Tài sản đang thế chấp có công chứng thừa kế được hay không?

Các quan điểm về một số vấn đề liên quan đến công chứng thừa kế đối với tài sản như nhà ở, quyền sử dụng đất đang thế chấp tại ngân hàng có được hay không.

17/10/2021 - 12:18 GMT+7
 0  106
Theo dõi DocLuat trên Google News

Mục lục

1. Có thể thực hiện việc công chứng về thừa kế đối với tài sản thế chấp được hay không?

2. Hoàn thành xong nghĩa vụ trả nợ có phải là điều kiện bắt buộc trước khi công chứng thừa kế?

3. Thực hiện việc công chứng thừa kế đối với tài sản thế chấp như thế nào?

    3.1. Về hồ sơ yêu cầu công chứng

    3.2. Về văn bản công chứng

4. Quan điểm cá nhân

Điều 192 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản” hay nói cách khác, “quyền định đoạt” là một trong những quyền năng giúp chủ sở hữu quyết định về số phận pháp lý của tài sản thuộc sở hữu của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào quyền định đoạt cũng là quyền tuyệt đối. Chẳng hạn như đối với tài sản đã được thế chấp thì quyền định đoạt của bên thế chấp đối với tài sản đó bị hạn chế theo quy định tại khoản 8 Điều 320 Bộ luật Dân sự năm 2015, dẫn chiếu tới quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 321 của Luật này.

Như vậy, chỉ được “bán, thay thế, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn” tài sản thế chấp nếu đáp ứng đúng và đủ các điều kiện đã được quy định.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là, vậy ngoài các quyền đã được liệt kê tại Điều 321 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì đối với tài sản thế chấp, bên thế chấp có thể thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật dân sự hay không, ví dụ như quyền thừa kế - vừa là một trong những quyền quan trọng của cá nhân, tổ chức, vừa là một chế định luật quan trọng được quy định hết sức chi tiết và cũng rất phức tạp trong Bộ luật Dân sự? Đặc biệt, trong lĩnh vực công chứng, thừa kế cũng là một trong những giao dịch dân sự thiết yếu. Mặc dù pháp luật về công chứng cũng như pháp luật về dân sự đều có quy định về vấn đề này nhưng trong thực tiễn thi hành vẫn xảy ra những bất cập liên quan đến những vấn đề như: Đối với tài sản thế chấp, công chứng viên có thể thực hiện việc công chứng thừa kế hay không, có bắt buộc phải thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ thì mới được thực hiện công chứng thừa kế, thủ tục công chứng trong trường hợp này phải làm như thế nào...?

1. Có thể thực hiện việc công chứng về thừa kế đối với tài sản thế chấp được hay không?

Về vấn đề này hiện đang có hai quan điểm: Quan điểm thứ nhất cho rằng, Điều 321 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã liệt kê cụ thể những giao dịch dân sự mà tài sản thế chấp được phép đưa vào giao dịch, trong đó không bao gồm thừa kế, cho nên thực hiện thừa kế đối với tài sản thế chấp là không thể, như vậy đương nhiên cũng không thể thực hiện công chứng thừa kế trong trường hợp này được. Tuy nhiên, quan điểm thứ hai lại cho rằng, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì cá nhân, tổ chức được phép thực hiện các giao dịch mà pháp luật không cấm, do đó, mặc dù tại Điều 321 Bộ luật Dân sự năm 2015 không có quy định về quyền thừa kế đối với tài sản thế chấp nhưng cũng không có quy định nào cấm việc này, cho nên việc thực hiện thừa kế cũng như công chứng thừa kế đối với tài sản thế chấp là được phép.

2. Hoàn thành xong nghĩa vụ trả nợ có phải là điều kiện bắt buộc trước khi công chứng thừa kế?

Quan điểm thứ nhất cho rằng, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì không thể thực hiện quyền thừa kế. Quan điểm này được lý giải như sau:

Thứ nhất, Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cụ thể về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do bên thế chấp để lại, do đó, những người theo quan điểm này cho rằng, những người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay bên thế chấp trước rồi mới có quyền thừa kế di sản. Với quan điểm này, việc thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ là bắt buộc, có nguyên lý tương tự như chủ sử dụng đất chỉ được phép thực hiện các quyền của mình sau khi đã hoàn thành xong nghĩa vụ tài chính.

Thứ hai, sự kiện pháp lý về kế thừa quyền và nghĩa vụ do người chết để lại ở đây chính là chuyển giao quyền và nghĩa vụ, hay thế quyền và thế nghĩa vụ theo quy định của pháp luật dân sự. Bởi lẽ, khi những người thừa kế muốn thế nghĩa vụ tài sản do bên thế chấp để lại và thực hiện nghĩa vụ đó thì phải có sự đồng ý của bên nhận thế chấp, nguyên tắc này hoàn toàn trùng khớp với nguyên tắc khi chuyển giao nghĩa vụ dân sự phải có sự đồng ý của bên có quyền. Căn cứ theo Điều 371 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Trường hợp nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm được chuyển giao thì biện pháp bảo đảm đó chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”, do đó, khi nghĩa vụ của người chết đã được chuyển giao thì việc thế chấp cũng chấm dứt, cho nên tài sản thế chấp phải được xóa đăng ký thế chấp hay người thừa kế phải trả xong nợ để được nhận lại giấy tờ tài sản thế chấp và xóa đăng ký thế chấp rồi mới có thể thực hiện việc thừa kế.

Theo quan điểm thứ hai thì căn cứ Điều 614 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”, như vậy, ngay tại thời điểm mở thừa kế những người thừa kế mặc nhiên có đồng thời cả các quyền tài sản cũng như nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, mà ở đây có thể hiểu quyền là quyền thừa kế, nghĩa vụ là nghĩa vụ trả nợ. Đồng thời, pháp luật hiện hành cũng không quy định nghĩa vụ có trước, quyền có sau nên theo quan điểm này thì việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ là không bắt buộc.

Mặt khác theo khoản 3 Điều 7 của Nghị định số: 21/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2021 "Trường hợp bên bảo đảm là cá nhân chết, pháp nhân chấm dứt tồn tại thì quyền truy đòi tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm không chấm dứt nhưng thực hiện theo quy định tại Điều 658 của Bộ luật Dân sự và quy định khác về thừa kế của Bộ luật Dân sự trong trường hợp bên bảo đảm là cá nhân chết hoặc thực hiện theo quy định của pháp luật về giải thể pháp nhân, phá sản trong trường hợp bên bảo đảm là pháp nhân bị giải thể, bị tuyên bố phá sản".

3. Thực hiện việc công chứng thừa kế đối với tài sản thế chấp như thế nào?

3.1. Về hồ sơ yêu cầu công chứng

Các loại giấy tờ cần có trong hồ sơ yêu cầu công chứng được thực hiện theo quy định tại Điều 40Điều 41 Luật Công chứng năm 2014, tuy nhiên, trên thực tế vẫn phát sinh vướng mắc liên quan về việc xuất trình bản chính giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng (sau đây gọi tắt là giấy tờ tài sản) nhất là đối với tài sản thế chấp, cụ thể như sau:

Quan điểm thứ nhất, cho rằng không cần xuất trình bản chính giấy tờ tài sản nhưng phải có bản sao có xác nhận của bên nhận thế chấp về việc tài sản hiện đang thế chấp. Việc này có ưu điểm là giảm bớt thủ tục cho bên nhận thế chấp, bên nhận thế chấp cũng không bắt buộc phải tham gia vào quá trình giải quyết công chứng thừa kế. Tuy nhiên, nó lại có nhược điểm: Việc không xuất trình bản chính giấy tờ là vi phạm quy định tại khoản 8 Điều 40 và khoản 3 Điều 41 Luật Công chứng năm 2014 (công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ có trong hồ sơ yêu cầu công chứng để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch), đồng thời, tính xác thực, hợp pháp của đối tượng tài sản trong hợp đồng, giao dịch lúc này cũng không được đảm bảo, có thể gây rủi ro cho công chứng viên khi thực hiện việc công chứng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan.

Theo quan điểm thứ hai, thì phải xuất trình bản chính giấy tờ tài sản. Nó có ưu điểm là thực hiện đúng trình tự, thủ tục cũng như quy định của pháp luật về công chứng; đảm bảo được tính xác thực, hợp pháp của đối tượng giao dịch, đồng thời đảm bảo tính an toàn pháp lý cũng như bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của công chứng viên khi hành nghề và quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan đến hợp đồng, giao dịch được công chứng. Nhưng nhược điểm là bên nhận thế chấp phải tham gia vào quá trình công chứng thừa kế.

3.2. Về văn bản công chứng

Quan điểm thứ nhất cho rằng, chỉ thực hiện công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế đối với tài sản thế chấp mà không thực hiện công chứng thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đối với tài sản này. Như vậy sẽ đảm bảo được phần nào quyền thừa kế của người thừa kế cũng như quyền đòi nợ của bên nhận thế chấp, đồng thời bảo đảm không xảy ra tình trạng có người thừa kế trốn tránh nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Tuy nhiên, khi đó lại không thể thực hiện công chứng thừa kế bằng phương thức thỏa thuận phân chia di sản, đồng nghĩa với việc hạn chế quyền của người thừa kế. Về nội dung văn bản khai nhận di sản thì phải bao hàm cả việc khai nhận di sản là tài sản thế chấp và khai nhận luôn cả khoản nợ do người chết là bên thế chấp để lại.

Quan điểm thứ hai cho rằng, công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc văn bản khai nhận di sản thừa kế đều được, tùy thuộc theo yêu cầu của người yêu cầu công chứng. Theo đó sẽ đảm bảo đầy đủ hơn quyền thừa kế hợp pháp của người thừa kế và phần nào quyền đòi nợ của bên nhận thế chấp, nhưng lại có nhược điểm là không đảm bảo được việc người thừa kế có trốn tránh nghĩa vụ trả nợ hay không khi thực hiện việc thỏa thuận phân chia di sản, từ đó ảnh hưởng tới quyền đòi nợ của bên nhận thế chấp. Đối với nội dung văn bản thỏa thuận phân chia di sản: Ngoài việc ghi nhận sự thỏa thuận phân chia di sản của những người thừa kế còn cần phải ghi rõ cả sự phân chia nghĩa vụ tài sản đi kèm đối với mỗi người thừa kế để hạn chế việc trốn tránh nghĩa vụ về sau.

4. Quan điểm cá nhân

Thứ nhất, việc công chứng thừa kế đối với tài sản thế chấp là hoàn toàn có thể thực hiện được. Bởi lẽ, quyền thừa kế là một trong những quyền dân sự cơ bản của cá nhân, tổ chức. Mặc dù bên thế chấp bị hạn chế quyền định đoạt đối với tài sản thế chấp nhưng không có nghĩa là quyền đó bị mất đi mà vẫn luôn được pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm. Do đó, không thể ngăn cấm bên thế chấp và những người thừa kế hợp pháp thực hiện quyền thừa kế của họ.

Thứ hai, không bắt buộc phải thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ mới có thể công chứng thừa kế. Đối với hai quan điểm về vấn đề này đã nêu ở trên, tác giả cho rằng:

- Hai sự kiện pháp lý có nguyên lý tương tự không có nghĩa là được phép đồng nhất hai sự kiện pháp lý đó lại với nhau, do đó, không thể bắt người thừa kế phải thanh toán xong nợ thì mới có quyền nhận lại tài sản thế chấp để thực hiện thừa kế như trường hợp nợ nghĩa vụ tài chính trong đất đai;

- Ở đây đã có sự đánh tráo khái niệm khi cho rằng chuyển giao quyền và nghĩa vụ của người chết chính là chuyển giao quyền và nghĩa vụ dân sự, vì mặc dù nguyên tắc thế nghĩa vụ  có sự tương đồng nhưng khi thế quyền lại hoàn toàn khác nhau. Nếu trong chuyển giao quyền dân sự không cần đến sự đồng ý của bên có nghĩa vụ thì khi thực hiện quyền thừa kế đối với tài sản thế chấp, người thừa kế mặc dù cũng là thế quyền nhưng lại vẫn cần sự tham gia cũng như đồng ý của bên nhận thế chấp, do đó, kế thừa quyền và nghĩa vụ ở đây không là chuyển giao quyền và nghĩa vụ dân sự (trừ trường hợp trước khi chết, bên thế chấp và bên nhận thế chấp có giao kết văn bản thỏa thuận nêu rõ về việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ cho người thừa kế trong trường hợp bên thế chấp chết thì kế thừa quyền và nghĩa vụ có thể là chuyển giao quyền và nghĩa vụ dân sự). Quan trọng hơn nữa là, việc không bắt buộc phải thực hiện xong nghĩa vụ là hoàn toàn không trái quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của người thừa kế, nhất là trong trường hợp người thừa kế không còn tài sản nào khác ngoài di sản thừa kế là tài sản thế chấp hoặc trường hợp người thừa kế hiện không có khả năng trả nợ thay người chết nên không thể thực hiện nghĩa vụ để được nhận lại tài sản thế chấp.

Thứ ba, thực hiện công chứng văn bản thỏa thuận hay văn bản khai nhận di sản thừa kế đều được. Nhưng cần lưu ý, người yêu cầu công chứng cần phải xuất trình được bản chính giấy tờ tài sản để chứng minh tính xác thực, hợp pháp của đối tượng tài sản trong giao dịch, hợp đồng. Hồ sơ yêu cầu công chứng ngoài đáp ứng đúng và đủ các giấy tờ theo quy định tại Điều 40, Điều 41 Luật Công chứng năm 2014 thì còn cần có thêm văn bản xác nhận số dư nợ tại thời điểm thực hiện công chứng thừa kế cũng như văn bản thể hiện sự đồng ý của bên nhận thế chấp đối với việc bên thế chấp thực hiện thừa kế. Nội dung văn bản công chứng cần ghi nhận rõ việc di sản thừa kế là tài sản thế chấp, phân chia/khai nhận thì phải bao hàm cả phân chia/khai nhận nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.

Xem thêm: Nhà, đất đang thế chấp có chia thừa kế được không?

Nguyễn Văn Ngọc (the Tạp Chí dân chủ pháp luật)

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow