Thủ tục công chứng giao dịch mua bán cổ phần

Thủ tục khi công chứng mua bán cổ phần công ty yêu cầu các bên (kể cả Bên bán và Bên mua) phải có đủ hai vợ chồng cùng ký. Tại sao lại như vậy?

23/08/2022 - 08:14 GMT+7
 0  119
Theo dõi DocLuat trên Google News
Thủ tục công chứng giao dịch mua bán cổ phần

Giao dịch mua bán cổ phần không bắt buộc phải công chứng. Một trong hai vợ chồng mặc định được hiểu là đại diện cho người kia xác lập hợp đồng. Tuy nhiên, nếu các bên yêu cầu công chứng thì vấn đề lại hoàn toàn khác, Công chứng viên (CCV) sẽ yêu cầu các bên (kể cả Bên bán và Bên mua) phải có đủ hai vợ chồng cùng ký. Tại sao lại như vậy?

Điểm khác nhau cơ bản nhất giữa một giao dịch công chứng và môt giao dịch không qua công chứng là thời điểm mà các bên phải chứng minh tính hợp pháp của giao dịch đó.

Một giao dịch thông thường không qua công chứng, theo thông lệ thì mặc nhiên người vợ hoặc chồng đứng ra giao kết hợp đồng là đại diện cho người kia, giao dịch đó vẫn được bên thứ ba chấp thuận và công nhận. Đối với trường hợp mua bán cổ phần, cổ phiếu thì công ty cổ phần vẫn chấp nhận các giao dịch mua bán cổ phần của các cổ đông mà không cần phải qua công chứng. Chỉ khi giao dịch đó có tranh chấp, một trong các bên khởi kiện thì các bên mới cần đưa ra các chứng cứ để chứng minh tính hợp pháp của giao dịch theo yêu cầu của Tòa án.

Trường hợp các bên yêu cầu công chứng, giao dịch buộc phải tuân thủ quy định của Luật Công chứng. Theo quy định tại Điều 2 thì CCV chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch, do vậy CCV cần chứng minh tính hợp pháp của giao dịch ngay tại thời điểm các bên tiến hành giao kết. Việc chứng minh bao gồm các yếu tố cơ bản sau:

- Tài sản có được phép giao dịch theo quy định của pháp luật hay không?

- Tài sản thuộc quyền sở hữu của ai? Ai có quyền định đoạt hoặc tiến hành giao dịch đối với tài sản đó?

- Ý chí và năng lực hành vi dân sự của các chủ sở hữu tài sản tại thời điểm tiến hành giao dịch đó.

1. Xác định tài sản đó có được phép giao dịch hay không?

CCV cần xem xét 2 vấn đề:

Vấn đề thứ nhất: Các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu (giấy chứng nhận cổ phần, sổ cổ đông, đăng ký kinh doanh…).

Vấn đề thứ hai: Cổ phần, cổ phiếu đó có bị hạn chế chuyển nhượng hay không? Có bị ràng buộc về điều kiện chuyển nhượng nào hay không? Đây là vấn đề tương đối khó, yêu cầu CCV phải tìm hiểu kỹ về công ty phát hành cổ phần đó, cụ thể là điều lệ, tư cách cổ đông, các quy định ràng buộc đối với cổ đông chiến lược, cổ đông sáng lập, các quy định về thông báo, công bố thông tin bắt buộc đối với công ty đại chúng.

2. Xác định quyền sở hữu tài sản, cách thức định đoạt tài sản

Về quyền sở hữu

Đối với Bên bán, mặc dù cổ phiếu ghi tên một người nhưng nếu tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân thì theo quy định tại Điều 33 Luật HNGĐ, vẫn là tài sản thuộc sở hữu chung của vợ/chồng người đó.

Đối với Bên mua, số tiền dùng để mua cổ phiếu cũng tương tự như vậy, nếu được hình thành trong thời kỳ hôn nhân thì mặc nhiên là tài sản chung của vợ/chồng (trừ các trường hợp chứng minh được nguồn gốc tài sản là riêng).

Về cách thức định đoạt tài sản chung của vợ chồng:

Đối với Bên bán: Cổ phần, cổ phiếu không được xác định là loại tài sản phải bắt buộc đăng ký quyền sở hữu[1]. Cách thức định đoạt thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật HNGĐ “Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận”. Ngoài ra, trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 thì “vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác”. Nội dung các điều khoản này không bắt buộc cách thức thỏa thuận phải bằng văn bản nên vợ, chồng có thể lựa chọn các cách thức khác nhau như bằng lời nói hoặc bất kỳ cách nào thể hiện được sự đồng thuận của họ. Tuy nhiên, trong trường hợp giao dịch có công chứng, CCV chỉ căn cứ vào các chứng cứ bằng văn bản[2] chứ không thể căn cứ vào các dạng chứng cứ khác như lời nói, dữ liệu điện tử hay các chứng cứ dạng khác…

Đối với Bên mua: Tài sản định đoạt là tiền, cũng tương tự như định đoạt động sản khác và nó cũng giống như cách thức định đoạt tài sản của Bên bán như nêu ở trên.

3. Ý chí và năng lực hành vi dân sự của chủ thể

Đặt giả thiết một người tự ý định đoạt tài sản chung vợ chồng là cổ phần hoặc tiền:

Trường hợp giao dịch không có công chứng:

Nếu không có bất kỳ ý kiến khiếu nại hoặc không bị khởi kiện bởi người còn lại thì các nội dung của giao dịch vẫn được các bên thực hiện bình thường và mặc nhiên được coi là hợp pháp. Tuy nhiên, trong trường hợp vợ hoặc chồng của người đó không đồng ý và khởi kiện thì hậu quả pháp lý sẽ được giải quyết theo quy định tại các Điều 32 Luật HNGĐ 2014, Điều 8 Nghị định 126/2014/NĐ-CP, Điều 104, 130, 133, 167 BLDS 2015, cụ thể sẽ xảy ra các tình huống như sau:

Giao dịch vẫn được công nhận, không bị vô hiệu nếu thuộc vào trường hợp quy định tại Điều 32 LHNGĐ[3] và không bị loại trừ theo quy định tại Điều 8, Nghị định 126/2014/NĐ-CP[4] hoặc giao dịch thuộc các trường hợp loại trừ quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1 Điều 142; Điểm a,b,c Khoản 1 Điều 143[5] BLDS 2015. Quyền lợi của người thứ 3 ngay tình được bảo vệ. Người tiến hành giao dịch không được sự đồng ý của vợ/chồng sẽ phải chịu trách nhiệm với vợ/chồng mình.

Giao dịch bị Tòa án tuyên vô hiệu, hậu quả pháp lý sẽ được giải quyết theo Điều 133[6] BLDS 2015, theo đó thì quyền của người thứ ba ngay tình vẫn được pháp luật bảo vệ khá chặt chẽ, trừ các trường hợp quy định tại Điều 167 – hợp đồng không có đền bù hoặc tài sản bị chiếm hữu trái phép.

Như vậy, trong trường hợp giao dịch mua bán cổ phần không qua công chứng, nếu Bên bán và Bên mua tự mình giao kết hợp đồng mà không thông qua ý chí của người đồng sở hữu là vợ/chồng của họ thì thông thường khi có tranh chấp, cho dù giao dịch có bị Tòa án tuyên vô hiệu thì người có lỗi trực tiếp sẽ phải chịu trách nhiệm đền bù nhưng không làm ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của người thứ ba ngay tình.

Trường hợp giao dịch được yêu cầu công chứng:

Bất cứ yếu tố nào không bảo đảm tính hợp pháp tại thời điểm giao dịch thì CCV đều không thể chứng nhận được giao dịch đó, cho dù hậu quả pháp lý của nó có thể dẫn đến việc giao dịch bị vô hiệu hay không bị vô hiệu. CCV buộc phải yêu cầu các bên tuân thủ theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 hoặc Khoản 1 Điều 25 Luật HNGĐ với việc thỏa thuận ý chí của các đồng sở hữu (vợ/chồng) của cả Bên bán và Bên mua được thể hiện bằng văn bản. Không những thế, CCV còn phải bảo đảm rằng khi thể hiện ý chí của mình, các chủ thể có đẩy đủ năng lực hành vi dân sự. Bỏ qua một trong những yếu tố kể trên đồng nghĩa với việc CCV có lỗi. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, bất kể giao dịch đó có bị Tòa án tuyên vô hiệu hay không, nếu một trong các đồng sở hữu bị thiệt hại do giao dịch không đúng ý chí của họ thì đều phát sinh trách nhiệm bồi thường của Tổ chức hành nghề công chứng và CCV.

Trên thực tế, không chỉ giao dịch về cổ phần, cổ phiếu mà rất nhiều giao dịch về động sản khác, một số CCV vẫn đang hiểu theo 2 hướng như sau:

Thứ nhất: Nếu là động sản thì chỉ cần một bên ký, vì không bắt buộc phải có thỏa thuận bằng văn bản giữa vợ và chồng như đối với bất động sản được quy định tại Khoản 2 Điều 35 LHNGĐ.

Thứ hai: Bên mua thì một người ký cũng được, vì việc định đoạt số tiền tương tự như lập luận vừa nêu, đồng thời, mua tài sản thì tài sản được mua vẫn là sở hữu chung của vợ chồng, nên vợ hoặc chồng của người đứng ra mua không bị thiệt thòi về quyền lợi.

Cả hai cách hiểu nêu trên đều chưa chính xác và tiềm ẩn rủi ro pháp lý. Chỉ cần giá trị mua bán phản ánh không đúng giá trị thực của sản phẩm (cao hơn hoặc thấp hơn) thì đã có thể gây ra những thiệt hại cho người đồng sở hữu không trực tiếp tham gia giao dịch đó. Ngoài ra, giao dịch cổ phần, cổ phiếu hiện nay đang được sử dụng khá phổ biến để che giấu các giao dịch khác như mua bán bất động sản, thế chấp vay nợ, thậm chi là rửa tiền.

________________________________________________

[1] Đối với cổ phần, nhiều người cho rằng đây là loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu và cách thức định đoạt sẽ áp dụng Khoản 2 Điều 35 Luật HNGĐ, theo đó, “Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng”.

[2] Theo quy định tại Điều 40 và Điều 41 Luật Công chứng 2014.

[3] Điều 32 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:

“Giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng

1 . Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó.

2. Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình”

[4] Điều 8, Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định:

“Người thứ ba không ngay tình khi xác lập, thực hiện giao dịch với vợ, chồng liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu

Người thứ ba xác lập, thực hiện giao dịch với vợ, chồng liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu thì bị coi là không ngay tình trong những trường hợp sau đây:

1. Đã được vợ, chồng cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 16 của Nghị định này mà vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với những thông tin đó;

2. Vợ chồng đã công khai thỏa thuận theo quy định của pháp luật có liên quan về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản và người thứ ba biết hoặc phải biết nhưng vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với thỏa thuận của vợ chồng.”

[5] Điều 142 và 143 BLDS 2005 quy định:

Điều 142. Hậu quả của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện

1. Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:

a) Người được đại diện đã công nhận giao dịch;

b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;

c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện.

2. Trường hợp giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện thì người không có quyền đại diện vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch.

3. Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đã xác lập và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch hoặc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

4. Trường hợp người không có quyền đại diện và người đã giao dịch cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.

Điều 143. Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện

1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:

a) Người được đại diện đồng ý;

b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;

c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện.

2. Trường hợp giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.

3. Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch hoặc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

4. Trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.

[6] Điều 133 BLDS 2015 quy định:

“Điều 133. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu

1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.

2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.

Nguyễn Văn Ngọc (theo Đào Duy An)

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow