Quy định về giao dịch dân sự do người chưa thành niên thực hiện

Giao dịch dân sự do người chưa thành niên dưới 6 tuổi, từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi, từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi.

20/03/2024 - 16:06 GMT+7
 0  204
Theo dõi DocLuat trên Google News
Quy định về giao dịch dân sự do người chưa thành niên thực hiện
Quy định về giao dịch dân sự do người chưa thành niên thực hiện

Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật dân sự 2015:

"Điều 21. Người chưa thành niên

1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý."

Người đại diện theo pháp luật quy định theo Điều 77 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự:

Điều 77. Định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự

1. Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

2. Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.

3. Trong trường hợp con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì việc định đoạt tài sản riêng của con do người giám hộ thực hiện.” 

Cũng liên quan đến vấn đề định đoạt tài sản của công dân chưa thành niên, thực tế có nhiều trường hợp người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi khi xác lập giao dịch định đoạt tài sản riêng thì một số công chứng viên yêu cầu bố, mẹ làm người đại diện theo pháp luật đại diện họ cho con định đoạt Việc các công chứng viên thực hiện như vậy là căn cứ vào Điều 134 và Điều 136 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định bố, mẹ, người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên và người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Theo quy định pháp luật thì việc cha, mẹ hoặc người giám hộ đại diện định đoạt tài sản riêng người chưa thành niên chỉ đối với người chưa đủ 15 tuổi, còn đối với con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu có tài sản riêng, họ có quyền tự xác lập giao dịch hoặc họ xác lập và có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Việc xác lập giao dịch theo ý chí của họ với sự đồng ý của người đại diện khác với việc người đại diện theo pháp luật hay đại diện theo ủy quyền nhân danh họ quyết định các vấn đề nên cần phân biệt trường hợp nào thì họ được xác lập giao dịch với điều kiện có sự đồng ý của người đại diện và trường hợp nào thì chỉ cần người đại diện của họ tham gia. Điều này cũng thể hiện rõ trong vấn đề đại diện của người giám hộ cho người chưa thành niên được quy định tại Điều 65 và Điều 66 của Bộ luật Dân sự 2005 về nghĩa vụ của người giám hộ, theo những quy định này thì người giám hộ đại diện cho người chưa thành niên trong các giao dịch dân sự trừ những giao dịch mà pháp luật quy định người chưa thành niên có thể tự thực hiện. 

Hiện nay, trong trường hợp người từ đủ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi tham gia giao dịch mà cần có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật bằng văn bản, trong thực tiễn công chứng thì thường các công chứng viên yêu cầu bằng văn bản dưới hình thức có thể là ký xác nhận vào giao dịch cùng với chủ thể của giao dịch hoặc bằng văn bản riêng thể hiện sự đồng ý lưu giữ tại hồ sơ công chứng. Chú ý, trong trường hợp người đại diện tham gia cùng một bên với người chưa thành niên trong giao dịch thì việc đồng ý này phải thể hiện rõ bằng câu chữ, vì đương nhiên khi họ giao kết cùng với người chưa thành niên thì việc họ biết mà không phản đối thì có thể nói là họ mặc nhiên đồng ý nhưng luật có quy định rằng việc đồng ý này phải thể hiện bằng văn bản mà không phải bằng hành động mặc nhiên thông qua việc biết mà không phản đối.

Tóm lại, từ những phân tích trên chúng ta thấy rằng, đối với giao dịch của người dưới 6 tuổi thì phải thông qua người đại diện; đối với giao dịch của người từ đủ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi không phải nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, giao dịch định đoạt tài sản bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý của người đại diện; giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người từ đủ 6 tuổi đến dưới 15 tuổi, giao dịch mà do người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có tài sản riêng để thực hiện mà không thuộc trường hợp giao dịch định đoạt tài sản bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, dùng tài sản để kinh doanh thì họ có thể tự thực hiện mà không cần sự đồng ý của người đại diện. Ngoài ra, pháp luật còn có quy định cha, mẹ là đại diện pháp luật của con chưa thành niên, vì vậy, đối với giao dịch mà pháp luật yêu cầu người chưa thành niên phải thực hiện thông qua người đại diện của người chưa thành niên thì phải do người đại diện tham gia xác lập giao dịch.

Nguyễn Ngọc (theo HVTP)

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow