Thực tập Công chứng văn bản liên quan đến thừa kế

Đợt thực tập 4 Thực tập tại các tổ chức hành nghề công chứng về nhóm việc Công chứng văn bản liên quan đến thừa kế.

10/11/2021 - 22:49 GMT+7
 0  1.9 N
Theo dõi DocLuat trên Google News

Mục lục

       Chương 1: Những vấn đề lý luận về văn bản từ chối nhận di sản

           1. Khái quát chung về văn bản từ chối nhận di sản

           2. Hình thức của văn bản từ chối nhận di sản

           3. Đặc điểm của văn bản từ chối nhận di sản

       Chương 2: Đánh giá hồ sơ sưu tầm

       Chương 3: Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị

NỘI DUNG BÁO CÁO THỰC TẬP

Đợt thực tập 4 “Thực tập tại các tổ chức hành nghề công chứng về nhóm việc Công chứng văn bản liên quan đến thừa kế”.

LỜI MỞ ĐẦU

Thực hiện theo Thông báo ngày 29 tháng 10 năm 2021 của Khoa Đào tạo Công chứng viên và các chức danh khác về việc thực tập đợt 4 “Thực tập tại các tổ chức hành nghề công chứng về nhóm việc Công chứng văn bản liên quan đến thừa kế”.

Học viên đã được thực tập tại Văn phòng Công chứng Dĩ An, tỉnh Bình Dương từ ngày 01/11/2021 đến 05/11/2021, trong quá trình thực tập học viên đã tìm hiểu về các nhóm việc Công chứng văn bản liên quan đến thừa kế, như: Văn bản thỏa thuận phân chia di sản, Văn bản khai nhận di sản, Văn bản từ chối nhận di sản.

Nay học viên báo cáo về nội dung của hồ sơ đã sưu tầm tại văn phòng công chứng là Văn bản từ chối nhận di sản và nhận xét, đánh giá, ghi chép kết quả của quá trình thụ lý và giải quyết hồ sơ yêu cầu công chứng như sau:

-  Tóm tắt hồ sơ công chứng.

- Bản ghi chép kết quả của hoạt động nghiên cứu hồ sơ và kết quả các hoạt động khác liên quan đến quá trình tham gia giải quyết việc công chứng.

- Nhận xét quá trình giải quyết việc công chứng của công chứng viên, Tổ chức hành nghề công chứng.

- Những kinh nghiệm nghề nghiệp rút ra từ việc tham gia quá trình giải quyết việc công chứng.

- Kiến nghị đề xuất về việc hoàn thiện pháp luật đối với hệ thống pháp luật liên quan đến việc công chứng.

NỘI DUNG

CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ VĂN BẢN TỪ CHỐI NHẬN DI SẢN LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG

1. Khái quát chung về văn bản từ chối nhận di sản

Quy định của pháp luật dân sự nước ta ở tất cả các thời kỳ đều cho phép người thừa kế có quyền nhận di sản hoặc từ chối nhận di sản, nêu sự tự chối quyền hưởng di sản phù hợp quy định pháp luật. Từ chối quyền hưởng di sản của người thừa kế được quy định trong Bộ luật Dân sự, cụ thể về thời hạn từ chối, hình thức và thủ tục từ chối và trường hợp không có quyền từ chối quyền hưởng di sản.

Quyền từ chối nhận di sản thừa kế được quy định tại khoản 1 Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác”.

Như vậy, cá nhân hoặc tổ chức có quyền thừa kế di sản của người để lại di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật đều có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp cá nhân hoặc tổ chức này từ chối nhận di sản nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Hình thức của văn bản từ chối nhận di sản

Theo quy định tại khoản 2 Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết”.

Như vậy, việc từ chối nhận di sản thừa kế phải được thể hiện dưới dạng văn bản và theo quy định này, văn bản từ chối nhận di sản không bắt buộc phải công chứng, chứng thực. Một câu hỏi đặt ra là mặc dù không bắt buộc công chứng, chứng thực nhưng giá trị pháp lý của văn bản từ chối nhận di sản không có công chứng, chứng thực so với văn bản có công chứng, chứng thực khác nhau như thế nào về bản chất, pháp luật không có yêu cầu bắt buộc công chứng, chứng thực, văn bản từ chối nhận di sản không có công chứng, chứng thực vẫn có hiệu lực pháp lý.

Tuy nhiên, người từ chối nhận di sản hoàn toàn có quyền yêu cầu công chứng loại văn bản này để nhằm đảm bảo chắc chắn giá trị pháp lý cho văn bản. Quyền yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản được quy định tại Điều 59 Luật Công chứng năm 2014 như sau:

Người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản. Khi yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản, người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản sao di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế; giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết”.

Trên thực tế khi xảy ra tranh chấp nếu tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định với văn bản từ chối nhận di sản không có công chứng, chứng thực sẽ mất nhiều chi phí, thời gian, công sức, trình tự, thủ tục xác minh, yêu cầu giảm định phức tạp hơn nhiều so với văn bản từ chối nhận di sản có công chứng, chứng thực.

Do đó, khách hàng được khuyến khích nên yêu cầu công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật để đảm bảo giá trị pháp lý hiệu lực thi hành của văn bản từ chối nhận di sản trong thực tiễn.

3. Đặc điểm của văn bản từ chối nhận di sản

3.1. Người từ chối nhận di sản thừa kế

Người từ chối nhận di sản thừa kế là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật từ bỏ quyển nhận di sản thừa kế của mình.

Người thừa kế là những người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật. Người thừa kế theo di chúc có thể là cá nhân; là cơ quan, tổ chức. Người thừa kế theo pháp luật chỉ có thể là cá nhân.

Việc từ chối nhận di sản được coi là quyền của người được hưởng thừa kế, không bị phụ thuộc vào sự chấp thuận của các thừa kế khác.

Người để lại di sản thừa kế có quyền để lại tài sản của mình cho người khác theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật. Người để lại di sản phải là chủ sở hữu hợp pháp đối với những tài sản của mình.

Việc thừa kế chỉ có thể xảy ra khi có sự kiện là người có tài sản chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết. Người để lại di sản thừa kế có thể là bất cứ cá nhân nào mà không bị phụ thuộc, hạn chế bởi lý do nào (người mất năng lực hành vi, phải chấp hành án hình sự...).

Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại thừa kế chết. Cơ quan, tổ chức nhận di sản thừa kế theo di chúc phải còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

3.2. Di sản thừa kế

Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác.

Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyển tài sản”. Như vậy, di sản bao gồm tài sản thuộc sở hữu của người chết, các quyền tài sản của người đó.

Tài sản riêng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 gồm:

- Tài sản riêng của người chết gồm tài sản có trước khi kết hôn;

- Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;

- Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định của pháp luật;

- Tải sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của cá nhân và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của cá nhân;

- Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân.

Phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác được xác định phần của họ trong khối tài sản chung (phần vốn đóng góp trong việc tạo dựng sở hữu chung theo phần: phần họ được tặng cho, được thừa kế chung với người khác...). Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia thì khi có người chết, phần của họ tương đương với phần của những người khác nếu là vợ, chồng thì tài sản chung được chia đôi.

Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015 chưa quy định nghĩa vụ tài sản của người chết để lại song Điều 615 quy định về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau:

1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

. 2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kể trong phạm vi di sản do người chết để lại.

3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kể là cá nhân”.

Trong thực tế, bất kỳ ai chết đi không ít thì nhiều đều có để lại di sản. Nên có trường hợp người yêu cầu công chứng việc từ chối nhận di sản chung chung, ví dụ như: Tôi từ chối tất cả những di sản do bố tôi để lại.

Tuy nhiên, theo Luật Công chứng, công chứng viên phải chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của văn bản, nên không thể chứng nhận một văn bản từ chối nhận di sản mà trong văn bản đó không nêu rõ di sản là những tài sản nào, thì có lẽ chưa phù hợp quy định của pháp luật.

3.3. Thời hạn từ chối hưởng di sản

Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”.

Việc từ chối nhận di sản là một quyền của người được hưởng thừa kế. Tuy nhiên, để thực hiện quyền này, pháp luật hiện hành chỉ chấp nhận nếu người muốn từ chối nhận di sản thể hiện việc từ chối trước thời điểm những người thừa kể tiến hành phân chia di sản. Nếu quá thời hạn này, người được hưởng di sản không muốn nhận di sản thì sẽ không được chấp nhận.

3.4. Thẩm quyền công chứng văn bản từ chối nhận di sản thừa kế

Điều 42 Luật Công chứng 2014 quy định: “Công chứng viên của tổ chức hành, nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản”.

Vì vậy, việc công chứng văn bản từ chối nhận di sản đối với di sản là bất động sản không bị phụ thuộc vào phạm vi địa hạt, tức người yêu cầu công chứng có thể đến bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng nào trên lãnh thổ Việt Nam để thực hiện việc từ chối hưởng di sản thừa kế.

Trong khi đó, thẩm quyền chứng thực việc từ chối nhận di sản của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chỉ là nơi có địa điểm mở thừa kế.

3.5. Thủ tục chứng nhận văn bản từ chối nhận di sản thừa kế

Thủ tục chứng nhận văn bản từ chối nhận di sản thừa kế thành văn bản là một loại việc bắt buộc phải có công chứng, chứng thực.

Thông thường, khi chứng nhận văn bản từ chối nhận di sản thừa kế công chứng viên sẽ yêu cầu người yêu cầu công chứng nộp một bộ hồ sơ như sau:

- Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chúng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ:

- Dự thảo văn bản từ chối nhận di sản;

- Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng (Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Hộ chiếu, Chứng minh quân đội…);

- Bản sao Giấy chứng tử hoặc quyết định của Tòa án nhân dân xác định người để lại di sản đã chết;

- Bản sao các giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp với những tài sản là di sản thừa kế;

- Bản sao di chúc (trong trường hợp thừa kế theo di chúc);

- Các giấy tờ cần thiết khác để xác định rõ mối quan hệ của những người từ chối nhận di sản với người để lại di sản;

- Bản sao các giấy tờ, tài liệu là bản chụp, bản in hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải chứng thực. Công chứng viên phải có trách nhiệm đối chiếu với bản chính của các giấy tờ trước khi chứng nhận văn bản. Công chứng viên kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng. Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý và ghi vào sổ công chứng.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, công chứng viên tiến hành kiểm tra, xác minh các vấn đề sau đây:

- Xác định xem người yêu cầu công chứng có phải là người thừa kế hay không. Cụ thể:

+ Đối với trường hợp thừa kế theo di chúc: Công chứng viên phải xem xét di chúc đó có phải di chúc cuối cùng hay không? Di chúc bị sửa đổi, bổ sung hay chưa? Di chúc có hợp pháp hay không? Người thừa kế theo di chúc là người được chỉ định nhận di sản trong di chúc; xem xét xem có người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, nếu có là những ai?

+ Đối với trường hợp thừa kế theo pháp luật: Công chứng viên phải xác định người chết không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp; Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế; Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản.

Người yêu cầu công chứng phải xuất trình các giấy tờ chứng minh quan hệ huyết thống, hôn nhân, nuôi dưỡng như: Giấy khai sinh, giấy kết hôn, tình trạng hôn nhân, quyết định nhận nuôi con nuôi...

Nếu những người thừa kế thuộc hàng thừa kế sau phải chứng minh không còn ai ở hàng thừa kể trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

- Xác định nhân thân, năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng;

- Kiểm tra các giấy tờ mà các đương sự đã nộp;

- Xác định thời điểm mở thừa kế;

- Thời hạn từ chối hưởng di sản có còn không,

- Xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản của người để lại di sản;

- Xác định việc từ chối hưởng di sản thừa kế có nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của bản thân người từ chối hay không,

- Công chứng viên kiểm tra dự thảo văn bản từ chối nhận di sản thừa kế nếu nội dung trong dự thảo có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, đối tượng văn bản không phù hợp với quy định của pháp luật thì công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa. Trường hợp người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng;

- Công chứng viên hướng dẫn người yêu cầu công chứng tuân thủ đúng các quy định về thủ tục công chứng và các quy định pháp luật có liên quan đến việc thực hiện từ chối nhận di sản; giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc từ chối nhận di sản;

Trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, có dấu hiệu bị đe dọa, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc đối tượng của văn bản chưa được mô tả cụ thể thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng.

CHƯƠNG 2: ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ SƯU TẦM

1. Tóm tắt hồ sơ

Hồ sơ mà học viên sưu tầm được là văn bản từ chối nhận di sản đã hoàn thiện được công chứng viên Nguyễn Thị Hộ tại Văn phòng Công chứng An, tỉnh Bình Dương chứng nhận, có số công chứng là 813, quyển số 05/2021 TP/CC-SCC/HĐGD vào ngày 28 tháng 5 năm 2021. Theo đó, vào ngày 28 tháng 5 năm 2021, ông Nguyễn Đức Tuy có đến Văn phòng Công chứng An, tỉnh Bình Dương tại địa chỉ số 10 đường số 9, Khu trung tâm hành chính, khu phố Nhị Đồng 2, phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương để yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản và được công chứng viên Nguyễn Thị Hộ tiếp nhận và xử lý hồ sơ, di sản thừa kế là phần diện tích đất thuộc quyền sử dụng của ông Nguyễn Đức Quy trong khối tài sản chung vợ chồng với bà Vũ Hà là quyền sử dụng thửa đất số: 14; tờ bản đồ số: 3, diện tích: 244,1 m2; mục đích sử dụng đất: Đất ở tại đô thị: 109,2 m2; Vườn: 134,9 m2; thời hạn sử dụng: lâu dài, 2043; địa chỉ thửa đất: Vấn Khẩu, phường Cửa Nam, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BM 097654; số vào sổ cấp GCN: 13-69001 do UBND thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định cấp ngày 29/10/2013.

Nội dung:

Ông Nguyễn Đức Tuy tự nguyện từ chối nhận kỷ phần di sản thừa kế do ông Nguyễn Đức Quy chết để lại mà ông Nguyễn Đức Tuy được hưởng theo pháp luật.

2. Thành phần hồ sơ

- Phiếu yêu cầu công chứng;

- Văn bản từ chối nhận di sản;

- Bản sao giấy chứng minh nhân dân ông Nguyễn Đức Tuy;

- Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BM 097654; số vào sổ cấp GCN: 13-69001 do UBND thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định cấp ngày 29/10/2013;

- Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến văn bản: Giấy khai sinh ông Nguyễn Đức Tuy, Trích lục cải chính hộ tịch giấy khai sinh của ông Nguyễn Đức Tuy, sổ hộ khẩu của ông Nguyễn Đức Tuy, Giấy chứng tử của ông Nguyễn Đức Quy, Giấy chứng nhận kết hôn của ông Nguyễn Đức Quy và bà Vũ Hà.

3. Trình tự, thủ tục thực hiện công chứng

3.1. Tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng

Sau khi người yêu cầu công chứng nộp hồ sơ, Công chứng viên Nguyễn Thị Hộ đã tiếp nhận yêu cầu công chứng của ông Nguyễn Đức Tuy, bước đầu tiên công chứng viên xác định thẩm quyền công chứng. Công chứng viên xác định thửa đất ông Nguyễn Đức Tuy từ chối nhận di sản thừa kế thuộc thẩm quyền công chứng tại Văn phòng công chứng An, tỉnh Bình Dương (Điều 42 Luật công chứng 2014 thì việc công chứng văn bản từ chối nhận di sản đối với di sản là bất động sản không bị phụ thuộc vào phạm vi địa hạt).

Thông qua việc hỏi, trao đổi với ông Nguyễn Đức Tuy về yêu cầu công chứng để công chứng viên xác định chính xác yêu cầu công chứng của ông Nguyễn Đức Tuy là công chứng Văn bản từ chối nhận di sản. 

