Nguyên tắc khách quan, trung thực trong hành nghề công chứng
Yêu cầu đảm bảo tính khách quan, trung thực đối với công chứng viên trong hành nghề công chúng cũng là một trong những nguyên tắc bắt buộc phải thực hiện.
Tính khách quan
Yêu cầu đối với công chứng viên thể hiện trong các bước thuộc quy trình công chứng, từ khâu tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, kiểm tra giấy tờ, nghiên cứu xác minh yêu cầu công chứng và thực hiện công chứng. Hàng ngày, công chứng viên thực hiện việc giao tiếp với người yêu cầu công chứng, các giấy tờ xuất trình, các tình tiết liên quan do họ trực tiếp trình bày phải được kiểm tra, xem xét, lắng nghe thận trọng. Mặc dù công chứng viên có thể có một số kinh nghiệm trong nghề nghiệp nhưng không được phép chủ quan trong nhận định về hồ sơ yêu cầu công chúng, nhất là không được giải thích, hướng dẫn làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của một hoặc các bên tham gia hợp đồng, giao dịch dân sự khác hoặc bản dịch hoặc việc chứng thực.
Để chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác hoặc bản dịch hoặc thực hiện việc chứng thực, công chứng viên phải trao đổi để người yêu cầu công chứng, người yêu cầu chứng thực hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của họ khi tham giao dịch, những hậu quả pháp lý phát sinh sau khi ký kết hợp đồng (nếu có).
Hoạt động đó là do công chứng viên được nhà nước ủy hiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển xã hội. Công chứng viên là người được nhà nước bổ nhiệm theo một trình tự, thủ tục và điều kiện do pháp luật quy định.
Do đó, sự công tâm, khách quan khi thực hiện công chứng sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc đem lại hiệu quả đích thực đúng mong muốn chính đáng của người yêu cầu công chứng, phù hợp quy định của pháp luật.
Tính trung thực
Yêu cầu về sự trung thực trong hành nghề công chứng đối với công chứng viên được thể hiện trong các hoạt động:
- Khi nghiên cứu hồ sơ yêu cầu công chứng, công chứng viên phải trung thành với nội dung các thông tin hiện có.
- Thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong tác nghiệp, không được bỏ sót về điều kiện pháp lý, hồ sơ đảm bảo theo quy định đối với các bên khi tham gia giao dịch. Ngoài những quy định được niêm yết công khai, công chứng viên phải giải thích, hướng dẫn chính xác, không được đặt ra các điều kiện khác không có trong quy định bắt buộc người yêu cầu công chứng phải thực hiện.
- Chuyển tải chính xác ý chí tự nguyện, những thoả thuận của các bên trong hợp đồng, giao dịch trên cơ sở phù hợp pháp luật và đạo đức xã hội.
Đề năm được đích thực ý chí tự nguyện của người yêu cầu công chứng là một vấn đề không dễ dàng. Đã có trường hợp ý chí tự nguyện khi giao kết hợp đồng không thể hiện ra được những vướng mắc, trắc trở trong suy nghĩ của một bên tham gia ký hợp đồng.
Ví dụ: Có trường hợp vay nợ nhau, đến hạn không trả được, nay chủ nợ đang giữ giấy tờ nhà và ép bên nợ phải bán nhà để trừ nợ gốc và lãi; trong khi bên nợ không muốn bán nhà vì lí do: sau khi bán nhà, họ không có nơi để ở. Gặp trường hợp như thế, công chứng viên biết được sự thật khách quan thì phải hướng dẫn cho các bên.
Trong thực tế, có trường hợp sau khi được giải thích, hướng dẫn, hai bên thống nhất chọn giải pháp khác. Tuy nhiên, xét về mặt pháp lý, ngoài yếu tố đảm bảo năng lực hành vi dân sự, tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ xuất trình trong hồ sơ yêu cầu công chứng, khi giao kết hợp đồng nếu các bên không trung thực phản ánh ý chí tự nguyện của mình thì công chứng viên sẽ khó phát hiện được. Mặt khác, văn bản công chứng đã được hoàn tất theo quy định của Luật Công chứng thì các bên tham gia giao kết hợp đồng bắt buộc phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ nêu trong hợp đồng theo nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận (khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015) và theo Điều 5 Luật Công chứng năm 2014: “Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên có liên quan...”.
Như vậy, yêu cầu về tính trung thực phải được phản ánh chính xác thì những yếu tố tiềm ẩn như lừa dối, ép buộc khi giao kết hợp đồng sẽ được khắc phục, tránh rủi ro có thể xảy ra.
- Yêu cầu về tính trung thực trong hành nghề công chứng còn phải được thể hiện đối với công chứng viên trong mối quan hệ phối hợp tác nghiệp với đồng nghiệp. Hiện nay, công chứng Việt Nam đang hoạt động trong tình trạng về sự tập hợp, lưu trữ thông tin liên quan đến tài sản nhằm phục vụ cho khai thác, tra cứu chưa được thống nhất, tạo thuận tiện cho công chứng viên. Do vậy, trong quá trình tác nghiệp, những thông tin liên quan đến đối tượng của hợp đồng, giao dịch mà công chứng viên đang thụ lý hồ sơ thường phải khai thác, tra cứu qua nhiều kênh, bao gồm:
+ Văn phòng đăng ký đất đai;
+ Đăng ký giao dịch bảo đảm;
+ Thi hành án dân sự;
+ Các tổ chức hành nghề công chứng;
...
Do đó, khi được hỏi, các công chứng viên đồng ý cung cấp thông tin thì phải trung thực trao đổi những vấn đề liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu đồng nghiệp để giúp cho việc nghiên cứu, xác minh yêu cầu công chứng được chính xác.
Vì vậy, khách quan, trung thực là hai yếu tố có quan hệ mật thiết với nhau, không thể thiếu trong hành nghề công chứng. Sự trung thực không chỉ còn là sự bắt buộc đối với người yêu cầu công chứng cũng phải đảm bảo và thực hiện. Sự kết hợp chặt chẽ giữa công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng và người yêu cầu công chứng trong đảm bảo tính khách quan, trung thực sẽ là một trong các yếu tố đem đến kết quả chứng được chính xác.
Nguyễn Văn Ngọc (tổng hợp)
Phản ứng của bạn là gì?