Thủ tục niêm yết thừa kế tại địa phương có đem lại hiệu quả ?

Các thủ tục liên quan đất đai, nhận thừa kế phải niêm yết công khai tại UBND cấp xã, phường nhưng nhiều người cho rằng “mang tính hình thức” bởi hiệu quả không cao.

28/07/2021 - 09:41 GMT+7
 0  233
Theo dõi DocLuat trên Google News
Thủ tục niêm yết thừa kế tại địa phương có đem lại hiệu quả ?
Bảng niêm yết các giấy tờ tại một phường ở Hà Nội, ngày 23/7. Ảnh: Song Minh

Giữa tháng 7, Công an quận Tây Hồ khởi tố vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan việc vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An (cùng 89 tuổi, trú quận Tây Hồ, Hà Nội) còn sống nhưng năm 2005 bị con dâu khai tử nhằm nhận di sản thừa kế.

Thông báo về việc khai nhận di sản, trong đó có nội dung hai cụ đã mất, được niêm yết 30 ngày tại UBND phường Nhật Tân. Chính quyền cho rằng do không có đơn thư, khiếu nại nên đã giải quyết thủ tục thừa kế. Từ việc này, nhiều năm qua, gia đình cụ Hợp đã khiếu nại, kiện đòi lại công bằng.

Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, UBND phường Nhật Tân đã niêm yết theo đúng quy định nhưng với trách nhiệm cơ quan đăng ký và quản lý hộ tịch, phường đã thiếu sót khi không xác minh, phản ánh thông tin sai tới cơ quan công chứng

Hiện, nhiều thủ tục liên quan công chứng, đấu giá... yêu cầu phải niêm yết công khai. Với công chứng đất đai, thừa kế, các tổ chức hành nghề sẽ gửi văn bản sang UBND cấp xã, phường để niêm yết và hết hạn, ủy ban sẽ xác nhận thông báo đó có bị khiếu nại hay không.

Nội dung trong văn bản đúng hay sai, người khai báo và công chứng viên chịu trách nhiệm chính. Theo quy định, UBND cấp xã "chỉ có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết và bảo quản niêm yết trong thời hạn".

Đại diện Sở Tư pháp cho rằng việc niêm yết công khai không mang lại hiệu quả cao. Bởi "người cần chưa chắc đã đọc, người đọc được chưa chắc đã cần". Ở nông thôn, người dân thường quen biết nhau nhưng tại các phường trong Hà Nội mọi người ít biết nhau để thông báo nếu có đọc được".

Ông Đào Duy An, Trưởng văn phòng Công chứng Đào Duy An, cũng cho rằng đa phần người dân ít khi ra ủy ban và có ra gần như không bao giờ đọc bảng tin. "Hy hữu có người đọc thì chưa chắc đã quen biết đối tượng trong thông báo", ông nói.

Bản chất việc niêm yết công khai là công chứng viên gửi một văn bản đến dán ở UBND phường trong vòng 15 ngày. Với thừa kế, luật quy định phải niêm yết ở 2 điểm gồm xã, phường nơi người mất cư trú cuối cùng và nơi có tài sản.

"Cán bộ xã, phường cũng không có nghĩa vụ xem xét nội dung thông báo. Nếu họ phải đối chiếu từng ấy thông tin, tôi khẳng định thủ tục công chứng tắc hoàn toàn. Cán bộ cũng khó biết hết nhà này có bao nhiêu con và chưa kể phát sinh các trường hợp con riêng", ông An nói.

Bà Lâm Thị Mai Anh (Công ty Đấu giá hợp danh VNA) cho hay, thủ tục niêm yết thông báo tại UBND cấp xã, phường được tiến hành nhằm công khai, tránh tranh chấp. Nếu có khiếu nại liên quan bất động sản, việc đấu giá sẽ phải dừng để rà soát. Nhưng thực tế, đối tượng cần biết thì lại ít khi tiếp cận những thông tin này.

Việc vợ chồng cụ Hợp bị khai tử khi còn sống không phải "sự cố" duy nhất liên quan niêm yết công khai. Ông Nguyễn Văn Hoài, 53 tuổi, trú quận Hà Đông cho hay mua 100 m2 ở Thanh Trì. Sau hơn một năm, ông phát hiện hàng xóm xây nhà kiên cố lấn sang đất nhà ông khoảng 20 cm theo chiều dài.

Người hàng xóm có niêm yết công khai giấy phép xây dựng, có thông báo ở tổ dân phố nhưng ông không tới khu đất nên không biết. "Ở tổ dân phố, hàng xóm cũng không ai biết tôi để thông báo. Giờ bắt người ta đập đi là không thể, kiện đòi 2-3 m2 đất thì mất công", ông nói.

Theo ghi nhận tại UBND các phường Kim Mã, Trần Phú thuộc quận Ba Đình; phường Nguyễn Du quận Hai Bà Trưng, bảng niêm yết công khai được treo trong phòng giải quyết thủ tục hành chính, nơi có đông người dân ra vào. Giấy tờ niêm yết được đóng theo danh mục, thuộc các lĩnh vực khác nhau như tư pháp, hộ tịch, tài nguyên môi trường... được xếp chồng lên nhau thành quyển dày 3-5cm. Nhưng một người dân đến đây cho hay: "Tôi không để ý, không đọc những thông báo đó".

Lãnh đạo một UBND phường ở Hà Nội chia sẻ: "Cán bộ làm việc trong phường, hằng ngày đến trụ sở cũng ít đọc niêm yết trừ khi liên quan mình, người dân đương nhiên ít đọc hơn nữa". Ông đề xuất việc niêm yết nên đưa đến nhà văn hóa các tổ, đây là nơi người dân tập trung trong phạm vi nhỏ, họ dễ quen biết, có thể thông báo cho nhau".

Dù vậy, đại diện Sở Tư pháp Hà Nội cho rằng việc niêm yết công khai chưa thể bỏ ngay bởi ở mức độ nhất định nó khiến người làm thủ tục nhận di sản, giao dịch... phải khai báo trung thực. "Hiện chưa có biện pháp nào hữu hiệu hơn để thay thế", vị này nói.

theo vnexpress.net

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow