Thời hạn và hiệu lực của Hợp đồng ủy quyền
Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.
Căn cứ vào Điều 147. Thời điểm bắt đầu thời hạn và Điều 401. Hiệu lực của hợp đồng của Bộ luật dân sự 2015 thì Thời hạn và hiệu lực của Hợp đồng ủy quyền được hiểu như thế nào?
Ví dụ: “Thời hạn uỷ quyền là 10 (mười) năm kể từ ngày hợp đồng được Công chứng viên Văn phòng công chứng ............, tỉnh Bình Dương chứng nhận.”
Với câu trên, thì chỉ đề cập đến thời hạn của hợp đồng, thời hạn này được quy định tại Điều 147 BLDS 2015:
"Điều 147. Thời điểm bắt đầu thời hạn
1. Khi thời hạn được xác định bằng phút, giờ thì thời hạn được bắt đầu từ thời điểm đã xác định.
2. Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định.
3. Khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì ngày xảy ra sự kiện không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày xảy ra sự kiện đó".
Theo Khoản 2 Điều 147 thì thời hạn được xác định bằng ngày, tháng, năm ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định.
Còn về hiệu lực hợp đồng, theo Điều 401 BLDS 2015
"Điều 401. Hiệu lực của hợp đồng
1. Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.
2. Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật".
Theo Khoản 1 Điều 401 thì hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác. Với câu thời hạn ở trên thì hai bên không có thỏa thuận nào. Pháp luật liên quan em cũng không tìm được quy định nào. Vậy kể từ khi hợp đồng được Công chứng viên chứng nhận, đóng dấu thì đã có hiệu lực pháp luật.? Các bên đã có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong hợp đồng mà mình giao kết? Vậy lý do gì phải để qua ngày hôm sau mình mới được thực hiện những quyền này.
Ví dụ, ông A ủy quyền cho ông B thực hiện một công việc, “thời hạn ủy quyền là ba ngày, kể từ ngày hợp đồng được Công chứng viên Văn phòng công chứng .........., tỉnh Bình Dương chứng nhận” hợp đồng công chứng được công chứng ngày 15/9/2020.
Như vậy ,thời hạn trong tình huống này là ba ngày, bắt đầu từ ngày 16/9/2020 và kết thúc khi hết ngày 18/9/2020. Còn hiệu lực hợp đồng thì phát sinh ngay lúc được công chứng viên chứng nhận. Nếu trong ngày 15/9/2020 ông B ủy quyền tiếp cho ông C thì thời hạn của hợp đồng vẫn chưa được tính.
Kết luận, thời hạn và hiệu lực hợp đồng là hai khái niệm khác nhau, không thể gộp chung để xác định quyền của các bên đối với hợp đồng. Do đó, nếu HỢP ĐỒNG ỦY QUYỀN không ghi rõ thời điểm bắt đầu thì đó có thể là sự kiện (công chứng viên ký tên và đóng dấu) hoặc từ ngày công chứng (ký hợp đồng), nếu cần sử dụng liền ủy quyền này thì phải ghi rõ giờ, phút để có hiệu lực áp dụng được.
Nguyễn Văn Ngọc
Phản ứng của bạn là gì?