Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi công chứng viên
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do Công chứng viên (CCV) gây ra trong hoạt động công chứng là một dạng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Hành vi gây thiệt hại của Công chứng viên (CCV) trong quá trình tác nghiệp là việc CCV không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy trình, thủ tục công chứng, gây thiệt hại cho người yêu cầu công chứng. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do CCV gây ra trong hoạt động công chứng là một dạng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do cá nhân CCV gây ra khi thi hành nhiệm vụ.
Theo Luật Công chứng năm 2014 quy định hai hình thức hành nghề công chứng: Phòng Công chứng và Văn phòng công chứng. CCV làm việc trong các Phòng Công chứng là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp thì họ là công chức hoặc viên chức nhà nước theo quy định tại Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010. Theo đó, CCV giữ chức vụ lãnh đạo được bổ nhiệm giữ các vị trí trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập (Trưởng phòng công chứng) là công chức; CCV làm việc trong đơn vị sự nghiệp (Phòng công chứng) theo chế độ hợp đồng là viên chức. Như vậy, nếu trong Phòng Công chứng có CCV là công chức thì khi gây thiệt hại phải áp dụng những quy định trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (Luật TNBTNN 2017) và thiệt hại do CCV là viên chức gây ra sẽ tuân thủ quy định của Luật Viên chức.
- Thứ nhất: Bồi thường thiệt hại do CCV là công chức gây ra trong hoạt động công chứng. Theo quy định tại Điều 7, Luật TNBTNN năm 2017, nếu CCV là công chức gây thiệt hại thì chỉ cần xác định có thiệt hại thực tế xảy ra do hành vi trái pháp luật của CCV gây ra và có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật này của CCV. Nếu CCV là công chức gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại trên cơ sở thương lượng giữa người bị thiệt hại và CCV gây thiệt hại và thiệt hại ở đây được xác định chi trả bằng tiền và trả một lần, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Kinh phí để thực hiện bồi thường thiệt hại từ ngân sách Nhà nước theo Điều 60, Luật TNBTNN 2017.
Trình tự, thủ tục cấp và chi trả tiền bồi thường được quy định như sau: Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan tài chính phải hoàn thành việc cấp phát kinh phí bồi thường cho cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí do cơ quan tài chính cấp, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu bồi thường về việc chi trả tiền bồi thường. Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày người yêu cầu bồi thường nhận được thông báo, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải tiến hành chi trả tiền bồi thường…
Căn cứ vào các quy định của pháp luật về trình tự thủ tục cấp và chi trả bồi thường thì phải tuân theo một quy trình chặt chẽ như: Chứng minh thiệt hại, có văn bản xác định thiệt hại do hành vi trái pháp luật của CCV gây ra, có quyết định hoặc bản án của Tòa án theo trình tự của Luật Tố tụng dân sự năm 2015, có hồ sơ đề nghị bồi thường thì cơ quan có thẩm quyền mới tiến hành trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại. Sau khi được Nhà nước đứng ra bồi thường do hành vi trái pháp luật của mình gây ra khi thi hành công vụ thì công chức phải có nghĩa vụ hoàn trả số tiền đã bồi thường cho Nhà nước và bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Luật TNBTNN 2017 quy định trách nhiệm hoàn trả của công chức khi thi hành công vụ gây thiệt hại là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với quy định tại Điều 598, Bộ luật dân sự năm 2015. Điều này một mặt tránh sự lợi dụng cố tình làm sai gây thất thu ngân sách nhà nước, mặt khác góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của công chức khi thi hành công vụ.
Việc xác định mức hoàn trả được thực hiện tại khoản 1, Điều 56, Luật TNBTNN 2017 dựa vào căn cứ mức độ lỗi của người thi hành công vụ và số tiền Nhà nước đã bồi thường. Yếu tố lỗi cố ý hay vô ý gây thiệt hại sẽ là căn cứ để xác định mức hoàn trả là bao nhiêu. Nếu người thi hành công vụ do lỗi cố ý gây thiệt hại thì phải hoàn trả cao hơn so với trường hợp vô ý gây thiệt hại. Cách quy định này hoàn toàn phù hợp với nguyên lý chung và bản chất của yếu tố lỗi khi xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
- Thứ hai: Bồi thường thiệt hại do CCV là viên chức gây ra trong hoạt động công chứng. Đối với CCV là viên chức hành nghề tại các Phòng Công chứng, nếu gây thiệt hại thì có trách nhiệm hoàn trả lại cho đơn vị sự nghiệp công lập khoản tiền mà đơn vị này đã bồi thường cho người bị thiệt hại do hành vi có lỗi gây thiệt hại cho người khác trong quá trình tác nghiệp. Quy định trên được cụ thể hóa tại Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức, trong đó xác định các trường hợp xử lý trách nhiệm bồi thường hoàn trả.
Đối với CCV là viên chức thì có hai dạng trách nhiệm: Một là, trách nhiệm bồi thường phát sinh khi CCV làm mất mát, hư hỏng trang thiết bị hoặc có hành vi khác gây hại tài sản của Phòng Công chứng. Hai là, trách nhiệm hoàn lại cho Phòng Công chứng khi Phòng Công chứng với tư cách là cơ quan quản lý viên chức đó đã đứng ra bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng.
Theo quy định của Luật Viên chức, CCV là viên chức chỉ có trách nhiệm hoàn lại nếu CCV đó có lỗi gây thiệt hại cho người yêu cầu công chứng. Viên chức gây thiệt hại nếu tự nguyện bồi thường và được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đồng ý thì không phải thành lập Hội đồng xử lý trách nhiệm bồi thường hoặc trách nhiệm hoàn trả. Việc thành lập Hội đồng xử lý trách nhiệm bồi thường, Hội đồng xử lý trách nhiệm hoàn trả cũng như nhiệm vụ và các nguyên tắc hoạt động của các hội đồng này, hồ sơ xử lý về bồi thường, hoàn trả cũng được quy định cụ thể tại Nghị định số 27/2012/NĐ-CP.
So sánh quy định về bồi thường thiệt hại do CCV là công chức gây ra theo Luật TNBTCNN 2017 với quy định về trách nhiệm bồi thường, hoàn trả đối với CCV là viên chức gây ra theo Luật Viên chức và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức chúng ta thấy rằng, quy định đối với viên chức chặt chẽ hơn, cụ thể hơn.
- Thứ ba: Đối với CCV tại Văn phòng công chứng gây thiệt hại, không áp dụng các quy định của Luật TNBTCNN 2017 hay Luật Viên chức, vì họ không phải là công chức hay viên chức nhà nước. Việc bồi thường của CCV tại Văn phòng công chứng gây thiệt hại thì áp dụng Điều 38 Luật Công chứng năm 2014 và Điều 20, Điều 21 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP.
Tóm lại, Luật Công chứng năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do CCV gây ra, nhằm mục đích bảo đảm quyền và lợi ích của người yêu cầu công chứng, tổ chức, cá nhân khác bị xâm phạm bởi hành vi công chứng của CCV gây ra. Ngoài ra, các quy định này còn nhằm mục đích để CCV ý thức được trách nhiệm nghề nghiệp của mình, tránh tình trạng lạm quyền để công chứng sai, không đúng sự thật, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.../.
Phản ứng của bạn là gì?