Nguyên tắc giao kết hợp đồng
Việc giao kết hợp đồng là cả một quá trình như quyền tự do định đoạt, tự do lựa chọn đối tác, lựa chọn loại hợp đồng, tự do thỏa thuận.
Việc giao kết hợp đồng là cả một quá trình. Để trật tự hóa quá trình giao kết, Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định một số nguyên tắc cơ bản như sau:
"...Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực...".
Nguyên tắc đầu tiên cơ bản nhất của hợp đồng bao giờ cũng là nguyên tắc tự do của các bên ký kết hợp đồng. Quyền tự do đó bao gồm những nội dung chính sau đây:
Thứ nhất, đó là quyền tự do định đoạt việc tham gia hay không tham gia ký kết hợp đồng. Năng lực hành vi dân sự cho phép mỗi chủ thể được tham gia vào nhiều hợp đồng dân sự khác nhau. Thế nhưng việc tham gia hay không tham gia vào giao kết hợp đồng cụ thể nào đó thì do mỗi chủ thể quyết định và việc định đoạt đó phải xuất phát từ nhu cầu của chính mỗi chủ thể. Mọi sự ép buộc trái với pháp luật đều bị xử lý như một hành vi xâm phạm vào quyền công dân, và khi đó hợp đồng bị coi là vô hiệu.
Thứ hai, đó là quyền tự do lựa chọn đối tác tham gia ký kết hợp đồng.
ví dụ: khi một người muốn mua một đồ vật nào đó thì người đó có quyền lựa chọn mua tại đại lý hoặc cửa hàng bất kỳ nào, thậm chí có thể mua ngoài chợ hay của người quen biết, mặc dù cũng mẫu mã đó, chất lượng như nhau, màu sắc giống nhau, giá bằng nhau...
Thứ ba, đó là quyền tự do lựa chọn bất kỳ loại hợp đồng nào mình sẽ ký kết. Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định cho 13 loại hợp đồng dân sự thông dụng nhất, tuy nhiên các bên được quyền ký kết những hợp đồng khác không thuộc nhóm các hợp đồng dân sự thông dụng đó. Thậm chí các bên được quyền giao kết hợp đồng với nội dung bao hàm những yếu tố của nhiều loại hợp đồng dân sự khác nhau (hợp đông hỗn hợp).
Thứ tư, đó là quyền tự do thỏa thuận nội dụng cụ thể của hợp đồng. Việc thỏa thuận từng nội dung của hợp đồng (đối tượng, giá cả, số lượng, quyền và nghĩa vụ,...) là thuộc quyền của các bên trong hợp đồng. Đa số các quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng đều mang tính tùy nghi và chỉ được áp dụng khi các bên trong hợp đồng không có thỏa thuận khác.
Lẽ tất nhiên là mọi tự do đều có giới hạn của nó. Sự tự do của mỗi bên chủ thể được giới hạn ở phạm vi mà nếu đi quá nó sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của bên đối tác. Còn tự do của tất cả các bên trong hợp đồng được giới hạn để không vi phạm đến quyền lợi ích chính đáng của người xung quanh, của Nhà nước, của toàn xã hội cũng như không vi phạm vào các giá trị đạo đức của xã hội.
Nguyên tắc trung thực, ngay thẳng trong quá trình giao kết hợp đồng được cụ thể hóa bằng các quy điịnh đòi hỏi các bên phải cung cấp cho nhau đầy đủ những thông tin cần thiết (các quy định này có ở hầu hết các hợp đồng dân sự thông dụng). Việc cố ý không cung cấp thông tin gây ra thiệt hại cho bên kia khi thực hiện hợp đồng sẽ dẫn tới trách nhiệm bồi thường cho bên bị thiệt hại.
>> xem thêm: Các mẫu hợp đồng giao dịch
Phản ứng của bạn là gì?