Sự khác biệt giữa việc cho thuê và mượn tài sản

Hiện nay hợp đồng cho thuê tài sản và hợp đồng mượn tài sản được giao kết rất phổ biến, tuy nhiên bản chất của hai loại hợp đồng này là khác nhau.

06/12/2021 - 22:34 GMT+7
 0  147
Theo dõi DocLuat trên Google News

1. Khái niệm

- Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê. Đây là hợp đồng song vụ, trong đó cả bên bên cho thuê và bên thuê đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Cụ thể, bên thuê có quyền nhận tài sản từ bên cho thuê và sử dụng tài sản đó phù hợp với quy định của pháp luật và mục đích sử dụng đã thỏa thuận trong hợp đồng; đồng thời có nghĩa vụ thanh toán cho bên cho thuê một khoản tiền nhất định mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Ngược lại, bên cho thuê có quyền nhận một khoản tiền từ bên thuê và có nghĩa vụ giao tài sản thuê cho bên thuê theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng.

- Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được. Đặc điểm của hợp đồng mượn tài sản là đối tượng của hợp đồng phải là những tài sản không có tinh chất hao mòn theo thời gian, nếu có thì sự hao mòn đó không đáng kể và đảm bảo tài sản sau khi được bên mượn trả lại vẫn giữ nguyên đặc tính, công dụng vốn có của tài sản đó trước khi được cho mượn.

2. Nghĩa vụ trả tiền

- Đối với hợp đồng thuê tài sản: bên thuê phải có nghĩa vụ trả tiền thuê tài sản cho bên cho thuê cho quá trình sử dụng tài sản đi thuê đó.

- Đối với hợp đồng mượn tài sản: bên mượn tài sản chỉ phải trả lại tài sản đã mượn sau khi hết thời hạn mượn mà không có nghĩa vụ phải trả tiền cho bên cho mượn.

Như vậy sự khác nhau rõ ràng nhất giữa hai loại hợp đồng này là việc có nghĩa vụ trả tiền hay không. Do đó căn cứ vào mục đích của bạn khi giao kết hợp đồng, nếu việc giao kết hợp đồng để giao tài sản cho người khác và có thu lợi thì bạn ký kết hợp đồng cho thuê tài sản. Ngược lại việc giao tài sản cho người khác mà không nhằm thu lợi thì bạn ký hợp đồng cho mượn tài sản.

3. Hợp đồng thuê tài sản

Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.

Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Giá thuê:

Giá thuê do các bên thỏa thuận hoặc do người thứ ba xác định theo yêu cầu của các bên, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Trường hợp không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì giá thuê được xác định theo giá thị trường tại địa điểm và thời điểm giao kết hợp đồng thuê.

- Thời hạn thuê:

Thời hạn thuê do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì được xác định theo mục đích thuê.

Trường hợp các bên không thỏa thuận về thời hạn thuê và thời hạn thuê không thể xác định được theo mục đích thuê thì mỗi bên có quyền chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải thông báo cho bên kia trước một thời gian hợp lý.

- Giao tài sản thuê:

Bên cho thuê phải giao tài sản cho bên thuê đúng số lượng, chất lượng, chủng loại, tình trạng, thời điểm, địa điểm đã thỏa thuận và cung cấp thông tin cần thiết về việc sử dụng tài sản đó.

Trường hợp bên cho thuê chậm giao tài sản thì bên thuê có thể gia hạn giao tài sản hoặc hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại; nếu tài sản thuê không đúng chất lượng như thỏa thuận thì bên thuê có quyền yêu cầu bên cho thuê sửa chữa, giảm giá thuê hoặc hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

- Nghĩa vụ bảo đảm giá trị sử dụng của tài sản thuê:

Bên cho thuê phải bảo đảm tài sản thuê trong tình trạng như đã thỏa thuận, phù hợp với mục đích thuê trong suốt thời gian cho thuê; phải sửa chữa những hư hỏng, khuyết tật của tài sản thuê, trừ hư hỏng nhỏ mà theo tập quán bên thuê phải tự sửa chữa.

Trường hợp tài sản thuê bị giảm sút giá trị sử dụng mà không do lỗi của bên thuê thì bên thuê có quyền yêu cầu bên cho thuê thực hiện một hoặc một số biện pháp sau đây:

a) Sửa chữa tài sản;

b) Giảm giá thuê;

c) Đổi tài sản khác hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu tài sản thuê có khuyết tật mà bên thuê không biết hoặc tài sản thuê không thể sửa chữa được mà do đó mục đích thuê không đạt được.

Trường hợp bên cho thuê đã được thông báo mà không sửa chữa hoặc sửa chữa không kịp thời thì bên thuê có quyền tự sửa chữa tài sản thuê với chi phí hợp lý, nhưng phải báo cho bên cho thuê và có quyền yêu cầu bên cho thuê thanh toán chi phí sửa chữa.

- Nghĩa vụ bảo quản tài sản thuê

Bên thuê phải bảo quản tài sản thuê, phải bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ; nếu làm mất, hư hỏng thì phải bồi thường.

Bên thuê không chịu trách nhiệm về những hao mòn tự nhiên do sử dụng tài sản thuê.

Bên thuê có thể tu sửa và làm tăng giá trị tài sản thuê, nếu được bên cho thuê đồng ý và có quyền yêu cầu bên cho thuê thanh toán chi phí hợp lý.

4. Hợp đồng mượn tài sản

Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.

- Đối tượng của hợp đồng mượn tài sản:

Tất cả những tài sản không tiêu hao đều có thể là đối tượng của hợp đồng mượn tài sản.

- Nghĩa vụ của bên mượn tài sản:

Giữ gìn, bảo quản tài sản mượn, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa.

Không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn.

Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được.

Bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản mượn.

Bên mượn tài sản phải chịu rủi ro đối với tài sản mượn trong thời gian chậm trả.

- Quyền của bên mượn tài sản:

Được sử dụng tài sản mượn theo đúng công dụng của tài sản và đúng mục đích đã thỏa thuận.

Yêu cầu bên cho mượn thanh toán chi phí hợp lý về việc sửa chữa hoặc làm tăng giá trị tài sản mượn, nếu có thỏa thuận.

Không phải chịu trách nhiệm về những hao mòn tự nhiên của tài sản mượn.

- Nghĩa vụ của bên cho mượn tài sản:

Cung cấp thông tin cần thiết về việc sử dụng tài sản và khuyết tật của tài sản, nếu có.

Thanh toán cho bên mượn chi phí sửa chữa, chi phí làm tăng giá trị tài sản, nếu có thỏa thuận.

Bồi thường thiệt hại cho bên mượn nếu biết tài sản có khuyết tật mà không báo cho bên mượn biết dẫn đến gây thiệt hại cho bên mượn, trừ những khuyết tật mà bên mượn biết hoặc phải biết.

- Quyền của bên cho mượn tài sản:

Đòi lại tài sản ngay sau khi bên mượn đạt được mục đích nếu không có thỏa thuận về thời hạn mượn; nếu bên cho mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn thì được đòi lại tài sản đó mặc dù bên mượn chưa đạt được mục đích, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý.

Đòi lại tài sản khi bên mượn sử dụng không đúng mục đích, công dụng, không đúng cách thức đã thỏa thuận hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bên cho mượn.

Yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản do bên mượn gây ra.

5. Những câu hỏi về thuê và mượn tài sản

a) Mọi tài sản đều có thể ký hợp đồng cho mượn? 

Sai: theo Điều 495 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, tất cả những tài sản "không tiêu hao" đều có thể là đối tượng của hợp đồng mượn tài sản.

Theo khoản 1 Điều 112 Bộ luật Dân sự 2015, vật tiêu hao là vật khi đã qua sử dụng một lần thì mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng ban đầu. Vật tiêu hao không thể là đối tượng của hợp đồng cho thuê, mượn tài sản.

Như vậy, không phải mọi tài sản đều có thể ký hợp đồng cho thuê, mượn. Chỉ có tài sản "không tiêu hao" mới có thể là đối tượng của hợp đồng thuê, mượn tài sản.

b) Trường hợp nhà cho mượn có quyết định giải tỏa thì hợp đồng mượn nhà tự động chấm dứt hiệu lực?

Đúng: theo Điều 154 Luật nhà ở 2014 quy định, các trường hợp chấm dứt hợp đồng cho mượn, cho ở nhờ nhà ở gồm:

- Thời hạn cho mượn, cho ở nhờ đã hết.

- Nhà ở cho mượn, cho ở nhờ không còn.

- Bên mượn, bên ở nhờ nhà ở chết hoặc mất tích theo tuyên bố của tòa án.

- Nhà ở cho mượn, cho ở nhờ có nguy cơ sập đổ hoặc thuộc diện đã có quyết định giải tỏa, phá dỡ hoặc thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Theo thỏa thuận của các bên.

Như vậy, trong trường hợp nhà ở cho mượn thuộc diện đã có quyết định giải tỏa của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì hợp đồng cho mượn sẽ chấm dứt hiệu lực.

c) Bên mượn tài sản không được cho bên thứ ba mượn lại?

Tùy trường hợp: theo Khoản 2 Điều 496 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ của bên mượn tài sản là không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn.

Như vậy, tùy từng trường hợp, nếu được sự đồng ý của bên cho mượn thì bên mượn có thể cho người khác mượn lại tài sản đó.

Bên mượn tài sản có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự nếu chiếm đoạt tài sản mượn?

Sai: Theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây sẽ bị xử lý về tội Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:

- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối, bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.

- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Như vậy, trường hợp bên mượn tài sản có hành vi chiếm đoạt tài sản mượn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm này. Hình phạt đối với tội phạm này là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm...

Nguyễn Văn Ngọc (tổng hợp)

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow