Những vấn đề lưu ý giải quyết các vụ án chia di sản thừa kế

Thực tiễn giải quyết cho thấy, tranh chấp chia di sản thừa kế là loại án có tính chất phức tạp, khó giải quyết, từ việc thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ đến việc áp dụng pháp luật.

31/10/2021 - 14:54 GMT+7
 0  69
Theo dõi DocLuat trên Google News

Mục lục

        Để thực hiện tốt cần nắm vững và áp dụng đúng các văn bản pháp luật, các văn bản hướng dẫn, giải thích pháp luật qua từng thời kỳ. Đặc biệt, cần lưu ý đến các văn bản liên quan đến việc đăng ký quản lý tài sản nói chung và bất động sản nói riêng bởi các đối tượng tranh chấp trong án thừa kế chủ yếu là bất động sản.

        Khi nghiên cứu hồ sơ, tham gia xét xử vụ án tranh chấp thừa kế, cần phải làm rõ những vấn đề sau:

        Thứ nhất, xác định chính xác thời điểm mở thừa kế, đây là vấn đề có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết loại án này, vì: Thời điểm mở thừa kế cũng là thời điểm di chúc của người để lại di sản có hiệu lực.

        Thời điểm mở thừa kế là căn cứ xác định người được hưởng di sản thừa kế. Theo quy định tại Điều 635 BLDS năm 2005 thì “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trong trường hợp người thừa kế là cơ quan, tổ chức thì phải là cơ quan, tổ chức tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”. Như vậy, chỉ có người còn sống vào thời điểm mở thừa kế mới được hưởng thừa kế.

        Thời điểm mở thừa kế là một trong những căn cứ để xác định chính xác khối di sản thừa kế, các quyền và nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại

        Thời điểm mở thừa kế cũng là căn cứ xác định đúng thời hiệu đối với những vấn đề về thừa kế như: Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác định quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm. Thời điểm mở thừa kế cũng là thời điểm di chúc của người để lại di sản có hiệu lực

        Thứ haixác định đúng, đầy đủ di sản thừa kế: Để giải quyết vụ án chia thừa kế, Kiểm sát viên cần xác định rõ di sản thừa kế gồm những gì? Nguồn gốc di sản, quá trình biến đổi, thực trạng từng loại di sản;

        Việc xác định di sản thừa kế trên cơ sở quy định của pháp luật bao gồm: Tài sản riêng của người chết và phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác. Phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác có thể là phần tài sản nằm trong khối tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng hoặc nằm trong khối tài sản thuộc sở hữu chung theo phần với người khác phụ thuộc vào cách thức và căn cứ xác lập nên các hình thức sở hữu đó. Cụ thể:

        - Đối với di sản thừa kế nằm trong khối tài sản chung vợ chồng: cần nghiên cứu vận dụng Luật hôn nhân gia đình năm 1959, 1986, 2000 và 2014; Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội, các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Án lệ số 03/2016 để xác định giá trị tài sản chung của vợ chồng, từ đó xác định di sản của người chết.

        - Đối với di sản thừa kế có liên quan đến tài sản chung của hộ gia đình:  cần phải kiểm tra, xem xét tài liệu, chứng cứ về quá trình tạo lập, thời gian sử dụng và công sức đóng góp của người chết vào khối tài sản chung đó, để xác định phần di sản của người chết.

        + Đối với tranh chấp chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất: Trường hợp đất đã có giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất thì phải kiểm tra các giấy tờ về đất đai kèm theo các tài liệu hồ sơ quản lý đất và tài sản trên đất (nếu có) để xem xét, đánh giá đất thuộc quyền sử dụng của ai, diện tích cụ thể như thế nào? Khi nghiên cứu hồ sơ cần phải lưu ý đến các tài liệu: Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đưa ra; các biên bản hòa giải ở xã, phường; thực tế diện tích đất đương sự đang sử dụng; quá trình kê khai, đóng thuế sử dụng đất và ý kiến, quan điểm của các bên trong quá trình sử dụng đất hàng năm như thế nào? Có phản đối hay đồng ý khi phía bên kia sử dụng đất mà họ cho là không thuộc quyền sử dụng của người đó. Sự phù hợp của hiện trạng đất đang có tranh chấp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết đã được xét duyệt...

        Thứ baxác định những người thuộc diện thừa kế được hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật (các hàng thừa kế), người thừa kế bắt buộc, người bị truất quyền thừa kế, người từ bỏ quyền thừa kế, thừa kế thế vị.

        Do đặc điểm của Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều của chế độ phong kiến, sau đó đất nước bị chia cắt, đến năm 1975 mới thống nhất đất nước, vì vậy tồn tại trường hợp có nhiều vợ, nhiều chồng trước ngày 13/1/1960 ở Miền Bắc, trước ngày 25/3/1977 ở Miền Nam, cán bộ Miền Nam tập kết ra Bắc (trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến 1975) lấy vợ, lấy chồng khác và kết hôn sau không bị Tòa án hủy bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì vợ hoặc chồng còn sống vẫn là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất của người chết. Việc xác định rõ, đầy đủ người thuộc diện thừa kế là vấn đề quan trọng bởi thực tế có trường hợp khi giải quyết tranh chấp thừa kế toà án xác định không đầy đủ người thuộc diện thừa kế làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của những người này.

        * Lưu ý: Trong vụ án tranh chấp thừa kế có người thuộc diện thừa kế ở nước ngoài, nếu Tòa án đã thực hiện ủy thác tư pháp, thu thập chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của những người đó thì vẫn giải quyết yêu cầu của nguyên đơn; nếu xác định được di sản thừa kế, hàng thừa kế và người để lại di sản thừa kế không có di chúc thì giải quyết việc chia thừa kế cho nguyên đơn theo quy định của pháp luật, phần tài sản thừa kế của những người vắng mặt, không xác định được địa chỉ sẽ tạm giao cho những người sống trong nước quản lý để sau này giao lại cho người thừa kế vắng mặt.

        Thứ tưgiải quyết án thừa kế theo di chúc trước hết phải xem xét tính hợp pháp của từng loại di chúc theo quy định của Bộ luật Dân sự, di chúc có hiệu lực toàn bộ hay có hiệu lực một phần.

        Trường hợp tranh chấp chia di sản thừa kế theo di chúc cần xác định trước khi chết, người để lại di sản có lập di chúc không? Đó là di chúc miệng hay di chúc bằng văn bản (không có người làm chứng; có người làm chứng; có công chứng hoặc chứng thực; lập tại cơ quan công chứng hoặc tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ...) và xác định tính hợp pháp của di chúc. Di chúc hợp pháp là di chúc tuân thủ đầy đủ các điều kiện pháp luật quy định. Di chúc không phát sinh hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn phát sinh hiệu lực. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực pháp luật. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật. Nếu di chúc phù hợp với pháp luật, được chấp nhận thì phải chú ý trường hợp được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc.

        Nếu xác định di chúc là hợp pháp thì phải chú ý đến trường hợp được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc.

       Thứ nămxác định rõ nguyên nhân dẫn đến tranh chấp; điều kiện, hoàn cảnh và nguyện vọng của các đương sự để phân chia di sản cho phù hợp.

        Trên thực tế có nhiều vụ án bị hủy vì phân chia di sản không phù hợp với thực tế và nhu cầu của đương sự như: Tài sản có thể chia bằng hiện vật nhưng chỉ giao cho một bên sở hữu, sử dụng khi người này không có khả năng trích trả giá trị cho các thừa kế khác trong khi có đương sự khác cũng có yêu cầu được phân chia hiện vật (hiện vật có thể chia được mà không làm mất đi giá trị sử dụng) dẫn đến khó khăn, vướng mắc khi thi hành án. Vì vậy cần phải đặc biệt lưu ý đến việc thẩm định, định giá di sản thừa kế, tránh việc định giá quá thấp hoặc định giá quá cao, hoặc việc vẽ sơ đồ di sản không chính xác dẫn đến việc ảnh hưởng đến việc không thi hành án được. Khi phân chia di sản cần lưu ý đến quy định về hạn chế phân chia di sản tại Điều 661 BLDS năm 2015.

        Thứ sáuxác định rõ các căn cứ pháp luật có liên quan để đề nghị đường lối giải quyết vụ án

        Đối với những vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế liên quan đến quyền sử dụng đất cần xem xét một số điều kiện như: Đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có tranh chấp quyền sử dụng đất với người khác; quyền sử dụng đất không bị kê biên. Khi đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp, Kiểm sát viên cần lưu ý không chỉ xem xét nguồn gốc đất mà phải xem xét, nghiên cứu cả quá trình sử dụng đất, kê khai xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của đương sự; xem xét những quy định về bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất.

        Khi giải quyết yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn, bị đơn... phải đảm bảo cả quyền lợi của người liên quan trong vụ kiện (Ngân hàng, chủ nợ, tài sản chung liên quan đến quyền lợi của người thứ ba....).

        Thứ bảyvề từ chối nhận di sản

        Khi chia thừa kế cần lưu ý đến ý chí của người thừa kế, người thừa kế có quyền định đoạt nhận di sản hay không nhận di sản? Khi người được hưởng thừa kế từ chối nhận di sản, cần xem xét việc từ chối di sản có nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ của người từ chối với người khác hay không? Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết; Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản (Điều 642 BLDS 2005).

        Thứ támvề thứ tự ưu tiên thanh toán

        Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến di sản thừa kế của người chết được thanh toán theo thứ tự:

        - Di sản thừa kế được phân chia cho những người thừa kế là phần di sản còn lại sau khi thực hiện xong nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại.

        - Xác định hiện trạng của di sản thừa kế, nguồn gốc, quá trình biến đổi và thực trạng từng loại di sản; công sức của người duy trì phát triển tài sản là di sản; công sức của người chăm sóc người để lại di sản; việc ma chay, giỗ, tết... liên quan đến người để lại di sản; di sản đang được ai quản lý và được sử dụng như thế nào?

        Tuy nhiên, trong chi phí cho việc bảo quản di sản có những chi phí thực tế và người quản lý di sản phải bỏ chi phí để sửa chữa, bảo quản di sản thì có quyền yêu cầu người thừa kế thanh toán chi phí cần thiết đó. Đối với công sức quản lý di sản, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể, nên khi xem xét công sức quản lý di sản cần căn cứ vào việc người quản lý di sản thực hiện tốt các nghĩa vụ quản lý di sản, thời gian quản lý di sản, có được hưởng lợi hay không được hưởng lợi từ việc quản lý di sản... để đề xuất cho phù hợp.

Xem thêm:

Nguyễn Văn Ngọc (theo Viện KSND Tp. Hà Nội)

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow