Tiền mã hóa là gì? pháp luật Việt Nam về tiền mã hóa

Hiện nay, vấn đề tiền mã hóa đang được nhiều người quan tâm với nhiều tên gọi khác nhau như tiền ảo, tài sản mã hóa…

03/12/2021 - 21:13 GMT+7
 0  95
Theo dõi DocLuat trên Google News
Tiền mã hóa là gì? pháp luật Việt Nam về tiền mã hóa
Ảnh minh họa: Nguồn internet

1. Khái niệm tiền điện tử chia ra thành các loại khác nhau và mỗi loại có một thuộc tính riêng biệt tạo nên giá trị của đồng tiền:

Tiền mã hóa (Crypto Currency) là từ ghép của mã hoá/mật mã (cryptography) với tiền tệ (currency). Đây là tiền điện tử được bảo mật bằng kỹ thuật mã hóa dựa trên cơ sở khai thác sức mạnh của máy tính kết hợp Internet. Công nghệ này gọi chung là blockchain - nền tảng của tiền mã hoá.

Tiền mã hóa thường hoạt động trong một hệ sinh thái mở và có thể được chuyển đổi sang các dạng tiền tệ khác. Đa số tiền mã hóa được phát hành bởi tổ chức/cá nhân nhưng họ không có quyền kiểm soát toàn bộ lượng tiền này mà do chính cộng đồng quản lý thông qua cơ chế mã hóa, phân quyền trong hệ thống. Các loại tiền mã hóa phổ biến, được nhiều tổ chức trên thế giới công nhận là Bitcoin, Ethereum...

Tiền điện tử pháp định là loại tiền điện tử được sử dụng phổ biến nhất nhưng nhiều người nhầm lẫn định nghĩa của nó với tiền ảo và tiền mã hoá. Đây là loại tiền tương đương với tiền tệ quốc gia, được phát hành bởi các tổ chức phát hành tiền tệ nhưng ở hình thức điện tử, kỹ thuật số. Ví dụ tiền trong tài khoản ngân hàng được công nhận ở Việt Nam, hay tiền trong ví điện tử được công nhận như Momo, Viettel Pay...

Tiền ảo (Virtual Currency) được nhiều người Việt biết đến từ các trò chơi trong game và xuất hiện trước thuật ngữ tiền mã hóa. Tiền ảo được phát hành nội bộ bởi các tổ chức, công ty và họ có toàn quyền kiểm soát số tiền này; không được hoặc rất hạn chế đổi ra các loại tiền pháp định và chỉ quy đổi ở trong một cộng đồng hẹp với nhau. Một vài ví dụ của tiền ảo là tiền sử dụng trong game để mua bán vật phẩm, tiền khuyến mãi ở các nền tảng mua sắm..

2. Nhận diện tiền mã hóa

Tiền mã hóa (crypto currency) đang được tiếp cận dưới nhiều khía cạnh, nhiều hình thức khác nhau và cũng chưa có một thuật ngữ chung thống nhất[1], như tiền ảo (virtual currency), tài sản mã hóa (crypto assets)[2],…

Tiền ảo là khái niệm được sử dụng nhiều tại Việt Nam. Tuy vậy, vào năm 2018, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), loại “tài sản” này có tiềm năng kết hợp lợi ích của tiền tệ và hàng hóa, nên việc sử dụng từ “tiền” trong các thuật ngữ nêu trên có thể gây nhầm lẫn[3]. Trong khi đó, những đối tượng này được tạo lập trên cơ sở sử dụng công nghệ blockchain[4] kết hợp kỹ thuật mã[5]. Do đó, IMF khuyến nghị sử dụng thuật ngữ tài sản mã hóa cho loại “tài sản” này. Sau đó, tại một văn kiện của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng chỉ ra quan điểm rằng, tiền ảo (virtual currencies) là một khái niệm về tài sản rộng hơn so với tài sản mã hóa[6]. Bởi vậy, ở Nhật Bản, mặc dù thuật ngữ tiền ảo được đưa vào Luật Dịch vụ thanh toán trong lần sửa đổi vào tháng 4/2016 (có hiệu lực từ ngày 01/4/2017)[7], nhưng trong lần sửa đổi tiếp theo vào tháng 5/2019 (có hiệu lực từ ngày 07/6/2020), thuật ngữ “tài sản mã hóa” đã được sử dụng để thay thế thuật ngữ “tiền ảo”[8].

Tiền ảo, theo Lực lượng đặc nhiệm về hoạt động tài chính (FATF), là một biểu hiện của giá trị dưới dạng số có thể có trong giao dịch kỹ thuật số và có các chức năng như: (i) Một phương tiện trao đổi; và/hoặc (ii) Một đơn vị kế toán; và/hoặc (iii) Một hình thức lưu trữ giá trị nhưng không phải là tiền pháp định trong một quốc gia, vùng lãnh thổ nào; không được bất cứ một quốc gia, vùng lãnh thổ nào phát hành hoặc bảo đảm; các chức năng trên chỉ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận trong cộng đồng người sử dụng của loại tiền ảo đó[9].

Tương tự như vậy, Chỉ thị số 2108/843 ngày 30/5/2018 của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố đã chỉ ra tiền ảo có nghĩa là một đại diện kỹ thuật số của giá trị không được phát hành hoặc bảo đảm bởi một ngân hàng trung ương hoặc cơ quan nhà nước, không gắn với tiền pháp định hay mang giá trị pháp lý như tiền pháp định, nhưng được cá nhân hoặc pháp nhân chấp nhận như một phương tiện trao đổi và có thể được chuyển giao, lưu trữ và giao dịch điện tử[10].

Cũng theo Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa (ISO)[11], tiền ảo là loại tài sản ảo có tính chất tiền tệ, tức là có thể được sử dụng làm phương tiện trao đổi hay một tài sản có giá trị trong một môi trường cụ thể như trò chơi điện tử hay trong một trò chơi mô phỏng giao dịch tài chính.

Có thể thấy, những khái niệm tiền ảo trên đang còn rất rộng, có thể bao gồm cả những vật phẩm trong các game trực tuyến (game online), điểm thưởng của chương trình khách hàng thân thiết (như chương trình tích điểm VinMart…). Đây chỉ là các tài sản được hình thành trên môi trường kỹ thuật số thông thường hoặc cơ bản đã được điều chỉnh bởi pháp luật hiện hành (hoặc hợp đồng giữa nhà phát hành hoặc người sở hữu). Trong khi đó, tài sản mã hóa được tạo dựng trên cơ sở nền tảng ứng dụng công nghệ blockchain và kỹ thuật mã hóa trong một hệ thống máy tính, đang thu hút được sự quan tâm nghiên cứu, đầu tư, kinh doanh của nhiều tổ chức, cá nhân do những kỳ vọng về ưu điểm vượt trội mà công nghệ blockchain đem lại.

Về tài sản mã hóa, theo Ngân hàng Trung ương châu Âu, đây là thuật ngữ dùng để chỉ bất kỳ tài sản nào được ghi nhận ở hình thức kỹ thuật số. Nó không phải và không đại diện cho bất kỳ yêu cầu tài chính nào hay nghĩa vụ tài chính của một cá nhân hay pháp nhân nào. Nó cũng không hàm chứa quyền đối với tài sản. Tuy nhiên, tài sản mã hóa được người sử dụng xem là có giá trị (là tài sản) với tư cách là một khoản đầu tư vào/hoặc phương tiện trao đổi. Việc kiểm soát hoạt động cung ứng tài sản mã hóa và thỏa thuận về việc chuyển giao tài sản mã hóa không được thực hiện bởi một bên trung gian nào mà được thực hiện bởi việc sử dụng kỹ thuật mật mã. Tài sản mã hóa đã được kích hoạt bởi công nghệ sổ cái phân tán (DLT[12]). Công nghệ này cho phép việc cung cấp tài sản mã hóa được kiểm soát và giới hạn bằng cách cho phép người dùng kiểm tra các liên kết mật mã chứng nhận tính nhất quán của các bản cập nhật thông tin theo thời gian và bảo đảm rằng không có sự tạo ra tài sản mã hóa không chính đáng[13].

Thêm vào đó, theo Tổ chức quốc tế của các ủy ban chứng khoán (IOSC), tài sản mã hóa, với giá trị nội tại hay giá trị được đánh giá, là một loại tài sản tư nhân, sử dụng công nghệ DLT hay tương tự và kỹ thuật mã hóa. Tài sản mã hóa có thể đại diện cho một tài sản hay quyền sở hữu một tài sản, như: tiền, hàng hóa, chứng khoán hoặc một loại phái sinh (derivative) của hàng hóa hay chứng khoán[14].

Dựa trên thực tế sử dụng và bản chất kinh tế liên quan, tài sản mã hóa hiện nay được nhiều chuyên gia, tổ chức và thậm chí cơ quan quản lý nhà nước phân thành ba nhóm chính[15]:

Thứ nhất, tài sản mã hóa tương tự chứng khoán (security token), là một loại tài sản mã hóa có các đặc trưng của chứng khoán theo pháp luật chứng khoán của quốc gia, là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn (tương tự trái phiếu hay cổ phiếu) của người phát hành ra tài sản mã hóa đó. Nói cách khác, nếu tài sản mã hóa, thông thường được bán cho người mua qua hình thức phát hành ra công chúng, là một khoản đầu tư của người mua vào doanh nghiệp phát hành thì đó là (tương tự là) chứng khoán.

Thứ hai, tài sản mã hóa tương tự phương tiện trao đổi, thanh toán (exchange/payment token), còn có thể được gọi là tiền mã hóa, là một loại tài sản mã hóa được tin tưởng và có thể được sử dụng tương tự như một phương tiện trao đổi, thanh toán trong một cộng đồng nhất định mà không cần qua trung gian tập trung. Bitcoin là một ví dụ điển hình.

Thứ ba, tài sản mã hóa là phương tiện để tiếp cận và sử dụng một dịch vụ nhất định trong một hệ sinh thái được phát triển trên nền tảng công nghệ blockchain, còn gọi là xu (mã) tiện ích (utility token) hay xu (mã) tiếp cận (access token). Nếu thuộc trường hợp này, tài sản mã hóa được coi như một loại tài sản truyền thống thông thường.

Như vậy, tiền mã hóa (như Bitcoin, Ethereum, Litecoin, XRP…) là một dạng của tài sản mã hóa. Về cơ bản, có thể hiểu, tiền mã hóa là:

- Biểu hiện của giá trị dưới dạng số (vô hình);

- Không được quốc gia hay ngân hàng trung ương nào bảo đảm;

- Được tạo ra trên cơ sở sử dụng công nghệ blockchain hay DLT kết hợp kỹ thuật mã hóa nhằm tạo lập và xác thực giao dịch một cách minh bạch, bảo mật, đáng tin cậy;

- Là một dạng tài sản mã hóa phi chứng khoán, có chức năng tương tự phương tiện trao đổi, thanh toán;

- Được tin tưởng và có thể được sử dụng trong một cộng đồng nhất định mà không cần qua trung gian tập trung.

3. Pháp luật Việt Nam về tiền mã hóa

Trên thực tế, tiền mã hóa đang đặt ra nhiều câu hỏi cho pháp luật Việt Nam bởi ba vấn đề:

- Tiền mã hóa có thể được “sở hữu” và người “nắm giữ” tiền mã hóa có thể bảo vệ quyền “sở hữu” nhờ các cơ chế công nghệ tương tự như tài sản[16]. Như vậy, tiền mã hóa có nên được coi là tài sản?

- Tiền mã hóa có nên được công nhận là hàng hóa, dịch vụ hay không? Khi mà trên thực tế, nó đang được trao đổi, mua bán, lưu thông tương tự hàng hóa hoặc được sử dụng như một dạng dịch vụ.

- Tiền mã hóa có thể trở thành phương tiện thanh toán trong một cộng đồng nhất định. Vậy tiền mã hóa có thể là phương tiện thanh toán hay không?

3.1. Dưới góc độ là tài sản

Theo quy định của Điều 105 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Do đó, tiền mã hóa có được coi là tài sản theo pháp luật dân sự Việt Nam hay không cần đánh giá thông qua bốn loại tài sản trên:

Thứ nhất, đối với tài sản là vật: Theo quy định của BLDS năm 2015, “vật” là những bộ phận hữu hình của thế giới vật chất theo nghĩa rộng bao gồm cả vật vô cơ, hay hữu cơ, động vật hay thực vật[17]. Khái niệm vật trong pháp luật dân sự rộng hơn khái niệm vật trong cách hiểu đời sống thực tế. Vật bao hàm không những các vật dụng sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất bình thường, mà còn bao gồm cả các tập hợp vật chất phức tạp như nhà máy, công xưởng, tuyến giao thông đường sắt, sân bay, giàn khoan dầu, hệ thống công trình xây dựng... Trong khi đó, tiền mã hóa là vô hình; bởi vậy, không phải là “vật”.

Thứ hai, đối với tài sản là tiền: Măc dù theo quy định của BLDS năm 2015, tiền là một loại tài sản, nhưng pháp luật hiện hành của nước ta không định nghĩa cụ thể thế nào tiền. Trên thực tế, ở Việt Nam hay ở các quốc gia khác trên thế giới, tiền pháp định có thể tồn tại dưới dạng tiền giấy, tiền kim loại. Ngoài ra, theo quy định của Điều 4 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016[18] về thanh toán không dùng tiền mặt, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng phương tiện thanh toán bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (như thanh toán qua ví điện tử). Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, tiền mã hóa không phải là tiền pháp định hay phương tiện thanh toán.

Thứ ba, đối với tài sản là giấy tờ có giá[19]: Giấy tờ có giá là một hình thức pháp lý thể hiện giá trị, mang nội dung khẳng định quyền tài sản của một người (người nắm giữ giấy tờ có giá) đối với chủ thể khác (chủ thể phát hành giấy tờ có giá), được pháp luật công nhận là một loại tài sản. Tiền mã hóa không có chức năng giống tài sản mã hóa tương tự chứng khoán. Do đó, theo pháp luật Việt Nam, tiền mã hóa sẽ không là giấy tờ có giá.

Thứ tư, đối với tài sản là quyền tài sản: Điều 115 BLDS năm 2015 quy định: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Trong đó, quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất hay quyền đòi nợ[20] đều giá trị được bằng tiền và được pháp luật Việt Nam thừa nhận là một dạng tài sản. Ngoài ra, việc BLDS năm 2015 quy định mở về “các quyền tài sản khác” nhằm bao quát các trường hợp chưa dự liệu được ngay tại thời điểm ban hành, cũng như tạo điều kiện linh hoạt hơn cho pháp luật chuyên ngành có thể quy định cụ thể về các quyền tài sản mới phát sinh trong tương lai. Ở khía cạnh này, tiền mã hóa cũng tương tự như quyền tài sản với đặc điểm vô hình có thể trị giá được bằng tiền, được xác lập, chuyển giao quyền sở hữu[21]. Mặt khác, theo pháp luật dân sự Việt Nam, nếu coi tiền mã hóa mang tính đại diện cho quyền “nắm giữ” tiền mã hóa thì tiền mã hóa có thể được coi là quyền tài sản.

Cuối cùng, với thực tế là tiền mã hóa có thể được tạo ra, chiếm hữu, sử dụng và chuyển nhượng cho người khác, thì việc xác lập quyền và thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền mã hóa cũng có thể làm phát sinh các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý cho các chủ thể tham gia giao dịch theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam[22]. Hay nói cách khác, theo pháp luật dân sự Việt Nam, tuy chưa được công nhận là một loại tài sản nhưng tiền mã hóa có thể trở thành khách thể của quyền dân sự[23]. Bởi vậy, tiền mã hóa nên được coi là tài sản - tài sản “đặc biệt” phi truyền thống[24] hoặc quyền tài sản - và cần cho phép giao dịch có kiểm soát đối với tài sản này, miễn là tài sản đặc biệt này được cộng đồng hay hệ sinh thái chấp nhận sử dụng, trao đổi.

3.2. Dưới góc độ là hàng hóa, dịch vụ

Dưới góc độ là hàng hóa, theo quy định của Luật Thương mại (TM) năm 2005, khi tiền mã hóa (không phải là phương tiện thanh toán) là khách thể của quyền dân sự, được giao dịch thì có thể được xem là hàng hóa. Hàng hóa đưa vào lưu thông giao dịch trước hết cần được ghi nhận là một loại tài sản (động sản hoặc bất động sản)[25]. Theo quy định của Điều 107 BLDS năm 2015, bất động sản bao gồm: đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật; và động sản là những tài sản không phải là bất động sản. Việc xác định tiền mã hóa là một loại tài sản như phân tích ở phần trên là cơ sở để ghi nhận tiền mã hóa là hàng hóa trong pháp luật TM. Việc ghi nhận tiền mã hóa là một loại hàng hóa là cơ sở để có thể xem xét áp dụng các loại thuế và xác định mức thuế phù hợp.

Dưới góc độ là dịch vụ, Luật TM năm 2005 không định nghĩa về dịch vụ, nhưng khoản 9 Điều 3 quy định, cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận. Điều 513 và Điều 514 BLDS năm 2015 quy định: “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ” và đối tượng của hợp đồng dịch vụ là “công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”. Do đó, dịch vụ được hiểu là một dạng “công việc” mà một bên cung ứng cho bên kia. Đối chiếu với các quy định này thì tiền mã hóa chưa rõ ràng là dịch vụ.

3.3. Dưới góc độ phương tiện thanh toán, ngoại hối

Dưới góc độ phương tiện thanh toán, tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam[26]. Tuy nhiên, ngoài tiền giấy và tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành còn có các phương tiện thanh toán khác được sử dụng. Khoản 6 Điều 4 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP quy định phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, như dịch vụ ví điện tử. Theo khoản 8 Điều 4 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP, dịch vụ ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính...), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1. Tiền trên ví điện tử thực chất là tiền điện tử (không phải là tài sản mã hóa, tiền mã hóa hay tiền ảo) và có thể được sử dụng để thanh toán[27]. Đồng thời, khoản 7 Điều 4 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP cũng quy định: “Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này”. Từ cuối năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần khẳng định tiền ảo như Bitcoin (tiền mã hóa) không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam và việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tư khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam[28].

Như vậy, theo pháp luật Việt Nam hiện nay, tiền mã hóa không phải là phương tiện thanh toán. Việc sử dụng tiền mã hóa làm phương tiện thanh toán là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hành chính[29].

Dưới góc độ ngoại hối, căn cứ điểm a khoản 2 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 và điểm a khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013), ngoại hối bao gồm: “a) Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (sau đây gọi là ngoại tệ); b) Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ gồm séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và các phương tiện thanh toán khác; c) Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác; d) Vàng thuộc Dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam; và đ) Đồng tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế”.

Như vậy, tiền mã hóa không phải là ngoại hối, cụ thể hơn là ngoại tệ. Tuy nhiên, theo pháp luật Việt Nam, với trường hợp một quốc gia phát hành và xác định tiền mã hóa là tiền pháp định của quốc gia đó thì tiền mã hóa là ngoại tệ. Và các giao dịch liên quan đến tiền mã hóa đó trên lãnh thổ Việt Nam với tư cách là tiền pháp định của một quốc gia khác sẽ phải tuân thủ các quy định của Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2013.

4. Kết luận và khuyến nghị

Những phân tích trên đây cho thấy, tiền mã hóa là một tài sản mới, phi truyền thống. Mặc dù một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có các cảnh báo, khuyến nghị các rủi ro, ảnh hưởng tiêu cực của các loại tiền ảo; thậm chí chỉ đạo áp dụng biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo và khẳng định không chấp nhận tài sản mã hóa, tiền mã hóa là phương tiện thanh toán, song về cơ bản, Việt Nam đang đi theo xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới là chưa quản lý loại tài sản mới này[30].

Trong khi đó, tiền mã hóa đang có sức ảnh hưởng lớn khi chiếm 4% giá trị vốn hóa thị trường và 1% GDP khu vực đồng Euro[31] và có đến khoảng 80% giao dịch tiền kỹ thuật số xuất hiện từ các nước châu Á. Việt Nam là một trong 5 quốc gia hàng đầu truy cập các trang web và nền tảng tiền kỹ thuật số[32]. Thêm vào đó, khung pháp lý trong giai đoạn tới cần đáp ứng được việc hạn chế tác động tiêu cực của các đối tượng mới và tạo môi trường thuận lợi cho việc khuyến khích ứng dụng, sáng tạo, đổi mới. Bởi vậy, tác giả cho rằng, Việt Nam cần luật hóa và xác định tiền mã hóa là tài sản đặc biệt; đồng thời, xây dựng khung pháp lý quản lý giao dịch liên quan đến tiền mã hóa nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cũng như xây dựng, hoàn thiện nền tảng số hóa tại Việt Nam./.

 --------------------

[1] Nguyễn Thanh Tú, “Thực trạng quản lý và lưu hành tài sản mã hóa ở Việt Nam và những vấn đề pháp lý đặt ra”, Tham luận tại Hội thảo “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và một số vấn đề pháp lý về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường”, Hà Nội, ngày 30/7/2020, tr.3.

[2] Bitcoin, được một người lấy tên là Satoshi Nakamoto tạo lập vào tháng 01/2009, là một ví dụ điển hình, có thể được coi là tiền mã hóa đầu tiên và hiện nay là tiền mã hóa có giá trị vốn hóa lớn nhất với cộng đồng sử dụng rất đông, ở nhiều nơi trên thế giới. Xem tại: Nguyễn Thanh Tú, “Thực trạng quản lý và lưu hành tài sản mã hóa ở Việt Nam và những vấn đề pháp lý đặt ra”, tlđd, tr.2.

[3] Internaltional Monetary Fund (IMF), Global Financial Stability Report: A Bumpy Road Ahead, 4/2018, p. 21-23. Xem https://www.imf.org/en/Publications/GFSR/Issues/2018/04/02/Global-Financial-Stability-Report-April-2018#:~:text=Chapter%201%3A%20A%20Bumpy%20Road,somewhat%20since%20the%20previous%20GFSR.&text=Emerging%20market%20have%20generally%20improving,tightening%20of%20global%20financial%20conditions, truy cập ngày 10/03/2021.

[4] Blockchain là công nghệ chuỗi - khối, một dạng sổ cái phân tán, cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn trên không gian mạng dựa trên hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp, tương tự như cuốn sổ cái kế toán của một công ty, nơi mà tiền được giám sát chặt chẽ và ghi nhận mọi giao dịch trên mạng ngang hàng.

[5] Phan Chí Hiếu, Nguyễn Thanh Tú (chủ biên), Một số vấn đề pháp lý về tài sản mã hóa, tiền mã hóa, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2019, tr.33.

[6] European Central Bank (ECB), Crypto-Assets: Implications for financial stability, monetary policy, and payments and market infrastructures, May 2019,p. 7. Xem https://www.ecb.europa.eu/pub/pdf/scpops/ecb.op223~3ce14e986c.en.pdf, truy cập ngày 10/3/2021.

