Thời điểm có hiệu lực văn bản công chứng
Hợp đồng, giao dịch, bản dịch được công chứng có hiệu lực kể từ thời gian nào? ngay khi ký lăn tay hay khi ký và đóng dấu?
Theo hhoản 1 Điều 5 Luật Công chứng năm 2014 xác định:
"Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng".
Riêng thời điểm có hiệu lực của hợp đồng có thể có hai trường hợp sau:
Đối với các bên giao kết hợp đồng, thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng kể từ khi được công chứng (công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng). Trước đây, Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định hợp đồng dân sự giao kết hợp pháp có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, và khoản 1 Điều 122 Luật nhà ở năm 2014 cũng quy định hiệu lực của hợp đồng mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại có hiệu lực tại thời điểm công chứng chứng nhận hợp đồng.
Tuy nhiên tại khoản 1 Điều 401 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định "Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác".
Như vậy theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 chúng ta phải lưu ý thời điểm có hiệu lực của hợp đồng dân sự, ngoài thời điểm giao kết còn có thể theo ý chí của các bên hoặc theo điều chỉnh của các quy định khác. Nói chung công chứng viên khi xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng phải cập nhật thêm nhiều quy định khác của pháp luật ngoài các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Công chứng.
Chúng ta cần phải phân biệt rõ thời điểm hiệu lực của văn bản công chứng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Tùy từng trường hợp cụ thể, tùy từng đối tượng cụ thể của hợp đồng để xác định về hiệu lực. Có thể có trường hợp hợp đồng được công chứng viên chứng nhận nhưng hiệu lực của văn bản công chứng này và hợp đồng này không có cùng thời điểm có hiệu lực (xem thêm ví dụ đường link cuối bài viết).
Đối với bên thứ 3, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chia ra hai thời điểm:
- Đối với hợp đồng liên quan đến loại tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì thời điểm có hiệu lực với bên thứ 3 được quy định như sau:
+ Mua bán nhà ở, thuê mua nhà ở là thời điểm bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền mua, tiền thuê mua và đã nhận bàn giao nhà ở.
+ Quyền sử dụng đất kể từ thời điểm có giấy chứng nhận. (có nghĩa là hoàn tất thủ tục đăng ký chuyển quyền sử dụng từ bên người đang sử dụng cũ sang người mới).
- Đối với hợp đồng còn lại thì thời điểm có hiệu lực với bên thứ 3 là từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng (công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng).
Việc xác định thời điểm có hiệu lực của văn bản công chứng có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động công chứng vì chỉ khi hợp đồng, giao dịch có hiệu lực, các bên mới có cơ sở thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Việc thực hiện quyền hoặc nghĩa vụ trước khi hợp đồng có hiệu lực có thể gây ra thiệt hại, tranh chấp cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch và cho chính công chứng viên chứng nhận hợp đồng, giao dịch đó.
Do vậy, công chứng viên phải cẩn trọng trong quá trình thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch, nhất là trong những trường hợp đặc biệt liên quan đến tài sản (đăng ký quyền sở hữu, đăng ký giao dịch bảo đảm, chứng nhận di chúc ...) công chứng viên cần phải giải thích, tư vấn cho các bên tham gia giao dịch để họ nhận biết được khi nào quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng mới phát sinh và có giá trị thực hiện.
Phản ứng của bạn là gì?