Quy định về người giám hộ? Quyền của người giám hộ?

Pháp luật quy định như thế nào về người giám hộ? Ai là người giám hộ đương nhiên? Cần những điều kiện gì để trở thành người giám hộ? ...

08/07/2022 - 21:58 GMT+7
 0  313
Theo dõi DocLuat trên Google News
Quy định về người giám hộ? Quyền của người giám hộ?
Ảnh minh họa nguồn Internet

Mục lục

1. Người giám hộ là gì?

2. Điều kiện cá nhân trở thành người giám hộ?

3. Điều kiện pháp nhân trở thành người giám hộ?

4. Người giám hộ có được tặng cho tài sản của người được giám hộ hay không?

5. Nếu người giám hộ chết thì quan hệ giám hộ có chấm dứt hay không?

6. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên

7. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự

1. Người giám hộ là gì?

Điều 48 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người giám hộ như sau:

1. Cá nhân, pháp nhân có đủ điều kiện quy định tại Bộ luật này được làm người giám hộ.

2. Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

3. Một cá nhân, pháp nhân có thể giám hộ cho nhiều người.

Như vậy, cá nhân, pháp nhân có thể trở thành người giám hộ khi có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và đồng thời việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực. (Cá nhân hoặc pháp nhân phải đáp ứng các điều kiện thì mới trở thành người giám hộ).

2. Điều kiện cá nhân trở thành người giám hộ?

Trước hết, cá nhân phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Điều đó đồng nghĩa, cá nhân phải là người thành niên và không rơi vào trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. 

Tiếp theo, cá nhân phải có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ. Rất khó đánh giá thế nào là tư cách đạo đức nên những cá nhân này thường không rơi vào trường họp từng bị kết án hoặc thậm chí xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm đạo đức nói chung như hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, uy tín, danh dự của người khác. Bên cạnh đó, các điều kiện như công việc, thu nhập hàng tháng, thời gian tự chăm sóc bản thân và người khác... phải phù hợp để cá nhân đó có thể chăm sóc cho người được giám hộ.

Một điều kiện nữa là không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác. Thực ra điều kiện này làm rõ hơn hai góc độ: điều kiện về đạo đức và năng lực để chăm sóc cho người được giảm hộ. Người đang bị truy cứu hoặc người bị kết án sẽ phải chịu trách nhiệm hoặc đang trong nguy cơ phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi của mình. Như vậy, người này sẽ không thể có điều kiện tốt nhất để thực hiện được công việc giám hộ. 

Cuối cùng, cá nhân này không phải là người bị Toà án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên. Khi cá nhân này đang bị Toà án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên có nghĩa cá nhân này đang không đáp ứng điều kiện về đạo đức cũng như không đủ điều kiện để chăm sóc cho người được giám hộ. Đây là trường hợp riêng biệt mà pháp luật ghi nhận cụ thể.

Điều 49 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về điều kiện của cá nhân làm người giám hộ:

Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:

1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

2. Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

3. Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.

4. Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.

Khi đáp ứng đủ các điều kiện trên thì một cá nhân có thể trở thành người giám hộ.

3. Điều kiện pháp nhân trở thành người giám hộ?

Lần đầu tiên trong Bộ luật Dân sự năm 2015 bổ sung về người giám hộ có thể là pháp nhân. Đã là pháp nhân thì tổ chức này phải thoả mãn các điều kiện dành cho pháp nhân như được thành lập phù hợp với đúng trình tự, thủ tục được Bộ luật này quy định hoặc luật khác quy định, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có tài sản độc lập, tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của chính mình và nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự. Pháp nhân chỉ là người giám hộ khi thoả mãn các điều kiện cụ thể:

Thứ nhất, pháp nhân phải có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ. Tức là, ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của pháp nhân đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải phù hợp với chức năng đại diện cho một cá nhân khác cần người giám hộ. Những pháp nhân trở thành người giám hộ cho người được giám hộ như Trung tâm dưỡng lão, Viện trẻ mồ côi... sẽ làm người giám hộ cho người già neo đơn, trẻ mồ côi... hoặc các Viện bảo trợ xã hội trong lúc đang trực tiếp chăm sóc các đối tượng cần được bảo trợ. 

Thứ hai, pháp nhân có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ. Cũng giống cá nhân, pháp nhân thực hiện các nhiệm vụ của người giám hộ cũng cần có các điều kiện cần thiết như cơ sở vật chất, nhân lực. Ví dụ như Bệnh viện tâm thần đang trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh nhân mắc bệnh tâm thần - người đã bị tuyên mất năng lực hành vi dân sự - nhưng không có người giám hộ đương nhiên thì Toà án xem xét để cử chính Bệnh viện này là người giám hộ cho bệnh nhân của mình.

4. Người giám hộ có được tặng cho tài sản của người được giám hộ hay không?

Điều 59 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc quản lý tài sản của người được giám hộ:

1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.

Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

2. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được quản lý tài sản của người được giám hộ theo quyết định của Tòa án trong phạm vi được quy định tại khoản 1 Điều này.

Theo khoản 1 Điều 59 trên thì người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác, trừ trường hợp vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

5. Nếu người giám hộ chết thì quan hệ giám hộ có chấm dứt hay không?

Điều 60 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc thay đổi người giám hộ:

1. Người giám hộ được thay đổi trong trường hợp sau đây:

a) Người giám hộ là cá nhân chết hoặc bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, mất năng lực hành vi dân sự, mất tích; pháp nhân làm giám hộ chấm dứt tồn tại;

c) Người giám hộ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giám hộ;

d) Người giám hộ đề nghị được thay đổi và có người khác nhận làm giám hộ.

2. Trường hợp thay đổi người giám hộ đương nhiên thì những người được quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật này là người giám hộ đương nhiên; nếu không có người giám hộ đương nhiên thì việc cử, chỉ định người giám hộ được thực hiện theo quy định tại Điều 54 của Bộ luật này.

3. Thủ tục thay đổi người giám hộ được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Do vậy theo điểm b) khoản 1 Điều 60 trên thì khi một cá nhân là người giám hộ chết, thì quan hệ giám hộ không chấm dứt mà được thay đổi, thủ tục thay đổi được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

6. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên

Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên mà không còn cả cha và mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu, được xác định như sau: 

+ Trong trường hợp anh ruột, chị ruột không có thoả thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ;

+ Trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ.

7. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự

+ Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.

+ Trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo là người giám hộ.

+ Trong trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

Nguyễn Văn Ngọc (tổng hợp)

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow