Tiền đóng bảo hiểm xã hội được tính như thế nào?
Tiền đóng bảo hiểm xã hội gồm những khoản nào, đây là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.
Tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc căn cứ mức lương (không bao gồm phụ cấp)?
Sai: Căn cứ khoản 1 và khoản 2 điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định như sau:
- Trường hợp người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Người lao động là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương cơ sở.
- Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Căn cứ điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH), tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương theo quy định và các khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a khoản 3 điều 4 của Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH.
Pháp luật có khống chế mức tối đa về tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc?
Đúng: Căn cứ khoản 3 điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trường hợp tiền lương tháng theo khoản 1 và khoản 2 điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cao hơn 20 lần mức lương cơ sở (hiện nay, 20 lần mức lương cơ sở là 29,8 triệu đồng) thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Tôi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội được xác định thế nào?
Căn cứ khoản 1 điều 87 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tôi làm ở doanh nghiệp tư nhân, nếu đóng bảo hiểm xã hội ở mức cao thì lương hưu sẽ cao?
Đúng: Theo khoản 2 điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian. Như vậy, nếu người lao động có tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội cao, khi nghỉ hưu sẽ hưởng lương theo "tỉ lệ thuận" với số tiền đã đóng.
Trường hợp công ty làm "hai bảng lương" (một bảng lương thực tế để trả cho người lao động, một bảng lương kê khai thấp để giảm chi phí đóng bảo hiểm xã hội), người lao động phải làm gì?
Thực tế, nhiều công ty kê khai tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động thấp hơn thực tế để giảm chi phí đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đây là việc làm sai quy định pháp luật, gây thiệt hại cho người lao động. Do đó, người lao động cần phải yêu cầu công ty thực hiện đúng quy định để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình.
Công ty đã thực hiện việc đóng bảo hiểm xã hội đúng quy định nhưng người lao động muốn đóng mức cao hơn, thì phải làm sao?
Công ty đã đóng bảo hiểm xã hội với mức tiền lương thực tế mà người lao động muốn đóng thêm để sau này được hưởng lương hưu cao hơn thì cần thỏa thuận về việc tăng lương.
Lưu ý, tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối đa là 20 lần mức lương cơ sở.
Tiền thưởng Tết, ăn trưa có tính vào khoản đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc?
Không: Căn cứ khoản 26 điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động năm 2019, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động quy định tại tiết c2 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH.
Nguyễn Văn Ngọc (theo VnExpress)
Phản ứng của bạn là gì?