã không còn muốn đảm nhận vai trò này nữa?

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 160 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Khi xét thấy cần thiết, Đại hội đồng cổ đông quyết định thay thế thành viên Hội đồng quản trị; miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị ngoài các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này”.

Về vấn đề này, các tác giả cho rằng, nếu nhìn theo hướng tích cực, quy định này sẽ làm thành viên Hội đồng quản trị có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, quy định này mang lại lợi thế rất lớn cho các cổ đông lớn.

Bảo vệ cổ đông thiểu số trong Công ty Cổ phần luôn là một vấn đề được pháp luật quan tâm. Một trong những biện pháp bảo vệ cổ đông thiểu số trong Công ty Cổ phần là quy định biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị phải được thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu (nếu Điều lệ công ty không có quy định khác). Với phương thức bầu dồn phiếu, trong trường hợp Hội đồng quản trị có 05 thành viên thì nhóm cổ đông thiểu số sở hữu 20% cổ phần phổ thông có thể gom phiếu bầu để dồn hết cho đại diện của mình để chắc chắn có đại diện trong Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, cổ đông hoặc nhóm cổ đông đa số chỉ cần sở hữu trên 50% cổ phần phổ thông là có thể miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị đại diện cho nhóm cổ đông thiểu số, sau đó, cổ đông hoặc nhóm cổ đông đa số này có thể thực hiện bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị. Phương thức này sẽ vô hiệu hóa biện pháp bầu dồn phiếu nhằm bảo vệ cổ đông thiểu số.
Để khắc phục bất cập nêu trên, cần bỏ điều kiện “được chấp thuận” tại điểm b khoản 1 Điều 160 Luật doanh nghiệp năm 2020. Theo đó, chỉ cần thành viên Hội đồng quản trị có đơn từ chức thì Đại hội đồng cổ đông tiến hành miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, vì khi họ đã không muốn tiếp tục thực hiện chức trách, nhiệm vụ của thành viên Hội đồng quản trị nữa thì việc có được chấp thuận hay không cũng không còn ý nghĩa. Nếu miễn cưỡng giữ họ tiếp tục ở vị trí này thì không những không hiệu quả mà còn có thể gây thiệt hại cho công ty. Đồng thời, để có thể bảo vệ tốt hơn cổ đông thiểu số trong Công ty Cổ phần trong việc đề cử đại diện của mình trong Hội đồng quản trị, cần sửa đổi khoản 3 Điều 160 theo hướng Đại hội đồng cổ đông có thể quyết định thay thế thành viên Hội đồng quản trị; miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị chỉ khi có căn cứ cụ thể, rõ ràng. Theo đó, khoản 3 Điều 160 Luật doanh nghiệp năm 2020 cần được sửa lại như sau: “Trường hợp thành viên Hội đồng quản trị vi phạm nghĩa vụ của mình, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại cho công ty thì Đại hội đồng cổ đông quyết định thay thế thành viên Hội đồng quản trị; miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị”.

Hai là, về hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị: Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định: “cổ đông của công ty có quyền yêu cầu Tòa án đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị” [Khoản 4 Điều 153 Luật doanh nghiệp năm 2020] khi nghị quyết, quyết định này trái quy định của pháp luật, trái với nghị quyết Đại hội đồng cổ đông hoặc gây thiệt hại cho công ty. Tuy nhiên, khác với việc yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, Luật doanh nghiệp năm 2020 lại không có quy định về thời hạn để cổ đông yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng quản trị.

Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần mang tính liên tục và các vụ việc tranh chấp trong nội bộ doanh nghiệp nhiều khả năng có thể làm đứt quãng quá trình liên tục đó, gây ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp. Mặt khác, do Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty nên các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị cũng được ban hành thường xuyên. Vì vậy, nếu thời hạn yêu cầu hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị quá dài hoặc không có thời hạn thì khi xảy ra tranh chấp, có thể dẫn đến nhiều vướng mắc trong thực tiễn, gây thiệt hại, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần, cũng như tạo ra sự lúng túng cho các cơ quan xét xử.

Việc không quy định về thời hạn yêu cầu hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị là một thiếu sót không hề nhỏ của Luật doanh nghiệp năm 2020. Để đặt ra thời hạn cho việc yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng quản trị cần phải xem xét, so sánh với thời hạn hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Thời hạn để cổ đông hoặc nhóm cổ đông theo quy định có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông là "90 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết hoặc biên bản hợp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông" [Điều 151 Luật doanh nghiệp năm 2020]. Mặt khác, nếu không tính các cuộc họp bất thường, Đại hội đồng cổ đông họp thường niên chỉ mỗi năm một lần [Khoản 1 Điều 139 Luật doanh nghiệp năm 2020]; trong khi đó, Hội đồng quản trị phải họp ít nhất mỗi quý một lần [Khoản 2 Điều 159 Luật doanh nghiệp năm 2020]. Điều này có nghĩa, các nghị quyết của Hội đồng quản trị được ban hành với tần suất cao hơn và gắn liền với hoạt động sản xuất, kinh doanh hằng ngày của Công ty hơn rất nhiều so với nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Do đó, thời hạn hợp lý để cổ đông yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng quản trị phải được quy định ngắn hơn so với thời hạn yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Theo đó, khoản 4 Điều 153 Luật doanh nghiệp năm 2020 cần được sửa lại như sau:

“4. Trường hợp nghị quyết, quyết định do Hội đồng quản trị thông qua trái với quy định của pháp luật, nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, Điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty thì các thành viên tán thành thông qua nghị quyết, quyết định đó phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân về nghị quyết, quyết định đó và phải đền bù thiệt hại cho công ty; thành viên phản đối thông qua nghị quyết, quyết định nêu trên được miễn trừ trách nhiệm. Trường hợp này, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nghị quyết, quyết định Hội đồng quản trị được thông qua, cổ đông của công ty có quyền yêu cầu Tòa án đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ nghị quyết, quyết định nêu trên”.

2.3. Các quy định về Giám đốc/Tổng giám đốc

Luật doanh nghiệp năm 2020 vẫn cho phép Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc/Tổng giám đốc Công ty ngoại trừ trường hợp Công ty Cổ phần đại chúng và Công ty Cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết [Khoản 2 Điều 156 Luật doanh nghiệp năm 2020]. Do đó, ở nhiều Công ty Cổ phần, nhất là những Công ty gia đình (hoặc xuất phát từ Công ty gia đình), có số lượng cổ đông không nhiều thì việc Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc/Tổng giám đốc khá phổ biến. Việc Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc/Tổng giám đốc tại Công ty Cổ phần sẽ dẫn đến những bất cập sau đây:

Một là, việc Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc/Tổng giám đốc Công ty sẽ dẫn đến quyền lực quyết định các vấn đề ở Công ty Cổ phần đều sẽ tập trung vào một người. Khi đó, việc người này lạm quyền trong giải quyết công việc là rất dễ xảy ra. Ví dụ cụ thể cho vấn đề này là việc tranh chấp giữa vợ chồng ông Vũ và bà Thảo về quyền điều hành Công ty Cổ phần Trung Nguyên.

Công ty Cổ phần Trung Nguyên được thành lập vào ngày 12/4/2006 gồm 03 cổ đông bao gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (70%), ông Vũ (20%) và bà Thảo (10%). Trong đó, ông Vũ sở hữu 60% và bà Thảo sở hữu 30% vốn điều lệ trong Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên [Bản án số 43/2018/KDTM-PT ngày 20/9/2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh]. Ông Vũ là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty, còn bà Thảo giữ chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực của Công ty. Theo đó, bà Thảo có quyền thực hiện các công việc điều hành và quản lý Công ty theo ủy quyền của Tổng giám đốc Công ty. Năm 2014, ông Vũ với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty ban hành quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực của bà Thảo tại công ty dù việc "bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc (Tổng giám đốc) và cán bộ quản lý quan trọng khác của Công ty, quyết định mức lương và lợi ích khác của cán bộ quản lý đó" được Điều lệ Công ty quy định thuộc quyền và nghĩa vụ của Hội đồng quản trị. Đồng thời, ông Vũ cũng có những hành vi ngăn cấm, cản trở bà Thảo tham gia điều hành, quản lý Công ty như chỉ đạo nhân viên đập bỏ phòng làm việc của bà Thảo tại Công ty, ngăn cản không cho bà Thảo vào Công ty,... Cả hai cấp Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm đều nhận định việc miễn nhiệm bà Thảo của ông Vũ mà không thông qua Hội đồng quản trị và hành vi ngắn cấm, cản trở bà Thảo nêu trên là trái với quy định. Vì vậy, cả hai cấp xét xử đều chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Thảo, hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo và buộc ông Vũ “không được ngăn cấm, cản trở bà Thảo tham gia điều hành, quản lý công ty với tư cách là một thành viên Hội đồng quản trị và Phó Tổng giám đốc thường trực”.

Qua vụ việc này, có thể thấy ông Vũ với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Trung Nguyên đã có những quyết định, hành động vượt ngoài quyền hạn của mình và không đúng theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công ty. Điều này dẫn đến tranh chấp trong nội bộ doanh nghiệp kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất kinh doanh cũng như uy tín của doanh nghiệp.

Hai là, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc/Tổng giám đốc đều là những chức danh quản lý vô cùng quan trọng và có vai trò, nhiệm vụ khác nhau trong Công ty Cổ phần. Việc một người kiêm nhiệm hai chức danh này sẽ dẫn đến khó hoàn thành tốt được chức năng, nhiệm vụ được phân công. Mặt khác, Hội đồng quản trị có chức năng lựa chọn, bổ nhiệm, giám sát và thay thế các vị trí quản lý then chốt trong Công ty Cổ phần, trong đó có Giám đốc/Tổng giám đốc. Và việc Hội đồng quản trị thực tiện tốt được chức năng này là một trong những nội dung cần hướng tới thuộc nguyên tắc thứ VI trong Bộ các nguyên tắc quản trị Công ty của G20/OECD về quản trị tốt cho doanh nghiệp. Ở những Công ty có Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc/Tổng giám đốc thì chức năng này sẽ không hiệu quả, thậm chí có thể bị vô hiệu hóa bởi quyền lực tập trung quá lớn vào một người giữ cả hai vị trí giám sát lẫn nhau này. Từ đó, ảnh hưởng không tốt đến việc quản trị nội bộ tại Công ty Cổ phần.

Vì vậy, các tác giả cho rằng, cần sửa đổi Luật doanh nghiệp năm 2020 theo hướng bãi bỏ hoàn toàn quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể được kiêm Giám đốc/Tổng giám đốc Công ty để tách bạch hai chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị với Giám đốc/Tổng giám đốc nhằm đảm bảo việc thực hiện tốt chức năng của từng vị trí theo quy định, từ đó cân bằng cán cân quyền lực trong doanh nghiệp. Đồng thời, việc quy định không cho phép Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm Giám đốc/Tổng giám đốc Công ty cũng góp phần bảo đảm sự thống nhất giữa quy định của Luật doanh nghiệp với các luật chuyên ngành khác./.
 

Nguyễn Văn Ngọc

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 02+03 (450+451), tháng 02/2022.)

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow