Quy định về tiền lương công chức, lương hưu năm 2022
Quy định về tiền lương công chức, lương hưu, chế độ tiền lương, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động trong năm 2022.
Tiền lương cơ sở năm 2022 áp dụng đối với cán bộ, công chức là bao nhiêu?
Căn cứ điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng. Mức lương này dùng làm căn cứ:
- Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định 38/2019/NĐ-CP.
- Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật.
- Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Do lương cơ sở năm 2022 không tăng nên lương hưu của cán bộ, công chức sẽ giữ nguyên như năm 2021?
Sai: Căn cứ Điều 2 Nghị định 108/2021/NĐ-CP, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng từ ngày 1/1/2022 như sau:
- Tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021 đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 điều 1 Nghị định 108/2021/NĐ-CP.
- Tăng thêm đối với các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 108/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau: Tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng.
- Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định nêu trên là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ở những lần điều chỉnh tiếp theo.
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động năm 2022 là bao nhiêu?
Căn cứ khoản 1 điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP, quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau:
- Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
- Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
- Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
- Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Do lương tối thiểu vùng năm 2022 không tăng nên doanh nghiệp không phải tăng lương cho người lao động (dù trước đó đã thỏa thuận tăng lương hằng năm)?
Sai: Căn cứ điều 13 và điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019, tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Nếu các bên đã thỏa thuận về việc tăng lương định kỳ hằng năm tại hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động phải thực hiện việc tăng lương cho người lao động, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Công ty không trả đủ lương cho người lao động như thỏa thuận sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật?
Đúng: Căn cứ khoản 1 điều 5 và khoản 2 điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, phạt tiền đối với người sử dụng lao động không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo các mức sau đây:
- Từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động.
- Từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động.
- Từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động.
- Từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động.
- Từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Mức phạt nêu trên áp dụng với trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân; nếu người sử dụng lao động là tổ chức thì bị phạt tiền gấp đôi.
Nguyễn Văn Ngọc (theo VnExpress)
Phản ứng của bạn là gì?