Nghị quyết số 93/2015/QH13 về hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động.
QUỐC HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Nghị quyết số: 93/2015/QH13 |
Hà Nội, ngày 22 tháng 06 năm 2015 |
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HƯỞNG BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG
QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Sau khi xem xét Báo cáo số 226/BC-CP ngày 19 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quy định tại Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về bảo hiểm xã hội một lần; Báo cáo số 3894/BC-UBVĐXH13 ngày 20 tháng 5 năm 2015 của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội,
QUYẾT NGHỊ:
1. Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.
Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật bảo hiểm xã hội hướng đến mục tiêu an sinh xã hội lâu dài cho người lao động; thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước;
2. Bảo đảm cho người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc được nhận bảo hiểm xã hội một lần; công khai, minh bạch thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội;
3. Tổ chức thực hiện quy định tại Điều 1 và Điều 2 của Nghị quyết này, khi cần thiết báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội.
1. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban về các vấn đề xã hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi trách nhiệm của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
2. Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận, tổ chức đại diện người sử dụng lao động tham gia tuyên truyền, vận động thực hiện Luật bảo hiểm xã hội và giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 22 tháng 6 năm 2015.
|
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |
Phản ứng của bạn là gì?