Mức lương đóng bảo hiểm thấp hơn lương thực tế có bị phạt?
Mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội khác với tiền lương thực tế có được không? Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH dựa trên mức nào?
Lương đóng BHXH bao gồm những khoản nào?
Khoản 2 Điều 17 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số Điều của Luật BHXH đã hướng dẫn về tiền lương tháng đóng BHXH như sau:
"Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động".
Trong đó, các khoản phụ cấp lương tính đóng BHXH đã được liệt kê cụ thể tại khoản 1 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH; còn các khoản bổ sung khác được quy định tại điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH.
Như vậy, tiền lương đóng BHXH của người lao động bao gồm các khoản sau:
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh;
- Phụ cấp chức vụ, chức danh;
- Phụ cấp trách nhiệm;
- Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- Phụ cấp thâm niên;
- Phụ cấp khu vực;
- Phụ cấp lưu động;
- Phụ cấp thu hút;
- Các phụ cấp khác có tính chất tương tự;
- Các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên như sau:
+ Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương;
+ Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Các khoản tiền trên phải được ghi nhận trong hợp đồng lao động để làm căn cứ tính đóng BHXH cho người lao động.
Pháp luật nghiêm cấm việc người lao động và người sử dụng động thỏa thuận đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không đúng mức quy định.
Đóng BHXH theo mức thấp hơn lương bị phạt bao nhiêu?
Căn cứ khoản 1 điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định.
Công ty kê khai mức lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn mức thực tế; bởi vì, việc này không những vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn về sau.
Nếu đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc ở mức thấp thì mức hưởng chế độ ốm đau, thai sản, bảo hiểm xã hội một lần, lương hưu... cũng sẽ thấp.
Căn cứ điểm b khoản 4 điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động (trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì bị phạt gấp đôi) có hành vi đóng bảo hiểm xã hội không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng.
Trường hợp người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, theo Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Xem thêm:
- Đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH
- Trường hợp được hưởng bảo hiểm xã hội khi ốm đau
- Tiền đóng bảo hiểm xã hội được tính như thế nào?
- Vợ sinh con, chồng hưởng chế độ thai sản thế nào?
Nguyễn Văn Ngọc (tổng hợp)
Phản ứng của bạn là gì?