Phát triển án lệ đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay
Nghiên cứu về khả năng khai thác và sử dụng án lệ, tập quán (kể cả tập quán, thông lệ thương mại quốc tế) và quy tắc của các hiệp hội nghề nghiệp, góp phần bổ sung và hoàn thiện pháp luật.
Ngày nay, án lệ ngày càng đóng vai trò quan trọng tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Điều này có nguyên nhân xuất phát từ những lỗ hổng, sự chưa hoàn thiện của hệ thống pháp luật mỗi quốc gia. Trong trường hợp pháp luật không có quy định hay quy định không rõ ràng thì án lệ được xem là mảnh ghép để vá lại những lổ hổng của hệ thống pháp luật. Do vậy, việc xây dựng và ban hành án lệ phục vụ cho việc xét xử tại các nước đã và đang ngày càng được quan tâm.
Ở các quốc gia theo truyền thống Luật dân sự (Civil Law), án lệ được được tạo ra để khắc phục những hạn chế của luật thành văn, góp phần tạo cơ chế để giải quyết những vấn đề mà luật chưa điều chỉnh hoặc quy định chưa rõ, còn có cách hiểu khác nhau. Các biểu hiện trong án lệ là những tiêu chuẩn về công bằng, công lý trong từng thời kỳ phát triển, trong đó thể hiện cả niềm tin nội tâm, đánh giá và nhận định của Thẩm phán. Việc áp dụng án lệ sẽ góp phần tạo lập tính ổn định, minh bạch và tiên liệu được trong các phán quyết của Tòa án, qua đó có tác dụng hướng dẫn các hành vi ứng xử không chỉ đối với các bên trong vụ án, mà còn đối với cả cộng đồng xã hội.
Với ý nghĩa và giá trị đã được thừa nhận của án lệ theo kinh nghiệm quốc tế nêu trên, việc áp dụng án lệ ở Việt Nam sẽ giúp cho Toà án kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử, khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, đặc biệt là trong bối cảnh đòi hỏi của người dân và xã hội đối với công tác Tòa án ngày càng cao; những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đang gia tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp; nhiều quy định của pháp luật còn mang tính định tính, chưa rõ ràng và còn có những cách hiểu chưa thống nhất; còn có những vấn đề chưa có quy định cụ thể của pháp luật để điều chỉnh. Hơn nữa, việc công bố án lệ sẽ giúp người dân nắm rõ đường lối xét xử, dự báo được kết quả những vụ việc tương tự có liên quan đến quyền và lợi ích của họ. Về phía Tòa án, tham khảo án lệ, phân tích thiếu sót trong những vụ án xét xử trước đó cũng sẽ giúp Thẩm phán rút kinh nghiệm, hạn chế việc kết án oan, sai.
Tại Việt Nam, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, Đảng ta đã đề ra quan điểm về việc phải phát triển án lệ. Tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”, một trong những giải pháp về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2020 mà Nghị quyết này đã đưa ra là “Nghiên cứu về khả năng khai thác và sử dụng án lệ, tập quán (kể cả tập quán, thông lệ thương mại quốc tế) và quy tắc của các hiệp hội nghề nghiệp, góp phần bổ sung và hoàn thiện pháp luật”. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đã giao cho Tòa án nhân dân tối cao nhiệm vụ Phát triển án lệ:“Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ …”.
Thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về cải cách tư pháp liên quan đến việc phát triển án lệ nêu trên, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã bổ sung cho Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhiệm vụ “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”; và giao cho Chánh án Tòa ánh nhân dân tối cao nhiệm vụ “Chỉ đạo việc tổng kết thực tiễn xét xử, xây dựng và ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; tổng kết phát triển án lệ, công bố án lệ”. Nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử cũng đã được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ đã chính thức đưa ra khái niệm về “án lệ” và sau đó được thay thế bởi Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP (có hiệu lực ngày 15/7/2019). Theo đó, “án lệ” được hiểu là “những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử” (Điều 1 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP).
Như vậy, cả về mặt lý luận và thực tiễn, việc phát triển án lệ là cần thiết để đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay.
1. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao
1.1. Về việc hoàn thiện cơ sở pháp lý và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ phát triển án lệ
Ngay sau khi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 được Quốc hội thông qua, Tòa án nhân dân tối cao đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển án lệ; hoàn thiện cơ sở pháp lý và các điều kiện cần thiết cho công tác phát triển án lệ; cụ thể như sau:
Ngày 28-10-2015, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Theo đó, việc ban hành án lệ được tiến hành thông qua một quy trình hết sức chặt chẽ từ khâu rà soát, phát hiện, đề xuất án lệ đến khâu thẩm định, thông qua án lệ; đồng thời Nghị quyết này đã làm rõ khái niệm án lệ, các tiêu chí lựa chọn án lệ, nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử để áp dụng thống nhất trong toàn quốc.
Ngày 30-5-2016, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 04/2016/CT-CA về việc tăng cường công tác phát triển và công bố án lệ, áp dụng án lệ trong xét xử.
Năm 2018, Tòa án nhân dân tối cao đã tiến hành sơ kết 03 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển án lệ để đánh giá những kết quả đạt được cũng như nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong công tác này, từ đó đề ra những giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển án lệ. Trên cơ sở kết quả sơ kết 03 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển án lệ, ngày 18-6-2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP thay thế cho Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP với nhiều nội dung đổi mới về quy trình lựa chọn, công bố, áp dụng án lệ cho phù hợp hơn với yêu cầu của thực tiễn, trong đó phải kể đến việc bổ sung hướng dẫn về trình tự xem xét, thông qua án lệ theo thủ tục rút gọn.
Bên cạnh đó, ngày 19-10-2016, Trang tin điện tử về án lệ của Tòa án nhân dân tối cao đã được khai trương và chính thức đi vào hoạt động. Trang tin điện tử về án lệ đã kịp thời đăng tải các tin tức, sự kiện liên quan đến án lệ; các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, các dự thảo án lệ; các án lệ đã được công bố; các nghiên cứu, đề xuất án lệ của các Thẩm phán, các chuyên gia, nhà khoa học…. Cho đến nay, đã có gần 1,5 triệu lượt truy cập vào Trang tin điện tử về án lệ của Tòa án nhân dân tối cao.
1.2. Về công tác lựa chọn, công bố án lệ
Thực hiện quy trình lựa chọn, công bố án lệ, từ năm 2016 cho đến nay, Tòa án nhân dân tối cao đã lựa chọn, công bố được 52 án lệ về các lĩnh vực hình sự (11 án lệ), dân sự (27 án lệ), kinh doanh thương mại (10 án lệ), lao động (01 án lệ), hành chính (03 án lệ); trong đó có 09 án lệ được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua theo thủ tục rút gọn. Các án lệ được công bố đã phần nào đáp ứng được mong đợi của người dân đặc biệt là giới luật sư, nhà khoa học và những người làm công tác pháp luật. Nhìn chung, các ý kiến đều đánh giá cao về các án lệ được công bố, nội dung án lệ đã khắc phục được các khiếm khuyết của pháp luật, tạo tính ổn định, minh bạch trong các phán quyết của Tòa án.
Trên cơ sở các án lệ được ban hành, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng được 03 cuốn sách “Án lệ và Bình luận - Quyển I”, “Án lệ và Bình luận - Quyển II”; “Án lệ và Bình luận - Quyển III” và hiện tại đang triển khai nghiên cứu, xây dựng cuốn “Án lệ và Bình luận - Quyển IV” với nội dung tập hợp các án lệ đã được ban hành trong năm 2021 và những bình luận của các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn về nội dung của từng án lệ. Việc xuất bản các cuốn Án lệ và Bình luận đã góp phần tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu, tìm hiểu, vận dụng án lệ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xét xử của Tòa án; giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm tới hoạt động của Tòa án có thể dễ dàng tiếp cận với các án lệ đã được ban hành; tạo nguồn tham khảo cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
1.3. Về kết quả viện dẫn, áp dụng án lệ
Ngay sau khi án lệ được công bố, các Tòa án đã chủ động nghiên cứu để viện dẫn, áp dụng án lệ khi giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của mình; bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau; qua đó bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử tại các Tòa án. Theo số liệu thống kê đến ngày 03-12-2021, đã có 1210 bản án, quyết định của các Tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ. Đây là minh chứng cho thấy sau 06 năm triển khai thực hiện, án lệ đã thực sự đi vào đời sống pháp lý của đất nước, phát huy hiệu quả và được đón nhận tích cực; góp phần tạo bước ngoặt quan trọng trong cải cách tư pháp, trong thực hiện vai trò bảo vệ công lý, thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân và trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
2. Một số định hướng về phát triển án lệ trong thời gian tới
Phát triển án lệ là nhiệm vụ mới của Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và các bộ luật, luật tố tụng năm 2015. Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này được tiến hành trong bối cảnh chưa có thực tiễn để tham khảo mà chủ yếu dựa vào việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để lựa chọn hướng đi phù hợp nhất với tình hình thực tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, các bản án, quyết định của Tòa án được ban hành trước đó không nhằm mục đích để phát triển thành án lệ nên còn thiếu những lập luận, phân tích mang tính khái quát có giá trị áp dụng để giải quyết các vụ việc tương tự; cách thức viết bản án, quyết định còn có những bất cập, chưa phân tích, làm rõ những căn cứ pháp lý để Tòa án ra phán quyết; từ đó làm ảnh hưởng đến việc đề xuất, lựa chọn bản án, quyết định để phát triển thành án lệ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc số lượng án lệ được công bố trong thời gian qua chưa nhiều, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xét xử. Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới đây, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng các bản án, quyết định của Tòa án; bởi lẽ, chất lượng bản án tốt là yếu tố quan trọng hàng đầu để có được án lệ có chất lượng tốt. Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về kỹ năng viết bản án, trong đó sẽ lồng ghép nội dung hướng dẫn về cách viết bản án, quyết định có chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng được tiêu chí lựa chọn án lệ, nhằm nâng cao chất lượng các án lệ được lựa chọn; hướng dẫn cách viện dẫn án lệ.
Thứ hai, tiếp tục tăng cường công tác đề xuất, lựa chọn và công bố án lệ để nâng cao số lượng và chất lượng các án lệ được ban hành; gắn việc lựa chọn và công bố án lệ với công tác tổng kết thực tiễn xét xử để từng bước hình thành hệ thống án lệ theo sát nhu cầu của đời sống xã hội, đời sống xây dựng pháp luật;
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, xây dựng các bình luận án lệ; khuyến khích các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Tòa án tham gia bình luận các án lệ đã được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố;
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về án lệ trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như phát huy hiệu quả của Trang tin điện tử về án lệ; xây dựng Trang tin trở thành kênh thông tin quan trọng giới thiệu về án lệ Việt Nam, là diễn đàn trao đổi các kinh nghiệm, nghiên cứu chuyên sâu về án lệ thu hút các chủ thể trong và ngoài hệ thống Tòa án cùng tham gia;
Thứ năm, đưa nội dung về đề xuất phát triển án lệ thành một nội dung thi đua trong toàn hệ thống Tòa án; kịp thời khen thưởng các Thẩm phán có bản án, quyết định được lựa chọn phát triển thành án lệ; khen thưởng xứng đáng đối với các tập thể, cá nhân trong và ngoài hệ thống Tòa án có nhiều đề xuất bản án, quyết định được lựa chọn phát triển thành án lệ.
Thứ sáu, tiếp tục nghiên cứu, tham khảo, học tập kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới để từng bước hoàn thiện chế định án lệ. Việc thực hiện tốt các giải pháp nêu trên sẽ thúc đẩy công tác phát triển án lệ, phát huy hiệu quả của án lệ; góp phần quạn trọng trong trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện vai trò bảo vệ công lý, thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân và đáp ứng tốt yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình hiện nay.
Nguyễn Văn Ngọc (theo Tòa án nhân dân tối cao)
Phản ứng của bạn là gì?