Khi đã xác định được chính xác yêu cầu của ông Nguyễn Đức Tuy công chứng viên hỏi ông Nguyễn Đức Tuy có mang theo những giấy tờ tùy thân, giấy tờ tài sản và các giấy tờ khác có liên quan hay không để xuất trình cho công chứng viên kiểm tra hồ sơ. Ông Nguyễn Đức Tuy cung cấp cho công chứng viên những giấy tờ như sau: giấy chứng minh nhân dân của ông Nguyễn Đức Tuy, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BM 097654; số vào sổ cấp GCN: 13-69001 do UBND thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định cấp ngày 29/10/2013, Giấy khai sinh ông Nguyễn Đức Tuy, Trích lục cải chính hộ tịch giấy khai sinh của ông Nguyễn Đức Tuy, sổ hộ khẩu của ông Nguyễn Đức Tuy, Giấy chứng tử của ông Nguyễn Đức Quy, Giấy chứng nhận kết hôn của ông Nguyễn Đức Quy và bà Vũ Hà.

Công chứng viên đã tiến hành kiểm tra bản chính các loại giấy tờ nêu trên mà người yêu cầu công chứng cung cấp và kiểm tra các thông tin có trùng khớp với nhau trên các giấy tờ đồng thời xử lý hồ sơ bằng phương pháp kiểm tra thông tin, riêng địa chỉ trước đây là khu phố Thống Nhất nhưng nay đã đổi thành khu phố Thống Nhất 2 do hộ khẩu cũ nên chưa cập nhật, việc này công chứng viên biết và xét thấy không ảnh hưởng nên công chứng viên thực hiện bước tiếp theo.

Như vậy, giấy tờ mà người yêu cầu công chứng xuất trình đã đảm bảo yêu cầu công chứng.

3.2. Soạn thảo và ký văn bản

Đối với văn bản từ chối nhận di sản do Văn phòng Công chứng An, tỉnh Bình Dương chứng nhận ngày 28/5/2021 thì đây là văn bản do Công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng (Điều 41 Luật công chứng 2014). Nội dung, ý định lập văn bản từ chối nhận di sản của ông Nguyễn Đức Tuy này xác thực, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

Thư ký nghiệp vụ sau khi soạn thảo xong in bản thảo chuyển cho người yêu cầu công chứng đọc lại toàn bộ nội dung của văn bản. Thư ký nghiệp vụ in bản chính Văn bản và kèm toàn bộ hồ sơ chuyển cho công chứng viên kiểm tra, đồng thời mời khách hàng đến trước mặt công chứng viên cùng tiến hành thủ tục ký công chứng. Khi thực hiện thủ tục này công chứng viên sẽ kiểm tra lại thông tin về nhân thân, năng lực hành vi dân sự, ý chí của ông Nguyễn Đức Tuy ký kết văn bản là như thế nào, người yêu cầu công chứng có đồng ý với toàn bộ nội dung trong văn bản đã được soạn thảo không; người yêu cầu công chứng đồng ý, không có vấn đề gì nghi ngờ, không có điều khoản nào trong văn bản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, việc từ chối nhận di sản này là hoàn toàn tự nguyện, không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của người yêu cầu công chứng đối với người khác… thì công chứng viên sẽ cho ông Nguyễn Đức Tuy ký vào từng trang Văn bản, trang cuối cùng của văn bản ký, ghi rõ họ tên, điểm chỉ trước mặt công chứng viên, sau khi điểm chỉ xong, công chứng viên sẽ đối chiếu dấu vân tay trên văn bản với dấu vân tay trên chứng minh nhân dân để xác định chính xác chủ thể tham gia văn bản và công chứng viên cũng ký vào từng trang và ký vào trang lời chứng của công chứng viên.

Văn bản công chứng được đánh số thứ tự từng trang. Chữ viết trong văn bản là tiếng Việt và được viết rõ ràng, không viết tắt hoặc dùng ký hiệu, không viết xen dòng, đè dòng, không tẩy xóa, không để trống…

Do thư ký nghiệp vụ soạn thảo văn bản nên công chứng viên kiểm tra lại các thông tin, các điều khoản trong dự thảo văn bản do người yêu cầu công chứng cung cấp hoặc bản dự thảo văn bản do chính Văn phòng công chứng của mình soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng hoặc kiểm tra dự thảo văn bản do khách hàng soạn thảo sẵn để kịp thời phát hiện những sai sót khắc phục kịp thời để tránh gây phiền hà cho người yêu cầu công chứng khi ký văn bản hoặc sau khi ký xong mới phát hiện sai sót làm tốn thời gian của người yêu cầu công chứng.

3.3. Ký chứng nhận

Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ theo quy định để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của văn bản và chuyển bộ phận thu phí của tổ chức hành nghề công chứng. Việc làm này của Công chứng viên không những tuân thủ trình tự, thủ tục khi công chứng hợp đồng, giao dịch mà còn có ý nghĩa bảo đảm giá trị chứng cứ. Hợp đồng, giao dịch có giá trị chứng cứ, những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị tòa án tuyên bố vô hiệu.

3.4. Trả kết quả công chứng

Bộ phận thu phí của tổ chức hành nghề công chứng hoàn tất việc thu phí, thù lao công chứng và chi phí khác theo quy định, đóng dấu và hoàn trả lại hồ sơ cho người yêu cầu công chứng. Văn phòng Công chứng An, tỉnh Bình Dương đã thực hiện đúng theo thông tư số 257/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng; phí chứng thực; phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng; phí thẩm định điều kiện hoạt động Văn phòng Công chứng; lệ phí cấp thẻ công chứng viên (có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017) và Quyết định số 04/2015/QĐ-UBND ngày 26/02/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc ban hành mức trần thù lao công chứng và thù lao dịch thuật trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

3.5. Lưu trữ hồ sơ công chứng

Hồ sơ sau khi được công chứng xong chuyển cho bộ phận tính phí để thu phí, đóng dấu, cho số công chứng và bàn giao cho bộ phận lưu trữ tiến hành thủ tục lưu trữ hồ sơ đã được công chứng. Việc lưu trữ được nhân viên lưu trữ thực hiện theo điều 63, điều 64 Luật công chứng 2014.

 Tóm lại, hồ sơ thu thập được tại Văn phòng công chứng An, tỉnh Bình Dương là hồ sơ đã hoàn tất thủ tục công chứng từ khâu tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, vào sổ thụ lý hồ sơ, nghiên cứu hồ sơ, xử lý hồ sơ, chuẩn bị hồ sơ yêu cầu công chứng, ký công chứng cho đến khâu lưu trữ hồ sơ công chứng đúng theo quy định của Luật công chứng, pháp luật đất đai, Bộ luật Dân sự, Luật hôn nhân và gia đình cùng các Văn bản pháp luật khác có liên quan…

4. Nhận xét hồ sơ

- Giấy khai sinh của ông Nguyễn Đức Tuy không có số, quyển số và người đứng khai sinh cũng không ký ghi rõ họ tên; Giấy chứng nhận kết hôn của ông Nguyễn Đức Quy và bà Vũ Hà không có số, quyển số. Vậy việc này trong hồ sơ hộ tịch tại UBND xã Trung Thành, Vụ Bản, Hà Nam Ninh có lưu và vào sổ hộ tịch không?

- Sổ hộ khẩu của ông Nguyễn Đức Tuy cũng như của ông Nguyễn Đức Quy và bà Vũ Hà về khu phố Thống Nhất và khu phố Thống Nhất 2 là chưa đồng nhất. Giấy chứng tử của ông Nguyễn Đức Quy ghi là khu phố Thống Nhất 2 còn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BM 097654; số vào sổ cấp GCN: 13-69001 do UBND thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định cấp ngày 29/10/2013 ghi khu phố Thống Nhất.

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BM 097654; số vào sổ cấp GCN: 13-69001 do UBND thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định cấp ngày 29/10/2013 cấp cho ông Nguyễn Đức Quy và bà Vũ Hà chỉ ghi số chứng minh nhân dân của ông Nguyễn Đức Quy mà không ghi số chứng minh nhân dân của bà Vũ Hà; đồng thời việc quản lý mã vạch trên trang số 4 của Giấy chứng nhận lại không theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014.

5. Nhận xét về cách giải quyết hồ sơ của công chứng viên và của tổ chức hành nghề công chứng

Công chứng viên Văn phòng Công chứng An, tỉnh Bình Dương đã kiểm tra, hướng dẫn hồ sơ cho ông Nguyễn Đức Tuy theo đúng các trình tự thủ tục quy định tại Điều 40, Điều 41 Luật công chứng 2014:

Thấy rằng, công chứng viên tiếp nhận thực hiện theo trình tự thủ tục chung sẽ thực hiện theo Điều 41 Luật Công chứng cụ thể như sau:

+ Người yêu cầu công chứng nộp một bộ hồ sơ theo quy định tại các điểm a, c, d, đ, khoản 1 và khoản 2, Điều 40 của Luật công chứng và nêu nội dung ý định lập văn bản từ chối nhận di sản. Theo đó, bộ hồ sơ mà người yêu cầu công chứng phải nộp gồm có:

a) Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch (theo mẫu);

b) Bản sao giấy tờ tùy thân;

c) Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao các giấy tờ thay thế mà pháp luật quy định đối với tài sản là đối tượng trong hợp đồng giao dịch;

d) Bản sao các giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng giao dịch.

+ Công chứng viên đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo pháp luật quy định tại điều 17 Luật công chứng đặc biệt là điểm d, khoản 1, điều 17 Luật công chứng về việc đề nghị cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin tài liệu để thực hiện công chứng.

+ Việc công chứng văn bản từ chối nhận di sản cũng được thực hiện đúng theo quy định của điều 42 Luật công chứng 2014 là đối với di sản là bất động sản không bị phụ thuộc vào phạm vi địa hạt.

+ Những quy định của pháp luật liên quan đến từ chối nhận di sản cũng được áp dụng đúng quy định pháp luật tại Điều 620 của Bộ luật Dân sự 2015 cũng như quy định tại Điều 59 Luật công chứng 2014.

+ Khi có khách hàng đến giao dịch, công chứng viên sẽ hỏi khách hàng đến Văn phòng công chứng để thực hiện giao dịch gì? Từ câu trả lời của khách hàng công chứng viên sẽ căn cứ vào các quy định của pháp luật mà hướng dẫn cũng như yêu cầu khách hàng xuất trình các giấy tờ cần thiết để thực hiện chính xác yêu cầu của khách hàng.

- Trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe doạ, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc có sự nghi ngờ đối tượng của hợp đồng, giao dịch là không có thật thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng;

- Khi công chứng văn bản từ chối nhận di sản, công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên và hậu quả pháp lý của việc từ chối nhận di sản đó cho người từ chối.

- Khi khách hàng xuất trình giấy tờ, nếu thấy đầy đủ và đảm bảo để thực hiện yêu cầu của khách hàng thì công chứng viên hướng dẫn khách hàng viết vào Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, văn bản (theo mẫu); công chứng viên kiểm tra, đối chiếu bản chính với các bản sao giấy tờ mà người yêu cầu công chứng đã nộp.

- Thực tế cho thấy rằng, việc soạn thảo văn bản do thư ký nghiệp vụ soạn thảo điều này đã giúp giảm tải khối lượng công việc của công chứng viên và đáp ứng nhanh được nhu cầu của người yêu cầu công chứng hiện nay. Về tính pháp lý, sau khi nhân viên nghiệp vụ soạn thảo công chứng viên có kiểm tra lại và khách hàng có đọc lại vì công chứng viên là người chịu trách nhiệm về văn bản công chứng. Công chứng viên giải đáp các thắc mắc của người yêu cầu công chứng, giải thích cho họ hiểu rõ các quyền và nghĩa vụ liên quan đến văn bản, hậu quả pháp lý của việc ký kết văn bản. Công chứng viên đã thực hiện đúng trình tự thủ tục công chứng được quy định tại Điều 40, Điều 41 Luật công chứng 2014.

CHƯƠNG 3: KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC VÀ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

1. Khó khăn, vướng mắc

Thứ nhất: Theo Điều 59 Luật công chứng 2014 quy định: “Người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản. Khi yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản, người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản sao di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế; giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết”. Việc này lại không đề cập đến giấy tờ di sản từ chối nên có trường hợp người yêu cầu công chứng việc từ chối nhận di sản chung chung, ví dụ như: Tôi từ chối tất cả những di sản do bố tôi để lại.

Tuy nhiên, theo Luật Công chứng, công chứng viên phải chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của văn bản, nên không thể chứng nhận một văn bản từ chối nhận di sản mà trong văn bản đó không nêu rõ di sản là những tài sản nào, thì có lẽ chưa phù hợp quy định của pháp luật.

Thứ hai: Theo khoản 1 Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác”. Vậy công chứng viên sẽ không chứng nhận văn bản từ chối hưởng di sản thừa kế, nếu việc từ chối đó nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của bản thân người từ chối. Vì vậy câu hỏi đặt ra làm sao công chứng viên biết được việc từ chối đó có nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của bản thân người từ chối hay không?

2. Đề xuất, kiến nghị

- Tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật công chứng nói riêng và pháp luật có liên quan nói chung, kết hợp với công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các ban, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận thức đúng về hoạt động và nghề công chứng;

- Kiến nghị Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan hộ tịch tại địa phương xây dựng, bổ sung, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về bất động sản, thông tin hộ tịch và liên thông với Cơ sở dữ liệu công chứng của Bộ Tư pháp nhằm đảm bảo cho công tác quản lý nhà nước về công chứng được hiệu quả, tạo thuận lợi cho việc tra cứu và xác thực thông tin người yêu cầu công chứng, thông tin về bất động sản khi hoạt động công chứng để tránh các rủi ro không đáng có;

- Công chứng viên cần nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, trách nhiệm và cái tâm của nghề để nhận ra các dấu hiệu bất thường của các giao dịch, giả mạo giấy tờ, giả mạo người yêu cầu công chứng. Tổ chức các kì thi kiểm tra năng lực hàng năm để đánh giá trình độ, nghiệp vụ của công chứng viên;

KẾT LUẬN

Từ chối nhận di sản là một quan hệ giao dịch phổ biến, tuy nhiên đây cũng là giao dịch dân sự đòi hỏi công chứng viên phải rèn luyện kỹ năng ngay từ khi tiếp xúc với khách hàng; vì vậy, công chứng viên cần phải nghiên cứu, nắm vững những quy định của pháp luật để có thể chứng nhận văn bản từ chối nhận di sản khi có yêu cầu công chứng.

Qua nghiên cứu thực tế hồ sơ đã được công chứng tại Văn phòng Công chứng An, tỉnh Bình Dương tôi nhận thấy khi hành nghề công chứng, công chứng viên phải là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 8 của Luật công chứng 2014, được bổ nhiệm để hành nghề công chứng, am hiểu pháp luật, luôn phải tuân thủ theo Hiến pháp, pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, phải khách quan trung thực, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản mà mình đã công chứng và phải tuân theo đạo đức hành nghề công chứng, phải có nhiều kinh nghiệm để giải quyết hồ sơ.

Từ tình huống thực tế trên kết hợp với những kiến thức nhận được từ quý thầy cô cũng như từ những nguồn khác (nghiên cứu hồ sơ, đọc các Văn bản pháp luật có liên quan đến việc công chứng…) điều đó sẽ tạo điều kiện cho tôi trong lĩnh vực công chứng sau này. Tất cả những điều này sẽ giúp tôi rất nhiều trong việc hoàn thành tốt công việc của mình nói riêng cũng như góp phần đưa nghề công chứng trở nên hoàn hảo hơn dưới góc nhìn của người dân, của những nhà làm luật nói chung nhằm hướng đến một cuộc sống văn minh, hiện đại và tốt đẹp hơn trong khuôn khổ tuân theo Hiến pháp và pháp luật.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Bộ luật Dân sự năm 2015.
    2. Luật đất đai 2013.
    3. Luật Hộ tịch 2014.
    4. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
    5. Luật Công chứng năm 2014.
    6. Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.
    7. Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch.
    8. Thông tư số 01/2021/TT-BTP ngày 03/02/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng.
    9. Thông tư số 257/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016.

Nguyễn Văn Ngọc

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow