Nhà, đất đang thế chấp có chia thừa kế được không?
Hiện nay có nhiều trường hợp nguyên đơn yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế, trong đó có phần di sản là quyền sử dụng đất đang thế chấp tại Ngân hàng để bảo đảm khoản vay.
Nếu việc khởi kiện yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn là có căn cứ, vậy chia thừa kế như thế nào để vừa thỏa đáng vừa đảm bảo thực hiện đúng pháp luật?
Cụ thể, tại Bản án dân sự phúc thẩm số 36/2019/DS-PT ngày 21/03/2019 về tranh chấp chia thừa kế quyền sử dụng đất có nội dung như sau:
“Lúc còn sống Ông M và bà K cùng nhau tạo lập được số tài sản bao gồm: thửa 66, tờ bản đồ 124, diện tích 2.617,9m2; thửa 106, tờ bản đồ 20, diện tích 3.038,9m2; thửa 1016, tờ bản đồ số 01, diện tích 25.410m2. Trong thời gian còn sống ông M có vay số tiền 150.000.000đ của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, chi nhánh huyện Thanh B, tỉnh Đồng Tháp và thế chấp quyền sử dụng đất thửa 1014, và thửa 1016.
Ông M và bà K chết không để lại di chúc, các con ông bà bất đồng trong việc thỏa thuận được phân chia di sản của ông bà để lại. Ông R (con ông M, bà K) khởi kiện yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế và trả nợ ngân hàng. Tại bản án sơ thẩm, Tòa án chia di sản thành 08 phần đất bằng nhau, tuy nhiên các đương sự không đồng ý với phán quyết nên có đơn kháng cáo tại Tòa án phúc thẩm.”
Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp nhận định: Từ những tình tiết, nội dung vụ án, có đủ cơ sở kết luận án sơ thẩm xác định phần đất trên là di sản là có căn cứ pháp luật; nhưng quyết định cách chia là chưa phù hợp, nên chấp nhận một phần kháng cáo, điều chỉnh lại theo hướng dùng di sản là đất thực hiện nghĩa vụ trả nợ Ngân hàng. Nên phải sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng nhận định trên.
Hiện nay, Bộ luật dân sự không có quy định nào về cấm việc chia thừa kế tài sản là quyền sử dụng đất đang thế chấp tại Ngân hàng, tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 thì khi cá nhân thế chấp quyền sử dụng đất đứng tên mình tại Ngân hàng chết không làm chấm dứt hợp đồng thế chấp, hợp đồng chỉ chấm dứt trong trường hợp cá nhân giao kết hợp đồng chết mà hợp đồng phải do chính cá nhân đó thực hiện.
"Điều 422. Chấm dứt hợp đồng
Hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau đây:
Hợp đồng đã được hoàn thành;
- Theo thỏa thuận của các bên;
- Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;
- …"
Như vậy, Tòa án thực hiện việc chia thừa kế một cách bình thường. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
"Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
1.Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2.Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3.Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4.Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân."
Do tài sản là nhà và quyền sử dụng đất đã được thế chấp tại ngân hàng, việc chia bằng đất thì chưa phù hợp. Trong thực tế việc định giá tài sản là quyền sử dụng đất rất khó sát với giá thị trường mà thường thấp hơn, vì giá nhà đất trên trị trường biến động liên tục gây khó khăn cho việc định giá di sản. Khi chia giá trị mà không chia hiện vật sẽ gây khó khăn trong công tác thi hành án, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Tuy nhiên, việc định giá tài sản và những khó khăn khi thi hành án có thể khắc phục được nên Tòa án thường công nhận việc thực hiện hợp đồng thế chấp và chia di sản thừa kế bằng cách định giá tài sản để làm cơ sở xác định kỷ phần mỗi suất thừa kế, chia cho nguyên đơn hiện vật, chia cho các thừa kế khác bằng giá trị. Theo đó, người nhận hiện vật có trách nhiệm thanh toán lại giá trị tương ứng cho các thừa kế khác, và tiếp tục thực hiện hợp đồng thế chấp với Ngân hàng.
Cách chia di sản thừa kế của Tòa án như trên là bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên và cho cả Ngân hàng.
Phản ứng của bạn là gì?