[7] Trước đó, Luật Dịch vụ thanh toán của Nhật Bản (được ban hành vào năm 2009, có hiệu lực từ năm 2010) không có quy định liên quan đến tiền mã hóa. Xem Stewart Plant, Yoshiko Kawanami, International briefings Japanese law on payment services, DLA Piper, 4/2016, https://www.dlapiper.com/~/media/files/people/kawanami-yoshiko/win_wise_japanese_law_v9.ashx, truy cập ngày 12/03/2021.

[8] T. Omagari, Y. Sako, Japan’s New Crypto Regulation: 2019 Amendments to Payment Services Act and Financial Instruments and Exchange Act of Japan, K&L Gate Legal Insight, 26/11/2019. Xem https://www.klgates.com/Japans-New-Crypto-Regulation-2019-Amendments-to-Payment-Services-Act-and-Financial-Instruments-and-Exchange-Act-of-Japan-11-26-2019, truy cập ngày 10/03/2021.

[9] Financial Action Task Force (FATF), Virtual Currency: Key Definitions and Potential AML/CFT Risks, 2014, p. 4. Xem tại: https://www.fatf-gafi.org/media/fatf/documents/reports/Virtual-currency-key-definitions-and-potential-aml-cft-risks.pdf, truy cập ngày 11/03/2021.

[10] Directive (eu) 2018/843 of the European parliament and of the council of amending Directive (EU) 2015/849 on the prevention of the use of the financial system for the purposes of money laundering or terrorist financing, and amending Directives 2009/138/EC and 2013/36/EU. Xem https://eur-lex.europa.eu/eli/dir/2018/843/oj, truy cập ngày 10/03/2021.

[11] ISO/IEC 27032:2012(en), Information Technology - Security Techniques - Guidelines for Cybersecurity, Mục 4.50. Xem https://www.iso.org/obp/ui/#iso:std:iso-iec:27032:ed-1:v1:en, truy cập ngày 11/03/2021.

[12] Sổ cái phân tán là một bản ghi thông tin hoặc cơ sở dữ liệu được chia sẻ trên một mạng. Từ góc độ kỹ thuật, nó có thể được sử dụng; ví dụ, để ghi lại các giao dịch trên các địa điểm khác nhau. Một trong những công nghệ làm cho điều này trở nên khả thi được gọi là “blockchain”. Tên gọi này xuất phát từ thực tế là một số giải pháp DLT lưu trữ tất cả các giao dịch riêng lẻ theo nhóm hoặc khối, được gắn với nhau theo thứ tự thời gian để tạo ra một chuỗi dài. Chuỗi dài này được kết hợp với nhau bằng cách sử dụng mật mã, do đó đảm bảo tính bảo mật và tính toàn vẹn của dữ liệu. Chuỗi này sau đó tạo thành một bản ghi các giao dịch mà người dùng của nó coi là bản ghi chính thức. Ngoài blockchains, sổ cái đồng thuận là một loại DLT khác; theo đó, thay vì nhóm và chuỗi các giao dịch, chỉ số dư tài khoản của thành viên được cập nhật sau mỗi vòng xác thực. Xem Pinna, A. and Ruttenberg, “Distributed ledger technologies in securities post-trading. Revolution or Evolution?”, Occasional Paper Series, No.176, European Central Bank, Frankfurt am Main, April, W. (2016).

[13] European Central Bank (ECB), Crypto-Assets: Implications for financial stability, monetary policy, and payments and market infrastructures, May 2019, p.7. Xem https://www.ecb.europa.eu/pub/pdf/scpops/ecb.op223~3ce14e986c.en.pdf, truy cập ngày 10/3/2021.

[14] IOSC, Issues, Risks and Regulatory Considerations Relating to Crypto-Asset Trading Platforms, FR02/2020, 2020, p. 3. Xem https://www.iosco.org/library/pubdocs/pdf/IOSCOPD649.pdf, truy cập ngày 11/03/2021.

[15] FINMA, Guidelines for Enquiries Regarding the Regulatory Framework for Initial Coin Offerings, 16/02/2018, p.3-8; FCA, Guidance on Cryptoassets, CP19/3, 01/2019, p. 8-9.

[16] Nguyễn Thanh Tú, “Thực trạng quản lý và lưu hành tài sản mã hóa ở Việt Nam và những vấn đề pháp lý đặt ra”, tlđd, tr. 3.

[17] Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, Đề tài Khoa học cấp Bộ “Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015”, TS. Đinh Trung Tụng (Chủ nhiệm), 2017, tr. 169.

[18] Sau đây gọi tắt là Nghị định số 101/2012/NĐ-CP.

[19] Khoản 8 Điều 6 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định: “Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”. Khoản 9 Điều 3 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012 của Chính phủ) quy định: “Giấy tờ có giá bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ quỹ, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật trị giá được thành tiền và được phép giao dịch”.

[20] Điều 450 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về mua bán quyền tài sản.

[21] Quyền tài sản như quyền đòi nợ được trị giá bằng tiền, xác lập và chuyển giao quyền sở hữu theo Điều 221, 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 về căn cứ xác lập quyền sở hữu và điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự; Điều 365, 450 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về chuyển giao quyền yêu cầu, mua bán quyền tài sản.

[22] Điều 221, 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 về căn cứ xác lập quyền sở hữu và điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.

[23] Điều 8 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[24] Bộ Tư pháp, Báo cáo số 255/BC-BTP ngày 29/10/2018 về việc rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và quốc tế; nhận diện, đề xuất các định hướng hoàn thiện, Hà Nội, 2018. Xem thêm: Phan Chí Hiếu, Nguyễn Thanh Tú (chủ biên), Một số vấn đề pháp lý về tài sản mã hóa, tiền mã hóa, tlđd, tr. 244.

[25] Khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005, hàng hóa bao gồm: (i) tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; và (ii) những vật gắn liền với đất đai (bất động sản).

[26] Khoản 2 Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010.

[27] Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán (đã được sửa đối, bổ sung bởi Thông tư số 20/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 và Thông tư số 30/2016/TT-NHNN ngày 14/10/2016).

[28] Thông cáo báo chí ngày 27/02/2014, ngày 11/12/2014, ngày 28/10/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Xem https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/sm/tcbc/ttvhdnhtt/ttvhdnhtt_chitiet?leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=CNTHWEBAP0116211755883&rightWidth=0%25&centerWidth=80%25&_afrLoop=17388302872705297#%40%3F_afrLoop%3D17388302872705297%26centerWidth%3D80%2525%26dDocName%3DCNTHWEBAP0116211755883%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3Dfjjn1c1kr_4, truy cập ngày 11/03/2021.

[29] Điểm b khoản 9, điểm d khoản 6 Điều 27 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, chủ thể phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt từ 150 đến 200 triệu đồng. Ngoài ra, chủ thể này còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và bị buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

[30] Khoảng 150 quốc gia cơ bản chưa thể hiện quan điểm quản lý tiền mã hóa. Xem: Jan Lansky: “Possible Approaches to Cryptocurrencies”, Journal of Systems Integration, Vol. 9(1), 2018, p. 22-23.

[31] European Central Bank (ECB), Crypto-Assets: Implications for financial stability, monetary policy, and payments and market infrastructures, May 2019,p. 7. Xem https://www.ecb.europa.eu/pub/pdf/scpops/ecb.op223~3ce14e986c.en.pdf, truy cập ngày 10/3/2021.

[32] David Abel, Vietnam forms group for digital currency policy research, 17 May 2020. https://coingeek.com/vietnam-forms-group-for-digital-currency-policy-research/?fbclid=IwAR20bQOAiTodfDa-JdkIt_j1Kn9CKgv9FWtFswGuXNY7wO33362MtHkum-Y, truy cập ngày 10/3/2021.

Nguyễn Văn Ngọc

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 08 (432), tháng 4/2021. VnExpress) 

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow