Thực tập công chứng liên quan đến hôn nhân và gia đình
Nội dung báo cáo thực tập đợt thực tập 3 về thực tập tại các tổ chức hành nghề công chứng về nhóm việc công chứng văn bản liên quan đến hôn nhân và gia đình.
Mục lục
NỘI DUNG BÁO CÁO THỰC TẬP
Đợt thực tập 3: Thực tập tại các tổ chức hành nghề công chứng về nhóm việc Công chứng văn bản liên quan đến hôn nhân và gia đình.
LỜI MỞ ĐẦU
Thực hiện theo Thông báo ngày 21 tháng 10 năm 2021 của Khoa Đào tạo Công chứng viên và các chức danh khác về việc thực tập đợt 3 “Thực tập tại các tổ chức hành nghề công chứng về nhóm việc Công chứng văn bản liên quan đến hôn nhân và gia đình”.
Học viên đã được thực tập tại Văn phòng Công chứng Dĩ An, tỉnh Bình Dương từ ngày 25/10/2021 đến 29/10/2021, trong quá trình thực tập học viên đã tìm hiểu về các giao dịch liên quan đến Công chứng văn bản liên quan đến hôn nhân và gia đình, như: Thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng, Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, nhập tài sản riêng vào tài sản chung vợ chồng, Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung ….
Nay học viên báo cáo về nội dung của hồ sơ đã sưu tầm tại văn phòng công chứng là Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung và nhận xét, đánh giá, ghi chép kết quả của quá trình thụ lý và giải quyết hồ sơ yêu cầu công chứng như sau:
- Tóm tắt hồ sơ công chứng.
- Bản ghi chép kết quả của hoạt động nghiên cứu hồ sơ và kết quả các hoạt động khác liên quan đến quá trình tham gia giải quyết việc công chứng.
- Nhận xét quá trình giải quyết việc công chứng của công chứng viên, Tổ chức hành nghề công chứng.
- Những kinh nghiệm nghề nghiệp rút ra từ việc tham gia quá trình giải quyết việc công chứng.
- Kiến nghị đề xuất về việc hoàn thiện pháp luật đối với hệ thống pháp luật liên quan đến việc công chứng.
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ VĂN BẢN THỎA THUẬN PHÂN CHIA TÀI SẢN CHUNG LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG
1. Khái quát chung về văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung
Cuộc sống hôn nhân thường có những lúc bất đồng quan điểm giữa vợ chồng với nhau từ đó dẫn đến hậu quả phân chia tài sản cả trong hôn nhân và khi ly hôn hoặc cũng có những cuộc sống hôn nhân đồng quan điểm giữa vợ chồng với nhau đồng thời tạo điều kiện cho nhau về tài sản trong hôn nhân để thuận tiện làm ăn, kinh doanh riêng của vợ hoặc chồng.
Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng ràng buộc nhau bởi rất nhiều mối quan hệ trong đó có mối quan hệ về tài sản, đây là một trong những mối quan hệ phức tạp nhất. Cho đến nay, theo quy định của pháp luật, về cơ bản tài sản vợ chồng được chia thành 3 phần:
- Phần tài sản chung của vợ chồng.
- Phần tài sản riêng của vợ.
- Phần tài sản riêng của chồng.
Việc phân chia nói trên căn cứ vào hai nguyên lý đó là nguồn gốc hình thành tài sản và công sức đóng góp của vợ, chồng đối với khối tài sản đó.
Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng”.
Về nguyên tắc, khi hôn nhân còn tồn tại thì tài sản chung vẫn còn tồn tại, chế độ tài sản này chỉ chấm dứt khi quan hệ hôn nhân chấm dứt. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều cặp vợ chồng muốn được chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bởi vợ chồng có mẫu thuẫn trong quản lý tài chính hoặc nhiều lý do khác. Do đó, trong thời kỳ hôn nhân, vợ, chồng có nhu cầu thì có quyền thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng. Nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng như sau:
- Vợ, chồng tự thỏa thuận phân chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung;
- Vợ, chồng yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Hình thức của văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung
Thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân bắt buộc là văn bản và được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật. Được quy định cụ thể tại khoản 1, khoản 2 Điều 38 Luật hôn nhân và gia đình 2014.
“Điều 38. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật”.
Ngoài ra, về thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân được quy định tại Điều 39 Luật hôn nhân và gia đình 2014, việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được xác định theo từng trường hợp như sau:
“Điều 39. Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
1. Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản.
2. Trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định.
3. Trong trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
4. Quyền, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc chia tài sản chung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.
3. Đặc điểm của văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung
3.1. Về chủ thể
Chủ thể của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình là cá nhân tham gia vào quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình có quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định. Chủ thể của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình có năng lực pháp luật và năng lực hành vi.
- Năng lực pháp luật hôn nhân và gia đình
Năng lực pháp luật hôn nhân và gia đình là khả năng cá nhân có quyền và nghĩa vụ hôn nhân và gia đình, các quyền và nghĩa vụ đó được Nhà nước công nhận và được ghi nhận trong pháp luật. Các quyền và nghĩa vụ đó là: Quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; quyền được xác định cha, mẹ, con; quyền được kết hôn; quyền được nhận con nuôi hoặc quyền được làm con nuôi; quyền ly hôn... Quyền và nghĩa vụ hôn nhân và gia đình của chủ thể có trở thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào năng lực hành vi của chính chủ thể đó hoặc của chủ thể đối lập. Do đó, trong các quyền và nghĩa vụ hôn nhân và gia đình, có những quyền và nghĩa vụ chỉ phát sinh khi chủ thể thực hiện bằng chính hành vi của mình.
Ví dụ: Quyền kết hôn, quyền được nuôi con nuôi... Bên cạnh đó, một số quyền của chủ thể trở thành hiện thực do chủ thể đối lập thực hiện nghĩa vụ của họ. Ví dụ: Quyền được cha mẹ yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền được nhận làm con nuôi...
- Năng lực hành vi hôn nhân và gia đình
Năng lực hành vi hôn nhân và gia đình là khả năng bằng các hành vi của mình, chủ thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ hôn nhân và gia đình đã được pháp luật quy định. Năng lực hành vi của chủ thể phụ thuộc rất lớn vào độ tuổi và khả năng nhận thức của chủ thể. Khi chủ thể đạt độ tuổi nhất định do pháp luật quy định và có khả năng nhận thức thì chủ thể đó có năng lực hành vi hôn nhân và gia đình, về nguyên tắc, độ tuổi có năng lực hành vi là tuổi thành niên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp pháp luật quy định độ tuổi có năng lực hành vi của công dân có thể sớm hơn hoặc muộn hơn. Chẳng hạn, người từ đủ chín tuổi trở lên làm con nuôi phải được sự đồng ý của người đó. Hoặc nam từ hai mươi tuổi trở lên mới được kết hôn...
3.2. Về đối tượng
Là tài sản chung của vợ chồng.
Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tài sản:
“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.
Việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng là rất quan trọng trong trường hợp có tranh chấp liên quan đến tài sản giữa vợ chồng hoặc giữa vợ chồng với người thứ ba. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản chung của vợ chồng được xác định như sau:
Tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được xác định theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì:
“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật Hôn nhân và gia đình; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”.
Bên cạnh đó, Điều 9, Điều 10 Nghị định 126/2014/NĐ-CP có hướng dẫn chi tiết quy định trên, giải thích thu nhập hợp pháp của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân và giải thích về hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng.
3.3. Về nội dung
- Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn theo Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
+ Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật Hôn nhân và gia đình.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật Hôn nhân và gia đình để giải quyết.
+ Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
* Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
* Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
* Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
* Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
+ Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
+ Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
+ Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
+ Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.
- Chia quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn theo Điều 62 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
+ Quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bên nào thì khi ly hôn vẫn thuộc về bên đó.
+ Việc chia quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được thực hiện như sau:
* Đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, nếu cả hai bên đều có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì được chia theo thỏa thuận của hai bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 59 của Luật Hôn nhân và gia đình.
Trong trường hợp chỉ một bên có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì bên đó được tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng;
* Trong trường hợp vợ chồng có quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản chung với hộ gia đình thì khi ly hôn phần quyền sử dụng đất của vợ chồng được tách ra và chia theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 62 Luật Hôn nhân và gia đình;
* Đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở thì được chia theo quy định tại Điều 59 của Luật Hôn nhân và gia đình;
* Đối với loại đất khác thì được chia theo quy định của pháp luật về đất đai.
+ Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà không có quyền sử dụng đất chung với hộ gia đình thì khi ly hôn quyền lợi của bên không có quyền sử dụng đất và không tiếp tục sống chung với gia đình được giải quyết theo quy định tại Điều 61 của Luật Hôn nhân và gia đình.
CHƯƠNG 2: ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ SƯU TẦM
1. Tóm tắt hồ sơ
Hồ sơ mà học viên sưu tầm được là văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung đã hoàn thiện được công chứng viên Nguyễn Thị Hộ tại Văn phòng Công chứng Dĩ An, tỉnh Bình Dương chứng nhận, có số công chứng là 2901, quyển số 05/2021 TP/CC-SCC/HĐGD vào ngày 10 tháng 5 năm 2021. Theo đó, vào ngày 10 tháng 5 năm 2021, ông Phạm Văn Hai cùng bà Phan Thị Rang có đến Văn phòng Công chứng Dĩ An, tỉnh Bình Dương tại địa chỉ số 10 đường số 9, Khu trung tâm hành chính, khu phố Nhị Đồng 2, phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương để yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung và được công chứng viên Nguyễn Thị Hộ tiếp nhận và xử lý hồ sơ, tài sản phân chia là quyền sử dụng thửa đất số: 24; tờ bản đồ số: 6BT, diện tích: 60 m2; mục đích sử dụng đất: Đất ở tại đô thị; thời hạn sử dụng: lâu dài; địa chỉ thửa đất: khu phố Trung Thắng, phường Bình Thắng, thị xã (nay là thành phố) Dĩ An, tỉnh Bình Dương theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BG 873020; số vào sổ cấp GCN: CH0100 do UBND thị xã (nay là thành phố) Dĩ An, tỉnh Bình Dương cấp ngày 30/3/2012.
Nội dung phân chia:
+ Ông Phạm Văn Hai tự nguyện không nhận phần tài sản chung và đồng ý chia hết khối tài sản chung nêu trên cho bà Phan Thị Rang.
+ Phần tài sản phân chia cho bà Phan Thị Rang: Quyền sử dụng thửa đất số: 24; tờ bản đồ số 16, diện tích: 128 m2 theo Trích lục bản đồ địa chính (Mảnh trích lục địa chính không có đo đạc chỉnh lý) do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương lập ngày 29/4/2021 thuộc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BG 873020; số vào sổ cấp GCN: CH0100 do UBND thị xã (nay là thành phố) Dĩ An, tỉnh Bình Dương cấp ngày 30/3/2012.
+ Ông Phạm Văn Hai, bà Phan Thị Rang xác định trị giá phần tài sản phân chia cho bà Phan Thị Rang là: 10.000.000 đồng (bằng chữ: Mười triệu đồng).
2. Thành phần hồ sơ
- Phiếu yêu cầu công chứng;
- Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung;
- Bản sao giấy chứng minh nhân dân ông Phạm Văn Hai và bà Phan Thị Rang;
- Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BG 873020; số vào sổ cấp GCN: CH0100 do UBND thị xã (nay là thành phố) Dĩ An, tỉnh Bình Dương cấp ngày 30/3/2012;
- Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng: giấy chứng nhận kết hôn, quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự, sổ hộ khẩu của ông Phạm Văn Hai và bà Phan Thị Rang, Phiếu đề nghị tra cứu thông tin đất đai do UBND phường Bình Thắng, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương xác nhận ngày 22/4/2021, Trích lục bản đồ địa chính do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương lập ngày 29/4/2021.
3. Trình tự, thủ tục thực hiện công chứng
3.1. Tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng
Sau khi người yêu cầu công chứng nộp hồ sơ, Công chứng viên Nguyễn Thị Hộ đã tiếp nhận yêu cầu công chứng của ông Phạm Văn Hai, bà Phan Thị Rang, bước đầu tiên công chứng viên xác định thẩm quyền công chứng. Công chứng viên xác định thửa đất ông Phạm Văn Hai, bà Phan Thị Rang phân chia thuộc thẩm quyền công chứng tại Văn phòng công chứng Dĩ An, tỉnh Bình Dương (Điều 42 Luật công chứng 2014).
Thông qua việc hỏi, trao đổi với ông Phạm Văn Hai, bà Phan Thị Rang về yêu cầu công chứng để công chứng viên xác định chính xác yêu cầu công chứng của ông Phạm Văn Hai, bà Phan Thị Rang là công chứng Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung.
Khi đã xác định được chính xác yêu cầu của ông Phạm Văn Hai, bà Phan Thị Rang công chứng viên hỏi các ông, bà có mang theo những giấy tờ tùy thân và giấy tờ tài sản hay không để xuất trình cho công chứng viên kiểm tra hồ sơ. Ông Phạm Văn Hai, bà Phan Thị Rang cung cấp cho công chứng viên những giấy tờ như sau: giấy chứng minh nhân dân của ông Phạm Văn Hai, giấy chứng minh nhân dân của bà Phan Thị Rang, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BG 873020; số vào sổ cấp GCN: CH0100 do UBND thị xã (nay là thành phố) Dĩ An, tỉnh Bình Dương cấp ngày 30/3/2012, giấy chứng nhận kết hôn, quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự, sổ hộ khẩu của ông Phạm Văn Hai và bà Phan Thị Rang, Phiếu đề nghị tra cứu thông tin đất đai do UBND phường Bình Thắng, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương xác nhận ngày 22/4/2021, Trích lục bản đồ địa chính do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương lập ngày 29/4/2021.
Công chứng viên đã tiến hành kiểm tra bản chính các loại giấy tờ nêu trên mà người yêu cầu công chứng cung cấp và kiểm tra các thông tin có trùng khớp với nhau trên các giấy tờ đồng thời xử lý hồ sơ bằng phương pháp kiểm tra thông tin. Khi đã chứng minh được quyền sử dụng đất không bị ngăn chặn hay đang thực hiện nghĩa vụ về tài sản nên công chứng viên thực hiện bước tiếp theo.
Như vậy, giấy tờ mà người yêu cầu công chứng xuất trình đã đảm bảo yêu cầu công chứng.
3.2. Soạn thảo và ký văn bản
Đối với văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung do Văn phòng Công chứng Dĩ An, tỉnh Bình Dương chứng nhận ngày 10/5/2021 thì đây là văn bản do Công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng (Điều 41 Luật công chứng 2014). Nội dung, ý định giao kết văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung của ông Phạm Văn Hai, bà Phan Thị Rang, giao dịch này xác thực, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
Thư ký nghiệp vụ sau khi soạn thảo xong in bản thảo chuyển cho người yêu cầu công chứng đọc lại toàn bộ nội dung của văn bản. Thư ký nghiệp vụ in bản chính Văn bản và kèm toàn bộ hồ sơ chuyển cho công chứng viên kiểm tra, đồng thời mời khách hàng đến trước mặt công chứng viên cùng tiến hành thủ tục ký công chứng. Khi thực hiện thủ tục này công chứng viên sẽ kiểm tra lại thông tin về nhân thân, năng lực hành vi dân sự, ý chí của các bên tham gia ký kết văn bản là như thế nào, người yêu cầu công chứng có đồng ý với toàn bộ nội dung trong văn bản đã được soạn thảo không; nếu tài sản giao dịch đáp ứng được các yêu cầu pháp lý theo quy định của pháp luật, người yêu cầu công chứng đồng ý, không có vấn đề gì nghi ngờ, không có điều khoản nào trong văn bản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội… thì công chứng viên sẽ cho các bên tham gia giao dịch ký vào từng trang Văn bản, trang cuối cùng của văn bản ký, ghi rõ họ tên, điểm chỉ trước mặt công chứng viên, sau khi điểm chỉ xong, công chứng viên sẽ đối chiếu dấu vân tay trên văn bản với dấu vân tay trên chứng minh nhân dân để xác định chính xác chủ thể tham gia văn bản và công chứng viên cũng ký vào từng trang và ký vào trang lời chứng của công chứng viên.
Văn bản công chứng được đánh số thứ tự từng trang. Chữ viết trong văn bản là tiếng Việt và được viết rõ ràng, không viết tắt hoặc dùng ký hiệu, không viết xen dòng, đè dòng, không tẩy xóa, không để trống…
Do thư ký nghiệp vụ soạn thảo văn bản nên công chứng viên kiểm tra lại các thông tin, các điều khoản trong dự thảo văn bản do người yêu cầu công chứng cung cấp hoặc bản dự thảo văn bản do chính Văn phòng công chứng của mình soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng hoặc kiểm tra dự thảo văn bản do khách hàng soạn thảo sẵn để kịp thời phát hiện những sai sót khắc phục kịp thời để tránh gây phiền hà cho người yêu cầu công chứng khi ký văn bản hoặc sau khi ký xong mới phát hiện sai sót làm tốn thời gian của người yêu cầu công chứng.
3.3. Ký chứng nhận
Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ theo quy định để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của văn bản và chuyển bộ phận thu phí của tổ chức hành nghề công chứng. Việc làm này của Công chứng viên không những tuân thủ trình tự, thủ tục khi công chứng hợp đồng, giao dịch mà còn có ý nghĩa bảo đảm giá trị chứng cứ. Hợp đồng, giao dịch có giá trị chứng cứ, những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị tòa án tuyên bố vô hiệu.
3.4. Trả kết quả công chứng
Bộ phận thu phí của tổ chức hành nghề công chứng hoàn tất việc thu phí, thù lao công chứng và chi phí khác theo quy định, đóng dấu và hoàn trả lại hồ sơ cho người yêu cầu công chứng. Văn phòng Công chứng Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã thực hiện đúng theo thông tư số 257/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng; phí chứng thực; phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng; phí thẩm định điều kiện hoạt động Văn phòng Công chứng; lệ phí cấp thẻ công chứng viên (có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017) và Quyết định số 04/2015/QĐ-UBND ngày 26/02/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc ban hành mức trần thù lao công chứng và thù lao dịch thuật trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
3.5. Lưu trữ hồ sơ công chứng
Hồ sơ sau khi được công chứng xong chuyển cho bộ phận tính phí để thu phí, đóng dấu, cho số công chứng và bàn giao cho bộ phận lưu trữ tiến hành thủ tục lưu trữ hồ sơ đã được công chứng. Việc lưu trữ được nhân viên lưu trữ thực hiện theo điều 63, điều 64 Luật công chứng 2014.
Tóm lại, hồ sơ thu thập được tại Văn phòng công chứng D là hồ sơ đã hoàn tất thủ tục công chứng từ khâu tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, vào sổ thụ lý hồ sơ, nghiên cứu hồ sơ, xử lý hồ sơ, chuẩn bị hồ sơ yêu cầu công chứng, ký công chứng cho đến khâu lưu trữ hồ sơ công chứng đúng theo quy định của Luật công chứng, pháp luật đất đai, Bộ luật Dân sự, Luật hôn nhân và gia đình cùng các Văn bản pháp luật khác có liên quan…
4. Nhận xét hồ sơ
- Người yêu cầu công chứng đã ly hôn nhưng vẫn giữ giấy kết hôn bản chính, việc này dẫn đến nếu người yêu cầu công chứng không trình quyết định công nhận thuận tình ly hôn thì gây ra việc xác định quan hệ hôn nhân của người yêu cầu công chứng không đúng với thực tại.
- Trong nội dung văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung có xác định giá trị tài sản phân chia, nếu là quyền sử dụng đất thì giá trị cũng nên phù hợp với quy định của tỉnh đưa ra về khung giá đất hoặc đúng giá trị thực tế của quyền sử dụng đất.
- Khoản 2 Điều 5 của Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung “… Mọi sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung này chỉ có giá trị khi được lập thành văn bản, do chúng tôi ký tên, điểm chỉ, có chứng nhận của Văn phòng Công chứng Dĩ An, tỉnh Bình Dương và trước khi đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”. Việc này dẫn đến nếu vì lý do nào đó theo quy định pháp luật mà Văn phòng Công chứng Dĩ An, tỉnh Bình Dương thay đổi tên gọi của Văn phòng thì Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung này có sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ được không khi mà Văn phòng Công chứng D không còn.
5. Nhận xét về cách giải quyết hồ sơ của công chứng viên và của tổ chức hành nghề công chứng
Công chứng viên Văn phòng Công chứng Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã kiểm tra, hướng dẫn hồ sơ cho ông Phạm Văn Hai cùng bà Phan Thị Rang theo đúng các trình tự thủ tục quy định tại Điều 40, Điều 41 Luật công chứng 2014:
Thấy rằng, công chứng viên tiếp nhận thực hiện theo trình tự thủ tục chung sẽ thực hiện theo Điều 41 Luật Công chứng cụ thể như sau:
+ Người yêu cầu công chứng nộp một bộ hồ sơ theo quy định tại các điểm a, c, d, đ, khoản 1 và khoản 2, Điều 40 của Luật công chứng và nêu nội dung ý định giao kết hợp đồng, giao dịch. Theo đó, bộ hồ sơ mà người yêu cầu công chứng phải nộp gồm có:
a) Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch theo mẫu;
b) Bản sao giấy tờ tùy thân;
c) Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao các giấy tờ thay thế mà pháp luật quy định đối với tài sản là đối tượng trong hợp đồng giao dịch;
d) Bản sao các giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng giao dịch.
+ Công chứng viên đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo pháp luật quy định tại điều 17 Luật công chứng đặc biệt là điểm d, khoản 1, điều 17 Luật công chứng về việc đề nghị cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin tài liệu để thực hiện công chứng.
+ Việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung cũng được thực hiện đúng theo quy định của điều 42 Luật công chứng.
+ Những quy định của pháp luật liên quan đến thỏa thuận phân chia tài sản chung sau ly hôn cũng được áp dụng đúng quy định pháp luật từ Điều 59 đến Điều 64 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
+ Khi có khách hàng đến giao dịch, công chứng viên sẽ hỏi khách hàng đến Văn phòng công chứng để thực hiện giao dịch gì? Từ câu trả lời của khách hàng công chứng viên sẽ căn cứ vào các quy định của Pháp luật mà hướng dẫn cũng như yêu cầu khách hàng xuất trình các giấy tờ cần thiết để thực hiện chính xác yêu cầu của khách hàng.
- Trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe doạ, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc có sự nghi ngờ đối tượng của hợp đồng, giao dịch là không có thật thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng;
- Khi công chứng các văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung, công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên và hậu quả pháp lý của việc thỏa thuận phân chia tài sản chung đó cho các bên tham gia.
- Khi khách hàng xuất trình giấy tờ, nếu thấy đầy đủ và đảm bảo để thực hiện yêu cầu của khách hàng thì công chứng viên hướng dẫn khách hàng viết vào Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, văn bản (theo mẫu); công chứng viên kiểm tra, đối chiếu bản chính với các bản sao giấy tờ mà người yêu cầu công chứng đã nộp.
- Thực tế cho thấy rằng, việc soạn thảo văn bản do thư ký nghiệp vụ soạn thảo điều này đã giúp giảm tải khối lượng công việc của công chứng viên và đáp ứng nhanh được nhu cầu của người yêu cầu công chứng hiện nay. Về tính pháp lý, sau khi nhân viên nghiệp vụ soạn thảo công chứng viên có kiểm tra lại và khách hàng có đọc lại vì công chứng viên là người chịu trách nhiệm về văn bản công chứng. Công chứng viên giải đáp các thắc mắc của người yêu cầu công chứng, giải thích cho họ hiểu rõ các quyền và nghĩa vụ liên quan đến văn bản, hậu quả pháp lý của việc ký kết văn bản. Công chứng viên đã thực hiện đúng trình tự thủ tục công chứng được quy định tại Điều 40, 41 Luật công chứng 2014.
CHƯƠNG 3: KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC VÀ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
1. Khó khăn, vướng mắc
Thứ nhất, khó khăn chủ yếu là tài sản liên quan đến bất động sản, nợ ngân hàng... Ví dụ như tài sản là bất động sản nhưng chỉ đứng tên một người. Khi xảy ra tranh chấp sẽ rất phức tạp, bởi bên có tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho rằng đó là tài sản riêng nên không phải chia. Hoặc cũng có nhiều trường hợp, hai vợ chồng chung vốn thành lập doanh nghiệp, khi ly hôn, việc chia tài sản bị chồng chéo giữa Luật Hôn nhân Gia đình và Luật Doanh nghiệp nên khó giải quyết. Đối với các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài, việc xác định tài sản chung, công nợ gặp khó do đương sự, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đang sinh sống và làm ăn tại quốc gia khác...
Thứ hai, Khó khăn lớn nhất trong phân chia tài sản chung khi ly hôn là việc vận dụng các nguyên tắc chia tài sản chung sao cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể, đảm bảo được quyền, lợi ích của vợ chồng và những người có liên quan. Việc đánh giá và quy đổi một vấn đề trừu tượng như công sức đóng góp thành một khối lượng tài sản cụ thể là hết sức khó khăn.
Thứ ba, luật quy định tài sản của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố như lỗi của mỗi bên trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Điều luật này được hiểu nếu bên nào có lỗi thì khi ly hôn tài sản được chia sẽ ít hơn nhưng thực tế, quy định này khó áp dụng.
2. Đề xuất, kiến nghị
Cần hoàn thiện quy định pháp luật về chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn. Hướng dẫn cụ thể hơn về cách đánh giá công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung, đặc biệt là trường hợp vợ chồng yêu cầu chia tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất chung của gia đình, lỗi của mỗi bên trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
KẾT LUẬN
- Phân chia tài sản chung là một quan hệ giao dịch phổ biến, tuy nhiên đây cũng là giao dịch dân sự phức tạp đòi hỏi công chứng viên phải rèn luyện kỹ năng ngay từ khi tiếp xúc với khách hàng; vì vậy, công chứng viên cần phải nghiên cứu, nắm vững những quy định của pháp luật để có thể chứng nhận văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung khi có yêu cầu công chứng.
- Qua nghiên cứu thực tế hồ sơ đã được công chứng tại Văn phòng Công chứng Dĩ An, tỉnh Bình Dương tôi nhận thấy khi hành nghề công chứng, công chứng viên phải là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 8 của Luật công chứng 2014, được bổ nhiệm để hành nghề công chứng, am hiểu pháp luật, luôn phải tuân thủ theo Hiến pháp, pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, phải khách quan trung thực, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản mà mình đã công chứng và phải tuân theo đạo đức hành nghề công chứng, phải có nhiều kinh nghiệm để giải quyết hồ sơ.
- Từ tình huống thực tế trên kết hợp với những kiến thức nhận được từ quý thầy cô cũng như từ những nguồn khác (nghiên cứu hồ sơ, đọc các Văn bản pháp luật có liên quan đến việc công chứng…) điều đó sẽ tạo điều kiện cho tôi trong lĩnh vực công chứng sau này. Tất cả những điều này sẽ giúp tôi rất nhiều trong việc hoàn thành tốt công việc của mình nói riêng cũng như góp phần đưa nghề công chứng trở nên hoàn hảo hơn dưới góc nhìn của người dân, của những nhà làm luật nói chung nhằm hướng đến một cuộc sống văn minh, hiện đại và tốt đẹp hơn trong khuôn khổ tuân theo Hiến pháp và pháp luật.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Luật đất đai 2013.
- Luật Hộ tịch 2014.
- Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
- Luật Công chứng năm 2014.
- Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.
- Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch.
- Thông tư số 01/2021/TT-BTP ngày 03/02/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng.
- Thông tư số 257/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016.
Nguyễn Văn Ngọc
Phản ứng của bạn là gì?