Sự khác biệt giữa công chứng với chứng thực hợp đồng giao dịch
Chính sự xuất hiện song hành này đã dẫn đến tình trạng “đánh đồng” công chứng với chứng thực. Nó khiến cho người dân không thể nhận thức được sự khác biệt, đồng thời không nhận thức được vai trò, ý nghĩa của hai hoạt động này.
1. Quy định về công chứng, chứng thực hợp đồng giao dịch theo pháp luật Việt Nam hiện hành
1.1. Những hợp đồng giao dịch nào phải công chứng, chứng thực
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, có thể nói “công chứng”, “ chứng thực” là hai thuật ngữ thường xuất hiện cùng nhau từ luật chung cho đến các văn bản pháp luật chuyên ngành. Pháp luật quy định một số hợp đồng, giao dịch dân sự bắt buộc phải công chứng, chứng thực thì mới có hiệu lực pháp luật và cho phép người dân được lựa chọn hoặc là công chứng hoặc là chứng thực[1]. Công chứng hợp đồng giao dịch được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng theo Luật công chứng năm 2014 và chứng thực hợp đồng, giao dịch được thực hiện tại UBND cấp xã theo quy định của Nghị định 23/2015/NĐ-CP.
Bộ Luật dân sự (BLDS) năm 2015 quy định công chứng, chứng thực văn bản cử người giám hộ (Điều 48), hợp đồng trao đổi tài sản mà pháp luật quy định phải công chứng hoặc chứng thực (Điều 445), tặng cho bất động sản (Điều 459)… Luật đất đai năm 2013 quy định việc công chứng, chứng thực đối với hợp đồng, giao dịch liên quan đến các quyền của người sử dụng đất[2]. Điều 122 Luật Nhà ở 2014 quy định công chứng, chứng thực đối với trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại; văn bản thừa kế nhà ở. Trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, pháp luật cho phép vợ chồng được thỏa thuận về chế độ tài sản, tuy nhiên việc thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực[3].
Chính sự xuất hiện song hành này đã dẫn đến tình trạng “đánh đồng” công chứng với chứng thực. Nó khiến cho người dân không thể nhận thức được sự khác biệt, đồng thời không nhận thức được vai trò, ý nghĩa của hai hoạt động này.
1.2. Bản chất của công chứng hợp đồng giao dịch và chứng thực hợp đồng giao dịch
Định nghĩa “công chứng” được quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014. Tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP đã đưa ra một định nghĩa về “chứng thực hợp đồng, giao dịch”. Từ hai định nghĩa trong hai văn bản pháp luật nói trên có thể thấy, công chứng và chứng thực là hai việc khác nhau.
Theo đó, công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực và tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; phải chịu trách nhiệm về nội dung của hợp đồng, giao dịch, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình, bồi thường thiệt hại do mình gây ra trong quá trình hành nghề công chứng nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Nhìn vào quy định này có thể thấy rằng công chứng tại Việt Nam mang đặc điểm của mô hình công chứng nội dung, với sự tham gia khá sâu của công chứng viên vào việc xem xét và bảo đảm tính hợp pháp của nội dung giao dịch. Quy định này được cho là tiến bộ, để bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch trong điều kiện nhận thức về pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế, mặt khác tạo ra sự chuẩn hóa về hình thức cho một số loại giao dịch quan trọng. Cũng với lý do này thì một số loại giao dịch được quy định bắt buộc phải qua công chứng[4].
Còn chứng thực là việc UBND cấp xã chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; người yêu cầu chứng thực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch. Hay nói cách khác, chứng thực hợp đồng, giao dịch chỉ là xác nhận về mặt hình thức chứ không chứng nhận về mặt nội dung, không xem xét hay bảo đảm về tính hợp pháp của nội dung giao dịch, không có tác dụng ngăn ngừa rủi ro pháp lý từ nội dung giao dịch, các bên tham gia giao dịch tự chịu trách nhiệm về nội dung pháp lý của giao dịch. Giá trị pháp lý và ý nghĩa của hoạt động chứng thực tương tự như giá trị văn bản công chứng ở các nước theo mô hình công chứng hình thức[5].
Trên thực tế hợp đồng, giao dịch được công chứng thường có giá trị pháp lý, tính an toàn pháp lý cao hơn bởi được công chứng viên chịu trách nhiệm về cả hình thức lẫn nội dung. Văn bản công chứng, chứng thực là một trong mười loại “nguồn chứng cứ”[6]. Tuy nhiên, hợp đồng giao dịch công chứng có giá trị chứng cứ, những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh mà nó mặc nhiên được công nhận là sự thật, làm giảm gánh nặng cho các cơ quan Tư pháp; còn các văn bản được chứng thực thì không phải là chứng cứ mà chỉ là nguồn chứng cứ, ở đó UBND chỉ giống như một người làm chứng khách quan, công tâm, chứng nhận rằng có một sự việc đã xảy ra.
Ngoài ra, việc công chứng không chỉ mang lại lợi ích về pháp lý mà còn về kinh tế, thương mại: các hoạt động giao dịch được kiểm soát, hạn chế thất thu về thuế cho Nhà nước, giúp thị trường bất động sản ổn định hơn rất nhiều; hạn chế được những ảnh hưởng, thậm chí là phá sản do những hợp đồng, giao dịch dân sự, thương mại tiềm ẩn những rủi ro do không được công chứng.
2. Một số bất cập trong quy định của pháp luật về công chứng và chứng thực hợp đồng giao dịch
2.1. Chủ thể thực hiện:
Hoạt động công chứng được thực hiện bởi công chứng viên, còn hoạt động chứng thực được thực hiện bởi công chức tư pháp cấp xã. Mặc dù hợp đồng, giao dịch được công chứng hay chứng thực đều được sử dụng như nhau. Một hợp đồng mua bán ô tô, xe máy hay một hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất dù được công chứng hay chứng thực đều có thể mang đi để sang tên từ chủ sở hữu, sử dụng cũ sang tên chủ sở hữu, sử dụng mới và mục đích của khác hàng cũng chỉ cần có vậy. Thế nhưng, yêu cầu, tiêu chuẩn của một công chứng viên thì lại cao hơn hẳn một công chức tư pháp xã, thậm chí có thể nói là tiêu chuẩn khắt khe. Điều 8 Luật công chứng năm 2014 quy định công chứng viên phải có đầy đủ 05 điều kiện mới có thể trở thành công chứng viên:
- Có bằng cử nhân luật;
- Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật;
- Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng;
- Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng;
- Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.
Như vậy, để trở thành công chứng viên thì 1 cử nhân luật sẽ phải mất thời gian ít nhất là 05 năm, trải qua lớp đào tạo nghề công chứng kéo dài 12 tháng và phải đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự. Đây là một khoảng thời gian dài hay có thể nói là một hành trình không dễ dàng để một người có thể trở thành công chứng viên… Công chứng viên được bổ nhiệm chỉ để hành nghề duy nhất là công chứng (theo hướng chuyên nghiệp) và hành nghề ổn định, lâu dài. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính hợp pháp của các văn bản công chứng, ngoài kiến thức pháp lý và kinh nghiệm công tác, công chứng viên còn phải vận dụng các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng để tra cứu thông tin, xác định tính hợp pháp của hồ sơ giấy tờ mà khách hàng cung cấp.
Trong khi đó yêu cầu đối với công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã lại vô cùng dễ dàng. Công chức cấp xã chỉ yêu cầu là người hiểu biết về lý luận chính trị, nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có năng lực tổ chức vận động nhân dân ở địa phương thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm, có đủ năng lực và sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao; am hiểu và tôn trọng phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư trên địa bàn công tác[7]. Ngoài các tiêu chuẩn chung thì công chức tư pháp – hộ tịch phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể như sau:
– Đủ 18 tuổi trở lên;
– Tốt nghiệp trung học phổ thông;
– Tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của chức danh công chức được đảm nhiệm;
– Có chứng chỉ tin học văn phòng trình độ A trở lên;
– Phải biết tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với địa bàn công tác;
– Sau khi được tuyển dụng phải hoàn thành lớp đào tạo, bồi dưỡng quản lý hành chính nhà nước và lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo chương trình đối với chức danh công chức cấp xã hiện đảm nhiệm (Thông tư 06/2012/TT-BNV).
Có thể thấy một sự “vênh” không hề nhỏ. Một công chứng viên phải có bằng cử nhân luật, phải tham gia khóa đào tạo 12 tháng, phải đạt kết quả tập sự, phải công tác pháp luật 5 năm thì một công chức tư pháp lại chỉ cần tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp. Sau khi được tuyển dụng họ không học lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ mà lại là lớp đào tạo, bồi dưỡng quản lý hành chính nhà nước và lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Thậm chí công chức thực hiện nhiệm vụ chứng thực tại UBND cấp xã nhiều khi chỉ là kiêm nhiệm và tính chất của đội ngũ này lại thường xuyên biến động, thiếu ổn định do thường được luân chuyển, điều động công tác khác.… Chứng thực chỉ mang tính hình thức, công chức tư pháp không phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hợp đồng giao dịch nên trình tự, thủ tục chứng thực cũng “chóng vánh”, không đề cao vai trò trách nhiệm. Với những con người không hề qua đào tạo, không đòi hỏi chuyên môn, không chịu trách nhiệm về nội dung giao dịch; thủ tục đơn giản kết hợp sự tùy tiện, cẩu thả thì hàng loạt hệ lụy của chứng thực đã và đang diễn ra mà chưa có một con số kiểm đếm cụ thể nào. Đây là một dấu ấn rõ ràng của mô hình công chứng tập thể còn tồn tại.
2.2. Trình tự, thủ tục:
Điều 36 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP chỉ quy định một thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch khá đơn giản cho chứng thực tất cả các loại hợp đồng, giao dịch khác nhau.
Thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch được quy định tại Điều 40, 41 của Luật Công chứng. Thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch có hai loại: Hợp đồng, giao dịch do người yêu cầu công chứng tự soạn thảo và hợp đồng, giao dịch do công chứng viên soạn thảo.
Nhìn sơ qua có thể thấy quy trình công chứng, chứng thực hợp đồng giao dịch tương đối giống nhau, đều cần có 1 bộ hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, dự thảo, ký tên và ghi lời chứng. Nhưng thực chất quy trình công chứng hợp đồng, giao dịch vô cùng chặt chẽ và không hề sơ sài như chứng thực. Quá trình kiểm tra hồ sơ, xác minh tính tự nguyện và giải thích quyền lợi nghĩa vụ cho khác hàng diễn ra kỹ lưỡng, tỉ mỉ đảm bảo không có sự giả mạo, ép buộc giữa các bên. Nếu công chức tư pháp chỉ kiểm tra dự thảo rồi chứng thực thì công chứng viên sau khi kiểm tra dự thảo còn phải giải thích cho khác hàng để họ có thể hiểu tường tận về hợp đồng, mình ký cái gì, hậu quả pháp lý ra sao, bởi thông thường khách hàng có hiểu biết pháp luật rất hạn chế và họ không hiểu hết được những quyền và nghĩa vụ sẽ phát sinh sau khi ký vào hợp đồng, giao dịch. Điều này cũng không quá khó hiểu, công chức tư pháp cấp xã không phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hợp đồng giao dịch, đồng thời họ cũng không có chuyên môn nghiệp vụ cao cũng như kiến thức pháp lý còn hạn chế dẫn đến không thể giải thích, hướng dẫn cho người yêu cầu chứng thực. Ngược lại, công chứng viên là những người am hiểu pháp luật, hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực pháp lý nên công chứng viên có năng lực để giải thích, hướng dẫn khách hàng tuân thủ pháp luật và phòng ngừa, ngăn chặn những rủi ro pháp lý có thể sảy ra. Chính vì thế, công chứng viên hay còn được mệnh danh là “thẩm phán phòng ngừa”.
2.3. Phí công chứng, chứng thực hợp đồng giao dịch:
Quy định về phí chứng thực được áp dụng theo Thông tư 226/2016/TT-BTC, mức thu phí chứng thực được chia làm 3 loại, trong đó chứng thực hợp đồng, giao dịch có giá là 50.000 đồng/hợp đồng (giao dịch); chứng thực việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch có giá là 30.000 đồng/ hợp đồng (giao dịch); Sửa lỗi sai sót trong hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực có giá là 25.000 đồng/hợp đồng (giao dịch).
Phí công chứng hợp đồng, giao dịch được thực hiện theo Thông tư 257/2016/TT-BTC, mức thu phí theo quy định tại Thông tư này không ấn định như phí chứng thực mà linh hoạt theo loại việc, do đó được phân ra thành 02 loại: Mức thu phí công chứng hợp đồng, giao dịch được xác định theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch[8] và mức phí đối với việc công chứng hợp đồng, giao dịch không theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch[9]. Dù phân thành hai loại khác nhau nhưng phí công chứng hợp đồng, giao dịch vẫn cao hơn gấp nhiều lần so với phí chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Mặc dù, so với giá trị tài sản trong quá trình giao dịch, chi phí công chứng chỉ là một phần nhỏ rất nhỏ bé. Nhưng về phía người dân và doanh nghiệp, đa phần quan tâm đến sự đơn giản và chi phí thấp, do vậy nếu có sự lựa chọn, phần lớn người dân sẽ chọn chứng thực, chỉ một bộ phận nhỏ chọn công chứng – bộ phận nhỏ này tập trung ở khu vực nội thành các thành phố lớn, nơi có nhận thức cao về pháp luật và đề cao sự an toàn.
3. Rủi ro pháp lý
Rõ ràng, với hệ thống công chứng, chứng thực như hiện nay thì hoàn toàn không đạt được mục đích ban đầu của các nhà lập pháp khi xây dựng hệ thống tổ chức các cơ quan công chứng, chứng thực là để đảm bảo chức năng phòng ngừa rủi ro pháp lý. Hợp đồng, giao dịch (đặc biệt là hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản hoặc có giá trị lớn) thường là loại việc phức tạp, dễ nảy sinh tranh chấp, đòi hỏi người thực hiện chứng thực phải am hiểu sâu rộng về pháp luật và có kinh nghiệm thực tiễn thì mới có thể đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch này, nhưng đến thời điểm hiện tại pháp luật vẫn cho phép người dân lựa chọn và họ có thể chọn chứng thực cho những hợp đồng này.
Trong Công văn số 4233/BTP-BTTP ngày 16-11-2011 gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương,Bộ Tư pháp nhấn mạnh: “trường hợp tổ chức hành nghề công chứng thấy hợp đồng, giao dịch đơn giản, các bên tin tưởng nhau thì công chứng viên công chứng hoặc hướng dẫn cá nhân, tổ chức lựa chọn chứng thực tại UBND cấp xã; ngược lại, trường hợp hợp đồng, giao dịch phức tạp, tiềm ẩn rủi ro cho các bên, thì UBND cấp xã hướng dẫn cá nhân, tổ chức lựa chọn công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng”. Qua công văn này có thế thấy Bộ Tư pháp nhận thức được rủi ro pháp lý khi cho phép người dân chứng thực hợp đồng, giao dịch có giá trị lớn và Bộ Tư pháp cũng thừa nhận sự thiếu chuyên môn của công chức tư pháp cấp xã, đánh giá cao năng lực của công chứng viên. Tuy nhiên, Bộ chỉ “khuyến cáo” UBND xã hướng cá nhân, tổ chức lựa chọn công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng mà không “ấn định”, không có quy định bắt buộc UBND phải chuyển hồ sơ cho Văn phòng công chứng và vẫn cho phép người dân được tư do lựa chọn. Chính vì thế, hoạt động chứng thực của UBND cấp xã hiện nay vẫn đang tồn tại song song với hoạt động công chứng theo Luật Công chứng. Hệ lụy của mô hình kỳ quặc này còn lớn hơn khi nó tạo ra những lỗ hổng và rủi ro pháp lý rất lớn, không chỉ đối với ngành công chứng mà đối với cả xã hội.
Để đảm bảo tính pháp lý cao nhất, hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể sảy ra, ngành công chứng đã và đang ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của mình. Luật Công chứng 2014 ra đời đã có 3 điều luật đề cập đến vấn đề này (Điều 32; Điều 33 và Điều 62). Tính đến thời điểm này, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cơ sở dữ liệu được xây dựng trên môi trường mạng diện rộng với nền tảng web, cho phép các tổ chức hành nghề công chứng trực tiếp khai thác dưới sự quản lý và giám sát của Sở Tư pháp (tại Hà Nội là Uchi, TPHCM là CENM), những hệ thống dữ liệu này đã và đang phát huy tích cực vai trò của mình. Tuy nhiên, những giao dịch được chứng thực tại UBND xã, phường… chưa được cập nhật vào cơ sở dữ liệu công chứng UCHI hay CENM, cho nên gây ra lỗ hổng lớn trong việc bảo đảm an toàn cho các bên trong giao dịch dân sự, dẫn đến hậu quả là hệ thống dữ liệu công chứng dần bị vô hiệu hóa do không thể theo dõi được các giao dịch thông qua chứng thực. Nhiều trường hợp tài sản mới giao dịch mua bán qua công chứng nhưng có thể ngay lập tức được giao dịch một lần nữa và hợp thức hóa qua thủ tục được chứng thực ở UBND cấp xã và ngược lại. Những trường hợp mà công chứng viên từ chối do tiềm ẩn rủi ro hoặc không đủ căn cứ để giao dịch sẽ được các chủ thể giao dịch và chứng thực ở UBND xã, phường.
Rủi ro tiềm ẩn, hậu quả khó lường và ai sẽ phải chịu trách nhiệm, thiệt hại thuộc về ai… một chuỗi câu hỏi kèm theo hệ lụy xảy ra trong tương lai.
4. Một số khuyến nghị
Về mặt quy khoạch, việc thành lập các văn phòng công chứng ở khu vực ngoại thành, những địa phương khó khăn, dân trí thấp cần được khuyến khích và đẩy mạnh. Thực tế cho thấy, dân trí ở khu vực nội thành cao hơn, hiểu biết pháp luật cũng tốt hơn trong khi ở ngoại thành nhất là vùng sâu vùng xa người dân thường không tiếp xúc với pháp luật hoặc tiếp cận pháp luật một cách bị động, hiểu biết pháp luật vô cùng hạn chế, họ dễ bị dụ dỗ và lừa gạt. Để đạt được mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đề ra, để xây dựng hành lang pháp lý an toàn và vững chắc chắc cần nhanh chóng và gấp rút thành lập các văn phòng công chứng ở ngoại thành và những vùng khó khăn, để người dân có “chỗ dựa” mỗi khi đặt bút ký.
Về mặt thể chế, cần phải thiết lập, kiến tạo một khuôn khổ pháp lý để chế định công chứng hợp đồng, giao dịch và chế định chứng thực hợp đồng, giao dịch cùng đi trên một con đường, cùng một mặt bằng pháp lý như nhau mới thật sự tạo thuận lợi cho người dân và phù hợp với nhu cầu thực tế đang phát sinh[10].
Cần phải có sự phân định thẩm quyền một cách cụ thể và rõ ràng giữa hai hệ thống công chứng và chứng thực. Thiết nghĩ, quy định chứng thực của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP cũng cần phải sửa đổi theo hướng chỉ áp dụng cho những huyện chưa có tổ chức hành nghề công chứng, còn những quận, huyện đã có tổ chức hành nghề công chứng thì nên quy định chỉ có tổ chức hành nghề công chứng được thực hiện hành vi công chứng các giao dịch dân sự.
Nếu tiếp tục quy định hợp đồng, giao dịch đều có thể công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã thì UBND chỉ được chứng thực những giao dịch nào, những giao dịch nào bắt buộc phải công chứng; quy định này có thể dựa trên giá trị của hợp đồng giao dịch để quy định, hợp đồng có giá trị nhỏ thì chứng thực tại UBND xã, hợp đồng có giá trị lớn thì phải công chứng tại văn phòng công chứng. Bên cạnh đó, phải bổ sung quy định người thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch cũng phải chịu trách nhiệm về nội dung của hợp đồng, giao dịch giống như công chứng viên, để người chứng thực hợp đồng, giao dịch ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình, tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về nghiệp vụ và kỹ năng chứng thực nội dung của hợp đồng, giao dịch.
Đối với người dân cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân có thể tiếp cận, nhận thức và phận biệt được rạch ròi giữa công chứng với chứng thực. Từ đó người dân có thể tự bảo vệ được mình bằng chính hành động của mình là lựa chọn công chứng hay chứng thực, khi nào có thể đến UBND xã, khi nào cần phải đến văn phòng công chứng.
Có như vậy, khi tổ chức và công dân lựa chọn công chứng hợp đồng, giao dịch tại tổ chức hành nghề công chứng hay chứng thực tại UBND cấp phường, xã… đều bảo đảm tính an toàn pháp lý cho giao dịch của họ.
[1] Xem khoản 2 Điều 119 và khoản 2 Điều 129 Bộ Luật dân sự năm 2015.
[2] Xem Điều 167 Luật Đất đai năm 2013.
[3] Xem Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[4], [5] Đào Duy An, “Những bất cập trong tổ chức mô hình công chứng và quy hoạch công chứng”,http://daoduyan.com/2018/04/cho-di-su-that-nhan-lai-niem-tin/?fbclid=IwAR0n3gNyLUTF3wH6r5FxFdnSmQrnCEDHapUpoAaESzNqgP-gPuV_5ibZ7nA#more-42
[6] Điều 94 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015
[7] Xem Nghị định 112/2011/NĐ-CP
[8] Xem khoản 2 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC
[9] Xem khoản 3 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC
[10] Lê Quốc Hùng, “Về công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch bất động sản”, https://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/29182702-ve-cong-chung-chung-thuc-hop-dong-giao-dich-bat-dong-san.html
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hương
Bài đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số đặc biệt chuyên đề công chứng 01.2020
Phản ứng của bạn là gì?