Những lưu ý chia tài sản chung sau khi ly hôn

Chia tài sản chung sau khi ly hôn, người tạo ra nhiều tài sản hơn sẽ được chia thế nào, bên có kinh tế khó khăn sẽ được xem xét ra sao.

23/11/2021 - 21:51 GMT+7
 0  93
Theo dõi DocLuat trên Google News

Khi chia tài sản chung sau ly hôn, hoàn cảnh bên nào khó khăn hơn sẽ được chia phần tài sản chung nhiều hơn?

Đúng: Căn cứ điểm a khoản 2 điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, điểm a khoản 4 điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng.

Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng.

Công sức đóng góp vào khối tài sản chung của ai lớn hơn sẽ được chia nhiều hơn?

Đúng: Căn cứ điểm b khoản 2 điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, điểm b khoản 4 điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập.

Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.

Việc chia tài sản chung phải bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập?

Đúng: Căn cứ điểm c khoản 2 điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, điểm c khoản 4 điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập.

Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.

Ví dụ: Vợ chồng có tài sản chung là chiếc ôtô người chồng đang chạy xe taxi trị giá 400 triệu đồng và một cửa hàng tạp hóa người vợ đang kinh doanh trị giá 200 triệu đồng. Khi giải quyết ly hôn và chia tài sản chung, tòa án phải xem xét giao cửa hàng tạp hóa cho người vợ, giao ôtô cho người chồng để họ tiếp tục kinh doanh, tạo thu nhập. Người chồng nhận được phần giá trị tài sản lớn hơn phải thanh toán cho người vợ phần giá trị là 100 triệu đồng.

Chồng ngoại tình dẫn đến ly hôn thì được chia tài sản chung ít hơn vợ?

Đúng: Căn cứ điểm d khoản 2 điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, điểm d khoản 4 điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn.

Ví dụ: Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.

Bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì thanh toán cho bên kia phần chênh lệch?

Đúng: Căn cứ khoản 3 điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

Giá trị tài sản chung của vợ chồng được xác định theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết sơ thẩm vụ việc?

Đúng: Căn cứ khoản 5 điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, giá trị tài sản chung của vợ chồng, tài sản riêng của vợ, chồng được xác định theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết sơ thẩm vụ việc.

Xem thêm:

Nguyễn Văn Ngọc (theo Luật sư Phạm Thanh Hữu)

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow