Như thế nào thì được gọi là bạo lực gia đình?
Những hành vi nào dưới đây được coi là bạo lực gia đình? Bạn hãy cùng tìm hiểu các quy định pháp luật để tránh vi phạm.
Mục lục
1. Chỉ khi hành hạ, đánh đập mới là bạo lực gia đình?
2. Gây áp lực tâm lý cho thành viên, là bạo lực gia đình?
3. Không chăm sóc cha mẹ già yếu, vợ đang có thai cũng là bạo lực gia đình?
5. Cha mẹ có thể cấm con làm những thứ họ không muốn. Đây không phải là bạo lực gia đình?
7. Người dung túng, bao che cho người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình cũng bị phạt liên đới?
1. Chỉ khi hành hạ, đánh đập mới là bạo lực gia đình?
Hành hạ, đánh đập chỉ là một trong các hành vi bạo lực. Bạo lực gia đình còn được biểu hiện dưới nhiều hình thức như: bạo lực thể chất, tinh thần, bạo lực kinh tế, tình dục,...
Mỗi hình thức bạo lực được thể hiện qua nhiều hành vi khác nhau: đuổi thành viên ra khỏi nhà hoặc cô lập, xua đuổi, lăng mạ, cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cố ý chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc làm hư hỏng tài sản chung hoặc tài sản riêng của thành viên khác; cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức; cưỡng ép quan hệ tình dục, ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện,...
Nạn nhân của bạo lực gia đình hoặc người chứng kiến sự việc phải báo cơ quan công an nơi gần nhất, UBND cấp xã, các tổ chức xã hội hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư để được can thiệp kịp thời.
2. Gây áp lực tâm lý cho thành viên, là bạo lực gia đình?
Khoản 1 điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007 quy định, việc thường xuyên gây áp lực tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi bạo lực gia đình.
Nạn nhân trong trường hợp này phải cung cấp bệnh án hoặc kết quả kiểm tra, điều trị tâm lý tại các cơ sở khám, chữa bệnh được cấp giấy phép. Cơ quan chức năng sẽ căn cứ tài liệu, chứng cứ này để xác định mức độ tổn thương tâm lý cũng như hậu quả thiệt hại mà hành vi bạo lực gây ra.
Nếu làm nạn nhân bị áp lực tâm lý, người vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng, theo Điều 52 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013.
3. Không chăm sóc cha mẹ già yếu, vợ đang có thai cũng là bạo lực gia đình?
Không chăm sóc cha mẹ già yếu, vợ đang có thai hoặc nuôi con nhỏ là hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 50 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013. Đây là hành vi hành hạ, ngược đãi các thành viên trong gia đình.
Theo đó, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng và buộc phải xin lỗi công khai nếu nạn nhân có yêu cầu.
4. Yêu cầu chồng/vợ đóng góp tài chính quá khả năng hoặc kiểm soát thu nhập của thành viên khác, không phải hành vi bạo lực?
Khoản 1 Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007 quy định, hành vi cưỡng ép thành viên lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng hoặc kiểm soát thu nhập nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính, là bạo lực gia đình.
Người bắt chồng/vợ đóng góp tài chính quá khả năng hoặc kiểm soát thu nhập của họ sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
5. Cha mẹ có thể cấm con làm những thứ họ không muốn. Đây không phải là bạo lực gia đình?
Điều 69 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định, cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu và tôn trọng ý kiến của con. Trường hợp con muốn làm những việc chính đáng, không trái quy định pháp luật, không vi phạm đạo đức xã hội thì cha mẹ phải tôn trọng ý kiến của con, để con được tự do làm thứ mình muốn.
Nếu cố tình ngăn cấm con thực hiện những việc có tính chất trên chỉ vì quan điểm cá nhân, ví dụ ngăn cản kết hôn, chọn trường đại học... thì cha mẹ đã vô tình thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
Trường hợp con muốn làm những việc không chính đáng, vi phạm quy định pháp luật hoặc đạo đức xã hội thì cha mẹ có trách nhiệm ngăn cấm, giáo dục để con phát triển lành mạnh.
6. Cha mẹ có quyền ngăn cấm người trong gia đình thăm nom, chăm sóc con. Đó không phải bạo lực gia đình?
Pháp luật nghiêm cấm hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông bà và cháu, giữa cha mẹ và con, giữa vợ và chồng, giữa anh chị em với nhau, theo khoản 1 Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007.
Theo đó, cha mẹ không được cản trở người trong gia đình thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, theo Điều 83 Luật hôn nhân và gia đình 2014.
Người có hành vi trên sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
7. Người dung túng, bao che cho người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình cũng bị phạt liên đới?
Pháp luật hiện chưa có chế tài cụ thể về hành vi dung túng bạo lực gia đình. Tuy nhiên, Điều 8 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007 nghiêm cấm hành vi cưỡng bức, kích động, xúi giục, giúp sức, dung túng người khác thực hiện hành vi bạo lực.
Theo quy định, các thành viên trong gia đình phải có trách nhiệm và chủ động trong việc giáo dục, nhắc nhở, hòa giải mâu thuẫn giữa các thành viên, ngăn chặn người có hành vi bạo lực, chăm sóc nạn nhân,..
Mặc dù chưa có hình phạt cụ thể nhưng theo luật sư, người xúi giục, bao che hành vi bạo lực gia đình sẽ bị lên án về mặt đạo đức.
Nguyễn Văn Ngọc (theo VnExpress)
Phản ứng của bạn là gì?